Hôm nay, Elon Musk đã ký thỏa thuận mua Twitter với giá khoảng$ 44 tỷ, một chiến thắng của người đàn ông giàu nhất thế giới. Twitter đã đồng ý bán mình cho Musk với giá $54.20 một cổ phiếu, cao hơn 38% so với giá cổ phiếu của Twitter trước khi ông ta tiết lộ mình là cổ đông lớn nhất duy nhất của công ty. Người sáng lập và hội đồng quản trị của Twitter đã đề nghị Musk giữ một ghế trong hội đồng nhưng ông ta không nhận lời vì không muốn phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông khác. Giờ đây, ông ta không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai.
Này, đó là thị trường tự do, phải không?
Musk nói rằng không ai nên phản đối những gì ông ta muốn làm với Twitter vì ông là “người tuyệt đối theo chủ nghĩa tự do ngôn luận”. Và ai có thể chống lại quyền tự do ngôn luận? Bên cạnh đó (ông ấy và những người biện hộ ông ấy nói) nếu người tiêu dùng không thích những gì ông ta làm với Twitter, họ có thể đi nơi khác. Tự do lựa chọn.
Thị trường tự do? Tự do ngôn luận? Tự do lựa chọn?
Khi các tỷ phú như Elon Musk biện minh cho động cơ của họ bằng cách sử dụng “tự do”, hãy cẩn thận. Họ thực sự tìm kiếm sự tự do khỏi trách nhiệm giải trình. Họ muốn sử dụng tài sản khổng lồ của mình để làm bất cứ điều gì họ muốn – không bị ràng buộc bởi luật pháp hoặc quy định, cổ đông, thậm chí cả người tiêu dùng.
“Thị trường tự do” ngày càng phản ánh nhu cầu của các khoản tiền lớn. Những vụ thâu tóm không thân thiện, chẳng hạn như Musk đe dọa thâu tóm Twitter, không phải là một phần của “thị trường tự do” cho đến cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Trước đó, luật pháp và các quy định đã hạn chế các vụ thâu tóm như vậy. Sau đó, những người đột kích công ty (corporate raiders) như Carl Icahn và Michael Milken xuất hiện. Chiến lược của họ là tìm các tập đoàn có giá trị tài sản lớn hơn giá trị cổ phiếu, vay tiền chống lại các công ty đó, mua đủ cổ phần để buộc công ty phải cắt giảm chi phí (chẳng hạn như sa thải công nhân, từ bỏ cộng đồng, xóa bỏ nghiệp đoàn và gia tăng vay nợ), và rồi thu tiền về.
Nhưng những trò ma mãnh của những kẻ đột kích thường gây ra chi phí xã hội khổng lồ. Họ đã đẩy nước Mỹ từ chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan (stakeholder capitalism – nơi người lao động và cộng đồng có tiếng nói trong những việc mà các tập đoàn làm) sang chủ nghĩa tư bản của cổ đông (shareholder capitalism – nơi mục tiêu duy nhất của công ty là tối đa hóa giá trị của cổ đông). Bất bình đẳng tăng vọt, tình trạng mất an ninh tăng vọt, những vùng đất rộng lớn của nước Mỹ bị bỏ hoang, và hàng triệu công việc làm tốt biến mất.
Những kẻ đột kích đã thay đổi “thị trường tự do” để cho phép họ làm chuyện đó. Đó là những gì người siêu giàu thường làm. Trong tự nhiên không có cái gọi là “thị trường tự do”. “Thị trường tự do” phụ thuộc vào luật và quy tắc. Nếu bạn có đủ tiền, bạn có thể vận động hành lang (hối lộ) các nhà lập pháp để thay đổi các luật và quy tắc khiến bạn kiếm được nhiều tiền hơn nữa. (Bạn cũng có thể yêu cầu chính phủ trợ cấp cho bạn – cho đến nay được biết Musk đã nhận đượckhoản trợ cấp $4,9 tỷ.)
“Tự do ngôn luận” là một quyền tự do khác dựa trên tài sản. Trên thực tế, khả năng được lắng nghe của bạn phụ thuộc vào kích thước của chiếc loa bạn mua được. Nếu bạn cực kỳ giàu có, bạn có thể mua tờ Washington Post [hiện thuộc sở hữu của Jeff Bezos, người giàu thứ hai thế giới – ND] hoặc sở hữu Fox News [thuộc sở hữu của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch – ND]. Nếu bạn là người giàu nhất trên thế giới, bạn có thể mua một trong những chiếc loa lớn nhất thế giới có tên là Twitter – và sau đó quyết định xem ai có thể sử dụng nó, thuật toán của nó sẽ như thế nào và cách nó mời hoặc loại ra những lời nói dối lớn.
Tuần trước, Musk cho biết ông ta không quan tâm đến tính kinh tế của thỏa thuận và theo đuổi nó vì nó “cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền văn minh.” Tốt thôi, nhưng ai đã giao cho Musk việc quyết định tương lai của nền văn minh?
Người sử dụng mạng xã hội không có nhiều quyền tự do lựa chọn. Nếu người tiêu dùng không thích những gì Musk làm với Twitter, họ không thể đơn giản chuyển sang một nền tảng khác giống với Twitter. Không có bất kỳ nền tảng nào như vậy. Các nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất đã phát triển thành khổng lồ bởi vì bất kỳ ai muốn tham gia và gây ảnh hưởng đến cuộc tranh luận đều đã tham gia vào chúng. Sau khi đạt đến một kích thước nhất định, chúng trở thành cái loa duy nhất trong thực tế. Người tiêu dùng sẽ đi đâu khác ngoài Twitter để đăng những thông điệp ngắn có thể đến tay hàng chục triệu người khác?
Với mạng xã hội, các quy tắc cạnh tranh thông thường không áp dụng được. Một khi một nền tảng đã thống trị thì nó thậm chí ngày càng trở nên thống trị hơn. Như Donald Trump đã phát hiện ra sự thất bại của mạng “Truth Social”, những mạng mới ra đời không có nhiều cơ hội.
Mục tiêu thực sự của Musk không liên quan gì đến quyền tự do của người khác. Mục tiêu của ông ta là sự tự do không bị ràng buộc của bản thân ông – tự do sử dụng quyền lực khổng lồ mà không cần phải chịu trách nhiệm trước luật pháp và quy định, với cổ đông hoặc cạnh tranh thị trường – đó là lý do tại sao ông ta quyết sống chết phải thâu tóm được Twitter.
Không giống như tham vọng của ông ta là đảo lộn hoạt động vận chuyển và chuyến bay giữa các vì sao, tham vọng sở hữu Twitter rất nguy hiểm. Nó cũng có thể đảo lộn nền dân chủ.
Bạn nghĩ sao?
Về tác giả: Robert Bernard Reich là một giáo sư, tác giả, luật sư và nhà bình luận chính trị người Mỹ. Ông từng phục vụ trong chính quyền của các Tổng thống Gerald Ford và Jimmy Carter, giữ chức Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ từ năm 1993 đến năm 1997 trong nội các của Tổng thống Bill Clinton.
Nguồn: When billionaires talk about freedom, watch your wallets
Đọc thêm: