Sao không khởi tố Hội đồng bầu cử, lại nhắm vào Hội thánh truyền giáo?

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở Hải Phòng ngày 13-4-2021. Nguồn: Doãn Tấn-TTXVN.

Một tuần trước ngày bầu cử, số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên đến con số hàng trăm ca mỗi ngày. Trong bối cảnh đó, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người đứng đầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia, vẫn đốc thúc toàn dân đi bầu qua lời tuyên bố rằng “không vì dịch bệnh mà không tổ chức được bầu cử”.

“NGÀY HỘI TOÀN DÂN”?

Các kênh truyền thông nhà nước đã đưa tin một cách tự hào về con số sơ bộ 98,43% cử tri đi bỏ phiếu. Tờ Công An Nhân Dân gọi đây là một “minh chứng sống động”, trong khi báo Nhân Dân điểm tin mừng “ngày hội toàn dân”.

Thế nhưng, ngay trong chiều ngày bầu cử 23-5, tại Hà Nội, một người hỗ trợ tổ bầu cử ở Quận Bắc Từ Liêm bị phát hiện nhiễm COVID-19, khiến khu vực này phải tạm dừng bầu cử. Đáng chú ý, khu vực bầu cử này liên quan đến hơn 5.000 nhân khẩu. Chưa đầy một tuần sau, Bình Dương ghi nhận một ca mắc COVID-19. Người này đã đến khu vực bầu cử vào thời điểm có khoảng 300 người khác cũng đi bầu. Và sau khi Bắc Giang thông báo có 97,8% cử tri đi bầu, thì một tuần sau đó, tỉnh này ghi nhận hơn 2.200 ca dương tính. Không một cơ quan nào cho biết có bao nhiêu bệnh nhân trong số đó đã đi bầu và lây nhiễm cho bao nhiêu cử tri khác trong tỉnh.

Số ca nhiễm COVID-19 trong tháng 5-2021 tại Việt Nam, cập nhật ngày 31-5-2021. Nguồn: VNExpress.

Tới đây, ta không khỏi thắc mắc rằng, việc Hội đồng Bầu cử đốc thúc cử tri “tích cực đi bầu” đóng vai trò gì trong chuyện bùng phát dịch bệnh khắp cả nước? Và sau rốt, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc này? Cho đến nay, ta chưa thấy một cơ quan nào tiến hành điều tra hay khởi tố bất cứ một vụ án nào liên quan đến Hội đồng Bầu cử. Ấy vậy mà, các cơ quan có thẩm quyền lại chọn khởi tố vụ án liên quan đến Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng.

Tiêu đề và trích nội dung một số tờ báo nhà nước, ngày 1-6-2021. Nguồn: Ảnh chụp kết quả tìm kiếm Google.

TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC CŨNG TIÊU CHUẨN KÉP?

Bộ Y tế đã có hành động đáng hoan nghênh khi ra công văn ngày 21-5 yêu cầu không công bố danh tính và lịch trình di chuyển của bệnh nhân COVID-19. Có lẽ vì vậy mà, tính tới hiện tại, chưa một khu vực bầu cử nào bị “săn lùng” hay “truy vết” trên các kênh truyền thông nhà nước.

Thậm chí, báo chí còn không viết rõ xem năm trường hợp nhiễm COVID-19 vừa được ghi nhận ở phường 14, quận Tân Bình có phải do lây nhiễm từ khu vực bầu cử số 156 mà trước đó có hai cử tri nhiễm virus hay chăng. Phải nói thêm, sau khi phát hiện hai cử tri dương tính với virus, Phường 14 đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho hơn 2.000 người dân có liên quan đến khu vực bầu cử này.

Thế nhưng, công văn của Bộ Y tế lại hoàn toàn không có hiệu lực với trường hợp Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng. Bằng một cách nào đó, thông tin cá nhân của các bệnh nhân thuộc Hội Thánh lại được đăng tải rõ ràng trên mặt báo, bất chấp Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc “không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân”.

Điển hình, có thể kể tới bài báo Ổ dịch tại Hội truyền giáo Phục Hưng đã hình thành như thế nào? đăng ngày 30-5-2021 trên tờ Công An Nhân Dân, trong đó tác giả Phú Lữ đề cập rõ họ tên, địa chỉ, và thậm chí cả lý lịch của một số thành viên Hội Thánh. Không chỉ vậy, hàng loạt tờ báo nhà nước khác cũng đồng loạt chĩa mũi dùi vào Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng như thể Hội Thánh này là nguồn cơn lây lan dịch bệnh của cả thành phố, dù rằng nguồn lây nhiễm COVID-19 hiện tại đến từ rất nhiều khu vực trên cả nước. Thậm chí, cơ quan chức năng còn chưa xác định được nguồn lây nhiễm ban đầu của các bệnh nhân thuộc Hội Thánh này.

Thông báo của Ủy ban Nhân dân Phường 14, Quận Tân Bình ngày 29-5-2021. Nguồn: Người dân quận Tân Bình-Internet.

ĐỪNG ĐỐI XỬ BẤT CÔNG

Việc dịch bệnh bùng phát hết lần này đến lần khác đã xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, kể cả ở những quốc gia có biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như Đài Loan hay Hàn Quốc. Bởi vậy, đối phó như thế nào với dịch bệnh vẫn còn là một câu hỏi gây tranh cãi, mà có lẽ chưa quốc gia nào dám tự tin rằng cách làm của mình là đúng đắn nhất.

Song, đối xử như thế nào với công dân trong thời kỳ dịch bệnh là một câu hỏi khó hơn rất nhiều. Bởi để trả lời cho câu hỏi này, chính quyền không chỉ phải tính tới mức độ hiệu quả trong việc phòng chống dịch, mà còn phải cân nhắc thật thận trọng đến quyền của công dân, đến phẩm giá con người, và phải nghĩ cách làm sao để tránh gây đứt gãy và thương tổn đối với các mối liên kết trong xã hội – giữa giáo dân với lương dân, giữa người thành thị với người thôn quê, giữa con người với con người.

Nhưng dù chính quyền có chọn cách hành xử như thế nào, trước hết, đừng đối xử bất công.

Nói cho công bằng, chiếu theo Công văn số 45-TANDTC-PC của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, thì “người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 [của Bộ luật Hình sự]”.

Như vậy, thử hỏi, với hành động tổ chức bầu cử và kêu gọi gần bảy chục triệu cử tri đi bỏ phiếu ngay giữa thời kỳ dịch bệnh bùng phát, liệu những người thuộc Hội đồng Bầu cử Quốc gia có phải chịu trách nhiệm? Liệu đã có cơ quan nào tiến hành điều tra Hội đồng này? Nếu không, cớ sao lại đem các bệnh nhân COVID-19 ra khởi tố, như bệnh nhân ở Hà Nam, ở Thanh Hóa, và những người liên quan đến Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng?

Khác nào đem dân ra làm bia đỡ đạn!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: