Hạ viện Mỹ vừa chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý “phi thực dân hóa” Puerto Rico, mở đường cho lãnh thổ thuộc Mỹ này trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ.
Khó qua cánh cửa hẹp
Hôm 15 Tháng Mười Hai, lần đầu tiên Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép Puerto Rico tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để có thể trở thành tiểu bang 51 của nước Mỹ hay giành được một hình thức độc lập nào đó. Cuộc trưng cầu dân ý này mang tính ràng buộc (binding referendum).
Tuy nhiên, nỗ lực này có rất ít cơ hội qua được cánh cửa hẹp Thượng viện. Dự luật được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 233-191 (một số Dân biểu Cộng hòa ủng hộ) sẽ cho các cử tri sống tại Puerto Rico ba lựa chọn: trở thành tiểu bang, độc lập hoặc độc lập giới hạn (independence with free association).
“Đối với tôi, điều quan trọng là bất kỳ đề xuất nào của Quốc hội Mỹ nhằm phi thực dân hóa Puerto Rico đều phải được thông báo và được lãnh đạo bởi chính người Puerto Rico,” Dân biểu Raúl Grijalva (Dân chủ-Arizona), Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện (House Natural Resources Committee), cơ quan giám sát các lãnh thổ thuộc Mỹ, nêu rõ.
Dự luật nếu được lưỡng viện thông qua sẽ là cam kết của Quốc hội chấp nhận Puerto Rico gia nhập Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ với tư cách là tiểu bang thứ 51, tất nhiên phải được đa số cử tri trên đảo đồng tình trong cuộc trưng cầu dân ý. Cử tri cũng có thể chọn độc lập hoàn toàn hoặc độc lập giới hạn (với những điều khoản sẽ được xác định sau những cuộc đàm phán về các vấn đề đối ngoại, quyền công dân Mỹ và việc sử dụng đồng đôla Mỹ).
Lãnh đạo đa số Hạ viện Steny Hoyer (Dân chủ-Maryland), người đã làm việc về vấn đề này trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, nhận định: “Chúng tôi phải mất một chặng đường dài và gian nan mới đưa được dự luật ra Hạ viện. Đã quá lâu rồi, người dân Puerto Rico không được thụ hưởng đầy đủ những lời hứa về nền dân chủ và quyền tự quyết mà quốc gia chúng ta luôn ủng hộ”. Sau khi được Hạ viện hiện vẫn do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện, nơi nó phải đối mặt với thời gian không còn nhiều trước cuối năm trong tình hình các nhà lập pháp đảng Cộng hòa (đảng sẽ chiến đa số), luôn kiên trì phản đối quy chế tiểu bang của Puerto Rico.
Dị biệt ngay trong nội bộ người dân
Thống đốc Puerto Rico Pedro Pierluisi thuộc Đảng Tiến bộ Mới (New Progressive Party-NPP) cầm quyền ủng hộ quy chế tiểu bang, bay tới Washington để chứng kiến cuộc bỏ phiếu về dự luật trưng cầu dân ý. Gọi đó là “một ngày lịch sử”, ông tuyên bố “3.2 triệu công dân Hoa Kỳ sống trên đảo bị đối xử thiếu bình đẳng, không có đại diện công bằng trong chính phủ liên bang và không thể bỏ phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử. Nhưng cuộc chiến không hề dễ dàng. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài ra, phải xem sứ mệnh phi thực dân hóa Puerto Rico là một vấn đề dân quyền”.
Các thành viên trong đảng của ông, gồm Ủy viên Thường trú Puerto Rico Jenniffer González cũng ủng hộ dự luật, dù phản ứng trên lãnh thổ Hoa Kỳ phần lớn là yếu và báo trước thất bại vì gần như chắc chắn dự luật sẽ bị Thượng viện bác bỏ. Đề xuất về một cuộc trưng cầu dân ý có tính ràng buộc đã lên dây cót cho nhiều người trên một hòn đảo vốn đã tổ chức bảy cuộc “trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc” (nonbinding referendum) về tình trạng chính trị của hòn đảo mà chưa lần nào đạt được đa số áp đảo.
Cuộc trưng cầu dân ý gần đây nhất được tổ chức vào Tháng Mười Một, 2020, chỉ có 53% số phiếu ủng hộ so với 47% chống trong hơn phân nửa cử tri tham gia. Cuộc trưng cầu dân ý mang tính ràng buộc được đề xuất sẽ đánh dấu lần đầu tiên tình trạng hiện tại của Puerto Rico không được xem là “lựa chọn bắt buộc”. Đây là đòn giáng mạnh vào Đảng Dân chủ Phổ thông (Popular Democratic Party-PDP) đối lập chính, ủng hộ giữ nguyên hiện trạng.
Luật sư Pablo José Hernández Rivera ở Puerto Rico ủng hộ hiện trạng, nhận định: “Theo tôi, dự luật mới được Hạ viện thông qua không quan trọng bằng việc thông qua các dự luật trước đó vào năm 1998, 2010. Người Puerto Rico đã quá mệt mỏi với việc NPP đã dành đến 28 năm ở Washington để tiêu tốn nguồn lực cho các cuộc vận động khô khan và phi dân chủ”.
González, đại diện của Puerto Rico tại Quốc hội Mỹ (không có quyền bỏ phiếu), ca ngợi: “Dự luật sẽ cung cấp cho hòn đảo quyền tự quyết mà nó xứng đáng. Nhiều người dân chúng tôi không đồng thuận về tương lai hòn đảo sẽ như thế nào, nhưng tất cả đều đồng ý quyết định cuối cùng nên thuộc về người dân Puerto Rico”.