Phan Thắng Toán (1932 – 30.04.1994)

Họ bắt gặp anh Toán Xồm vạ vật và hấp hối trên vỉa hè, liền cho người báo tin. Nhưng anh chẳng còn ai trong giờ phút lâm chung, chỉ có cái vỉa hè… chứng kiến. (Hình: Nguyễn Đình Toán)

Giới yêu nhạc Việt, có lẽ, đều đã từng nghe bản nhạc “Tình Lỡ” của Thanh Bình (“Thôi rồi còn đâu chi anh ơi/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi…) nhưng e không nhiều người biết đến tác phẩm “Lá Thư Về Làng” do Lúa Mới phát hành hồi 1956:

Từ miền Nam, viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền Giang thương qua đèo Cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng

Thương những già hôm sớm lang thang

Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhung rồi, thương quá lắm bé thơ ơi…

Đám “bé thơ” mà Thanh Bình “nhớ nhung” (hồi giữa thế kỷ trước) nay đều đã trở thành những công dân lão hạng, nếu mà sống sót. Còn tác giả thì qua đời từ lâu, sau một thời gian “hôm sớm lang thang” ngay tại Sài Gòn – một thành phố đã mất tên – nơi ông tìm đến để lánh nạn khi còn là một thanh niên.

FB Lâm Ái cho biết: “Ở cái tuổi 80, ít ai tin rằng một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không nhà không cửa, lang thang xin ăn ở chợ, bến xe. Các anh công an đưa ông về trại dưỡng lão thì phát hiện ra là nhạc sĩ Thanh Bình và đưa ông về ở với cháu gái (con gái của chị ruột).

 Vợ chồng cháu gái làm công nhân, làm thuê đời sống hết sức khó khăn. Ca sĩ Ánh Tuyết có lần tổ chức đêm nhạc, và làm cho ông được hai sổ tiết kiệm. Nhưng vì ông đột ngột mất, con gái đang đi tù nên không thể rút được tiền làm đám tang.

 Ca sĩ Ánh Tuyết lại là người bên ông, lo cho đám tang của ông. Điều đáng buồn, dù ca sĩ Ánh Tuyết có kêu gọi hỗ trợ nhưng dường như số tiền vẫn không đủ để lo cho đám tang, đành xin quan tài lục giác của chùa để an nghỉ.”

Thôi thế cũng xong!

Cuối cùng, Thanh Bình cũng đã có nơi “an nghỉ,” dù hơi cô quạnh! Bạn đồng nghiệp và đồng thời với ông, lắm kẻ, tiếc thay, không có được chút may mắn đó:

“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu bolero tha thiết trữ tình… Tháng Tư năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù.

Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần… Vào một buổi sáng năm 1995, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân.” (Hoài Nam. “Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam 1930 – 2000”).

Sao lại đến nông nỗi thế nhỉ? Chả lẽ chỉ vì Trúc Phương “lỡ dại vượt biên,” và vì Thanh Bình “lỡ chân vượt tuyến” nên mới ra cớ sự chăng?

Không hẳn thế đâu!

Có những kẻ luôn sống ở miền Bắc, không hề di cư hay di tản (lần nào cả) nhưng vẫn phải trải qua một kiếp nhân sinh còn bầm dập, te tua và tơi tả hơn thế nữa. Ông tên là Phan Thắng Toán – biệt danh Toán Xồm –  sinh năm 1932, bị bắt giam từ năm 1968 (vì tội “tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc”) và đã lìa đời từ lâu.

(Hình: tác giả cung cấp)

Bi kịch của cuộc đời Phan Thắng Toán có thể hiểu được phần nào qua vài câu đối thoại (hơi hài) do nhạc sỹ Tô Hải ghi lại, trong một phiên tòa tại Hà Nội, vào hôm 12/ 01/1971:

-Chánh Án: Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?

-Toán Xồm: Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!

– Chánh Án: Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
-Toán Xồm: Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
– Chánh Án: Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?
-Toán Xồm: Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
– Chánh Án: Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
-Toán Xồm: Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!
-Chánh Án: Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!
-Toán Xồm: Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
-Chánh Án: Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!

Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.

Cuối cùng, toà luận án và tuyên án: “Việc làm của bọn này gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.”

“Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân …” (“Phan Thắng Toán và Đồng Bọn Đã Bị Xét Xử” – báo Hà Nội Mới 12/ 01/1971).

Chơi nhạc Tango, Rumba, Cha Cha Cha … thì có gì mà “nghiêm trọng” đến độ phải ngồi tù lâu dữ vậy, hả Trời?

Mãn hạn tù lại bắt đầu một bi kịch khác:

“Nhà tôi có 5 người chen chúc trong cái phòng 9 m2, thêm anh Toán Xồm nữa là sáu. Thế nên anh cũng không thể tá túc mãi ở chỗ tôi. Anh có mỗi bà chị ruột thì đã di cư vào Sài Gòn trước 1954, ở Hà Nội không còn ai thân thích. Anh Toán Xồm cứ lang thang ‘lãng tử’ nay đây mai đó, lúc màn trời khi chiếu đất.

Cho đến ngày 30/04/1994 … sáng đó là kỷ niệm ngày thống nhất đất nước nên công an phường đi dẹp đường. Họ bắt gặp anh Toán Xồm vạ vật và hấp hối trên vỉa hè, liền cho người báo tin. Nhưng anh chẳng còn ai trong giờ phút lâm chung, chỉ có cái vỉa hè… chứng kiến.”  [Kim Dung – Kỳ Duyên. Cung Đàn Số Phận (Hồi Ký Lộc Vàng). Hội Nhà Văn: Hà Nội, 2018].

Qua năm sau (1995) thì Trúc Phương qua đời tại Sài Gòn, cũng không có ai “chứng kiến” ngoài … “đôi dép nhựa dưới chân.”\

Tuy kẻ Bắc, người Nam nhưng số phận của cả ba ông, tưởng chừng, chả khác gì nhau.

Tưởng vậy thôi, chớ không phải vậy đâu.

Họ khác chớ và khác lắm!

(Hình: tác giả cung cấp)

Tuy sinh cùng thời, và cùng nơi với Phan Thắng Toán, nhưng nhờ di cư vào Nam nên Thanh Bình có cơ hội viết được nhiều bản nhạc bất hủ, trước khi cuộc cách mạng vô sản biến ông thành một kẻ trắng tay, rồi thành một lão … ăn mày!

Trúc Phương cũng thế, ông cũng kịp “để lại cho chúng ta một di sản vô giá” (theo nhận định của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam) rồi mới nằm chết cong queo ngoài bến xe đò.

Còn ở giữa lòng Hà Nội (nơi được mệnh danh là “Thủ Đô Của Lương Tâm & Phẩm Giá Con Người”) thì Toán Xồm chả hề có được chút cơ hội hay cơ may nào sất, và dường như ông không có chi để lại cho đời – dù chỉ là một “đôi dép nhựa”! 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: