Phiên điều trần cuối cùng: Ông Trump có ra khai trước Quốc Hội?

Câu chuyện thứ Năm
Hôm thứ Năm 13-10-2022 Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 quyết định gửi trát đòi cựu Tổng thống D. Trump phải ra khai trước Ủy ban về hành vi của ông ta trong sự kiện lịch sử đó. Ủy ban đã thu thập 1,000 cuộc phỏng vấn, xem xét hơn 140,000 tài liệu và sẽ có báo cáo cuối cùng trong thời gian tới. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

Kết thúc phiên điều trần công khai kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ chiều Thứ Năm 13 Tháng Mười, Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 tấn công trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ (gọi tắt là Ủy ban) đã bỏ phiếu hoàn toàn đồng ý với quyết định gửi trát (subpoena) đòi cựu Tổng thống Donald Trump ra khai báo hữu thệ trước Ủy ban về vai trò “trung tâm” của ông trong sự kiện lịch sử đó.

“Ông ta chính là người ở trung tâm của câu chuyện về những gì xảy ra ngày 6 Tháng Giêng. Ông ta phải chịu trách nhiệm. Ông ta phải trả lời cho các hành động của mình,” Dân biểu Bennie Thompson, đảng Dân Chủ bang Mississippi, Chủ tịch Ủy ban thông báo sau cuộc bỏ phiếu, trong đó cả chín ủy viên của Ủy ban đều bỏ phiếu thuận.

 

-Phiên điều trần thứ nhất: Donald Trump là kẻ đốt lửa

-Phiên điều trần thứ hai: Sự thật về lời nói dối lớn

-Phiên điều trần thứ ba: Ông Mike Pence thoát chết trong gang tấc

-Phiên điều trần thứ tư: Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ

-Phiên điều trần thứ năm: Bộ Tư Pháp hỗn loạn dưới sức ép của ông Trump

Phiên điều trần thứ sáu: Những tiết lộ giật mình từ bên trong Tòa Bạch Ốc!

Phiên điều trần thứ bảy: Trump kích động đám đông tấn công Quốc Hội

Phiên điều trần thứ tám: 187 phút vô trách nhiệm của ông Trump

 

Dân biểu Liz Cheney, đảng Cộng Hòa, bang Wyoming, Phó Chủ tịch Ủy ban, nói rằng công việc điều tra của Ủy ban sẽ không hoàn thành được nếu không nghe câu trả lời từ “tay chơi trung tâm của sự kiện 6 tháng Giêng”.

 Theo quyết định, ông Trump phải ra trình bày lời khai chính thức, có tuyên thệ. Nhưng hầu hết giới quan sát đều cho rằng, yêu cầu này của Ủy ban sẽ rất khó thực hiện vì nhiều lý do. Một là vì trong lịch sử Hoa Kỳ chưa từng có tiền lệ một người đứng đầu nhánh hành pháp (là tổng thống hoặc cựu tổng thống) phải ra điều trần trước nhánh lập pháp (Quốc Hội). Việc đòi ông Trump ra khai trước Hạ Viện do vậy là chuyện mới, chưa từng được minh định trong Hiến pháp và hệ thống luật pháp quốc gia. Hai là, ông Trump luôn từ chối hợp tác với Ủy ban mà ông coi là một tổ chức phi pháp, mang nặng tính đảng phái. Và ba là, trong trường hợp ông Trump từ chối hợp tác, việc trát đòi sẽ phải trải qua một tiến trình kiện tụng và tranh cãi pháp lý hết sức phức tạp và kéo dài, có thể kéo đến tận năm sau. 

Nếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6 Tháng Mười Một sắp tới, đảng Cộng Hòa giành được đa số ghế trong Hạ Viện và bắt đầu thực thi quyền của đa số từ Tháng Giêng 2023 thì khi ấy Ủy ban chắc chắn sẽ bị giải tán, việc đòi ông Trump ra điều trần sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Những nỗ lực chính thức của Ủy ban truy cứu trách nhiệm gây ra vụ tấn công trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ cũng sẽ chấm dứt.

Và cuối cùng, cho dù ông Trump phải ra khai trước Ủy ban, ông ta vẫn có thể từ chối trả lời các câu hỏi bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ Năm, cho phép không đưa ra câu trả lời có thể sử dụng để tự buộc tội. Đã có 30 quan chức là cộng sự gần gũi của ông Trump viện dẫn quyền im lặng này; và hai cố vấn cao cấp của ông đã từ chối chấp hành trát đòi của Ủy ban: Ông Stephen K. Bannon bị kết tội coi thường Quốc Hội hồi Tháng Bảy và ông Peter Navarro sẽ ra tòa vào tháng tới với tội danh tương tự.

Tuy trát đòi có thể không thực hiện được, nhưng Ủy ban vẫn bỏ phiếu tán thành quyết định, vì theo lời Chủ tịch Thompson của Ủy ban, đây là một “nghĩa vụ”, giúp bảo đảm “một vụ tấn công giống như ngày 6 tháng Giêng sẽ không xảy ra trong tương lai”.

***

Phiên điều trần hôm nay Thứ Năm 13 Tháng Mười, là phiên thứ chín, và cũng có thể là phiên cuối cùng, đã trình bày một số thông tin mới, đồng thời đúc kết lại những nội dung đã được trình bày trong tám phiên điều trần công khai trong Tháng Sáu và Tháng Bảy. Nội dung chính được nhắc đi nhắc lại là: Cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 là kết quả trực tiếp và có thể dự đoán được từ sự lựa chọn của ông Trump sau khi ông thất bại trong cuộc tái tranh cử tổng thống năm 2020.

Tại phiên điều trần cuối cùng, Ủy ban cho trình chiếu trích đoạn các thư điện tử của Mật Vụ báo động về khả năng xảy ra bạo động khi đám đông ủng hộ Trump kéo về thủ đô Washington “có vũ trang và đông hơn cảnh sát, không thể ngăn chặn họ được”. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

Dựa chủ yếu vào lời khai của các phụ tá và đồng minh của ông Trump, cuộc điều tra của Ủy ban chứng tỏ ông Trump đã nhiều lần được thông báo rằng ông ta đã thất bại, nhưng ông ta vẫn bám chắc vào các thuyết âm mưu và thông tin xuyên tạc để từ chối thực tế. Ông ta đã gây áp lực buộc các quan chức của đảng Cộng Hòa, các cơ quan chính phủ kể cả Bộ Tư pháp và thậm chí cả phó tổng thống của ông phải làm những việc chưa từng có tiền lệ và có khả năng vi phạm pháp luật để giúp ông tiếp tục giữ chức vụ tổng thống.

Một trong những thông tin mới được trình bày chiều nay là một văn bản nội bộ cho thấy kế hoạch để ông Trump tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận nếu ông bị thua phiếu là một chiến lược đã được tính toán và chuẩn bị từ trước khi cử tri bắt đầu bỏ những lá phiếu đầu tiên.

Ủy ban cũng cung cấp chứng cứ mới chứng tỏ ông Trump hiểu rằng cử tri sẽ không bầu ông một nhiệm kỳ thứ hai nên ông ta vội vã ra lệnh rút ngay lập tức quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan và Somalia, chỉ bốn ngày trước khi các cơ quan truyền thông đồng loạt thông báo ông Joe Biden mới là người chiến thắng.

Ủy ban đã trình bày nhiều thư điện tử và tin nhắn thu thập được từ các sĩ quan đặc nhiệm của Nhà Trắng liên tục cảnh báo ông Trump về khả năng xảy ra bạo lực trong ngày 6 Tháng Giêng do hàng ngàn ủng hộ viên của ông kéo về thủ đô Washington, một số người trang bị vũ khí để phản đối Quốc Hội chứng nhận kết quả bầu cử, nhưng ông ta vẫn cương quyết đòi tham gia đám đông tới bao vây Điện Capitol vào chiều hôm đó như mọi người đã biết.

