Sự thật quanh bản án chung thân của người tù hoàng tộc gốc Việt ở Mỹ

Phần 1: Linh mục Tin và những lần xin ân xá bất thành

Ngày 18 Tháng Năm, 2022, SGN đăng lại nguyên văn lá thư nhận được của một người tù gốc Việt đang bị giam với án chung thân tại Mỹ. Thư được gửi đến từ thân nhân của phạm nhân với mục đích giải trình rõ hơn về sự việc đã xảy ra hơn 22 năm.

Để làm rõ câu chuyện ở mức khách quan hết sức có thể, SGN cố gắng liên lạc với linh mục Tin, người được Bảo Linh nhắc nhiều trong thư, em gái Bảo Linh là Công Huyền Huyền Tôn Nữ Bích Liên, người giúp Bảo Linh gửi lá thư cho SGN và một số người khác, kể cả người tù gốc Việt – anh Bảo Linh. Toàn bộ câu chuyện được kể lại theo ký ức của từng nhân vật.

***

Linh mục Tin

Cuộc nói chuyện với linh mục Tin Nguyễn hiện đang ở Florida khá dễ dàng vì ông đã được em gái của Bảo Linh, cô Công Huyền Huyền Tôn Nữ Bích Liên báo trước. Từ linh mục Tin, hình ảnh, tính cách của Bảo Linh của những ngày đầu đặt chân đến Mỹ hiện ra rõ rệt.

Năm 1987, trên chuyến ghe nhỏ từ Đà Nẵng ra khỏi hải phận Việt Nam có ông Tin Nguyễn và cậu thanh niên 17 tuổi – Bảo Linh. Cả hai không có quan hệ ruột thịt. Ông Tin là bằng hữu thâm giao với ba mẹ của Bảo Linh. Họ tin tưởng và quyết định gửi gắm cậu con trai cho người bạn trong chuyến vượt biển đến xứ sở tự do.

Theo lời ông Tin, tức linh mục Tin bây giờ, Bảo Linh là một thanh niên nhỏ người, hiền lành. Anh được cha mẹ bảo bọc, cưng chiều từ nhỏ nhưng rất ngoan, không quậy phá. “Chỉ có điều Linh nó dễ bị xúc động, nhất là khi có sự tác động đến tâm lý. Thanh niên mới lớn thường hay chứng tỏ mình, thích làm anh hùng” – linh mục Tin nói như thế khi tôi hỏi về tính cách của anh. Một suy nghĩ đã thoáng qua rất nhanh trong tôi về cái đêm định mệnh đã đưa anh đến bản án chung thân.

Chuyến đi vượt biển đó thành công. Ông Tin và Bảo Linh đến trại tỵ nạn Hong Kong. Lúc đó, vì là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi nên Bảo Linh chỉ ở đảo 14 tháng thì định cư ở Mỹ, đến California sống với gia đình người cô ruột, Công Tằng Tôn Nữ Tố Nga.

Bảo Linh cùng vợ và hai con gái. Ảnh: Bảo Liên

Vài năm sau ông Tin rời đảo, định cư ở Lincoln, Nebraska. Trước khi về Nebraska, ông có đến California thăm gia đình Bảo Linh. “Hồi đó việc làm ở Nebraska nhiều và dễ tìm so với California nên thời gian sau Bảo Linh liên lạc với tôi rồi dọn về ở cùng với tôi” – linh mục Tin nhớ lại. Bảo Linh được giới thiệu làm công nhân trong một hãng ở Nebraska. Lương bổng khá, tốt hơn những người khác. Bạn gái của Linh lúc đó (sau này là vợ) cũng có công việc ổn định.

Sau đó, ông Tin rời Nebraska để bắt đầu con đường tu học. Ngày Bảo Linh cưới vợ, ông không ở Mỹ. Ông đi học nhiều nơi như Thuỵ Sĩ, Vienna – Áo, rồi về lại News Orlean vào năm 2004. Sự việc xảy ra năm 2000 nên lúc đó, Bảo Linh đang trong tù, thực thi bản án chung thân.

“Bảo Linh và gia đình không liên lạc với tôi trong quá trình xét xử. Nếu có thì tôi đã có thể bay về Lincoln để giúp được gì đó, như tìm mướn luật sư. Lúc ấy có lẽ gia đình muốn giữ riêng tư nên không liên lạc với tôi. Đến khi tôi biết thì mọi sự đã xong rồi,” linh mục Tin nói qua điện thoại.

Ông nghe gia đình Bảo Linh kể lại, trong suốt phiên xử, Bảo Linh nhất quyết không nhận tội. “Do đó, khi bồi thẩm đoàn kết luận “có tội” thì toà đưa ra bản án cao nhất là chung thân. Có thể toà đã có một cái nhìn phiếm diện nào đó, lấy trường hợp này để răn đe những người khác,” ông nói.

Nhiều năm qua, ông tìm gặp những luật sư quen biết ở Lincoln để hỏi xin mở lại vụ án (re-open the case). Cho dù, Bảo Linh không có tiền án, vụ việc xảy ra là tự vệ ngay trước nhà, không cố sát, nhưng tất cả câu trả lời đều “rất khó vì án đã xong.” Kháng án cũng không được vì theo hệ thống tố tụng Mỹ, phải có đưa ra bằng chứng mới. Trường hợp của Bảo Linh vì không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào khác nên đã bị từ chối.

Một khó khăn khác, mà theo linh mục Linh là không nhỏ, đó là: “Cần phải có đội ngũ luật sư, rất nhiều tiền.” Do đó, các luật sư chuyên về Luật Hình sự khuyên ông “nên làm đơn xin ân xá.” Tuy nhiên, đơn xin ân xá được gửi đi nhiều lần. Kết quả bằng 0. Có một lần anh đã viết thư cho thống đốc của bang Nebraska nhưng thư đã không đến được vị thống đốc đó. Lần cuối cùng Bảo Linh viết thư là cách đây bốn năm, khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, nhưng cũng bị từ chối.

“Phải chấp nhận một điều là luật pháp, không phải lúc nào cũng công bằng. Chúng ta lại là ‘miority’ ở Mỹ, ở thế yếu. Xin ân xá cũng phải có ‘undertable’, không phải ai gửi đơn cũng được đệ trình,” linh mục Tin nói.

Lá thư gửi về Việt Nam từ nhà tù Mỹ

Câu chuyện của Bảo Linh được gia đình giấu kín với người em gái của anh, khi ấy còn rất nhỏ. Thư từ của anh gửi về chỉ ba mẹ được xem qua. Những người họ hàng, bà con trong gia đình anh ở Mỹ không vượt qua được nỗi e ngại bản án chung thân vì tội giết người của anh. Chỉ có mỗi người cô, bà Công Tằng Tôn Nữ Huyền Nga, thương cháu mình nhưng sức người có hạn. Bà, và vợ của Bảo Linh lúc đó không thể làm gì khác. Khoảng vài năm sau khi bị kết tội, từ trong tù, Bảo Linh ký giấy ly dị, trả cho vợ mình cuộc đời tự do, với hy vọng “cho Trang được hạnh phúc” – theo lời linh mục Tin kể lại.

Mãi cho đến hai năm trước, trong thời gian đại dịch Covid-19, Bảo Linh gọi điện thoại về cho em gái và gia đình nhiều hơn. Lúc đó, anh mới quyết định chia sẻ với em mình, cô Công Huyền Huyền Tôn Nữ Bích Liên về tất cả những gì xảy ra trong 22 năm qua.

“Tôi rất ngạc nhiên khi anh nói ngày xưa anh bị oan. Tại sao những gì anh nói khác với những tình tiết tôi đã biết. Tôi nói anh hãy viết ra một lá thư kể hết cho tôi nghe những gì xảy ra, tại sao họ xử như thế. Hai anh em tôi nói chuyện này suốt mấy tháng trời, cuối cùng anh viết một lá thư nhờ tôi gửi đến mọi người,” cô Bích Liên, nói qua điện thoại với SGN từ Đà Nẵng, Việt Nam.

Có một chi tiết mà cả cô Bích Liên và linh mục Tin có nhắc đến, đó là luật sư bào chữa cho Bảo Linh do toà chỉ định. Lúc ấy, vì lý do nào đó, “có thể Bảo Linh tin là mình sẽ vô tội vì không cố ý” – theo lời linh mục Tin, nên gia đình đã không thuê luật sư riêng.

Kèm theo đơn xin ân xá là lá thư dài bốn trang. Trong thư, Bảo Linh cũng ghi rõ gia thế hoàng tộc của mình. Anh là cháu dòng họ đời thứ tám của vua Minh Mạng. Cha của anh là Vĩnh Cung, có bảy người con trai và hai con gái. Tên của Bảo Linh được đặt theo cách gọi tên kép của vương triều Nguyễn. Các hoàng tử được đặt tên theo “帝系詩/ Đế hệ thi” là một bài thơ theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt do vua Minh Mạng định để đặt tên cho con cháu của mình.

MIÊN HỒNG ƯNG BỬU VĨNH

BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG

HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT

THẾ THOẠI QUỐC GIA XƯƠNG

Tạm dịch theo Wikipedia:

Huân nghiệp lớn do Tổ Tiên gầy dựng,
Gắng giữ gìn cho xứng ân sau.
Phồn vinh thịnh đạt dài lâu,
Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn.
Đời đời nối nghiệp tiền nhân,
Nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy.

Ngay phần mở đầu, Bảo Linh viết: “Có rất nhiều điều bất công, không công bằng, lạm dụng, bất bình thường trong vụ án của tôi, suốt quá trình xét xử và kháng cáo.”

Những vết bầm trên người Bảo Linh do bị hà hiếp trong tù. Ảnh: Bích Liên

Hai luật sư bào chữa do Chánh án Steven D. Burns chỉ định cho Bảo Linh năm đó là Timothy Sopinski và Robert G. Hays. Tuy có hai luật sư, nhưng trong lá thư xin ân xá Bảo Linh viết chỉ có một người thật sự làm việc là luật sư Sopinski – một luật sư mới ra trường và chưa trải qua vụ án hình sự nào trước đó. Ngoài ra, Sopinski là người nghiện rượu. Suốt quá trình tố tụng, người này luôn xuất hiện trong trạng thái “có mùi rượu.”

“Tôi đã trình lên toà án vấn đề này xin truất quyền luật sư biện hộ của ông ta nhưng bị bác bỏ. Toà nói rằng không có vấn đề gì cả vì tôi có đến hai luật sư. Nhưng thực chất luật sư Hays chỉ là cố vấn cho ông Sopinski” – Bảo Linh viết trong lá thư. Thêm vào đó, hai luật sư bào sư bào chữa chưa bao giờ thảo luận vụ án với anh trước những phiên xử. Luật sư Sopinski chỉ gặp Bảo Linh vài lần, không cho anh cơ hội được bào chữa trước toà, không hỏi anh về những gì đã xảy ra trong đêm hôm đó dẫn đến phát súng định mệnh chết người. Thậm chí, ông Sopinski đã cho Bảo Linh lời giải thích không rõ ràng trong việc khuyên anh nhận tội hoặc không nhận tội, dẫn đến việc anh không thể xin ân xá dựa theo Luật Hình sự.

Kèm theo đơn xin ân xá là lá thư dài bốn trang. Ngay phần mở đầu, Bảo Linh viết: “Có rất nhiều điều bất công, sai luật, lạm dụng, bất bình thường trong vụ án của tôi, suốt quá trình xét xử và kháng cáo.”

Suốt nhiều năm, từ Việt Nam, Bảo Liên cũng cùng với cha viết thư gửi cho nhà tù Nebraska State Penitentiary để xin giảm án. Thư gửi sang Mỹ, nhờ một người quen của gia đình chuyển đi. Nhưng theo lời Bích Liên, bao nhiêu năm rồi không có kết quả và thư gửi đi cũng không có hồi âm. Chính cô cũng không biết người mà cha của cô nhờ là ai.

Thời gian 22 năm trong tù, Bảo Linh chịu không ít lần bị đánh đập. “Linh nó nhỏ con, lại hiền lành, ở trong đó không tránh được bị ăn hiếp. Tôi vào thăm chỉ biết cầu nguyện cho Linh, khuyên nhủ cậu ấy,” linh mục Tin nói và cho biết ông nhận được những tấm ảnh Bảo Linh gửi ông cho thấy những vết bầm trên người.

Dù sao, còn rất nhiều chi tiết cần phải nghe từ chính Bảo Linh, người đang chịu án chung thân, một bản án mà hơn 20 năm trước, các luật sư án hình sự ở Lousiana đã nhận định là “bất công.” Mời quí vị đón đọc Phần II trong kỳ tới.

_________

ĐỌC LẠI:

Câu chuyện một người tù Việt ở Mỹ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: