Phố Tàu New York: Tràn ngập dân Trung Quốc nhập cư lậu

Người Trung Quốc nhập cư lậu vào Mỹ đến New York City ngày càng đông (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Ngày càng xuất hiện nhiều những người nhập cư lậu gốc Trung Quốc ở New York. Họ theo gót những người di cư từ Trung và Nam Mỹ và băng qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Người ta không biết chính xác có bao nhiêu người nhập cư Trung Quốc đã đến New York nhưng hồ sơ gửi lên tòa án nhập cư kể từ Tháng Mười 2022 cho thấy tiểu bang New York là điểm đến hàng đầu của họ – với hơn 21,000 hồ sơ liên quan người nhập cư Trung Quốc (nơi thứ hai ở Mỹ chứng kiến dòng người nhập cư lậu gốc Trung Quốc nữa là California – theo phân tích của Julia Gelatt, phó giám đốc tại Viện Chính sách Di cư Hoa Kỳ, Migration Policy Institute).

Dòng người nhập cư Trung Quốc vào New York City là lớn nhất trong hơn một thập niên và đánh dấu sự trở lại của làn sóng nhập cư quy mô lớn của người Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980. Người mới đến đang dồn cứng vào những khu vốn đông đúc nghẹt thở như Phố Tàu (Chinatown), Flushing (Queens), và Sunset Park (Brooklyn). Sự bùng nổ làn sóng nhập cư Trung Quốc hiện không được chú ý nhiều, một phần vì nó bị lấn át bởi số lượng người đến từ Mỹ Latin. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng số người Trung Quốc mới đến chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đến New York City và cộng đồng người Mỹ gốc Hoa tại New York nói chung (590,000 người).

Kenneth J. Guest, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Baruch, người nghiên cứu về vấn đề nhập cư Trung Quốc, cho biết: “Có một cuộc nhập cư quy mô lớn đang diễn ra trong cộng đồng người Hoa hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát”. Việc người Trung Quốc bỏ quê hương ra đi là do tình hình kinh tế Trung Quốc ngày càng tệ, cũng như bởi chính sách kiểm soát khắc nghiệt nhằm vào người dân của chính quyền Tập Cận Bình.

Trên khắp nước Mỹ, số lượng người nhập cư Trung Quốc nói chung đang tăng vọt. Theo phân tích của Julia Gelatt, phó giám đốc tại Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute), trong năm tài chính 2023, có 52,700 người nhập cư Trung Quốc đến Mỹ mà không có thị thực nhập cảnh hợp lệ (họ đến bằng đường bộ, đường thủy và hàng không) – nhiều gấp đôi so với hai năm trước đó. Những con số này không bao gồm những người lọt lậu vào biên giới mà không gặp giới chức xét duyệt thị thực hoặc những người ở lại quá hạn thị thực.

Một bài báo mới đây của The New York Times thuật: Wang Chao, 39 tuổi, là nhân viên bảo vệ khách sạn ở tỉnh Hải Nam trước khi rời Trung Quốc vào Tháng Mười 2023. Đương sự bay tới Thái Lan, đến Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi hạ cánh xuống Ecuador và bắt đầu chuyến hành trình dài về phía Bắc. Đương sự mắc sốt xuất huyết và sốt rét trong rừng nhiệt đới ở Panama và sau đó bị đuổi xuống khỏi một chiếc xe tải chở người di cư ở Guatemala… Cuối cùng, Wang vượt biên vào California, nơi đương sự cho biết mình bị nhà chức trách địa phương tạm giam. Khi được trả tự do,  Wang Chao đến Flushing (New York City) vào Tháng Mười Hai 2023…

Đa số người nhập cư Trung Quốc tránh xa những địa điểm dành cho người vô gia cư của New York City. Họ lẩn vào và hòa trộn nhanh trong các khu cộng đồng đông người đồng hương. Từ lâu, các khu Phố Tàu, hình thành từ những năm 1850 ở Bờ Tây, đã là nơi quần tụ của người Hoa nhập cư. Họ cưu mang và bảo bọc nhau, chống lại tình trạng phân biệt đối xử, và chống Đạo luật Loại trừ người Hoa (Chinese Exclusion Acts), vốn là chính sách hạn chế nhập cư từ năm 1882 đến những năm 1940.

Cộng đồng gốc Hoa từ lâu có truyền thống xây dựng các hệ thống hỗ trợ để họ có thể tập hợp nguồn vốn tài chính và tài lực xã hội nói chung. Thượng nghị sĩ bang John C. Liu cho biết, ngày nay, hệ thống hỗ trợ người đồng hương của dân gốc Hoa ở New York vẫn phát triển mạnh và trở thành “khu nghỉ dưỡng đầu tiên” cho những người nhập cư mới đến thời gian gần đây.

Tại các ngôi nhà mặt tiền khu vực Flushing, hiện dán đầy những bảng quảng cáo chữ Tàu giới thiệu vô số dịch vụ liên quan hỗ trợ cộng đồng. Tại Sunset Park, nơi có một cộng đồng lớn người nhập cư từ tỉnh Phúc Kiến, người Hoa tập trung tại nhà thờ để dự các buổi lễ cuối tuần và học Kinh Thánh. Tại Trung tâm mua sắm East Broadway ở Phố Tàu New York City, hàng trăm người mới đến tụ tập, qua truyền miệng, để được trợ giúp đăng ký ID và tìm kiếm các nguồn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe miễn phí…

The Conversation cho biết, ước tính có khoảng 55% người Trung Quốc xin tị nạn thành công, với lý do phổ biến là bị áp bức chính trị và thiếu tự do tôn giáo (trong khi đó, chỉ có 29% người Venezuela xin tị nạn ở Mỹ được chấp thuận, và con số này thậm chí còn thấp hơn đối với người Colombia, ở mức 19%). Theo dữ liệu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, những người xin tị nạn từ Trung Quốc đã thắng kiện tại tòa án nhập cư Hoa Kỳ với tỷ lệ 58%.

Việc dân Trung Quốc “đậu visa” sang Mỹ ngày càng khó khăn có thể là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng nhập cư lậu vào Mỹ của người Trung Quốc tăng. Reuters cho biết, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tỷ lệ từ chối công dân Trung Quốc đối với các loại thị thực du lịch phổ biến chiếm 80% trong năm tài chính 2021 và hơn 30% vào năm 2022, hai năm cao nhất được ghi nhận. Trong khi việc cấp thị thực Hoa Kỳ trên toàn cầu hầu hết được phục hồi về mức trước đại dịch, số lượng thị thực Hoa Kỳ cấp từ Trung Quốc vào năm 2022 vẫn thấp hơn 90% so với mức trước đại dịch năm 2019.

Thời điểm hiện tại, dòng người Trung Quốc nhập cư lậu vào Mỹ vẫn tăng. Theo Fox News, số liệu mới được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (Customs and Border Protection – CBP) công bố cho thấy số người nhập cư Trung Quốc đổ qua biên giới phía Nam đã tăng mạnh kể từ thời điểm này năm ngoái, làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia. Nguồn tin của CBP cho biết, hơn 20,000 công dân Trung Quốc đã vượt biên trái phép kể từ khi năm tài chính mới bắt đầu vào ngày 1 Tháng Mười 2023 – và hơn 90% trong số họ đã vượt biên vào khu vực biên giới San Diego. Đó là nơi giới chức trách địa phương Mỹ chứng kiến con số kỷ lục, với số người Trung Quốc nhập cư tăng hơn 500% so với thời điểm này năm 2023.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: