Sau đại dịch, Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới? (2)

Đầu năm nay, dịch cúm Vũ Hán bùng phát ở Trung Quốc rồi phát tán khắp thế giới. Trong những ngày đầu đại dịch, cả thế giới nhìn về Vũ Hán với lòng thương cảm và lo lắng. Cũng đã có người ví dịch cúm Vũ Hán với “thảm họa nguyên tử Chernobyl”, sẽ “bắt đầu chuỗi ngày sụp đổ” của đảng Cộng sản Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với đối thủ châu Á.

Nhưng tình hình xoay chuyển nhanh chóng, Trung Quốc sớm thoát ra khỏi đại dịch còn châu Âu và Hoa Kỳ lại gánh chịu những hậu quả thảm khốc. Trung Quốc, từ vị trí một “kẻ tội đồ” đã tận dụng cơ hội để sắm vai “người hùng” cứu nhân độ thế. Và từ đó, có ý kiến cho rằng đại dịch Vũ Hán đang sắp xếp lại trật tự thế giới, và Trung Quốc sẽ là người chiến thắng. Đại dịch Vũ Hán, theo nhiều ý kiến từ Trung Quốc, không chỉ cho thấy tài năng quản trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn chứng tỏ tính ưu việt của mô hình chính trị “xã hội chủ nghĩa” so với chế độ dân chủ tự do!

Nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Loạt bài sau đây của Saigon Nhỏ trình bày các góc nhìn khác nhau của một số nhà nghiên cứu chính trị để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc quan tâm tới đề tài này và có ý kiến thảo luận, xin vui lòng góp ý ở phần bình luận bên dưới.

Bài 1: Trung Quốc sẽ giành được thế giới thời hậu coronavirus, Hoa Kỳ sẽ bị bỏ lại phía sau

Bài 2: Đại dịch sẽ không biến Trung Quốc thành người lãnh đạo thế giới

MICHAEL GREEN VÀ EVAN S. MEDEIROS

Trên tạp chí uy tín Foreign Affairs, đăng ngày 15-04, hai giáo sư Michael Green và Evan S. Medeiros, cho rằng sẽ chỉ có vài quốc gia nghe theo thông điệp hoặc đi theo mô hình của Bắc Kinh.

Hai ông này không tin Bắc Kinh sẽ thành công trong nước cờ biến một đại dịch thảm khốc khởi nguồn từ Trung Quốc thành một bước tiến mới trong cuộc trỗi dậy của nước này cho dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đang dốc toàn lực thúc đẩy “một chiến dịch tuyên truyền nặng tính lừa đảo và những hành động toàn cầu kém hiệu quả”. Trong khi đó, Hoa Kỳ, dù có những bước lạc lối ban đầu, vẫn thể hiện là nước lãnh đạo thế giới – điều này không phụ thuộc vào một tổng thống cụ thể mà vào sức mạnh tổng hợp những khả năng bền bỉ về vật chất và tính chính danh chính trị. Vì vậy, có rất ít dấu hiệu cho thấy đại dịch Vũ Hán sẽ tạo ra sức mạnh thay đổi nhanh chóng và vĩnh viễn trật tự thế giới theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Theo hai giáo sư, chiến dịch tuyên truyền tổng lực của Trung Quốc diễn ra ngoạn mục trong thời gian đầu, nhưng bây giờ lại tỏ ra quá vụng về và không hiệu quả. Câu chuyện về coronavirus mà Bắc Kinh đưa ra – từ phủ nhận virus có nguồn gốc tại Trung Quốc cho tới đổ vấy cho quân đội Mỹ đem virus tới Vũ Hán – đã không thuyết phục được ai bởi quá nhiều người biết dịch cúm phát xuất từ Vũ Hán, biết phản ứng ban đầu của Bắc Kinh là bưng bít thông tin, bịt miệng những bác sĩ lên tiếng cảnh báo sự xuất hiện của một loại virus chết chóc. Khi được yêu cầu phải minh bạch, Trung Quốc phản ứng bằng cách trục xuất các nhà báo của The New York Times, The Washington Post The Wall Street Journal – ba tổ chức truyền thông lớn của Mỹ và thế giới.

Công luận thế giới lại càng hoài nghi số liệu thống kê về thương vong của đại dịch mà Trung Quốc công bố, theo đó số trường hợp nhiễm bệnh mới đã giảm xuống gần bằng không (0) từ ngày 19-03. Mới nhất, vào thứ Năm 16-04, Bắc Kinh lại đột ngột thay đổi số liệu về thương vong tại Vũ Hán, số người chết tăng thêm 1.290 người, đưa tổng số người chết vì dịch Covid-19 tại thành phố này lên 3.869 người, tăng 50% so với số công bố từ trước tới nay. Ngay cả nhiều người Trung Quốc cũng sợ rằng chính quyền trung ương ngừng công bố số người xét nghiệm dương tính với virus, giữ cho con số thương vong ở mức thấp, để biện minh cho câu chuyện rằng Bắc Kinh đã chiến thắng trong cuộc chiến chống coronavirus. Đây tất nhiên không phải là lần đầu tiên Trung Quốc che giấu những dữ kiện không có lợi cho sự cai trị của họ.

Tất nhiên nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc cũng lọt tai một số nhà lãnh đạo thế giới từ lâu đã nhận viện trợ của Bắc Kinh và nghe theo câu chuyện chính trị phát ra từ Trung Nam Hải, chẳng hạn như các nhà lãnh đạo Cambodia, Iran, Pakistan và Serbia. Việc nghe theo Trung Quốc không hẳn do các nhà lãnh đạo này tin vào câu chuyện của Bắc Kinh, mà do quan hệ mật thiết với chế độ độc tài Trung Quốc giúp họ củng cố quyền lực ở trong nước.

Trong lúc đó, phần lớn thế giới chống lại mưu toan của Trung Quốc viết lại câu chuyện toàn cầu về đại dịch cúm Vũ Hán. Đầu tuần này, Cao ủy về Đối ngoại của Liên minh châu Âu Joseph Borrell công khai chỉ trích “Trung Quốc đang hung hăng quảng bá cái thông điệp rằng, không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm. Trong cuộc chiến tuyên truyền, chúng ta còn thấy họ nỗ lực bêu xấu người châu Âu cứ như tất cả chúng ta đều mang virus trong người”. Lãnh đạo các nước Brazil và Ấn Độ, trước áp lực của người dân trong nước, đã nhanh chóng chuyển sang phê phán Trung Quốc và từ chối viện trợ của nước này. Châu Phi đang sôi sục vì những câu chuyện kỳ thị chủng tộc chống người Phi châu sinh sống ở miền nam Trung Quốc. Còn ở các nước láng giềng châu Á, ngay từ khi trước khi bùng phát đại dịch, Trung Quốc đã mất lòng tin rất nhiều; một cuộc khảo sát dư luận ở sáu quốc gia châu Á do Trung tâm Pew Research thực hiện từ tháng Năm đến tháng Mười 2019, công bố kết quả hồi tháng 02-2020 ghi nhận tỷ lệ người dân có thiện cảm với Hoa Kỳ cao hơn nhiều lần so với Trung Quốc.

Trung Quốc huênh hoang về cái gọi là tính ưu việt của chế độ chính trị chuyên chế của họ trong công cuộc phòng chống dịch Vũ Hán, họ thường so sánh với sự bất nhất và hậu quả thảm khốc ở Hoa Kỳ, nhưng họ lại không dám so với thành tích chống dịch của Đài Loan hoặc Nam Hàn – hai nền dân chủ non trẻ và tương đối nhỏ ngay bên cạnh họ. Bắc Kinh đã thất bại trong giai đoạn “sinh tử” ban đầu do thiếu minh bạch, nhưng Đài Loan và Nam Hàn đã thành công lớn, vượt mặt cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Biện pháp xét nghiệm rộng rãi và theo dõi các mối tiếp xúc của Nam Hàn, những nỗ lực phát hiện và kiềm chế virus ngay từ đầu của Đài Loan phản ánh năng lực quản trị nhà nước của Taipei và Seoul, cho thấy họ đã học được những kinh nghiệm quý từ các trận dịch quá khứ mà không cần phải cưỡng bức người dân thực hiện những biện pháp chuyên chế khắc nghiệt như Trung Quốc. Năng lực của bộ máy cầm quyền chứ không phải chế độ chuyên chế mới bảo đảm thành công trong việc chống dịch Vũ Hán.

Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc khó mà cất cánh từ điêu tàn như thời khủng hoảng tài chánh 2008-2009. Các nhà máy của Trung Quốc đang cố gắng mở cửa lại, nhưng nhu cầu tiêu thụ mới là vấn đề. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào thị trường tiêu thụ của Hoa Kỳ và châu Âu; 12 quốc gia đang bị dịch tàn phá nặng nề nhất tiêu thụ tới 40% lượng hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc, đồng thời là nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng để Trung Quốc lắp ráp. Khi Mỹ và châu Âu còn “đóng cửa” thì Trung Quốc không có cơ may phát triển. Vì lẽ đó, trong lúc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản liên tục đưa ra những gói kích thích hàng ngàn tỷ Mỹ kim để hỗ trợ các doanh nghiệp điêu đứng vì dịch bệnh thì Bắc Kinh vẫn im hơi lặng tiếng; họ chờ ngày thị trường tiêu thụ phục hồi trở lại. Vả lại, tung ra gói kích thích kinh tế lúc này không phải là lựa chọn tốt của Bắc Kinh vì núi nợ của các công ty và địa phương nước này đã cao chất ngất, có nguy cơ làm sụp đổ hệ thống tài chánh quốc gia.

Nhìn về Hoa Kỳ, hai tác giả này cho rằng trong cuộc khủng hoảng hiện thời, Hoa Kỳ đang có một thất bại mang tính thảm họa, nước Mỹ sẽ phải trả giá đắt về sinh mạng và ảnh hưởng quốc tế. Nhưng ngay cả khi Mỹ có va vấp trong cuộc chống dịch hiện nay thì Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với nhiều thách thức cả trong và ngoài bắt nguồn từ thể chế chính trị và kinh tế ở trong nước cũng như cách hành xử với các nước bên ngoài. Có rất ít bằng chứng cho thấy mô hình chuyên chế của Trung Quốc có sức hấp dẫn hơn chế độ dân chủ mà nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đang theo đuổi.

Mặc dù không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ giành được vị thế lãnh đạo toàn cầu, không có cuộc chuyển dịch quyền lực sang Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ vẫn đang chứng kiến cuộc khủng hoảng về lãnh đạo như các học giả Kurt M. Campbell và Rush Doshi lưu ý trong bài viết gần đây trên tạp chí Foreign Affairs. Trong cuộc chống dịch hiện nay, thế giới cần một hệ thống giám sát dịch bệnh toàn cầu, xét nghiệm phát hiện bệnh và các phương thức đối phó về dược học. Hoa Kỳ phải tái lập sự lãnh đạo đầy đủ ở các lĩnh vực ấy. Cho đến nay ngôn từ hùng biện và chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã tạo được một ít thành quả nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh cần cảnh giác, nếu không Trung Quốc sẽ lấn tới, mở rộng vai trò của Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu, các định chế quốc tế vào lúc mà Washington lùi lại để chăm lo công việc trong nước.

Ông Michael Green là giáo sư khoa nghiên cứu châu Á thuộc trường Dịch vụ Đối ngoại của Đại học Georgetown, Phó chủ tịch cao cấp về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS). Ông đã từng là Giám đốc Á châu vụ của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ năm 2004-2005. Ông Evan Medeiros là giáo sư cùng khoa với ông Green, từng là Giám đốc Á châu vụ của Hội đồng An ninh quốc gia năm 2013-2015.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: