Khi nào được tiêm vaccine ngừa COVID?

H.C.

Tại cuộc họp báo chiều nay thứ Sáu 13-11, Tổng thống Donald Trump nói vaccine sẽ có cho người dân Mỹ vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư trong khi một quan chức y tế cao cấp của chính phủ thông báo sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID ngay từ đầu tháng 12 cho những người có nguy cơ nhiễm virus cao như nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch.

Các khoa học gia và chuyên gia y tế từ lâu đã khẳng định rằng đại dịch COVID-19 chỉ có thể bị chặn đứng khi có một loại thuốc chủng ngừa (vaccine) an toàn và hiệu quả. Vì thế, thông tin vaccine của hãng BioNTech và Pfizer có hiệu quả hơn 90% được loan báo trong tuần qua đã làm cho mọi người phấn khởi, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh.

Nhưng bây giờ là lúc các nhà bào chế dược phẩm, chính phủ và cộng đồng y tế lại đối mặt với một thách thức mới: làm sao sản xuất nhanh hàng chục triệu liều vaccine và đưa chúng đến các bệnh viện, phòng khám và hiệu thuốc để tiêm cho hàng chục triệu người dân đang trông đợi. Và người dân vẫn chưa thực yên tâm nếu câu hỏi “Khi nào được tiêm vaccine?” vẫn có câu trả lời chính xác.

Tại cuộc họp báo chiều thứ Sáu 13-11 – cuộc họp báo đầu tiên sau ngày bầu cử – Tổng thống Donald Trump nói, vaccine sẽ có cho mọi người vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư. Còn bác sĩ Moncef Slaoui, khoa học gia trưởng của Chiến dịch Thần tốc (Opreation Warp Speed) nói rằng hai loại vaccine và hai loại thuốc đặc trị “có tiềm năng” được phê chuẩn trước cuối năm nay. “Chúng tôi dự trù có đủ vaccine để tiêm chủng cho 20 triệu người trong tháng Mười Hai và 20-25 triệu người mỗi tháng sau đó,” bác sĩ Slaoui nói tại cuộc họp báo. 

Hãng dược phẩm Pfizer cho biết nếu vaccine của hãng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê chuẩn trong vài tuần tới thì đến cuối năm hàng chục triệu người Mỹ sẽ được tiêm chủng. Hiện công ty McKesson, nhà cung cấp thiết bị y tế lớn, đang chuẩn bị cung cấp cho các bệnh viên kim tiêm, xy-ranh (syringe) và những thứ khác, chuẩn bị cho một chiến dịch tiêm chủng quy mô toàn quốc.

Theo báo New York Times, hãng Pfizer sản xuất vaccine COVID-19 tại nhà máy ở Kalamazoo bang Michigan và Puurs nước Bỉ. Vaccine cung cấp cho dân Mỹ phần lớn là từ Kalamazoo.

Tại Kalamazoo, vaccine thành phẩm sẽ được đóng trong chai thủy tinh (vial), mỗi chai có 5 liều. Chai vaccine được xếp vào từng khay (tray), mỗi khay có 195 chai, tức 975 liều. Khay lại được đóng gói trong các hộp đặc biệt để giữ lạnh, mỗi hộp có từ một đến năm khay, chứa từ 1,000 đến 5,000 liều thuốc, được giữ lạnh bằng nước đá khô. Các hộp đặc biệt này có thể tái sử dụng nhiều lần, được gắn nhiệt kế và cảm biến (sensor) định vị theo GPS để nhân viên Pfizer có thể theo dõi vị trí và nhiệt độ của từng hộp. Pfizer dự tính đưa ra khoảng 100,000 hộp trong thời gian từ nay đến cuối tháng 11 và sẽ tăng gấp đôi sau khi vaccine được FDA phê chuẩn. Hai hãng FedEx và UPS sẽ vận chuyển vaccine tới các bệnh viện trong toàn quốc bằng phương tiện chuyên dùng chở hàng lạnh.

Khi nhận được các hộp vaccine của Pfizer, bệnh viện hoặc nhà thuốc sẽ quyết định sử dụng ngay hay cất vào kho lưu trữ. Nếu lưu trữ thì phải có tủ đông cực lạnh (ultracold freezer) có thể duy trì nhiệt độ trong tủ ở mức âm 94 độ F, tương đương âm 70 độ C, bằng nhiệt độ đêm mùa đông ở Nam Cực. Loại tủ đông đặc biệt này không phải cơ sở y tế nào cũng có; các công ty sản xuất tủ đông cực lạnh hiện không có đủ hàng cung cấp cho yêu cầu của các tiểu bang và thành phố.

Nếu dùng ngay thì vaccine có thể để nguyên trong hộp lạnh, bỏ vào tủ đông thông thường sẽ giữ được khoảng năm ngày, sau đó thay nước đá khô và giữ thêm được 10 ngày nữa, với điều kiện mỗi ngày chỉ mở ra tối đa hai lần.

Mỗi người chủng ngừa cần tiêm hai mũi vaccine cách nhau ba tuần. Pfizer dự tính từ nay đến cuối năm có thể sản xuất được 50 triệu liều, một nửa số đó sẽ được cung cấp cho hệ thống y tế Mỹ, nghĩa là có khoảng 12,5 triệu người Mỹ có thể được chủng ngừa.

Một số hãng dược phẩm khác như Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca… ghi nhận kết quả tốt trong đợt thử nghiệm giai đoạn 3 các mẫu vaccine của họ, cũng có thể cung cấp vaccine trước cuối năm nay. Do vậy, khả năng Mỹ có lượng vaccine đủ để chủng ngừa cho khoảng 20-25 triệu người là hoàn toàn có thể.

Vấn đề còn lại là chính phủ liên bang cần sớm hoạch định một kế hoạch chủng ngừa toàn quốc, cần xác định vaccine sẽ được đưa đến đâu, làm sao đưa vaccine đến những vùng nông thôn xa xôi, xác định những thành phần dân chúng nào có rủi ro nhiễm bệnh cao dựa vào tuổi tác, nghề nghiệp, địa bàn cư trú… để ưu tiên chủng ngừa cho họ; huấn luyện nhân viên y tế về cách cất giữ và tiêm chủng, lập hồ sơ theo dõi để nhắc người dân trở lại tiêm chủng mũi thứ hai v.v… Các chuyên gia cho rằng, kể cả trong hoàn cảnh bình thường, việc tiêm chủng toàn quốc cũng phải xử lý nhiều công việc phức tạp, cần sự phối hợp ăn ý giữa chính quyền, hệ thống y tế, nhà bào chế, công ty vận chuyển và những thành phần trung gian khác. Trong tình hình dịch cúm Vũ Hán lan nhanh và rộng như hiện nay, thách thức lại càng lớn.

Một trở ngại khác là tâm lý của người dân đối với việc chủng ngừa. Cho đến nay vẫn có một lượng lớn người Mỹ chống lại việc chủng ngừa. Việc bào chế vaccine COVID trong thời gian ngắn kỷ lục càng khiến cho người ta thêm hoài nghi về độ an toàn và hiệu quả của nó.

“Thách thức còn ở chỗ, mọi người có sẵn sàng tiêm ngừa không? Thật xấu hổ nếu chúng tôi đã làm hết tất cả những việc này mà vẫn không được công chúng tin cậy vào sự an toàn của vaccine,” bà Tanya Alcorn, giám đốc phụ trách phân phối vaccine của hãng Pfizer nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: