Quan tòa và tỷ phú: Vụ tai tiếng của Clarence Thomas 

Một hình ảnh tượng trưng mà người biểu tình dựng lên trước hàng rào trụ sở TCPV Mỹ trong cuộc biểu tình ngày 28/07/2022 yêu cầu luận tội Thẩm phán TCPV Clarence Thomas – người chủ trì phán quyết đảo ngược án lệ Roe v. Wade, hủy bỏ quyền phá thai của phụ nữ. Ảnh Nathan Posner/Anadolu Agency via Getty Images

Thẩm phán Clarence Thomas – một trong chín vị quan tòa đầy quyền lực của Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ – đang phải đối mặt với những lời kêu gọi luận tội sau khi những hành vi vi phạm đạo đức công vụ của ông ta bị phơi bày trên báo chí.

Sáng sớm thứ Năm ngày 6 tháng Tư 2023, trang ProPublica – một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận chuyên điều tra những vụ lạm dụng quyền lực ở Mỹ – đã tung ra một quả bom tấn, cáo buộc ông Clarence Thomas đã thụ hưởng những kỳ nghỉ sang trọng do tỷ phú Harlan Crow – một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa – cung cấp mà không khai báo. Phóng sự của ProPublica nhanh chóng được truyền thông Mỹ và Châu Âu phân tích, lan nhanh như một đám cháy lớn.

Dựa trên các tài liệu thu thập và phỏng vấn người trong cuộc, phóng sự của ProPublica ghi nhận trong hơn hai mươi năm qua, gần như năm nào ông Thomas cũng được tặng những kỳ nghỉ dưỡng sang trọng từ nhà tỷ phú kinh doanh bất động sản có quan điểm bảo thủ Harlan Crow, cư dân Dallas, bang Texas. 

Theo ProPublica, mức lương của một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (TCPV) – một công chức trong chính quyền liên bang – chỉ vào khoảng $285,000 mỗi năm nhưng ông Thomas đã có một cuộc sống xa xỉ, du hành khắp thế giới trên chiếc “siêu du thuyền” (superyacht), đã bay nhiều chuyến trên chiếc phản lực cơ riêng Bombardier Global 5000 của nhà tỷ phú và đã đi cùng ông Crow tới những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những câu lạc bộ kín chỉ dành cho thành viên nam giới; gần như mùa hè nào ông ta cũng nghỉ hè ở khu resort tư nhân trong vùng núi Adirondack ở New York của nhà tỷ phú. 

“Mức độ và tần suất quà tặng của ông Crow dành cho ông Thomas là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của TCPV Hoa Kỳ,” tờ ProPublica nhận định.

Ông Crow cũng bỏ tiền làm phim tài liệu ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của thẩm phán Clarence Thomas, tài trợ cho việc đúc và dựng tượng một cô giáo cũ của ông thẩm phán trong một nghĩa trang Công giáo, thậm chí góp nửa triệu Mỹ kim vào một quỹ vận động chính trị bảo thủ do vợ của ông Thomas điều hành.

Tờ báo nêu chi tiết một ví dụ: Vào cuối tháng Sáu 2019, ngay sau khi TCPV công bố phán quyết cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Clarence Thomas đã lên một chiếc phản lực cơ tư nhân lớn trực chỉ Indonesia. Ông và vợ ông, bà Ginni Thomas, đã trải qua kỳ nghỉ chín ngày ở đất nước vạn đảo, đi từ đảo này sang đảo khác trên một chiếc siêu du thuyền dài 162 feet (49.3 mét) được một đám nhân viên phục vụ và có cả một đầu bếp riêng. Nếu vợ chồng ông Thomas phải trả tiền thuê máy bay và du thuyền thì chuyến nghỉ dưỡng này sẽ tốn không dưới nửa triệu Mỹ kim, tức gần hai năm tiền lương của ông thẩm phán. Phi cơ và du thuyền, tất nhiên thuộc sở hữu của tỷ phú Harlan Crow, nhà tài trợ lớn (megadonor) của đảng Cộng hòa, từng đóng góp nhiều triệu Mỹ kim vào các chương trình chính trị của cánh hữu.

