HIẾU CHÂN
Chính phủ Iran hôm nay thứ Ba 14-01-2020 cho biết đã bắt giam những người bị cho là có vai trò trong vụ bắn rơi chiếc phi cơ của hãng hàng không Ukraine, đồng thời bắt giam khoảng 30 người tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài suốt bốn ngày qua kể từ khi quân đội Iran nhận lỗi gây ra vụ tai nạn thảm khốc đó.
Dân chúng mất niềm tin – biểu tình lan rộng
Vụ bắn rơi chiếc máy bay của Ukraine hôm thứ Tư tuần trước làm 176 người thiệt mạng đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho chính quyền Tehran. Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani, cam kết sẽ có cuộc điều tra rốt ráo về “sai lầm không thể tha thứ” này; thậm chí ông Rouhani còn hứa thiết lập một tòa án đặc biệt để điều tra và xét xử những kẻ gây ra thảm họa. Nhưng lời hứa của các nhà lãnh đạo Iran đã không làm dịu được cơn phẫn nộ của dân chúng, không biện hộ được tại sao chính phủ Iran giấu nhẹm nguyên nhân tai nạn suốt ba ngày và chỉ thừa nhận sự thật sau khi Ukraine và các nước phương Tây đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi.
Hãng tin Fars của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết, người đưa lên mạng đoạn video cho thấy một hỏa tiễn quân sự bắn trúng máy bay đã bị lực lượng này bắt giữ. Trong khi đó, hôm nay thứ Ba 14-01, trang web báo The New York Times đăng thêm một đoạn video trích từ camera an ninh cho thấy hai hỏa tiễn, khai hỏa cách nhau 30 giây, đã nhắm trúng mục tiêu ngay sau khi máy bay cất cánh.
Mất niềm tin vào chính phủ và giới tăng lữ cầm quyền, người dân Iran – phần lớn là sinh viên, đã tổ chức xuống đường biểu tình mỗi ngày, đòi công lý và kêu gọi truất phế Giáo chủ Ayatollah Ali Khameini – lãnh tụ tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran nhưng không do người dân bầu lên, đã cầm quyền hơn 30 năm. Các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát đã trấn áp người biểu tình, dùng dùi cui và bắn hơi cay, thỉnh thoảng còn nghe tiếng súng nổ. Phát ngôn viên bộ tư pháp Iran nói đã có 30 người biểu tình bị bắt vì “bạo loạn” nhưng không nói rõ chi tiết.
Trước đây hai tháng, vào tháng 11-2019, người dân Iran đã xuống đường rầm rộ phản đối chính quyền cắt trợ giá xăng dầu, khiến giá xăng tăng gấp đôi, gây thêm khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn đã khốn khó vì bị Mỹ cấm vận kinh tế. Ở vài nơi, biểu tình biến thành bạo loạn, người dân đốt phá các cây xăng và ngân hàng; cảnh sát đã mạnh tay đàn áp khiến hàng trăm người bị thiệt mạng. Đây được coi là vụ phản kháng lớn nhất mà chính quyền Iran đối mặt kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 thiết lập nhà nước thần quyền ở Iran.
Về đâu hiệp ước hạt nhân Iran?
Cũng liên quan tới Iran, hôm nay thứ Ba 14-01-2020, ba nước Anh, Pháp và Đức thống nhất sẽ khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp (dispute mechanism) với cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của hiệp ước JCPoA (Joint Comprehensive Plan of Action) ký kết năm 2015 giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1 – gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức. Theo JCPoA, Iran sẽ ngừng làm giàu uranium trong 15 năm, đổi lại các biện pháp cấm vận kinh tế của Liên hiệp quốc với Iran sẽ được dỡ bỏ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng, hiệp ước JCPoA ký dưới thời Tổng thống Barack Obama là “quá yếu”; tháng 5-2018, Hoa Kỳ đơn phương rút ra khỏi JCPoA và áp đặt cấm vận kinh tế Iran, gây “sức ép tối đa” để buộc Iran phải đàm phán lại một hiệp ước mới. Iran một mặt phủ nhận cáo buộc chương trình nguyên tử của họ nhắm tới sản xuất bom hạt nhân, một mặt bác bỏ đề nghị tái đàm phán một hiệp ước mới, đồng thời có các động thái “đảo ngược” những cam kết của họ trong JPCoA, tiếp tục làm giàu uranium quá tỷ lệ tinh chế cho phép, viện lý do cấm vận của Hoa Kỳ buộc họ phải làm như vậy.
Sau khi Hoa Kỳ không kích giết chết tướng Qassem Suleimani của Iran ngày 03-01 vừa qua, ngày 06-01 Tehran tuyên bố ngừng tất cả mọi cam kết trong JCPoA và không giới hạn việc tinh chế uranium nữa.
Sự kiện ba nước Anh, Pháp và Đức – cũng là ba thành viên trong nhóm P5+1 ký kết hiệp ước JCPoA – thông báo cho Nga, Trung Quốc và Iran việc khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp là một bước căng thẳng mới ở Trung Đông. Theo cơ chế này, trong vòng 15 ngày nếu các bên không dàn xếp được với nhau thì hiệp ước sẽ tạm ngừng thi hành và các biện pháp cấm vận kinh tế Iran sẽ được áp đặt trở lại. Thời hạn 15 ngày này có thể được xem xét gia hạn. “Chúng tôi không chấp nhận lý lẽ rằng Iran được quyền giảm thiểu các cam kết đã ký trong JCPoA. Ba nước chúng tôi không tham gia chiến dịch gây “sức ép tối đa” chống lại Iran. Hy vọng của chúng tôi là Iran trở lại thực hiện đầy đủ các cam kết của mình.” Thông cáo chung của ba nước nói trên cho biết, và nhấn mạnh rằng cả ba đều muốn hiệp ước hạt nhân với Iran được thực hiện thành công. Joseph Borrell, Cao ủy về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu – tổ chức bảo đảm việc thực thi JCPoA – nói rằng, mục tiêu của việc khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp không phải nhằm tái cấm vận Iran mà chỉ muốn bảo đảm nước này tuân thủ hiệp ước.
Trong khi đó Nga – một trong các nước P5+1, nói rằng việc khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp làm cho việc thực thi hiệp ước trở nên không thể tiếp tục được
Về phần mình, Iran cực lực bác bỏ tuyên bố của Anh, Pháp, Đức. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết: “Về mặt pháp lý, việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp là không có cơ sở và là một sai lầm chiến lược.” Ông Zarif tố cáo châu Âu đã “phản bội” lời hứa bảo vệ nền kinh tế Iran trước áp lực cấm vận của Mỹ, theo hãng tin Fars. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Iran, ông Abbas Moisavi nói rằng Iran ủng hộ mọi hành vi “thiện chí và nỗ lực xây dựng” để cứu vãn hiệp ước JCPoA nhưng sẽ “phản ứng quyết liệt mọi biện pháp phá hoại.”
* Cũng hôm nay thứ Ba 14-01, một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ nói rằng Thượng viện đã có đủ số phiếu cần thiết để thông qua, có thể trong tuần sau, một nghị quyết hạn chế quyền lực của Tổng thống Trump thực hiện hành động quân sự chống Iran khi chưa có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.