K.L
Hàng loạt các giám đốc điều hành và những người đứng đầu các doanh nghiệp quyền lực khác thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Á – Châu Á Thái Bình Dương (AAPI) cùng quyên góp cho các nhóm báo cáo về tội thù ghét và hỗ trợ cho nhóm AAPI số tiền 10 triệu USD.
Ông Tony Xu – người sáng lập DoorDash, người đồng sáng lập YouTube Steve Chen và CEO của Zoom – Eric Yuan cùng với gần một ngàn giám đốc điều hành doanh nghiệp khác đã ký một lá thư, do nhóm “Stand with Asian Americans” soạn thảo, kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với người Mỹ gốc Á. Nội dung lá thư nhắc đến vụ xả súng ngày 16-3 ở Atlanta làm cho sáu phụ nữ châu Á thiệt mạng.
“Chúng tôi đã mệt mỏi vì bị đối xử thấp kém hơn người Mỹ, là đối tượng của sự quấy rối và bây giờ, hàng ngày, chúng tôi lại biết thêm tin tức một thành viên khác trong cộng đồng của chúng tôi bị tấn công thể xác – chỉ với lý do chúng tôi ‘là người Á Châu’” – nội dung trong lá thư được viết và ký bởi nhóm “Stand with Asian Americans”
Số tiền 10 triệu USD này được trao cho các tổ chức phi lợi nhuận ở Bay Area như Asian Pacific Fund, nhóm khảo cứu StopAAPIHate, và nhóm bảo vệ pháp lý cho những nạn nhân của tội ác thù ghét Asian American Advancing Justice (AAAJ).
Giám đốc điều hành Google – Sundar Pichai và Giám đốc điều hành Microsoft – Satya Nadella, hai CEO công nghệ người Mỹ gốc Á nổi tiếng nhất đã không tham gia ký tên vào lá thư, theo Business Insider.
Theo một nghiên cứu của Havard Business Review thực hiện vào năm 2018 cho thấy, trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, người Mỹ gốc Á nắm giữ công việc cao hơn một cách đáng kể so với người Mỹ gốc Latino, người Mỹ da đen và người Mỹ bản địa, nhưng lại là nhóm chủng tộc ít có khả năng được thăng tiến vào các cấp quản lý và điều hành của Thung lũng Silicon. Họ là dân tộc thiểu số bị quên lãng trong bức tường vô hình ngăn cản sự tiến thân.
Các nhà nghiên cứu của Californis State University, San Bernardino cho biết tội ác thù ghét người Mỹ gốc Á ở 16 thành phố trên toàn nước Mỹ đã tăng 149% trong năm 2020. United Nations chỉ ra nguyên nhân chính của sự gia tăng “không phanh” này là do cách gọi “Chinese virus” và “Kung flu” từ cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump và một số người thuộc đảng Cộng hoà.
Hãng thông tấn AP cho biết sự hỗ trợ đối với các nhóm AAPI đã tăng lên sau vụ xả súng ngày 16-3 vừa qua. Công ty mạng điện thoại Verizon quyên góp $15 triệu US cho các nhóm AAPI. Hãng trò chơi điện tử PlayStation, hãng mỹ phẩm Tarte Cosmetics và Sephora cũngcam kết hỗ trợ thêm.
Khoảng 11:40AM ngày thứ Hai 29-3, một phụ nữ Á Châu bị tấn công ở khu vực số 300 đường West 43rd Street, khu phố Hell’s Kitchen thuộc Manhattan, New York. Sáng thứ Tư, 31-3, cảnh sát cho biết đã bắt được kẻ tấn công bà. Nghi can là Brandon Elliot, 38 tuổi, người bị truy tố về các tội tấn công, kể cả hai tội tấn công vì lý do thù hằn.Cảnh sát công bố đoạn video cho thấy nạn nhân bị đá vào bụng khiến bà này té xuống đất. Hung thủ tiếp tục đạp mấy cái vào đầu bà và có những lời thóa mạ mang tính kỳ thị người Á Châu.
Trước đó, vào sáng Chủ nhật, 28-3, nhiều cư dân ở khu Newport Heights, Newport Beach phát hiện trước sân nhà của họ các tờ rơi của tổ chức da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan (KKK) viết các thông điệp mang tính chất kỳ thị, bài Á.
Tổng thống Joe Biden cũng từng đã lên án các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á trong đại dịch COVID-19 hồi đầu tháng. “Đó là sai lầm, nó không phải của người Mỹ, và nó phải dừng lại,” ông Biden nói trong thông điệp liên bang.