Thẩm phán TCPV Clarence Thomas (da màu, hàng ngồi, thứ hai từ bên trái) trong đội ngũ 9 quan tòa của TCPV Hoa Kỳ. Ảnh Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images

Vấn đề là những chuyến du lịch và nghỉ dưỡng sang trọng mà ông Thomas nhận được từ tỷ phú Crow không hề xuất hiện trong các bản khai tài chính của ông ta. Theo ý kiến của hai chuyên gia về luật đạo đức công vụ, việc không báo cáo những chuyến bay như vậy vi phạm một đạo luật ban hành sau vụ bê bối Watergate năm 1974, bắt buộc các thẩm phán, quan tòa, thành viên của Quốc hội và công chức liên bang phải công khai phần lớn quà tặng có giá trị. Ông Thomas cũng phải công khai những chuyến du lịch bằng siêu du thuyền. “Bằng việc nhận những chuyến du lịch, Thomas đã phá vỡ quy tắc lâu đời về hành vi của các thẩm phán”, ProPublica dẫn ý kiến các chuyên gia đạo đức công vụ và bốn thẩm phán liên bang tại chức hoặc đã nghỉ hưu, nhận định.

Bà Virginia Canter, một cựu luật sư về đạo đức công vụ, từng phục vụ trong các chính quyền của cả hai đảng nói ông Thomas “dường như đã hoàn toàn không để ý tới nghĩa vụ đạo đức cao cả của ông ta. Khi cuộc sống của một quan tòa được những người giàu có và có tiếng tăm đài thọ thì nó hiển nhiên xói mòn niềm tin của công chúng. Nói thật, tôi rất đau lòng”.

Có rất ít hạn chế về quà tặng mà các thẩm phán có thể nhận, không giống quy định cho các ngành khác của chính phủ. Các thành viên Quốc hội nói chung bị cấm nhận quà có giá trị từ $50 trở lên và cần được ủy ban đạo đức phê chuẩn trước khi nhận những chuyến du lịch kiểu như ông Thomas nhận của ông Crow. Ngay cả tổng thống Hoa Kỳ, khi nhận quà tặng từ các nguyên thủ quốc gia nước ngoài, đều phải nộp cho cơ quan lưu trữ của chính phủ, chỉ được giữ lại những món quà có giá trị dưới $100; muốn giữ những món quà có giá trị lớn hơn thì tổng thống phải bỏ tiền ra mua.

Báo The New York Times cho biết, theo đạo luật Đạo đức Chính phủ (the Ethics in Government Act of 1978) các quan tòa như các thẩm phán liên bang, phải kê khai công khai tài chính hàng năm, trong đó liệt kê tất cả các tặng vật có giá trị lớn hơn $415 nhằm tránh bị mua chuộc hoặc ảnh hưởng. Nhưng đạo luật này không đề cập tới các thẩm phán TCPV – cấp cao nhất của các tòa liên bang.

Trong tuyên bố của mình, tỷ phú Harlan Crow công nhận ông đã rất “hiếu khách” với vợ chồng thẩm phán Thomas “trong nhiều năm”, nhưng cho biết ông Thomas không bao giờ yêu cầu điều đó, và “cũng không khác với lòng hiếu khách mà chúng tôi tặng cho nhiều bạn bè thân thiết của chúng tôi”. Tuyên bố của ông Crow cũng khẳng định, ông và vợ ông không bao giờ thảo luận với ông Thomas về các vụ án đang diễn ra và không biết bất kỳ bạn bè nào của ông ta vận động hoặc gây ảnh hưởng tới Thomas trong bất kỳ vụ án nào. “Chúng tôi không bao giờ tìm cách ảnh hưởng tới Thẩm phán Thomas trong bất kỳ vấn đề pháp lý và chính trị nào”, tuyên bố của ông Crow nói.

Sự trong sáng trong cách đối xử phóng khoáng mà gia đình Crow dành cho gia đình Thomas cũng như ảnh hưởng của mối quan hệ này đến hoạt động của vị quan tòa tối cao là những điều rất khó làm sáng tỏ. 

Dân biểu Hạ Viện Mỹ Ilhan Omar (Dân chủ – Minnesota) phát biểu trước đám đông biểu tình tại trụ sở TCPV Hoa Kỳ ngày 28/07/2022 đòi luận tội Thẩm phán Clarence Thomas. Ảnh Nathan Posner/Anadolu Agency via Getty Images

Nhưng những thông tin mà truyền thông tiết lộ đã khiến các chính trị gia Dân chủ chỉ trích gay gắt Thomas – thẩm phán bảo thủ nhất tại TCPV, người phục vụ lâu nhất với 31 năm và có tiếng nói có ảnh hưởng nhất trong đa số thẩm phán cánh hữu mà năm ngoái đã biểu quyết chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ Mỹ. Nhân vụ này, nhiều nghị sĩ Dân chủ cho biết họ sẽ đẩy mạnh một số dự luật ở Thượng Viện thiết lập quy tắc đạo đức cho các thẩm phán TCPV, tương tự như các công chức của các nhánh hành pháp và lập pháp.

TNS Dick Durbin (Dân chủ – Illinois), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho biết: “Hành vi này đơn giản là không phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức mà người dân Mỹ mong đợi ở bất kỳ công chức nào, chưa nói đến một thẩm phán tại tòa án tối cao. Báo cáo hôm nay một lần nữa chứng minh rằng các thẩm phán TCPV phải tuân theo một bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực thi hành, giống như mọi thẩm phán liên bang khác. Báo cáo ProPublica là lời kêu gọi hành động và Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ hành động.”

Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân chủ – New York) đăng tweet: “Chuyện này vượt ra ngoài vấn đề đảng phái. Mức độ tham nhũng này gây sốc – gần như là một thứ biếm họa. Thomas phải bị luận tội. Nếu không có một số thay đổi đáng kể, đây là chuyện mà Chánh án TCPV [John] Roberts sẽ được biết đến: tham nhũng trong hàng ngũ, xói mòn nền dân chủ và tước đoạt quyền con người.”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, việc luận tội một thẩm phán TCPV vẫn rất khó xảy ra không chỉ vì đảng Cộng hòa nắm đa số tại Hạ Viện. Từ xưa đến nay chỉ có một thẩm phán TCPV từng bị luận tội: ông Samuel Chase bị Hạ Viện đàn hặc vào năm 1804-05 nhưng sau đó ông ta được Thượng Viện tha bổng.

Thẩm phán Clarence Thomas mới đây cũng đã bị kêu gọi từ chức vì “xung đột lợi ích” sau khi người ta phát hiện vợ ông, bà Ginni Thomas – một nhà hoạt động chính trị bảo thủ – có các hoạt động ủng hộ ông Trump trong mưu đồ đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 và ngăn chặn chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden. Nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được điều tra sáng tỏ.

Có thể Clarence Thomas sẽ không bị trừng phạt ngoài những lời lên án của các chính trị gia và giới bình luận truyền thông nhưng những thông tin về hành vi của ông ta chắc chắn sẽ làm mất uy tín của TCPV – vốn đã sụt giảm rất nhiều sau khi tòa án này đưa ra những phán quyết không được đa số dân Mỹ ủng hộ liên quan tới việc bác bỏ án lệ Roe vs. Wade về quyền hiến định của phụ nữ đối với cơ thể mình hồi năm ngoái.

Trong thể chế dân chủ tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp và quan tòa có một vị trí rất đặc biệt; công chúng coi các thẩm phán là người cầm cân nảy mực, thực hiện công lý một cách vô tư, không bị áp lực chính trị và không bị đồng tiền mua chuộc hay lung lạc. Thành viên TCPV – tòa cao nhất của quốc gia – lại càng phải thể hiện phẩm chất “phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất”. Việc một thẩm phán TCPV bị tố cáo sống xa hoa ngoài khả năng tài chánh của mình, được “bao” bởi các nhà tài phiệt và che giấu điều đó trước luật pháp – chưa biết sai đúng đến đâu – thì vẫn hủy hoại niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của chế độ, của guồng máy tư pháp quốc gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: