Nhà thơ Trần Vàng Sao từ trần hồi đầu thế kỷ này. Tuy thế, những lời nguyền rủa, mạt sát của ông dành cho những kẻ đồng thời, và cũng có lúc đã từng là đồng chí, chắc sẽ còn gây âm hưởng cho đến… mấy thế kỷ sau:
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây …
Tác giả Nam Đan, người giới thiệu bài thơ thượng dẫn trên trang Tiền Vệ, đặt câu hỏi: “Điều gì làm cho tâm hồn con người – thi sĩ – phải đau đớn, quằn quại, căm hận, phẫn nộ đến vậy?”
Câu trả lời, có lẽ, không thể tìm được nếu chỉ xét cuộc đời bầm dập của riêng Trần Vàng Sao hay bất cứ một trường hợp cá biệt nào. Nỗi phẫn uất dồn nén trong từng câu thơ của tác giả, dường như, cũng là nỗi uất ức đang ngập ứ trong lòng bao người dân Việt.
Tôi sống kiếp tha hương, ở ngoài nỗi đau thương (chung) của đồng bào mình nên không khỏi lăn tăn: sao một nhà thơ lại có thể thốt lên những lời cay nghiệt thế này:
tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây
Trải nghiệm đớn đau của nhà thơ Vàng Sao ra sao, tôi không tường tận lắm, nhưng tin tức tự quê nhà, trong mấy ngày qua, cũng khiến cho một kẻ xa quê, dù vô tâm đến mấy, vẫn phải cảm thấy băn khoăn:
Hồi Tháng Chín năm ngoái, báo chí trong nước viết và đưa tin: “Phụ huynh bất ngờ vì giá hơn 800 nghìn đồng một bộ sách giáo khoa.” (Giáo Dục Thời Đại); “Cổng trường đổ sập 6 trẻ thương vong trụ cổng không có cốt thép”. (Tiền Phong).
“Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã luận tội, đề nghị mức án đối với 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm (H.Mỹ Đức) trong đó có 2 mức án tử hình, 1 mức án chung thân về tội giết người.” (Công An Nhân Dân)
Trước đó, trước khi VKSND “luận tội” thì giới truyền thông cũng đã “kết tội” xong xả cả rồi:
VTC: Phải có bản án thích đáng cho những kẻ sát nhân ở Đồng Tâm
Tuổi Trẻ: Xét xử vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm
Dân Trí : Xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” tại xã Đồng Tâm
Người Lao Động: Vụ án Đồng Tâm: Những đối tượng nào đã nhiều lần đổ xăng thiêu chết 3 cảnh sát?
Không riêng chi giới truyền thông, qúi vị dân biểu cũng hăng hái nhập cuộc và đứng hẳn về phía cường quyền. ĐBQH Phạm Văn Hoà lên tiếng: “Việc cố ý giết người của nhóm Lê Đình Kình là hành vi không thể dung thứ, và phải có bản án thích đáng cho những kẻ sát nhân ở Đồng Tâm.”
Bơ vơ giữa một bầy qủy dữ, những nông dân thấp cổ bé miệng chỉ còn có thể trông chờ vào những luật sư biện hộ. Tuy thế, chính giới người này cũng bị sách nhiễu và đe dọa nặng nề.
Blogger Pham Doan Trang cảnh báo: “Sự táo tợn, manh động của cơ quan chấp pháp hôm nay tiếp tục được nâng lên một ngưỡng mới khi một số kẻ có hành động đe dọa và xúc phạm các luật sư bào chữa trong vụ Đồng Tâm… Việc công an, côn đồ gây sự và đe dọa các luật sư có lẽ xuất phát từ ý muốn kiểm soát và ngăn chặn, không để các luật sư tiếp tục truyền tải thông tin; hoặc là để cướp tài liệu, phá hồ sơ, cản trở công việc bào chữa của họ.”
Blogger Phạm Thanh Nghiên cho biết thêm: “Trước khi phiên toà này diễn ra, một số người bạn của tôi (xin phép không nêu danh) đã bị công an triệu tập dài ngày và yêu cầu không được phép viết về vụ Đồng Tâm. Tất nhiên là không chỉ đe doạ… xuông mà còn kèm theo những sức ép kinh khủng khác. Bản thân tôi cũng nhận được những lời cảnh báo nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Và sắp tới, sự bắt bớ có thể sẽ được nhà cầm quyền… khởi động lại. Một, hai, ba hoặc nhiều người nữa sẽ phải bước chân vào vòng lao lý, vào chốn ngục tù không phải vì họ có tội. Mà vì họ dám đứng về lẽ phải, dám đối đầu với thế lực tà ác, và dám viết về vụ án lịch sử Đồng Tâm – điều mà bọn cầm quyền không muốn.
Ôi cái thời chúng ta không chỉ viết bằng những cái gõ phím, mà viết bằng MÁU. Luật sư bảo vệ sự thật, bênh vực lẽ phải cũng phải trả bằng MÁU.”
Bây giờ thì tôi thấu hiểu tại sao mà nhà thơ Trần Vàng Sao lớn tiếng thoá mạ:
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
……
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
Ngoài việc nguyền rủa, dân Việt có lẽ cũng không ai quên làm cù nèo và mài dáo mác. Với sự bạo ngược của đám cường hào ác bá hiện nay – ở xứ sở này – thì cái ngày mà chúng bị móc ra khỏi ống cống, chắc cũng không còn xa.