(Hình: tác giả cung cấp)

Một tuần sau khi dư luận nổi sóng về phát biểu của thiếu niên Chu Ngọc Quang Vinh (“Tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”) tạm lắng – hôm 7 Tháng Chín vừa qua – trên trang Tiếng Dân, nhà văn Phạm Đình Trọng kết luận: “Sự việc cho thấy người dân, nhất là thế hệ trẻ đã có nhận thức sâu sắc về pháp luật, có ý thức về sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội.”

Khẳng định thượng dẫn về “nhận thức sâu sắc của thế hệ trẻ” khiến tôi nhớ đến tình cảnh của một bạn trẻ trẻ khác, Ma Văn Pá quê ở Hà Giang. Cách đây hơn 10 năm – vào hôm  9 Tháng Mười năm 2013 – thanh niên này cùng với hàng trăm người dân bản địa khác (từ Tây Bắc) lặn lội xuống miền xuôi, đến tận vườn hoa Mai Xuân Thưởng để đòi công lý. 

Tình cờ có mặt tại hiện trường, FB Trần Thị Cẩm Thanh cho biết: “Người H Mông yêu cầu chính quyền phải điều tra sự thật và truy tố những cán bộ làm sai pháp luật, bồi thường thiệt hại, trả lại những đồ tang lễ, không được phá nhà bảo quản đồ tang lễ để họ trở về với cuộc sống bình an và văn minh… Người H Mông không chấp nhận chính quyền và công an mang dùi cui điện và còng số 8 đến đàn áp, phá nhà tang lễ và đánh đập người dân, nhiều người bị bắt mang đi.”

Sau nhiều ngày sống trong cảnh màn trời chiếu đất, giữa lòng Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại, MVP tuyên bố: “Chính quyền từ trung ương đến địa phương đều cùng một duộc… chỉ nói vu vơ ngoài pháp luật… không giải quyết gì, tôi đến chỗ Hà Nội này tôi mới biết được rằng có rất nhiều người dân oan như chúng tôi cũng đang phải gánh chịu những hậu quả mà đảng và nhà nước đã gây cho mọi dân tộc.”

Sau đó không lâu, Việt Báo (phát hành từ California) ái ngại loan tin:

“Ông Pá bị cảnh sát giao thông bắt khi đi trên một chiếc xe khách đang chạy gần đến thành phố Hà Giang… Nhưng thay vì đưa ông về trụ sở cảnh sát giao thông để kiểm tra giấy tờ, công an đã đưa ông thẳng vào Công an thành phố Hà Giang để cho những người tự xưng là người của Bộ Công An với tên là Hùng, Thiết và Ngọc thẩm vấn…

Công an Thiết là kẻ tra tấn và dọa giết ông Pá nhiều nhất khi hắn bắt ông ký vào các biên bản và giấy tờ. Để phản đối hành vi tra khảo ông Pá đã hai lần lao mình vào cửa sổ để nhảy lầu và một lần húc đầu vào tường để tự hủy mình nhưng bất thành.”

Rồi sao nữa?

Không biết!

Không ai biết và cũng chả ai quan tâm đến số phận của một thanh niên ở tận miền ngược như MVP cả. Sự việc chỉ được ghi nhận bằng một câu chữ ngắn ngủi trong Báo Cáo Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Năm 2015: “Hồi tháng 8, cảnh sát và các cán bộ Công an tỉnh Hà Giang đã bắt giữ và thẩm vấn tín đồ Đạo Dương Văn Mình là Ma Văn Pá sau khi anh ta gặp các quan chức của Hoa Kỳ.”

Chấm hết!

Tôi cũng sinh trưởng ở miền núi và ý thức được rất rõ thân phận hẩm hiu của tất cả những sắc dân bản địa nên cũng không dám có ý kiến hay đòi hỏi gì hơn. Tuy thế, đôi lúc, vẫn nghĩ đến tình cảnh của Ma Văn Pá mà không khỏi sót lòng.

Mười năm qua, thỉnh thoảng, tôi vẫn ghé thăm vài cộng đồng người H’mong đang tị nạn ở ngoại ô Bangkok, và luôn cố dò tìm tin tức về Ma Văn Pá nhưng không nhận được một thông tin nào cả. Liệu em có còn sống không? Nếu còn, em sống ở đâu và sống ra sao? Làm sao có thể yên thân với lực lượng công an, sau khi em đã thản nhiên nói lên một sự thật trần trụi về chế độ toàn trị hiện hành:

“Chính quyền từ trung ương đến địa phương đều cùng một duộc… chỉ nói vu vơ ngoài pháp luật… không giải quyết gì, tôi đến chỗ Hà Nội này tôi mới biết được rằng có rất nhiều người dân oan như chúng tôi cũng đang phải gánh chịu những hậu quả mà đảng và nhà nước đã gây cho mọi dân tộc.”

(Hình: tác giả cung cấp)

Chu Ngọc Quang Vinh cũng đã viết một câu tương tự (“tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”) và đã làm công luận dậy sóng, với tuyệt đại đa số ý kiến bênh vực quan điểm thẳng thắng của em. Xin chỉ ghi lại dăm ba (theo thứ tự alpha) vì nhiều quá:

Huỳnh Ngọc Chênh: “Cả hệ thống chính trị ra tay vì phát ngôn chân thật của một học sinh.”

Song Chi: “Nước người ta càng ngày càng đi tới cấp độ văn minh, tiến bộ cao hơn, còn mình thì cứ càng ngày càng lùi về thuở mù quáng, mông muội, dã man…”

Manh Dang: “Cháu phát biểu vào ngày 2/9, có khác gì Bản Tuyên Ngôn của thế hệ trẻ? Cảm ơn cháu, Chu Ngọc Quang Vinh.”

Chu Vĩnh Hải: “Dù thế nào thì việc một đám đông những người lớn tuổi trong đó có cả những người có vẻ có học hùng hổ bắt nạt, chửi rủa một cậu bé mười bảy tuổi chỉ vì cậu ấy dám nói ra những suy nghĩ của cá nhân mình vẫn là một việc làm rất đáng xấu hổ.”

Phan Thúy Hà: “Tại sao mình cảm xúc mạnh với chuyện của cháu bé? Bởi vì, mình đã nghĩ về cái ngày này rất nhiều, mình rất lo, biết là sẽ có lúc xảy ra, và đã xảy ra. Đó là thế hệ các con của chúng ta. Các con đặt chúng ta vào một ca rất khó. Lương tâm làm cha mẹ không thể im lặng. Chúng ta không lẩn tránh được mãi một sự trả lời.”

Hong Thai Hoang: “Cái tên Chu Ngọc Quang Vinh, mãi quang vinh như tên của con vậy.”

Hoàng Dạ Lan: “Cách xử lý em Vinh phơi bày bản chất tuyên truyền của hệ thống giáo dục và nỗi lo sợ của chính quyền trước tự do tư tưởng và ý kiến phản biện của người trẻ.”

Vũ Quốc Ngữ : “Bịt miệng dân thì xã hội chỉ còn những zoombie thôi.”

Nguyễn Thị Sen: “Chu Ngọc Quang Vinh bị đấu tố vì dám nói thật.” 

Trịnh Kim Tiến: “Ủa thằng nhỏ nói có gì sai hả? Luật nào cho phép công an mời thằng bé lên làm việc? Đảng là đảng mà Tổ quốc là Tổ quốc, mắc gì yêu Tổ quốc phải biết ơn đảng?”

Nguyên Tống: “Chỉ một câu nói của bé con 17 tuổi mà lên đồng tập thể vậy thì có phải là có tật giật mình không nhỉ?  Hay sắp sập thật?!”

Doanh nhân Phan Châu Thành còn có đề nghị vô cùng hào sảng và cảm động: “Em Quang Vinh ở Yên Bái nếu muốn làm việc trong một môi trường ở nước ngoài, cạnh tranh công bằng, sòng phẳng với dân Tây thì chỗ mình lúc nào cũng có vị trí xứng đáng cho những người như em.

Ngay cả bây giờ, khi không có bằng cấp cũng chẳng có ý nghĩa gì, mình chưa bao giờ hỏi bằng cấp, chứng chỉ của bất kỳ ai khi tuyển dụng, vì cũng không quan tâm đến. Đủ can đảm để nói thẳng, nói thật, đó là ‘bằng cấp’ đỉnh cao rồi”.

Gía mà mọi người cũng quan tâm đến em MVP y như vậy nhỉ? Được thế thì thân phận của cá nhân em, cũng như vận mệnh của cả dân tộc này – chắc chắn – sẽ đỡ thảm thương và đen tối hơn hiện cảnh. Phân biệt đối xử sắc tộc, vùng miền… không bao giờ mang lại được ơn ích gì cho bất cứ ai, và luôn luôn làm cho cả dân tộc suy yếu, trong khi họ đang cần sức mạnh để đối phó với cả hai thứ giặc: ngoại xâm và nội xâm!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: