Mạng xã hội Việt Nam ồn ào bàn tán chuyện một học sinh trung học ở Yên Bái bày tỏ rằng đã chán Đảng, ngán Đoàn, và chỉ muốn đi ra nước ngoài sống để được chạm vào sự thật.
Bài viết “Tôi và Đảng” của em Chu Ngọc Quang Vinh (sinh năm 2008) ở Yên Bái sau khi xuất hiện trên facebook tạo nên một “cơn sốt” tìm kiếm, trở thành tâm điểm chú ý và gây tranh cãi gay gắt trên cộng đồng mạng xã hội trong mấy ngày qua, đặc biệt khi em này được biết là thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mùa 24, một gameshow về tri thức hàng đầu ở Việt Nam.
Giới cuồng Cộng ào ạt tấn Chu Ngọc Quang Vinh- học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành từ tối ngày 1 Tháng Chín 2024 với những luận điệu cho rằng: vô ơn với đất nước, xa rời thực tế, thiếu tôn trọng và coi nhẹ giá trị nền giáo dục Việt Nam, làm ảnh hưởng đến những học sinh đang nỗ lực học tập và cống hiến cho đất nước… trong những phản ứng “đao to búa lớn” đó, có không ít những bậc gọi là trí thức của xã hội.
Sự thật là như thế nào?
Hãy cùng đọc lại bài viết của Vinh, đây là một status chia thành năm đoạn với tựa đề “Tôi và Đảng”. Ngay từ tựa đề bài viết, Vinh đã cho người đọc xác định ngay đối tượng mình nói đến trong bài viết là “tôi”, tức bản thân Vinh và đối tượng thứ 2 là “Đảng”, tức là Đảng CSVN đang cầm quyền.
Vính viết “Cuối cấp 2 là lúc tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài.”
“Rồi tôi ôn Olympia để “sống ở nước ngoài” và dù muốn hay không thì vẫn phải học lịch sử theo góc nhìn của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vì thành tích của mình, nên dần nhìn Đảng một cách thuần hơn.”
“Và đến lúc giấc mộng O của tôi phải chấm dứt, tôi không biết làm gì tiếp theo, nhưng nhìn lại những gì tôi có ở đây, tôi nghĩ Việt Nam cũng không tệ. Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi.”
“Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là “kệ” Đảng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chọn status quo,nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi.”
“ Anyways mai là Quốc khánh, chúc nước Việt Nam dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.”
Bất kỳ ai đọc qua, cũng dễ dàng nhận thấy đây toàn là những lời tự trải lòng của Vinh, là chuyện cá nhân, là quan điểm lẫn ước mơ của Vinh khi học dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa.
Dưới mái trường đó, Vinh cũng như bao người bạn khác dù muốn hay không cũng phải học lịch sử dưới góc nhìn của Đảng, tức là học lịch sử Việt Nam do Đảng CS Việt Nam viết và bóp méo.
Do tiếp cận với văn hóa phương Tây trước đó, Vinh sớm phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, hiện thực đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam từ mấy chục năm qua, “rừng vàng biển bạc” không còn, tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tham nhũng tràn lan, dân oan khắp nơi, nhân dân khổ sở nên mỗi năm có trên trăm ngàn trường hợp bán sức lao động cho nước ngoài theo cái gọi là xuất khẩu lao động.
Hiện thực này trái ngược với sách sử Đảng viết rằng, “Đảng ta tài tình sáng suốt, đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh thắng Pháp, đuổi Mỹ, diệt Việt Nam Cộng Hòa và ngày nay Đảng đưa đất nước Việt Nam tiến nhanh tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa”…Do đó Vinh coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân, không thể cùng sống ở Việt Nam được, nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu, lịch sử mà Vinh cùng bạn bè trang lứa đang được học ở trường là lịch sử Đảng chứ không phải là lịch sử của Đất nước, của cội nguồn dân tộc.
Rồi cách mà Vinh chọn để thực hiện ước mơ của mình là cố gắng học thật giỏi, phấn đấu đoạt giải cao nhất trong cuộc thi chọn lựa tài năng Đường lên đỉnh Olympia 24 để nhận được một suất học bổng du học ở Úc. Rồi sau đó, Vinh sẽ sống và làm việc ở nước ngoài giống như bao học sinh đoạt giải vô địch của những lần thi trước.
Mùa thi Đường lên đỉnh Olympia mà Vinh tham gia đã là mùa thứ 24, tức là trước đó đã chọn được 23 học sinh tài năng đi du học ở Úc. Và có một sự thật rằng, trong số 23 học sinh này chỉ có vài người du học xong là quay về lại Việt Nam, đa số ở lại phục vụ cho nước Úc hoặc ở một đất nước phát triển nào đó, nên nhiều người ví cuộc thi này là Việt Nam tuyển chọn nhân tài cho nước Úc.
Với những thành tích trong học tập, Vinh được nhà trường, thầy cô, bạn bè… khen ngợi. Ở Việt Nam cái gì tốt đẹp cũng là Đảng, nên Vinh ví mình được Đảng ban tặng nhiều thứ nên dù coi Đảng là thế lực xấu, dần nhìn Đảng một cách thuần hơn.
Tiếp đến, tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 24, Vinh đoạt giải nhất cuộc thi Tuần và cuộc thi Tháng nhưng dừng ở cuộc thi Qúy 1 nên ước mơ ban đầu đã không thành. Vinh không biết mình sẽ làm gì tiếp theo, rồi sau đó nhìn lại những gì mình đã có, nghĩ bản thân nếu phải ở Việt Nam thì tự an ủi rằng cũng không tệ. Đảng xấu thì “kệ Đảng”, Vinh chỉ còn biết tập trung lo cho bản thân.
Một lớp người bị nhồi sọ dưới sự tuyên truyền của Đảng, cam chịu với cuộc sống hiện trạng, không ủng hộ những người nói thật Đảng xấu như Vinh. Vinh lại muốn rời khỏi Việt Nam. Và một khi đã rời khỏi Việt Nam, Vinh sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa mặc dù trước đó luôn nhắc mình là “kệ Đảng”.
Rõ ràng, đây là những trải lòng rất chân thực và thẳng thắn của một thiếu niên mới 16 tuổi như Vinh. Ứơc mơ phát triển bản thân bằng con đường học vấn, ra nước ngoài để được phát triển hơn của Vinh là một ước mơ chính đáng, hoàn toàn không có chuyện xa rời thực tế. Nhưng đáp lại, Nhà cầm quyền dùng áp lực nhà trường, đến công an, rồi gia đình và một lớp cuồng Cộng mắng nhiếc điên dại nhưng không có lý lẽ nào ngoài buộc Vinh phải quỳ gối trước Đảng. Bất chấp một hiện thức cao quý là Vinh yêu nước, yêu quê hương nhưng không thích Đảng CSVN.
Xã hội Việt Nam hiện nay hết sức phổ biến chuyện dư luận cuông Cộng giãy giụa, phản ứng dữ dội, trước những điều khác biệt. Và đây cũng là hiện trạng được lèo lái rất rõ từ Ban tuyên giáo.
Được biết, trước áp lực của dư luận, sau ngày 2 Tháng Chín, em Vinh đã xóa bài viết “Tôi và Đảng” và đăng một bài viết xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Đồng thời, báo chí cho biết công an địa phương đã triệu tập Vinh để thẩm vấn.
Có lẽ vài ba ngày tới, áp lực dư luận sẽ dịu lắng xuống và với những gì Vinh trải lòng thì chắc chắn sẽ vượt qua tất cả trở ngại, lan tỏa nhiều hơn với đám đông người Việt im lặng đang quan sát. Nhưng như những người sống thật ở Việt Nam, đường đời của Vinh sẽ không còn bằng phẳng nữa vì tội dám nhìn thẳng vào Đảng bằng sự thật. Dù ồn ào nhưng ai cũng nhận ra đây là một nỗi đau không nhỏ của CSVN, vì sau 50 năm gọi là thống nhất đất nước, mầm sự thật vẫn tiếp tục trỗi dậy trong một chế độ sinh tồn bằng dối trá.