Hôm nay 24 Tháng Hai, tròn hai năm bùng nổ cuộc chiến xâm lược do Liên bang Nga khởi sự chống lại Ukraine.
Tuy nhiên Liên minh Âu châu (EU) đã không ra được một tuyên bố chung nào nhằm lên án Điện Kremlin và bày tỏ quyết tâm đứng bên Kyiv như theo dự định, do sự phủ quyết của Hungary, như đã nhiều lần xảy ra. Không thể ra được tuyên bố chung, nhưng EU với 26 thành viên còn lại vẫn cương quyết thể hiện lập trường thống nhất ủng hộ Ukraine.
Một thông cáo chung đứng tên các lãnh đạo ba cơ quan thượng đỉnh EU – Hội đồng Âu châu, Ủy ban Âu châu và Nghị viện Âu châu – đã được công bố vào chiều 23 Tháng Hai, gọi mốc thời gian này như là một “dịp kỷ niệm bi thảm.”
Thông cáo gọi thời gian đã qua là “hai năm của bạo lực, tàn bạo, khủng bố và hủy diệt,” của “cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện Nga chống lại Ukraine, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”
Thông cáo ca ngợi nỗ lực vệ quốc của Ukraine. “Cuộc chiến anh hùng bảo vệ quê hương” của dân tộc Ukraine, cuộc đấu tranh cho tự do của mình” bằng lòng dũng cảm, sự quyết tâm của người dân Ukraine cũng được thông cáo đánh giá là “cuộc đấu tranh bảo vệ các giá trị chung của Âu châu.”
Thông cáo khẳng định EU “vẫn quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả tội ác xâm lược,” và đề cập đến khoản hỗ trợ tài chính 50 tỷ Euro cho Ukraine mà Hungary chỉ chấp thuận vào phút cuối cùng cách đây vài tuần, sau khi đã cố tình gây ra rất nhiều khó dễ.
Theo thông cáo, EU tiếp tục giải quyết các nhu cầu quân sự và quốc phòng khẩn cấp của Ukraina, và cam kết hỗ trợ Ukraine cho tới khi nào Ukraina còn cần, đồng thời đã thực hiện các biện pháp chưa từng có ở cấp EU.
EU cũng sẵn sàng tăng áp lực lên Nga nhằm làm suy yếu khả năng chiến tranh của Nga, kể cả việc phong tỏa các nguồn thu từ tài sản Nga. EU “ủng hộ một công thức hòa bình công bằng, lâu dài ở Ukraine dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Như đã trở thành thông lệ, Hungary từ chối tham gia tuyên bố chung của EU. Điểm đáng chú ý là Budapest đã không đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào. Như để bày tỏ lập trường khác biệt với EU, Trung tâm Thông tin của Chính phủ Hungary hôm 23 Tháng Hai đưa ra thông cáo nhấn mạnh quan điểm dứt khoát của chính phủ nước này, rằng “xung đột không thể có giải pháp về mặt quân sự.”
Hungary kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình, đây cũng là điều mà nội các cánh hữu của ông Orbán Viktor viện dẫn trong hai năm nay để phản đối đường lối của Brussels, mà họ gọi là “chủ chiến.”
Trong một diễn biến có liên quan, trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban Âu châu, bà Ursula von der Leyen cho hay bà đang thăm thủ đô Kyiv trong ngày 24 Tháng Hai 2024: “Đến Kyiv nhân dịp hai năm cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Và để tôn vinh cuộc kháng chiến phi thường của nhân dân Ukraine. Hơn bao giờ hết, chúng tôi luôn sát cánh bên Ukraine. Về tài chính, kinh tế, quân sự, đạo đức. Cho đến khi đất nước này thực sự tự do.”
Không chỉ riêng người đứng đầu cơ quan hành pháp tối cao của EU, bà Ursula von der Leyen, mà nhiều lãnh đạo Phương Tây – trong đó có các thủ tướng Giorgia Meloni (Ý), Justin Trudeau (Canada) Alexander De Croo (Bỉ) – cũng đang có mặt tại Kyiv để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine.
“Bộ tứ” này đã cùng nhau đi tàu hỏa (chuyến đêm) từ thủ đô Warszawa (Ba Lan) tới nước láng giềng Ukraine, và theo dự định, các lãnh đạo nhóm G7 sẽ cùng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sẽ có cuộc hội nghị trực tuyến.
Tròn hai năm ngày Nga mở “chiến dịch quân sự” chống Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận ý định của tổ chức này trong việc thừa nhận tư cách thành viên của Ukraine trong một tin nhắn video. “Ukraine sẽ gia nhập NATO. Câu hỏi không phải là liệu Ukraine có trở thành thành viên hay không, mà là khi nào,” chính trị gia người Na Uy tuyên bố. “Trong khi chúng tôi chuẩn bị cho ngày này, NATO sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine,” ông cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến tranh nhằm đóng cánh cửa NATO, “tước bỏ quyền lựa chọn con đường riêng của Ukraine.” Tuy nhiên, với hành động xâm lược này, ông ta đã đạt được điều hoàn toàn ngược lại, người đứng đầu tổ chức quân sự và chính trị Bắc – Đại Tây Dương nhấn mạnh. Cùng lúc đó, hai tấn phân được đổ từ một chiếc xe tải ở lối vào tòa nhà của đại sứ Nga ở Warsaw để kỷ niệm hai năm ngày Nga xâm chiếm Ukraine.
Trong quá trình thực hiện hành động đặc biệt này, các nhà hoạt động Ba Lan đã yêu cầu trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi đất nước họ.