Phần gây xúc động mạnh trong phiên điều trần chiều nay là những đoạn video cho thấy các nhà lãnh đạo Quốc Hội, từ nơi trú ẩn an toàn khi đám đông tràn vào Điện Capitol, đã hoảng sợ như thế nào, đã liên tục gọi điện thoại cho các cơ quan công lực, cho quân đội và khẩn khoản yêu cầu Vệ binh Quốc gia bang Virginia đến ứng cứu ra sao.

“Không có điều gì trong chuyện này là bình thường, là chấp nhận được hoặc hợp pháp trong nền cộng hòa của chúng ta,” Dân biểu Liz Cheney nói.

***

Tuy vậy, trong nền chính trị bị “vôi hóa” và phân cực sâu sắc của xã hội Mỹ, cử tri gắn chặt với quan điểm của đảng mình và từ chối dữ kiện thực tế, cuộc điều tra và chín phiên điều trần công khai với những thông tin đáng kinh ngạc đã gần như không làm thay đổi nhiều xu hướng của dư luận.

Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy một bộ phận dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ ông Trump, không theo dõi các phiên điều trần được chiếu công khai trên hầu hết các mạng truyền hình lớn và không thay đổi quan điểm so với trước khi cuộc điều tra vụ bạo loạn diễn ra.

Một cuộc thăm dò tháng trước của Đại học Monmouth ghi nhận 29% người Mỹ vẫn tin rằng ông Joe Biden thắng cử nhờ gian lận phiếu bầu – một tỷ lệ không đổi so với cuộc thăm dò hồi Tháng Sáu, trước khi diễn ra phiên điều trần công khai đầu tiên. Có đến 61% đảng viên Cộng Hòa nghĩ như vậy. 

Sau các cuộc điều trần, có 38% số người được hỏi ý kiến nói ông Trump “phải chịu trách nhiệm trực tiếp” về vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, giảm so với tỷ lệ 42% hồi Tháng Sáu.

Dân biểu Liz Cheney, Cộng Hòa, Wyoming, Phó Chủ tịch Ủy ban, nói tại phiên điều trần rằng những kẻ lập kế hoạch lật đổ cuộc bầu cử và đưa đến bạo lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

Tuy vậy, những người quan sát chính trị cho rằng, với khối lượng thông tin khổng lồ từ hàng ngàn cuộc phỏng vấn hữu thệ, tài liệu và chứng cứ hết sức chi tiết, cuộc điều tra của Ủy ban đã đặt một nền tảng quan trọng buộc Bộ Tư pháp phải hành động. Hàng trăm kẻ tham gia bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng đã bị bắt và xét xử và các công tố viên của Bộ này đã bắt đầu âm thầm triển khai cuộc điều tra của riêng họ đối với ông Trump và các phụ tá cao cấp của ông từ vài tháng nay. 

Kết thúc phiên điều trần cuối cùng hôm Thứ Năm 13 Tháng Mười, Ủy ban cho biết họ sẽ công bố báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng tới, và tỏ dấu hiệu cho biết Ủy ban sẽ xem xét có quyết định đề nghị cơ quan tư pháp điều tra hình sự vụ việc hay không sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

“Đất nước chúng ta không thể chỉ trừng phạt những binh nhì chân đất tràn vào Điện Capitol. Những kẻ lập kế hoạch lật đổ cuộc bầu cử và đưa chúng ta đến bạo lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm. Với mỗi nỗ lực biện hộ hoặc tha thứ cho hành vi của cựu tổng thống, chúng ta lại xói mòn một chút nền móng của nền cộng hòa. Những hành vi không thể bảo vệ đã được bảo vệ. Hành vi không thể tha thứ đã được tha thứ. Không truy cứu trách nhiệm, tất cả đều trở thành bình thường và sẽ tái diễn,” bà Liz Cheney, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên bố khi kết thúc phiên điều trần thứ chín và cũng là phiên cuối cùng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: