TT Biden vừa tìm cách gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân vừa trừng phạt Nga

Tổng thống Joe Biden đang tìm cách gia hạn hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân với Nga thêm năm năm nữa chỉ vài ngày trước khi nó hết hạn. Đây là hiệp ước duy nhất còn lại có mục tiêu giới hạn hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới của Nga và Mỹ.

Trong thời gian này, chính quyền Biden cũng chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga trong khi chờ kết quả đánh giá tình báo về các hoạt động gần đây của nước này, đặc biệt là vụ tấn công điện toán vào các cơ quan chính phủ và các tập đoàn công ty của Mỹ mới được phát hiện. Các quan chức chính phủ cũng cho biết ông Biden loại trừ việc “thiết lập lại” (reset) quan hệ song phương với Moscow như cách nhiều tổng thống Mỹ đã làm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

“Khi làm việc với Nga, chúng tôi sẽ nỗ lực buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động liều lĩnh và hung hăng mà chúng tôi phát hiện trong vài tháng gần đây,” một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết với điều kiện ẩn danh.

Những vướng mắc quanh Hiệp ước New START 

Hiệp ước New START Pact (Strategic Arms Reduction Treaty) là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân ký kết giữa Liên bang Nga và Mỹ tại Prague tháng Tư năm 2010 và sau khi được quốc hội hai nước phê chuẩn bắt đầu thực hiện từ tháng Hai 2011, có hiệu lực tới tháng Hai năm 2021. Hiệp ước quy định hai nước phải giảm số lượng các giàn phóng hỏa tiễn hạt nhân chiến lược xuống còn một nửa, thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra và xác nhận việc thực hiện hiệp ước, nhưng không giới hạn số đầu đạn hạt nhân không hoạt động (inactive) chứa trong kho của Nga và Mỹ, có thể lên đến nhiều ngàn đầu đạn.

Nếu hiệp ước New START hết hiệu lực vào đầu tháng sau mà không được gia hạn, Moscow và Washington sẽ có quyền triển khai không giới hạn các tàu ngầm, máy bay ném bom và hỏa tiễn hạt nhân trên toàn cầu mà nhiều chuyên gia lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và làm trầm trọng thêm quan hệ Mỹ-Nga. 

Chính phủ Nga ủng hộ việc gia hạn hiệp ước sau tháng 2-2021 nhưng cho đến nay chính quyền Biden – vì mới nhậm chức được một ngày – chưa nối lại đàm phán dù hiệp ước sẽ chấm dứt hiệu lực trong nửa tháng nữa, vào ngày 05-02-2021.

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Donald Trump cũng đã cố gắng đàm phán với Moscow để gia hạn hiệp ước với thời hạn ngắn hơn, nhưng không đạt được thỏa thuận sau khi đặc phái viên hạt nhân của ông là Marshall Billingslea đã không thuyết phục được Trung Quốc tham gia hiệp ước.

Nếu hiệp ước hết hiệu lực vào đầu tháng sau, Moscow và Washington sẽ có quyền triển khai không giới hạn các tàu ngầm, máy bay ném bom và hỏa tiễn hạt nhân trên toàn cầu mà nhiều chuyên gia lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và làm trầm trọng thêm quan hệ Mỹ-Nga. 

Người được Tổng thống Biden đề cử làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Antony Blinken, cho biết hiệp ước New START hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai của mỗi nước ở mức 1.550 và hệ thống phân phối chiến lược ở mức 700, mang lại cho Hoa Kỳ “quyền truy cập lớn vào dữ liệu và kiểm tra” và việc gia hạn hiệp ước “chắc chắn là vì lợi ích quốc gia”.

Nhưng không phải tất cả các trợ lý của Tổng thống Biden đều ủng hộ ý tưởng gia hạn năm năm cho hiệp ước New START.

Bà Victoria Nuland – một chuyên gia từ lâu đã có quan điểm cứng rắn với Nga, người được Tổng thống Biden đề cử làm quan chức số ba tại Bộ Ngoại giao – đã viết trên tạp chí Foreign Affairs hồi mùa hè rằng Mỹ chỉ nên gia hạn hiệp ước New START một hoặc hai năm để giữ đòn bẩy đối với Điện Kremlin. “Washington không nên cấp cho Moscow những gì họ muốn nhất: gia hạn New START mà không có bất kỳ cuộc đàm phán nào để giải quyết việc gần đây Nga đầu tư rất nhiều vào các hệ thống vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung và vũ khí thông thường mới”, bà Nuland viết.

Cựu đặc phái viên của Tổng thống Trump về đàm phán hạt nhân, ông Marshall Billingslea, cũng chỉ trích quyết định gia hạn 5 năm hiệp ước New START, nói rằng nó “cho thấy sự thiếu kỹ năng đàm phán đáng kinh ngạc.” “Tập thể của Biden chỉ mất 24 giờ để lãng phí đòn bẩy quan trọng nhất mà chúng ta có đối với Nga,” ông viết trên Twitter. Nhưng các quan chức Mỹ lưu ý, bản thân ông Billingslea đã cố đàm phán một thỏa thuận gia hạn ngắn hơn với người đồng cấp của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, nhưng không thành công và phải để cho một hiệp định quan trọng có nguy cơ hết hiệu lực.

Những người ủng hộ việc kiểm soát vũ khí cũng phản đối việc gia hạn New START với thời gian ngắn. Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhận xét: “Việc gia hạn năm năm sẽ cung cấp cho tổng thống mới một chiến thắng sớm và tạo ra động lực tích cực, giúp khôi phục lòng tin cậy vào Hoa Kỳ trong vấn đề kiểm soát vũ khí, xác lập tiềm năng cho các bước tham vọng hơn nhằm giảm nguy cơ hạt nhân và đưa chúng ta đến gần hơn với một thế giới không có vũ khí hạt nhân,” .

Các quan chức Mỹ cho biết họ hy vọng việc nhanh chóng gia hạn hiệp ước New START có thể tạo nền tảng cho các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, có thể bao gồm cả Trung Quốc. “Chúng tôi tin điều hết sức cấp bách là Trung Quốc phải thể hiện có trách nhiệm hơn, minh bạch hơn và kiềm chế hơn đối với kho vũ khí hạt nhân của họ”.

Tuy vậy, chính quyền Biden không quan tâm đến chuyện Trung Quốc có thể lợi dụng việc gia hạn hiệp ước New START, do kho vũ khí của Moscow “ít nhất là lớn gấp 10 lần quy mô của Trung Quốc”.

Hồi tháng Mười, trong các cuộc đàm phán với đặc sứ Billingslea của Tổng thống Trump, Nga tỏ ý sẵn sàng đóng băng tổng số đầu đạn hạt nhân của mình – một động tác mà các quan chức chính quyền Biden đánh giá là một “sự phát triển tích cực” mà họ hy vọng có thể dựa vào, mặc dù chưa thể xác minh chi tiết ý định của Nga.

Cân nhắc trừng phạt Nga

Ngoài ý định gia hạn hiệp ước New START, chính quyền Biden đang cân nhắc việc trả đũa các hành động gần đây của Nga được cho là gây nguy hại cho quyền lợi của Mỹ. 

Tổng thống Biden được biết đã ra lệnh cho Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines – nhân vật mới được Thượng viện phê chuẩn hôm qua thứ Tư 20-01 – cung cấp cho ông một bản đánh giá tình báo đầy đủ về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020, sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny và thưởng tiền cho hành động giết chết các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.

Tổng thống Biden cũng yêu cầu bà Haines đánh giá cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ liên bang qua việc xâm nhập phần mềm SolarWinds mà nhiều nhà phân tích và quan chức chính phủ đổ lỗi cho tin tặc của quân đội Nga. Hồi đầu tháng 12, khi vụ tấn công được phát hiện, ông Biden đã tuyên bố chính phủ của ông “sẽ không ngồi yên.” trong khi Tổng thống Trump cố gắng coi nhẹ tác hại và đổ lỗi cho truyền thông. Các quan chức cho biết yêu cầu đánh giá thông tin tình báo sẽ được ông Biden đưa ra trong tuần này. “Chúng tôi sẽ sử dụng những đánh giá tình báo này để thông báo phản ứng của chúng tôi đối với sự hung hăng của Nga trong những tuần tới”, một quan chức cấp cao cho biết. 

Sự kiện chính quyền Biden ngay trong những ngày đầu đã loan báo kế hoạch về các hành động trừng phạt Nga là chuyện khá hiếm; những người tiền nhiệm gần đây của ông Biden đều cố gắng lật sang một trang mới trong quan hệ với Điện Kremlin với hy vọng kích thích một mối quan hệ hiệu quả hơn.

Đảng Dân chủ đã ôm mối thù địch suốt bốn năm qua với Nga vì cho rằng Điện Kremlin đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 chống lại ứng cử viên tổng thống của đảng là bà Hillary Clinton. Ông  Trump lên làm tổng thống đã muốn có một mối quan hệ nồng ấm với nước Nga của ông Vladimir Putin, nhưng sự phản đối mạnh mẽ ngay trong đảng Cộng hòa và các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội đã cản trở nỗ lực đó.

Tuy nhiên, khả năng của chính quyền Biden vừa hợp tác với Nga về kiểm soát vũ khí vừa đối đầu về một loạt các vấn đề khác ngay từ khởi thủy đã tỏ ra không hề dễ dàng.

Hôm Chủ nhật, Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Biden, ông Jake Sullivan đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Alexei Navalny, nhà lãnh đạo đối lập Nga đang bị giam giữ ở Moscow. Ông Navalny vừa trở về sau khi được điều trị y tế ở Đức sau một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh hồi mùa hè. Nhà chức trách Nga cho rằng ông Navalny đã vi phạm các điều khoản của bản án trước đó liên quan đến tội tham ô. “Ông Navalny nên được trả tự do ngay lập tức, và thủ phạm của cuộc tấn công ác độc vào cuộc sống của ông ấy phải chịu trách nhiệm ”, ông Sullivan viết trên Twitter. “Các cuộc tấn công của Điện Kremlin nhằm vào ông Navalny không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn là sự sỉ nhục đối với những người dân Nga muốn tiếng nói của họ được lắng nghe”.

(theo Washington Post)

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: