Đảng ra sức ca ngợi ông Trọng, nhưng dân lại mỉa mai

(FB)

Những ngày qua cộng sản Việt Nam ra rả tuyên truyền về công đức của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng. Từ báo chí tới mạng xã hội, và họ yêu cầu cả những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng phải viết bài ca ngợi tài đức của người đứng đầu đảng trong chiến dịch chống tham nhũng, về hình ảnh người sĩ phu Bắc Hà vì nước vì dân, là một lãnh tụ vĩ đại, thanh liêm.

Thế nhưng với nhau, không ít người dân ngồi với nhau chỉ trích, lên án, thậm chí mắng thẳng ông Nguyễn Phú Trọng là kẻ đạo đức giả, vô liêm sỉ, tham quyền cố vị, hèn với giặc ác với dân, bất nhân bất nghĩa với đồng đảng. Cụ thể là trong ngày 22 Tháng Bảy, có ít nhất 3 người đã bị công an bắt lên đồn xử phạt vì các bài viết chỉ trích ông Trọng. Vậy ông tổng bí thư đã bị người dân nói về những điều gì?

Vô liêm sĩ chứ không phải sĩ phu Bắc Hà

“Lực lượng tuyên truyền và nhiều quan chức cộng sản xu nịnh thường ví ông Nguyễn Phú Trọng là một “sĩ phu Bắc Hà” mẫu mực. Nhưng khái niệm này dùng để chỉ những tinh hoa học vấn uyên thâm, khí tiết và nhân cách sáng ngời còn ông Trọng thì lại là kẻ vô liêm sĩ.” Bà N.T., một người dân Sài Gòn giấu tên nói với người viết.

“Ông Trọng chỉ có bằng phó tiến sĩ lịch sử ở Liên Xô thì làm sao là tinh hoa học thuật được. Nên nhớ rằng thời điểm thập niên 80, 90 thì giáo dục Liên Xô bị tha hoá trầm trọng, bằng cấp được mua bán như rau cá ngoài chợ. Các hạt giống đỏ ở Việt Nam qua đó chỉ cần nộp tiền là có bằng tiến sĩ. Ông Trọng chắc không có tiền nhiều nên chỉ mua được cái bằng phó tiến sĩ lịch sử chẳng có ý nghĩa học thuật gì. Nếu mà so sánh thì cái bằng đó chắc còn thua bằng tiến sĩ luật thần tốc của Thích Chân Quang. Học thì dốt, bằng thì mua, thì là kẻ vô sỉ chứ làm sao xứng với hai chữ tinh hoa.” Bà N.T. nhận xét.

“Còn về nhân cách thì Nguyễn Phú Trọng lại càng tráo trở. Năm 2015, ông Trọng nói với cử tri rằng “bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?” Thế nhưng năm 2018, khi đang làm tổng bí thư thì ông ta lại tận dụng cái chết của Trần Đại Quang để ép quốc hội phải bỏ phiếu bầu cho ông ta làm chủ tịch nước. Đối với đồng chí thì bất nghĩa, đối với lời nói của mình thì bất tín thì đây là kẻ đại vô sỉ chứ sao lại là sĩ phu được.” Bà N.T. nói tiếp.

Quả thật, người sĩ phu là người khiêm tốn, có khí tiết, biết tự trọng. Thế nhưng Nguyễn Phú Trọng lại tỏ ra ích kỷ, tham quyền đoạt vị. Chẳng những chiếm ghế chủ tịch nước, mà ông Trọng còn chà đạp lên điều lệ của đảng cộng sản khi khư khư giữ ghế tổng bí thư suốt ba nhiệm kỳ. Từ sau năm 1975 thì ngoài tên bạo chúa Lê Duẩn ra thì chỉ có Nguyễn Phú Trọng mới dám bất chấp liêm sĩ giữ ghế tổng bí thư tới chết như vậy.

Nguyễn Phú Trọng còn tỏ ra phản trắc khi dùng ông Hồ Chí Minh làm bình phong cho việc bắt tay với Hoa Kỳ vào năm 2023. Trong phát biểu với báo chí sau hội đàm với tổng thống Joe Biden, ông Trọng cho rằng làm bạn với Hoa Kỳ là đúng với chủ trương của Hồ Chí Minh. Ông Trọng nói nguyên văn: “Đối với Hoa Kỳ, Chủ Tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ; nền độc lập và hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới.”

Thế nhưng Hồ Chí Minh là ông thầy cộng sản chủ trương chống Hoa Kỳ. Ông ta viết: “Voi đua, chuột cũng đua, Mỹ dốc hết lực lượng hòng phóng vệ tinh ‘Rengiơ’ lên mặt trăng. Có lẽ chị Hằng gớm ghét bộ mặt đê tiện của đế quốc Mỹ, cho nên không muốn chúng lại gần. Kết quả là cả 5 ‘Rengiơ’ đều thất bại.” Ông Hồ so sánh Hoa Kỳ với con chuột trong bài viết chế nhạo việc Hoa Kỳ phóng vệ tinh Ranger không thành công hồi đầu những năm 1960.

“Mỹ thua thì nó xấu hổ lắm. Nó tức mình lắm. Bởi vì nó đã thua ở Trung Quốc, thua ở Triều Tiên, bây giờ mà thua ở Việt Nam nữa, nó mất mặt, xấu hổ. Vì thế cho đến phút cuối cùng nó cắn, nó cố cắn rồi nó thua nữa. Ta càng gần thắng lợi, địch càng gần thất bại. Mà càng gần thất bại nó càng cố hết sức cắn một miếng thật đau rồi mới chịu nhả”. Hồ Chí Minh so sánh chính quyền Hoa Kỳ với loài vật khi dùng từ ‘cắn’. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1996- 2002, Tập 12, tr. 60).

Chẳng phải Nguyễn Phú Trọng đã rất tráo trở đem Hồ Chí Minh ra để tăng cường tính “hợp lý” trong việc nâng cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ. Đây rõ ràng không phải cách làm của kẻ sĩ phu.

Tiểu nhân – hèn với giặc ác với dân

Anh T.Đ.C., một người dân ở miền Trung nhắc rằng ông Trọng là kẻ hèn với giặc ác với dân khi đã đàn áp người dân phản đối Trung Quốc. “Ông Trọng từng nói rằng ‘Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?’ hồi năm 2015 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Sự kiện này có thể hiểu chủ quyền đất nước bị xâm phạm dưới mắt ông ta cũng không quan trọng bằng đại hội đảng?”

Chị Đặng Như Huệ, một nhà hoạt động ở Thái Bình, lấy vụ Đồng Tâm năm 2019 ra làm ví dụ về sự tắc trách và coi thường dư luận của Nguyễn Phú Trọng: “Trong vụ Đồng Tâm ông ấy ký tặng huân chương vội vàng cho 3 chiến sĩ chết do lỗi yếu kém trong khi tiếp cận mục tiêu. Chết một lúc 3 chiến sĩ mà không kỷ luật một ai vì tổ chức tấn công vào nhà dân nửa đêm không đúng luật. Không trinh sát kỹ địa hình để lính rơi xuống hố sâu. Một vụ án mà lính tráng của mình giết chết một người đồng chí của mình khi đang trong tình trạng đi không vững và nằm trong phòng ngủ. Bất chấp dư luận xã hội còn đang tranh cãi tính hợp pháp của cuộc tấn công vào nhà dân lúc nửa đêm nhưng lại vội vàng ký tặng huân chương cho lính.”

Anh T.Đ.C. nhắc lại câu chuyện Formosa xả độc ra vùng biển bốn tỉnh miền Trung để dẫn chứng cho sự tàn ác của ông Trọng trong việc đối xử với người dân: “Sau bao điêu đứng, người dân khắp nơi đã vùng lên phản đối Formosa suốt một thời gian dài. Vậy mà thay vì chỉ đạo bảo vệ quyền lợi đồng bào, ông Trọng lại đích thân vi hành thăm nhà máy Formosa, thể hiện thái độ ủng hộ thủ phạm và sẵn tiện dằn mặt những tiếng nói đòi công bằng cho người dân.”

Anh T.Đ.C. kể rằng anh vẫn còn đau xót cho hàng chục ngàn mạng người trong đại dịch cúm Tàu gần đây. “Lúc đại dịch cúm Tàu xuất hiện ca đầu tiên ở Việt Nam vào Tháng Một 2020, trải qua 3-4 đợt bùng phát nặng nề, đặc biệt là HN và SG. Bao nhiêu người chết oan tại trại cách ly, tại nhà do chính sách phong toả ngu dốt cực đoan, bao nhiêu doanh nghiệp sụp đổ… thì lúc đấy “người vì nước vì dân ấy” ở đâu? Không ai biết. Chỉ thấy, hơn 1 năm sau, tới cuối Tháng Bảy 2021 hắn ta mới xuất hiện với lời kêu gọi chống dịch rất chung chung, màu mè và rỗng tuếch.”

Không có tầm nhìn và không khả năng lãnh đạo

Chị Đặng Như Huệ, viết trên trang Facebook cá nhân rằng “Lẽ ra ông ấy phải nghỉ từ những năm 2021 để cho người khác làm. Với tôi ông Trọng là một người không có trình độ làm chính trị. Ông ấy chỉ có thể làm một ông giáo làng là phù hợp hơn. Người làm chính trị họ phải biết nhìn xa trông rộng (dự đoán trước được tương lai hơn người khác). Ông ấy phải có con mắt nhìn người để giao việc. Ông ấy liêm khiết thì có thể. Nhưng đức tính liêm khiết chưa nói lên được điều gì cả của một nhà chính trị gia. Do ông ấy sống quanh “ao làng ” nên hết lần này đến lần khác ông ấy làm rất dở.”

“Nói về liêm khiết thì chẳng qua những vụ án tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng chưa bị lộ thôi. Chứ chẳng có lãnh đạo cộng sản nào là liêm khiết cả. Từ mấy tháng qua dư luận đã nói nhiều với hai căn biệt thực “lại quả” mà ông Trọng nhận được trong vụ Ciputra. Đó là một trong những món quà nhỏ mà ông ta nhận được trong suốt một phần tư thế kỷ làm uỷ viên bộ chính trị. Đi từ bí thư Hà Nội lên chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư kiêm chủ tịch nước thì nói ông ta không dính liếu, không tiếp tay cho tham nhũng là không đúng”. Bà N.T. phân tích.

Đánh giá về năng lực lãnh đạo và chống tham nhũng của ông Trọng, chị Huệ viết: “Mồm thì xoen xoét nói phải lựa chọn cán bộ kỹ lưỡng những chỉ sau có vài năm thì cán bộ bị kỷ luật hay là bắt giam (Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ). Với cương vị của một lãnh đạo cao nhất như ông ấy để xảy ra bao nhiêu vụ việc dở như vậy mà không một lời xin lỗi dân. Giỏi gì tôi không biết nhưng bắt được nhiều tham nhũng bởi vì tham nhũng sờ vào đâu cũng có thì ai chả bắt được”.

“Ông Nguyễn Phú Trọng là một kẻ hèn nhát, không dám chịu trách nhiệm. Trong khi các đệ tử của ông ta như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ phải từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu. Thì ông Trọng là đầu đảng, là lãnh đạo tối cao, để cho một hệ thống chính trị tham ô từ trên xuống dưới, từ chủ tịch nước tới cán bộ xã, nhưng lại không dám chịu trách nhiệm thì làm sao làm gương cho cấp dưới. Chúng ta không thể ca ngợi một kẻ trốn tránh trách nhiệm như vậy được.” Bà N.T. nói.

“Có câu ‘đến khi hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau’, đất nước và người dân VN hơn một thập niên qua cũng đã trải qua nhiều biến cố, nhiều bất ổn, nhiều đe dọa. Rất nhiều lần người dân cần những lãnh đạo anh minh đứng ra bảo vệ cho quyền lợi cho dân tộc, cho đất nước. Nhưng những lúc đó ông Trọng ở đâu?” Anh T.Đ.C. đặt câu hỏi.

Hầu hết những người bộc lộ quan điểm trong bài viết đều để tên viết tắt, cũng bởi lúc này, Đảng CSVN đang điên cuồng tìm bắt tất cả những ai có ngôn luận về sự thật và không muốn bày tỏ tiếc thương theo phong trào mà Đảng muốn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: