Campuchia từng định dùng kênh Phù Nam để gây áp lực cho Việt Nam, nhưng bây giờ gậy ông đập lưng ông, kênh Phù Nam trở thành cái bẫy nợ mà Trung Cộng đang chụp lên đầu quốc gia này.
Từ cái đinh trở thành cái bẫy nợ công
Theo thông tin từ tờ Bangkok Post và Hãng tin Reuters thì dự án kênh đào Phù Nam-Techo của Campuchia đang không có tiến triển nào từ lúc khởi công tới nay. Nguyên nhân là do không có nguồn tài trợ cho việc xây dựng.
Ngày 21 Tháng Mười Một, Reuters đưa tin rằng nhiều tháng nay thì nhưng khoản đóng góp tài chính của Trung Quốc vẫn còn chưa chắc chắn. Reuters dẫn lời 4 người trực tiếp tham gia vào các kế hoạch đầu tư hoặc được thông báo về các kế hoạch liên quan cho hay Bắc Kinh đã bày tỏ sự nghi ngờ về dự án và chưa đưa ra cam kết chắc chắn về nguồn tài trợ.
Trước thời điểm động thổ, báo chí và mạng xã hội Campuchia cũng đưa tin rầm rộ về dự án này, với những ngôn ngữ kích động tinh thần dân tộc của người Campuchia. Thể hiện quyết tâm giảm phụ thuộc vào tuyến đường thuỷ qua sông Mekong của Việt Nam để ra biển Đông.
Trong lễ động thổ diễn ra ngày 5 Tháng Tám, Thủ tướng Hun Manet cho biết kinh phí xây kênh đào Phù Nam-Techo ước tính 1,7 tỷ đô la Mỹ, Trung Quốc sẽ đóng góp 49% vào nguồn tài trợ. Phó Thủ tướng Sun Chanthol thì nhấn mạnh rằng con kênh dài 180km này sẽ củng cố “tính độc lập chính trị trong vận tải đường thủy” cho Campuchia. Lãnh đạo nước này cũng dự kiến kênh Phù Nam sẽ hoàn thành sau 48 tháng thi công. Nhưng sau lễ khởi công thì báo chí , truyền thông xứ sở chùa tháp cũng im lặng như số phận con kênh này.
Việc xây kênh đào Phù Nam khiến cho nhiều người dân Việt Nam lo lắng về khả năng đồng bằng Sông Cửu Long bị xoá sổ do thiếu nước và nhiễm mặn, cùng với hiện tượng nước biển dâng cao do nóng lên toàn cầu. Rất nhiều người Việt phản đối việc xây kênh này, nên đây là chủ đề rất được quan tâm trong thời gian qua. Cho nên một số youtuber của Việt Nam đã đến tận nơi tìm hiểu, quay video cập nhật về hoạt động đào kênh này. Nhưng họ cũng nhận thấy rằng công trình này hầu như không có động tĩnh gì.
Gậy ông đập lưng ông, kênh đào Phù Nam ban đầu được cho là cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài đồng bằng sông Cửu Long, nhưng giờ đây lại là cái bẫy nợ cho người dân Campuchia. Mà cũng chưa chắc sẽ có thể hoàn thành hay lại giống những công trình kém chất lượng khác của Trung Cộng ở Việt Nam như đường sắt Cát Linh – Hà Đông…
Phản hồi thông tin từ Reuters thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói chung chung về “tình bạn sắt son” giữa hai nước, chứ không đề cập tới số tiền đầu tư. “Chuyện các công ty Trung Quốc hỗ trợ Campuchia trong việc xem xét xây dựng các dự án bảo tồn nguồn nước mang tính toàn diện, tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường, là hình thức kinh doanh bình thường”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Các trả lời lấp lửng này khiến dư luận nghi ngờ về việc Trung Cộng đang đặt bẫy nợ cho Campuchia qua dự án kênh đào Phù Nam. Từ một công trình mang tính thời đại, biểu hiện tình bạn khăng khít Cam-Trung, với mưu tính giúp quốc gia này “thở bằng mũi của mình”, giảm sự phụ thuộc trên vận tải đường thuỷ qua các cảng trên sông Tiền và sông Hậu của Việt Nam. Để rồi Phù Nam có nguy cơ biến Campuchia thành con nợ của Bắc Kinh, hay nói thẳng ra là trở thành thuộc địa kiểu mới của Trung Cộng.
Biết dính bẫy nhưng không rút ra được và bài học từ Sri Lanka
Đối mặt với bẫy nợ, Campuchia vẫn quyết tâm đang triển khai dự án kênh đào Phù Nam-Techo, đảm bảo quy trình diễn ra một cách suôn sẻ và có trách nhiệm. Hôm 23 Tháng Mười Một, Thủ tướng Hun Manet đăng đàn bác bỏ thông tin về việc không có nguồn tài trợ và luôn khẳng định không có bất kỳ trở ngại nào cản trở việc triển khai dự án.
Hun Manet tuyên bố “chính phủ Campuchia có một kế hoạch tổng thể rõ ràng với một số đối tác phát triển dự phòng, sẵn sàng tiếp quản dự án nếu một trong số các đối tác không thực hiện được”. Điều này cũng gián tiếp thừa nhận rằng đối tác chính đang gặp vấn đề nên mới phải sẵn sàng đưa đối tác dự phòng tiếp quản dự án. Tuyên bố này của chính phủ Campuchia cũng cho thấy khả năng lún sâu vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Có thể Campuchia sẽ hạ mình, năn nỉ, cầu xin Trung Cộng đầu tư tiếp, điều này thì rõ ràng là tai hại; hoặc ở trường hợp khác, giả sử các nhà thầu Trung Quốc rút khỏi dự án, Campuchia vẫn phải vay nợ từ Bắc Kinh để tiếp tục xây dựng kênh Phù Nam. Chứ với GDP chỉ khoảng 31,77 tỷ USD thì nước này đào đâu ra 1,7 tỷ USD để hoàn thành toàn bộ tuyến kênh dài tới 180km, rộng 100 mét, sâu 5,4 mét này?
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh khi giao các dự án trọng điểm của đất nước cho cộng sản Trung Quốc đầu tư, hoặc vay vốn của Trung Cộng để đầu tư vào các dự án trọng điểm. Chẳng hạn Pakistan, Lào, Ethiopia, Zambia… Đặc biệt là Sri Lanka. Từ năm 2000 tới 2020, đảo quốc Nam Á này đã vay khoảng 11,7 tỷ USD lãi suất cao của Trung Cộng để đầu tư vào các dự án cầu đường, nhà máy điện, sân bay, sân vận động, cảng nước sâu tại Hambantota.
Nhưng hầu như các dự án này đều không thành công, sân vận động không tổ chức được sự kiện quốc tế nào, sân bay thì đìu hiu, thua lỗ. Cảng nước sâu Hambantota cũng không có doanh thu. Dính bẫy nợ từ Tập Cận Bình, tới mức năm 2017, chính phủ Sri Lanka phải đem cảng nước sâu chiến lược Hambantota cho Trung Cộng toàn quyền quản lý 99 năm để gán nợ. Mất chủ quyền lãnh thổ nhưng vẫn không gượng dậy được, năm 2022 đảo quốc 22 triệu dân này chính thức tuyên bố vỡ nợ.
Hiện nay tình thế Campuchia cũng không khác gì Sri Lanka, năm 2019, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng những nhà lãnh đạo độc tài Campuchia đã cho Trung Cộng thuê một phần quân cảng Ream trong 30 năm. Bên cạnh đó, cảng nước sâu Sihanoukville cũng bị các tập đoàn từ Trung Quốc đầu tư và kiểm soát. Theo một thống kê năm 2018 các tập đoàn này đã đưa hơn 10.000 người lao động Trung Quốc tới cảng Sihanoukville để làm việc. Từ đó khu vực này không khác gì một thành phố của Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn là chủ nợ lớn nhất của xứ chùa tháp. Tính đến cuối quý hai năm 2024, tổng nợ công của Campuchia lên tới 11,09 tỷ đô la, chiếm hơn 1/3 GDP, 36% trong số đó là vay của Trung Quốc (3,99 tỷ USD). Bây giờ lại thêm con kênh 1,7 tỷ USD này nữa thì tình thế càng trầm trọng hơn. Mà con số này có thể tăng cao do đội vốn, kéo dài thời gian xây dựng, như cái cách Trung Cộng thường dùng với những công trình ở Việt Nam.
Ngoài ra người dân Campuchia cũng vay nợ của các công ty tài chính Trung Quốc rất nhiều. Năm 2022, ước tính có hơn 10% dân số Campuchia nợ nhiều tiền hơn mức mà họ có thể trả được. Dân thì không có tài chính tốt, chính phủ thì nợ ngập đầu, và tiền thuế sẽ càng ngày càng tăng để trả nợ công, tương lai tăm tối đang hiển hiện trước mắt người dân Campuchia.
Mặc dù Trung Cộng không công khai điều khoản cho vay của họ, nhưng chắc chắn không bao giờ có lợi cho người vay. Những nước dân chủ luôn dè chừng trước những lời chào mời vay nợ từ Bắc Kinh, vì các chính trị gia dân chủ luôn lo sợ phản ứng của người dân. Chỉ có các nước độc tài, quan chức lãnh đạo biết là có bẫy, nhưng vẫn tha hồ vay tiền để tiêu xài cá nhân. Vì những kẻ độc tài hiểu rằng họ cứ vay và xài, rồi đem đống nợ đó đổ cho ngân sách quốc gia, lấy tiền thuế của dân mà trả. Trung Cộng tận dụng rất tốt điểm yếu này để thao túng toàn bộ những hệ thống chính trị ở các nước độc tài. Từ đó biến các con nợ thành chư hầu, thuộc địa kiểu mới của Bắc Kinh…