LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm (1954-2024) Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, nhà nước Việt Nam ca ngợi không ngớt lời tài trí của các lãnh đạo cộng sản. Trong một chương trình truyền hình của VTV, khi đưa về những người lính Bắc Việt còn sống sót sau cuộc chiến, những bà mẹ có con chết trong trận đánh đó cũng được mời lên làm khách. Nhà báo Trương Huy San qua đó, đã có bài viết về công danh của quan, và xương máu của người hy sinh trong cuộc, cũng như khát vọng được lưu danh lịch sử của các quan lớn cộng sản.
Trương Huy San là một nhà báo trong nước. Bài viết xin được giới thiệu như một góc nhìn tham khảo.
Phải công nhận, câu chuyện hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh đi tìm “tên” của bố trong hàng nghìn ngôi mộ ở Điện Biên Phủ là một trường đoạn rất thành công về lấy nước mắt của VTV tối qua. Chỉ có rất ít bia mộ có tên trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở đây. Trên thực tế, tất cả các ngôi mộ ở đây đều vô danh.
Nhưng, sau trường đoạn ấy, một ông anh từng đứng đầu một cơ quan quan trọng ở Trung ương, từ Điện Biên Phủ, gửi về hai tấm hình dưới đây [hình 3 và 4, chụp trong khuôn viên Đền thờ liệt sĩ trên đồi A1].
Từ lâu, người ta đã khao khát lưu danh ở những nơi như Điện Biên Phủ.
Trong “30 năm dân chủ cộng hòa”, Kháng chiến chống pháp là cuộc kháng chiến mang đầy đủ ý nghĩa và đúng tính chất chống ngoại xâm, giành độc lập nhất [cho dù, muốn đánh giá hết ý nghĩa của công cuộc đó phải đứng trên quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nước có độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa”(Thư gửi già làng trưởng bản, 1946)].
Người ta đã từng muốn có một chiến thắng tầm cỡ “lừng lẫy Điện Biên” mà không có Hồ Chí Minh, không có Tướng Giáp.
Khi bắt đầu Chiến dịch Mậu Thân, nhiều chỉ huy tài năng của Tướng Giáp bị bắt, kể cả đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo [trong Chiến dịch Điện Biên Phủ]. Tướng Giáp bị giữ ở Hungaria cho tới 29 Tết, với sự can thiệp của Hồ Chí Minh mới có thể về Hà Nội.
Hàng chục vạn con dân Việt Nam đã bỏ mình trong Chiến dịch ít chuẩn bị và nhiều tham vọng này.
Theo Tướng Giáp: “Lúc đầu mục tiêu đề ra là tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình là không đúng với thực tế”.
Sau 1975, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố, “500 năm sau, khi nói tới thời đại ngày nay, người ta chỉ nhớ tới Hồ Chí Minh và Tướng Giáp”. Lịch sử chắc sẽ không quá khắt khe như Tướng Trà nhưng vào thời điểm đó, ta hiểu vì sao Tướng Trà nói thế.
Các hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” không có tên Tướng Giáp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp. Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái đăng nhiều kỳ trên báo QĐND tên của Tướng Giáp cũng bị cắt đi dù Tướng Thái nổi giận đòi rút bài.
Năm 1994, khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đặt câu hỏi: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, tại sao trong “Đại Thắng Mùa Xuân”[của Văn Tiến Dũng] vai trò của Đại tướng được nhắc rất ít?”
Tướng Giáp, mặt đanh lại, quay sang phía thiếu tướng Lê Phi Long, “Long, cậu biết, nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo và các nhà sử học nếu muốn biết sự thật lịch sử thì nên đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó.”
Đến năm 1991, người ta còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hạ bệ Tướng Giáp. Nếu ở thời điểm trước Đại hội VII, TBT Nguyễn Văn Linh đưa báo cáo của Trung tướng Võ Viết Thanh ra Bộ Chính trị, các tướng sẽ không tha thứ cho Lê Đức Anh, lịch sử đổi mới đã có thể thuận lợi hơn và chính trị của Việt Nam cũng bớt được những khuyết tật khó mà khắc phục.
Cho dù Tướng Giáp sống lâu hơn những người ganh ghét mình, “Trời” vẫn để cho Lê Đức Anh sống ở phía đối diện nhà 30 Hoàng Diệu và giữ ông ta minh mẫn cho đến khi Tướng Giáp qua đời.
Không biết, khi “gặp lại Lê Duẩn, Lê Đức Thọ”, Lê Đức Anh có tường thuật tang lễ này và ba ông Họ Lê sẽ nói gì về những “quốc tang” nhạt nhẽo của mình so với dòng dân chúng xếp hàng nhiều ngày trời để vào thắp hương cho Tướng Giáp.
Trong số những người nghiêng mình trước Tướng Giáp, tôi nghĩ, không chỉ có những người ngưỡng mộ tài năng và tên tuổi lẫy lừng của ông. Sau nhiều thập niên tụt hậu và thất sủng của dân tộc này, người dân tìm thấy ở Tướng Giáp biểu tượng vĩ đại của người thất sủng nhất.
Vị tướng nào lưu danh mà không để lại “vạn cốt khô”; nhưng không phải ai biến hàng vạn trai tráng thành cốt khô cũng có danh trong lịch sử.