Sự đánh đổi của người Việt di cư trên mảnh đất tự do Ba Lan

Khép kín, khiêm tốn, chịu thương chịu khó. Đó là điều tôi cảm nhận được khi gặp những người Việt chấp nhận đánh đổi thanh xuân của mình để được sống trên đất nước tự do Ba Lan.

Tôi chỉ đến Warsaw và Krakow, nhưng đây lại là hai thành phố nhiều người Việt sinh sống nhất tại một quốc gia có cộng đồng Việt đông thứ ba ở châu Âu, sau cộng đồng người Việt tại Pháp và cộng đồng người Việt tại Đức. Cộng đồng Việt cũng là dân tộc thiểu số lớn nhất tại Ba Lan, dao động từ 30 đến 40 ngàn người.

Bên ngoài chợ King Queen ở Krakow.

Không có thanh xuân

Krakow cách thủ đô Warsaw hơn 180 dặm, người Việt ở đây chỉ khoảng 500, sống rải rác chứ không thành cụm như ở Little Saigon, California, nên ít khi gặp nhau, trừ lúc ra chợ. Anh Trọng Đoàn, người “mọc rễ” ở đây hơn 20 năm, đưa tôi ra chợ CHT, King Queen. Trọng và các tiểu thương thân như người nhà, vì chợ là nơi “nuôi sống” anh trong nhiều năm, từ lúc mới ở Việt Nam sang.

Khung cảnh chợ ở đây nhìn rất quen thuộc, với những shop lớn, nhỏ, chất và treo đầy quần áo, giày dép, giống y như các sạp ở chợ Tân Bình, Sài Gòn, hay những quầy trên lầu Thương xá Phúc Lộc Thọ trên phố Bolsa. “Nhìn thế nhưng đa số là bán buôn, chứ người mua lẻ lấy đâu ra nhiều,” Trọng nói.

Chợ buồn, đa số là người đi buôn.

Anh Nguyễn Bình, Chủ tịch cộng đồng Việt ở Krakow, người “có tiếng không có miếng”, chủ một shop bán quần áo từ hơn 30 năm qua. “Cũng là shop này, nhưng trước kia nó ở…  ngoài đường. Hồi tôi mới sang, mỗi lần đi lấy hàng, mỗi mẫu chỉ lấy 10 cái, khi bán thì móc trên cánh tay thế này này,” Vừa nói, Bình vừa đưa thẳng cánh tay và đặt lên đó một chiếc áo T-shirt làm mẫu. “Đấy, cứ như thế cả ngày. Bán hết thì về, gần hết cũng về.” Đến năm 1991, Bình mới thuê được cái sạp tươm tất, và gắn bó ở đây cho đến bây giờ.

Anh Bình Nguyễn (ảnh): “Qua đây như một cuộc đánh đổi. Con cái được học hành đầy đủ, không đói ăn, thiếu mặc, là vui rồi.”

Tôi hỏi anh, chợ vắng vẻ, lại bán các mặt hàng không mấy “thời thượng” thế này, liệu có đủ sống? Bình cười nhẹ: “Tàm tạm. Qua đây như một cuộc đánh đổi. Con cái được học hành đầy đủ, không đói ăn, thiếu mặc, là vui rồi.”

Bình nói sống Ba Lan, tiền nhà là nặng nhất, nếu phải đi thuê. Tôi nghĩ, ừ thì cũng như ở Mỹ thôi! Bất ngờ là thu nhập trung bình của người lao động, theo Bình, vào khoảng 2,000 zloty/tháng, chưa tới $430, nhưng giá cả chợ búa và các mặt hàng thiết yếu không cao, nên ai cũng… sống được.

Ở một shop bán quần áo khác, chị Mai, người đi “xuất khẩu lao động” ở Đức hồi năm 1996, tâm sự nhỏ với tôi, rằng trước khi đi, chị có học tiếng Đức, nên khá tự tin. Nhưng vì khi ấy bên Đức buôn lậu nhiều, chị “chạy” sang Ba Lan. “Lúc đó Ba Lan tự do rồi, gia nhập EU rồi, nhưng dân tình khổ lắm. Từ nước tư bản, mình qua bên này, bị sốc kinh khủng.

Cả đời mình chỉ biết ‘cày’ thôi, thời trẻ không có thanh xuân, giờ có chút niềm vui là hai đứa con được học hành đàng hoàng, cháu lớn đang học thạc sĩ, đứa nhỏ mới ở cấp trung học.” Chị Mai cứ nắm tay tôi, như không muốn dời, chị bảo, ngày nào cũng như ngày nấy, toàn thấy bạn hàng, lâu lắm mới gặp người Việt mình từ xa tới.

Shop bán quần áo của chị Mai.

Chị Thanh Đỗ, chủ shop bán giày dép cũng vui như Tết khi gặp Trọng, lại dẫn theo một cô đích thị “da vàng mũi tẹt” là tôi. Chị Thanh liếng thoắng, kể chuyện trước COVID-19 bán “sung” thế nào, hậu đại dịch ế ẩm ra sao. Shop của chị có hai nhân viên người Ba Lan, giờ chỉ còn một cô. Khi được hỏi kỹ hơn về cuộc sống, chị lắc đầu nguầy nguậy: “Có gì đâu mà nói. Cực cả đời, giờ vẫn chưa hết vất.” “Vất” là tiếng nói tắt của “vất vả”, tiếng mà người miền Bắc hay dùng.

Khép kín và an phận

Bình nói chợ này có khoảng 100 thương gia bán quần áo, giày dép, đồ gia dụng,… còn một nửa làm quán ăn nhà hàng. Tôi không có dịp ăn hàng ở chợ King Queen, nhưng xuống Krakow rồi, lại thấy nhớ chợ trên thủ đô Warsaw.

Vào khoảng trước những năm 2000, sân vận động Warsawa là nơi có rất đông người Việt làm ăn buôn bán, khoảng 5,000 người, tạo thành khu chợ trời lớn nhất châu Âu. Sau này chợ tan rã vì chính quyền thành phố dẹp bỏ khu chợ trời. Sân vận động Warszawa được trả lại đúng chức năng của nó là dành cho các hoạt động thể thao.

Khi chợ bị giải tán, một số doanh nhân Việt cùng nhau mua khu đất tại Wolka Kosowska và xây thành khu trung tâm thương mại. Thương gia Việt ở khu chợ sân vận động cũ được chuyển vào đây. Nhiều người từng đi các quốc gia ở Đông Âu nói rằng, Wolka Kosowska lớn hơn khu Sa Pa ở Cộng Hòa Séc, hay khu chợ Đồng Xuân ở Đức.

Ở Warsaw, người Việt còn tập trung buôn bán nhiều tại EACC – Trung tâm thương mại Á Âu, Khu trung tâm Asean Poland, khu ASG. Tôi có dịp ghé ASG, nơi có đến 95% shop do người Việt làm chủ. Các shop hàng ở đây đa số bán các loại quần áo may sẵn, áo thung, đồ lót,… và chủ yếu cũng chỉ bán sỉ cho các bạn hàng ở tỉnh hoặc các thành phố khác ở Ba Lan, như dưới Krakow.

Hôm tôi tới, chợ ở đây cũng đìu hiu, có vẻ còn “dư âm” của COVID-19. Ở “Phố ẩm thực Wólka” vắng như “chùa Bà Đanh”. Ngồi ăn hết tô bún riêu ở quán “Bếp Bảo Thi”, nghe giọng miền Nam quen thuộc dễ thương là vậy, mà khi tôi hỏi tới, cô chủ quán còn khá trẻ, cũng chỉ cười tủm tỉm như để… “thay lời muốn nói”.

Quán Bếp Bảo Thi bán nhiều món miền Trung, miền Nam.

Grażyna Szymańska-Matusiewicz – nhà nhân học xã hội từng nghiên cứu về vấn đề di dân của người Việt ở Ba Lan, nhận xét “người di cư” ở Ba Lan “khó tiếp cận”. Cô giải thích, vì những người buôn bán nhỏ gặp hạn chế về ngôn ngữ, vì tình trạng bất thường của một số người, hoặc thậm chí cả “yếu tố văn hóa” của nhóm thiểu số hoạt động trong một “vùng dân tộc khép kín”. Trong quá trình nghiên cứu của mình, cô cho rằng để tiếp cận với nhóm người Việt này là một “thách thức đáng kể”.

Szymańska-Matusiewicz là người Ba Lan, khó tiếp cận là phải, nhưng ngay cả tôi, cũng không dễ “khai thác” thông tin. Anh Bình nói cộng đồng nhỏ này sống khép kín, an phận và… đơn giản lắm. Hầu hết những người đến Ba Lan là từ các vùng miền Bắc Việt Nam, sống dưới thời XHCN, đi Mỹ và các quốc gia khác không được thì đi Đông Âu.

“Khổ mấy cũng được, vì đây là đất nước tự do. Chấp nhận, và buông bỏ mọi khó khăn, chỉ nghĩ cho đời con, đời cháu mình thôi,” chị Mai nói. Câu nói của chị, sao mà nghe quen quá. Đâu cũng vậy thôi.

Phố ẩm thực trong khu chợ Việt ở Warsaw.

Nỗi nhớ quê…

35 năm bỏ xứ ra đi, với Bình, đầu tiên là chỉ vì cuộc sống, vì gia đình. Giờ cuộc sống tương đối ổn định, Bình lúc nào cũng đau đáu hướng về quê nhà. “Năm nay 53 tuổi nhưng mình đã bắt đầu thấy già. Càng già càng thấy cô đơn, muốn nhìn thấy quê Cha, đất Tổ, muốn lúc nào cũng nghe được tiếng Việt, nói được tiếng Việt, chứ không như ở đây,” Bình tâm sự.

Bình kể, Tết Nguyên Đán lẽ ra là thời khắc vui nhất trong năm, nhưng là Chủ tịch Cộng đồng Việt ở Krakov, anh buồn vì không tổ chức được hoạt động nào… ra trò, hoặc cũng chỉ bày ra một nhóm nhỏ cho những người không về Việt Nam đỡ nhớ hương vị Tết quê nhà. Bình nói: “Tết Việt thường rơi vào ngày thường bên này, ai cũng bận rộn, tất bật, khó để tụ tập. Đốt pháo phải đúng giờ Giao thừa, hoặc chỉ trước đó vài ba chục phút, nếu không sẽ bị phạt.”

Shop bán giày dép của chị Thanh Đỗ ở Krakow.

Nhập gia thì phải tùy tục. Người Việt chỉ được nghỉ các ngày theo quy định. Ở Ba Lan mỗi năm có 13 ngày lễ, ai cũng được nghỉ, như ngày đầu năm 1 Tháng Giêng; ngày Hiển Linh 6 Tháng Giêng; Lễ Phục Sinh; Chủ Nhật thứ hai sau Phục Sinh; ngày 1 Tháng Năm (ngày Ba Lan chính thức gia nhập EU); ngày Hiến Pháp 3 Tháng Năm;

Chủ Nhật thứ bảy sau Phục Sinh (Chúa Thánh Thần hiện xuống); thứ năm lần thứ chín sau Phục Sinh (lễ của người Công Giáo, ở Ba Lan 95% cư dân theo đạo Công Giáo); Lễ Đức Mẹ Lên Trời 15 Tháng Tám; Lễ Các Thánh 1 Tháng Mười Một; Quốc Khánh 11 Tháng Mười Một; Giáng Sinh 25 Tháng Mười Hai; ngày Thánh Stephen 26 Tháng Mười Hai.

Một shop bán thực phẩm trong chợ ở Krakow, vẫn còn “hương vị” Tết Nhâm Dần.

Không có chuyện cứ Tết Việt thì muốn là được. Ngược lại, ngày lễ của Ba Lan, người Việt, nhất là các nhà hàng, thương gia, vẫn hoạt động, mở cửa buôn bán. Tây nó nghỉ, ăn chơi nhiều, mình mới bán được. Họ nói vậy.

“Các chị của mình vẫn còn sống bên Đức, mẹ vẫn còn ở Việt Nam, nên cứ Tết là nhớ nhà lắm chứ. Dù mình rời Việt Nam đã mấy chục năm, Nghệ An luôn là nhà, nước Đức là quê hương thứ hai, Ba Lan chỉ là quê hương thứ ba, nhưng sẽ là nơi cuối cùng,” chị Mai nói, rồi ghé tai tôi thủ thỉ “Lần sau có qua nữa, ghé chơi nhé!”

Giống như người dân di cư vì bất kể lý do gì ở Mỹ hay các quốc gia phát triển khác, người Việt đã có cuộc sống ổn định ở Ba Lan, hầu như không ai muốn quay trở về. Quê hương ư, giờ chỉ còn trong tiềm thức, và luôn bị che lấp bởi cuộc sống cứ mãi quay cuồng, nhưng có điều, nỗi nhớ thì lúc nào cũng quay quắt, không bao giờ nguôi ngoai…

(ảnh: Đoan Trang/SGN)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: