Ngày 7 Tháng Chín 2023, từ Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng đã gửi đến độc giả xa gần một câu chuyện nhỏ – khá lạ và cũng hơi hài:
Quãng hơn chục năm trước, nhà mình mua 1 mảnh đất gần 500m2 để xây nhà. Trên mảnh đất đó có 1 cây phong, cây mà lá của nó là biểu tượng trên cờ Canada. Cây phong không có tội tình gì ngoài chuyện đứng chình ình giữa vườn, nên nhà mình quyết định chặt đi; giá nó đứng ở góc thì sẽ không chặt chiếc gì…
Mình điền đơn, nhân viên ở đó hỏi mình chi tiết về cái cây: Loại gì, chu vi gốc khoảng bao nhiêu; mình trả lời trôi chẩy, vì chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng khi họ hỏi, trên cây có tổ chim không, thì mình tịt ngóm, vì hoàn toàn bất ngờ.
Sau chừng mươi ngày có một ông tới xem cái cây rất kỹ càng, đeo ống nhòm dài nhìn ngó lên trên để chắc chắn là không có tổ chim và cuối cùng quận cấp quyết định đồng ý. Cùng với quyết định này, họ bắt trồng bù 10 cây khác và mình trồng 1 rặng thông quanh vườn.
Em kể câu chuyện này để các cụ thấy Tây họ quản lý cây cối, họ chăm lo cho môi trường thế nào. Mấy hôm nay em im tịt vì chẳng nhẽ văng toàn tiếng Đan Mạch lên mạng. Phá 600 ha rừng nguyên sinh mà không thằng hay con đại biểu quốc hội nào xuống nhòm xem nó ra sao thì không bằng anh nhân viên quèn ở quận Bemowo nhà em…
Trước đó vài tuần, ngày 9 Tháng Tám, từ Việt Nam – qua Facebook – nhà báo Mạc Van Trang cũng gửi cho bạn bè và thân hữu một câu chuyện (khác) lạ lùng không kém nhưng hoàn toàn không hài hước một tí nào sất:
Lâu nay mình vẫn tự hào, khoe với bạn bè, khu chung cư bọn mình ở rợp bóng cây xanh… Bỗng một ngày đi chơi vắng, chiều về thấy xe tải chở gỗ cây xanh ra cổng, đi vào khu nhà thì cây xanh trụi húi hết. Thật sợ quá.
Đây không phải tỉa cây cho an toàn khi gió bão (mà Sài gòn mấy khi có bão?). Đây là THU HOẠCH GỖ của Cty môi trường thì đúng hơn. Hỏi chú bảo vệ: Sao để họ cưa cây trụi thế kia?
– Dạ đó là bên Cty Môi trường thành phố người ta làm mà chú.
Hỏi một người trong Ban quản lý.
– Dạ, đó là ngành chức năng người ta làm…
Hầu như tất cả người dân không ai thắc mắc gì. Xe phơi nắng, người phơi nắng cam chịu thôi! Những cái cây này là của công mà, có phải cây của vườn nhà mình đâu! Chả còn biết nói gì! Chả hiểu được!?
Nghe ông nhà báo thở than khiến tôi chợt nhớ đến đôi câu (thơ) của một nhà văn đã khuất, Mai Thảo:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Mà “đời” thì khó hiểu thiệt, và khó hiểu lắm lận!
Coi: Tôi đâu có nhà cửa vườn tược như nhà báo Mạc Việt Hồng (ở Varsovie) cũng không được cư trú trong một chung cư “rợp bóng cây xanh” như nhà báo Mạc Văn Trang (ở Sài Gòn) mà đang tạm trú tại Silicon Valley (California) nơi còn được gọi là Thung Lũng Điện Tử hay Thung Lũng Hoa Vàng.
Ở đây đất cũng mắc như vàng nên thứ dân tị nạn (dấm dớ) cỡ tôi thì thường phải ở thuê. May mắn lắm mới mua được một cái townhouse bé tí teo, để có một chỗ mà chui ra chui vô thôi.
Với loại nhà ở chung vách này, chủ nhân không có quyền hạn chi về vườn tược bên ngoài cả. Trách nhiệm chăm sóc tất nhiên cũng không nhưng phải đóng lệ phí, và đóng hơi nhiều, hàng tháng. Cây cỏ bên ngoài là tài sản chung, và đều do ban quản lý chung cư (HOA – Homeowner Association) lo liệu.
Ấy thế mà cũng nào có được yên!
Tháng rồi chỉ vì muốn chặt hai ba cây thông kế bãi đậu xe mà họ dán giấy tùm lum, cho biết trước là chúng sẽ bị đốn hạ. Sau đó, mọi người còn nhận được thông báo, và khuyến khích tham dự vào một buổi điều trần công khai (public hearing) nữa cơ! Trời! Chặt có ba cái cây già cỗi và sắp chết hết đến nơi rồi mà sao vẽ vời ra lắm điều nhiều chuyện dữ vậy, mấy cha? Cứ ở Sài Gòn như nhà báo Mạc Văn Trang thì đâu có lôi thôi đến vậy, chỉ cần “một ngày đi chơi vắng, chiều về… thì cây xanh trụi húi hết” trơn.
Khoẻ!
Ở Bình Thuận lại càng khoẻ hơn nữa. Ngày 15 Tháng Tám vừa qua, VnExpress thản nhiên loan báo: “Bình Thuận khai thác hơn hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi.” Trang TRITHUCVN còn cho biết thêm: “Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.”
Nghe cứ như họ rao bán mớ rau, hay mớ tép (giữa chợ chồm hổm) vậy khiến lắm người băn khoăn hay phẫn uất:
Bùi An: “Hồ thủy lợi có được bằng 600 ha rừng, có thực sự cần không?”
Bạch Cúc: “Đời bạn, đời tôi xem như bỏ, nhưng còn đời con, đời cháu chúng ta và các thế hệ sau này sẽ sống thế nào khi thiên nhiên chỉ còn lại một đống hoang tàn? Đánh đổi lợi ích sinh tồn dài hạn của cả một dân tộc để phục vụ mục tiêu kinh tế ngắn hạn bằng những quyết sách nhất thời thì liệu có đáng không?
Thảo Dân: “Phá rừng đặc dụng, rừng tự nhiên trong khu bảo tồn thiên nhiên để làm hồ chứa nước, đa dạng sinh học bị mất đi thì đến bao giờ mới phục hồi được? Hệ lụy của nó với môi trường sẽ ra sao? Các nhà khoa học đã phân tích kỹ lợi hại được mất chưa?
Khải Đơn: “Phá 600ha rừng làm hồ có cứu được 100.000 người dân thiếu nước không?”
Hòa Hưng: “Không có đất làm hồ, vậy đất đâu để trồng rừng?”
Nguyễn Hồng Quang: “Tại sao khăng khăng phá rừng làm hồ mới làm gì?”
Trương Nhân Tuấn: “Lý do nào cho phép họ phá rừng, đào bới lấy quặng mỏ, với bình phong làm hồ Ka Pét? Ngoài ra việc khai thác này sao không thấy thông qua một quá trình gọi thầu và đấu thầu?”
Mọi thắc mắc/khiếu nại (thượng dẫn) đều nhận được hồi đáp cấp kỳ. Không chỉ lẹ làng/nhẹ nhàng mà còn vô cùng chính xác.
Tạ Duy Anh: “Mục tiêu vẫn là gỗ các ông ạ.”
Long Quan: “Đơn giản vì rừng ngon ăn quá.”
Chớ còn gì “ngon ăn” hơn nữa giữa một xứ sở đã xơ xác, tiêu điều, như đất nước “chiều nay.” Khoáng sản đã cạn, lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo đều đã cầm cố hay sang nhượng tự lâu. Quyền bính thì chả biết sẽ còn giữ được bao lâu nữa nên mạnh ai nấy hốt (thêm) được chút nào hay chút đó thôi!
Cứ theo như lời của ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, cử tri và nhân dân tỉnh Bình Thuận rất đồng tình với dự án hồ Ka Pét. Cùng lúc, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh việc đăng tải thông tin về việc phá rừng để thực hiện dự án, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật.”
Thế người dân bản địa tại Bình Thuận phản ứng thế nào?
RFA cho hay: “Ông Phạm Khanh, một người sắc tộc Chăm, hiện đang ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột sắc tộc giữa người Kinh và Chăm nếu các cơ quan chức năng địa phương vẫn tiếp tục thực hiện dự án hồ Ka Pét.
Là một người nghiên cứu, bảo tồn văn hoá Chăm, ông Khanh cho biết trong diện tích hơn 680 ha làm dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét, có khoảng 162 ha rừng đặc dụng. Nếu dự án vẫn thực hiện, theo ông Khanh, khoảng 10 ha khu Thánh tích của người Chăm sẽ bị nhấn chìm dưới lòng hồ.”
Thi sỹ Inra Sara cho biết: “Chăm chỉ khóc!”
Vâng! Ai thì cũng chỉ đành khóc thôi, chứ biết làm sao khác và làm gì được chúng?
Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu!