Có lẽ ít ai có thể ngờ rằng, một ngày nào đó, họ sẽ nhìn thấy hình ảnh của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong trang phục áo lam sòng, ngồi dáng kiết già- một tư thế quen thuộc của đấng Buddha, trên một bục gỗ, dáng vẻ an nhiên, tự tại của vị cư sĩ đang tu hành, thoát khỏi chốn bụi trần.
Vậy mà thật mới hay!
Người tạo ra (bức tượng) “Trump Buddha” đó chính là nhà sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất ở miền Nam Trung Quốc, nghệ nhân Hồng Sĩ Tiến (Hong Jinshi) 43 tuổi, sống và làm việc trong một nhà máy xi măng cũ được ông biến thành xưởng điêu khắc và phòng trưng bày ở thành phố ven biển Hạ Môn.
Năm ngoái, ông đã dùng gốm sứ trắng để đúc bức tượng “cư sĩ” Trump ngồi bắt chéo hai chân, hai tay đặt lên đùi dáng vẻ rất thanh thản, đầu cúi thấp, mắt nhắm nghiền như đang thiền định – một trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là hoàn toàn không liên quan đến hình ảnh ông tỷ phú, nhà tài phiệt, cựu Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Ông Hồng gọi tác phẩm điêu khắc của mình là: “Trump, the Buddha of Knowing of the Western Paradise.” Hiểu một cách nôm na có thể là: “Trump, Đức Phật của ý niệm về cõi Tây Phương cực lạc.” Trong phần mô tả về tác phẩm này, ông Hồng dí dỏm chú thích: “Hãy làm cho công ty của bạn tuyệt vời trở lại – Make you company great again.” Ai cũng dễ dàng nhận ra đây là câu nói chiến lược của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua: “Make America great again.”
Nhiều ý kiến của khách hàng đã mua bức tượng và đăng tải trên trang mạng bán hàng của ông Hồng cho thấy, việc thờ bức tượng có thể mang lại may mắn.
Riêng cá nhân tác giả bức tượng, ông nói: “Nó (tạc bức tượng) có thể liên quan cá tính của tôi. Tôi thích trêu chọc mọi người và pha trò,” theo NYTimes.
Nhưng, thật sự thì ý tưởng để khắc tượng Donald Trump dưới hình hài một vị cư sĩ mang dáng dấp của Đức Phật thì thật sự bắt nguồn từ một góc nhìn khác của ông Hồng Sĩ Tiến. NYTimes thuật lại lời của ông Hồng rằng: “Ông ấy (Trump) đã rất, rất thành công. Do đó, qua nhãn quan của tôn giáo, ông ấy nên ‘từ bỏ’ đúng thời điểm, đó là lúc này. Ông ấy nên an hưởng cuộc sống vào thời khắc này.”
Cá nhân ông Hồng nghĩ rằng, Trump đã phải chiến đấu với qúa nhiều chuyện, hàng ngày, hàng tháng, kể cả những xu hướng “đánh nhau với đối thủ của ông ấy”. Do đó, xây dựng một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với tính cách của ông Trump là điều “nên làm và hợp lý nhất là ‘Trump Buddha’”
Ông Hồng hoàn thành bức tượng vào năm ngoái. Sau đó ông rao bán trên trang bán hàng trực tuyến Taobao. Có hai kích cỡ cho khách hàng lựa chọn, một chỉ cao hơn 6 inch và một kích thước khác là 18 inch, với giá tiền là $153 và $615.
Cho đến lúc này, ông Hồng đã bán được 100 bức tượng “Trump Buddha.” Nhưng ai cũng biết, Trung Quốc là thiên đường lỏng lẽo của quyền sở hữu trí tuệ. “Trump Buddha” giả đã có mặt trên trang Tabao, nơi ông Hồng rao bán các sản phẩm của mình, với giá một phần nhỏ so với sản phẩm gốc.
Trở lại chuyện cũ, vào khoảng tháng 8-2020, khi còn trong tay “vũ khí” Twitter POTUS, Tổng thống Trump đã tweet ra một nội dung, phủ nhận việc chính quyền của ông lúc đó yêu cầu đúc tượng của ông vào Đài Tưởng niệm quốc gia (National Monument.) Ông Trump đã “retweet” bài viết của CNN và viết thêm: “Đó là tin giả bởi hãng tin thất bại @nytimes và kênh truyền thông xếp hạng bét @CNN. Chưa bao giờ đề xuất chuyện ấy, mặc dù, dựa trên tất cả những gì đã đạt được trong 3,5 năm qua, có lẽ hơn bất kỳ vị tổng thống nào, đó có vẻ là một ý kiến hay đối với tôi.”
Kèm theo đó là tấm ảnh “selfie” của ông Trump chụp trước National Monument ngày Lễ Độc Lập của nước Mỹ. Câu trả lời của các viên chức National Monument về khả năng tạc tượng tổng thống (Trump) là “Điều này không thể.”
Giờ đây, ông Trump đã được tạc tượng, không chỉ là tượng bán thân, mà tượng nguyên hình, tượng Trump – ‘Người tỉnh thức’ ngồi kiết già.