Tội ác do lòng thù hận gia tăng, California có ngăn chặn được không?

Rapper MC Jin và con trai phát biểu tại cuộc meeting chống lại sự căm thù ở Columbus Park vào ngày 21 Tháng Ba 2021 ở khu phố Tàu Manhattan, New York. Nạn căm thù người Á châu xảy ra ở New York và các nơi khác trên toàn quốc và sau vụ tấn công ở Atlanta, Georgia vào ngày 16 Tháng Ba 2021 khiến tám người chết, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á châu. (ảnh: Alexi Rosenfeld / Getty Images)

“Tội ác gây ra, dù có bắt nguồn từ lòng thù hận hay không, nó vẫn là tội ác đang tàn phá toàn bộ cộng đồng chúng ta,” bà Becky Monroe, Phó Giám đốc Strategic Initiatives and External Affairs (Sáng kiến Chiến lược & Đối ngoại) thuộc Bộ Dân Quyền California, nói trong cuộc hội thảo qua Zoom do tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hôm 19 Tháng Tám. Có hơn 90 người tham dự, đa số thuộc các cơ quan truyền thông báo chí của các dân tộc thiểu số.

Theo bà Monroe, một trong bốn diễn giả được mời, tội ác thù hận là hành vi phạm tội được thực hiện vì toàn bộ hoặc một phần liên quan đến chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia, giới tính, khuynh hướng tình dục, tôn giáo hoặc ngay cả với người bị khuyết tật.

Người biểu tình chống lại tội phạm thù ghét người Á châu bên ngoài Tòa án Tư pháp San Francisco, California hôm 22 Tháng Ba 2021. Hàng trăm người tập hợp để ủng hộ gia đình của Vichar Ratanapakdee, một người nhập cư Thái Lan chết sau một vụ tấn công ở trung tâm thành phố San Francisco. (ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Báo động!

Lời giải thích này nhằm trả lời cho các câu hỏi, cũng là chủ đề của buổi thảo luận: “Thù hận là gì, nó được nhận định ra sao, khi nào căm thù trở thành tội ác và liệu có thể ngăn chặn được điều đó hay không?” Lý do có buổi thảo luận, theo bà Sandy Close, Giám đốc điều hành EMS, là vì đang có chiều hướng gia tăng các hành vi bạo lực, sự căm ghét chủng tộc và sắc tộc, cả những biểu hiện thù ghét lẫn nhau giữa các cá nhân.

Bà Monroe đưa ra các con số, trong năm 2020 xảy ra có 8,236 vụ việc liên quan đến nạn thù ghét, tăng 13% so với năm 2019. Nạn thù ghét người Á châu tăng 73%, người gốc Phi châu tăng 43%. Nhưng một dữ liệu khác từ Khảo sát nạn nhân tội phạm Hoa Kỳ, tội ác do thù hằn ở Mỹ mỗi năm lên đến gần 250,000, chứ không chỉ vài ngàn như thế, cho thấy tình hình rất đáng báo động.

Giáo sư Brian Levin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan (Center for the Study of Hate and Extremism (CSHE) thuộc Đại học Cal State San Bernardino đưa ra số liệu năm 2021, so sánh với năm 2022, cho thấy nạn thù ghét người Á châu gia tăng đến 224%. Tội thù ghét người Do Thái tăng 59%. Người trong cộng đồng LGBT cũng bị thù ghét, tăng 51%, thù ghét người da đen tăng 46%, thù ghét người Latino tăng 41%, thù ghét người da trắng tăng 30% so với năm 2020.

Kết quả nghiên cứu trên của CSHE là ở 18 tiểu bang, trong đó tiểu bang có nhiều tội ác do thù ghét tăng đến mức kỷ lục, là Texas, New Jersey, Georgia, Indiana, Missouri, Colorado, Washington, Utah và Nevada.

Cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 19 Tháng Năm 2022 tại Buffalo, New York sau vụ thảm sát khiến 10 người chết tại cửa hàng tạp hóa trong khu phố của người da đen ở Buffalo, New York. Kẻ sát nhân là tay súng trẻ da trắng, gây tội ác do thù hận và phân biệt chủng tộc. Trong ảnh là người nhà của các nạn nhân. (ảnh: Kent Nishimura / Los Angeles Times qua Getty Images)

COVID-19 là nguyên do chính?

Nhiều ý kiến phẫn nộ, cho rằng những người Latino bán hàng rong ở Los Angeles bị những người Mỹ gốc Phi cướp bóc, tấn công, thậm chí sát hại, khi họ đang làm việc để kiếm sống. Không chỉ ở Los Angeles, mà cả San Francisco, Fresno, và ngay tại Orange County.

Nạn tấn công do thù hằn nổi lên trong thời gian đại dịch COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng một ý kiến trong cuộc họp cho rằng, ông không tin tội ác thù hận lại gia tăng do COVID-19.

“Tôi tin rằng nó tăng lên vì các thuyết âm mưu và những lời dối trá được đăng tải bởi nhà lãnh đạo bị bệnh tâm thần trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông,” Tony Lai, người tham dự cuộc họp nói. “Tôi không đổ lỗi cho các mạng xã hội, nhưng thật sự các phương tiện truyền thông xã hội rất có tầm ảnh hưởng. Nếu chúng ta sử dụng đúng cách, nó có thể giúp thay đổi theo hướng tốt hơn, thay vì làm tổn thương.”

Lần này, EMS mời được một nhân chứng của nạn kỳ thị và sự thù hằn. Đó là cô Sasanna Yee. Yee là cháu ngoại của bà Yik Oi Huang – người bị tấn công ngay gần nhà ở San Francisco vào năm 2019. Vì vết thương quá nặng, bà Huang không qua khỏi. Hơn ai hết, Yee hiểu rõ nỗi đau về tinh thần của những nạn nhân. Cô Yee dùng những hình ảnh, kỷ niệm đẹp giữa hai bà cháu, để xoa dịu và làm lành vết thương trong tâm hồn.

Bà Yik Oi Huang (giữa) khi còn trẻ – người bị tấn công do thù ghét ở ngay gần nhà tại San Francisco. (ảnh chụp lại qua màn hình do người cháu là cô Sasanna Yee cung cấp)

Biến nỗi đau thương thành niềm yêu thương

Từ 19 Tháng Ba 2020 đến 31 Tháng Ba 2022, Stop AAPI Hate (Tổ chức phi lợi chính phủ, phản đối kỳ thị người gốc Á và Thái Bình Dương) nhận được hơn 11,500 báo cáo liên quan đến kỳ thị và thù ghét người Á châu. Bà Manjusha Kulkarni, Giám đốc và đồng sáng lập Stop AAPI Hate cho biết trong số đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm đa số, 61.8%, người trẻ từ em bé đến độ tuổi trung học là 8%, và 7% là người lớn từ 60 tuổi trở lên.

Theo báo cáo mới nhất của “Stop AAPI Hate” do bà Kulkarni cung cấp, nạn quấy rối là một vấn đề lớn, chiếm 67%, thể hiện qua lời nói, văn bản hoặc hành vi, cử chỉ không phù hợp. 32% phụ huynh tham gia cuộc khảo sát của Stop AAPI Hate rất lo lắng về việc con em họ sẽ trở thành nạn nhân của sự căm ghét hoặc phân biệt đối xử.

Bà Kulkarni cho rằng nạn kỳ thị chủng tộc xảy ra trong các cộng đồng Á châu, làm ảnh hưởng đến các giá trị và chính sách của Hoa Kỳ. Bà đồng tình, cho rằng các phương tiện truyền thông báo chí đóng vai trò quan trọng, tố cáo các tội ác để có biện pháp ngăn ngừa.

Bà Monroe cho biết Hate Resource Line and Network của California sẽ hoạt động vào Tháng Chín, là một phần quan trọng và là nguồn lực cho các tổ chức cộng đồng địa phương, nhà thờ, giáo đường Do Thái, đền thờ, trung tâm LGBTQ,… Từ trước đến nay, người bị tấn công do thù hận thường không dám lộ diện, để được yên thân, nhưng nếu đến với Hate Resource Line and Network, họ chắc chắn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ một cách an toàn.

Lãnh đạo Thượng viện Chuck Schumer giơ tấm biển “Ngừng căm thù người Á châu” tại cuộc biểu tình ngày 21 Tháng Ba 2021 ở khu phố Tàu Manhattan, New York. Cuộc biểu tình thể hiện sự đoàn kết phản ứng sự gia tăng tội ác thù địch chống lại cộng đồng Á châu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. (ảnh: Michael M. Santiago / Getty Images)

Làm việc trong Bộ Dân Quyền California – cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ người dân California khỏi sự phân biệt đối xử bất hợp pháp trong việc làm, nhà ở và nơi ở công cộng, cũng như khỏi bạo lực thù hận và buôn bán người, bà Monroe cho biết Hate Resource Line and Network là kênh an toàn mà mọi người có thể kết nối bằng cách truy cập trực tuyến và qua điện thoại. Bên cạnh đó, Stop AAPI Hate vẫn là nơi an toàn để mọi người báo cáo các vụ việc liên quan đến tội ác thù địch.

Giáo sư Brian Levin (trái). Hàng trên từ trái: Bà Sandy Close, bà Becky Monroe. Hàng dưới từ trái: bà Manjusha Kulkarni, cô Sasanna Yee. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Mất đi người bà yêu quý, với cô Sasanna Yee là nỗi đau khó nguôi ngoai. “Tôi muốn nói, có nhiều cách để ngăn chặn các hành vi tội ác tiếp tục xảy ra,” Yee nói. “Nhưng ngay trong cộng đồng, chúng ta hãy cùng nắm tay nhau, cùng nhau chia sẻ để hiểu rõ nhau hơn về văn hóa, lịch sử của các dân tộc, để rồi đến gần nhau hơn. Chúng ta hãy tìm cách để biến nỗi đau thương thành niềm yêu thương.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: