Có thể nói, cả hai trụ vừa gục ngã không phải là mục đích của Tô Lâm. Mục đích của ông là chiếc ghế tổng bí thư. Có thể, ghế chủ tịch nước chỉ là nơi “quá cảnh,” để ông Tô Lâm đáp xuống ghế tổng bí thư vào cuối nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, việc ngồi ghế chủ tịch nước lại là một thách thức lớn. Bởi nếu ngồi ghế này, mà để mất quyền kiểm soát Bộ Công An, thì nguy hiểm vô cùng. Còn nếu ngồi ghế này và kiểm soát được Bộ Công An, thì cũng chưa chắc yên. Trước đây, ông Nguyễn Phú Trọng cũng từng vừa ngồi ghế chủ tịch nước, vừa điều khiển Bộ Công An, nhưng ông vẫn suýt chết ở Kiên Giang – lãnh địa của đối thủ. Cho nên, cách tốt nhất là tránh xa chiếc ghế “ma ám” này cho lành.
Sau khi loại được Vương Đình Huệ, sức mạnh của Tô Lâm đã trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Ngay cả cánh tay phải của ông Tổng là Trần Cẩm Tú, giờ đây cũng phải “ngoan ngoãn” làm theo yêu cầu của Tô Lâm.
Thế của Tô Lâm đã mạnh như thế, thì có thể, Tô Lâm bỏ qua ghế chủ tịch nước để lên thẳng ghế tổng bí thư, là chuyện hoàn toàn có thể.
Xét về nhiều khía cạnh, giờ đây, còn ai có thể đứng ra che chắn cho ông Tổng, khi mà Bộ Công An không còn là nơi mà ông có thể sai khiến. Cho nên, rất có thể, ngay sau ván bài chia chác ghế ở hội nghị Trung Ương bất thường, họp ngày 26 Tháng Tư, Tô Lâm sẽ cho triển khai luôn ý đồ loại ông Tổng trước Đại Hội 14, để ông nghiễm nhiên ngồi vào chiếc ghế cao nhất này.
Tuy nhiên, còn một vướng mắc lớn, đó là, khi Tô Lâm rút khỏi Bộ Công An mà vẫn chưa thể đưa Lương Tam Quang hoặc Nguyễn Duy Ngọc lên thay. Bởi Bộ Công An là “căn cứ địa kháng chiến” của Tô Lâm, nên nếu buông tay, giao cho phe khác, thì điều này đồng nghĩa với “tự sát,” vì Tô Lâm để lại vết răng trong đại án AVG bằng ký các văn bản 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, và 4352/BCA-A81 ngày 8/12/2014 đồng phạm với Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn; đồng phạm với Nguyễn Văn Dương trong vụ đánh bạc Rickvip; chỉ đạo vợ là Ngô Phương Ly nhận hối lộ từ tập đoàn Rita Võ 1 triệu đôla.
Nhưng có một điều chắc chắn, đó là, nếu Tô Lâm không rút đi, thì làm sao Phan Đình Trạc có thể nhảy vào để xí phần. Nhưng nếu không rút đi, thì làm sao Tô Lâm có thể ngồi vào ngôi cao? Cái vòng luẩn quẩn này đang níu chân Tô Lâm.
Tuy nhiên, mọi khó khăn đều có hướng giải quyết, đặc biệt là với người đang ở thế thắng như Tô Lâm. Đơn giản là tại sao ông không kiêm luôn cả hai chức? Vừa ngồi ghế tổng bí thư, vừa kiêm luôn bộ trưởng Bộ Công An.
Chẳng phải có rất nhiều người đã kiêm cả hai chức vụ đó sao? Ông Nguyễn Phú Trọng từng làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước; ông Phạm Bình Minh làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao; bà Phạm Thị Thanh Trà làm bộ trưởng Bộ Nội Vụ kiêm phó trưởng ban Tổ Chức Trung Ương; bà Trương Thị Mai làm thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng ban Tổ Chức Trung Ương…. Nhiều bộ trưởng và quan đầu tỉnh cũng kiêm nhiệm hai chức vụ.
Dù vừa thâu tóm chức vụ đầu Đảng, vừa nắm giữ một chức vụ thuộc về lực lượng vũ trang, có thể khiến quốc tế và dư luận cảm thấy, xu hướng “nhà nước công an” gia tăng, nhưng như vậy thì đã sao, Việt Nam vốn đã là quốc gia độc tài độc đảng mà.
Nếu vừa làm tổng bí thư, lại kiêm luôn bộ trưởng Bộ Công An, thì chắc chắn Tô Lâm còn yên tâm hơn là giao ghế bộ trưởng này cho đàn em Hưng Yên. Bởi trong chế độ này, chẳng bao giờ có lòng trung thành nào thực thụ. Lòng trung thành chỉ là lớp mặt nạ, khi có cơ hội tìm kiếm lợi ích tốt hơn, thì đám đàn em sẵn sàng phản chủ, mà Tô Lâm chính là một ví dụ.
Vốn tưởng rằng ông ngoan ngoãn, trung thành với ông Tổng, nhưng cuối cùng, khi cơ hội chín muồi, ông đã tạo phản, tự cho rơi chiếc mặt nạ. Lúc này, chính ông đang đe dọa sinh mạng chính trị, thậm chí, có thể là cả sinh mạng sinh học của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Như vậy, không loại trừ khả năng, Tô Lâm sẽ làm mọi cách để chiếm ghế tổng bí thư, mà vẫn không nhả ghế bộ trưởng Bộ Công An. Đây là giải pháp hoàn hảo cho Tô Lâm, vừa bảo đảm ngai vàng vững chắc, vừa đe dọa được các “thế lực thù địch” trong Đảng. Khi Tô Lâm đang có lợi thế tuyệt đối, không gì là ông không thể làm.