Sáng qua, mạng xã hội lan truyền clip một phụ nữ khóc lóc và phản ánh: “Bệnh nhân mỗi lần đi xạ mất 200,000 đồng…. Nếu đút lót thì mai cho xạ trị, không đút lót để tuần sau.” (Sau đó, thông tin mọi người cho biết đó là một phụ nữ chuyên làm từ thiện ở Bệnh viện K.)
Đây là vấn đề được các phóng viên y tế đặc biệt quan tâm và mong Bộ Y Tế, Bệnh Viện K làm rõ và sớm có câu trả lời.
Tối qua, trả lời báo Dân Việt, ông Lê Văn Quảng – giám đốc Bệnh Viện K – cho biết, bệnh viện đã mời Công An xác minh làm rõ. Ông Quảng còn nói: “Tất cả chuyện vu khống ở Bệnh Viện K cơ sở Tam Hiệp… chúng tôi cũng đã làm tường trình kèm theo clip gửi cơ quan công an và Bộ Y Tế.”
Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ông Quảng nói là “chuyện vu khống…” vì theo như ông Quảng, Bệnh viện mời Công An vào làm việc và hẳn chưa có kết luận. Như vậy, nói đó là “chuyện vu khống” có vội vã quá không?
Sáng nay, trong nhóm phóng viên báo chí của Bộ Y Tế phát đi Thông cáo báo chí (TCBC) của Bệnh Viện K – một TCBC hơn 1,500 từ viết khá rối rắm, nhưng lại quá nhiều lời đe dọa – vốn không thích hợp ở môi trường cứu người và không phải cách của xử lý khủng hoảng. Trong khi, điều mà các phóng viên quan tâm nhất là nội dung “mỗi lần đi xạ mất 200,000 đồng” lại không thấy giải thích.
Trong TCBC viết “Bệnh viện đã gửi đơn trình báo, tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan quản lý ban ngành và cơ quan chức năng trung ương và địa phương xảy ra vụ việc. Hiện nay, vụ việc đang trong quá trình xử lý theo quy trình pháp luật để nhanh chóng làm rõ và đưa ra kết luận.” Tức là vụ việc vẫn chưa có kết luận của bên chức năng.
Thế nhưng, ở ngay đầu TCBC, bệnh viện đã khẳng định vụ việc người dân phản ánh là “Thông tin vu khống, bịa đặt sai sự thật về Bệnh Viện K đang lan truyền trên mạng xã hội.” Như thế thì chính bệnh viện mới vi phạm chứ phỏng?
Có vẻ như người làm công tác xử lý khủng hoảng truyền thông của Bệnh Viện K chưa được đào tạo chuyên nghiệp, nên mới tư vấn cho lãnh đạo đưa ra TCBC kiểu “lửa đổ thêm dầu” như thế, khiến các nhà báo y tế bàn luận, ngạc nhiên từ lúc nó xuất hiện.
Tôi nghĩ vấn đề chính mà mọi người quan tâm ở clip đó là nội dung “nhân viên Bệnh Viện K thu 200,000 đồng mỗi lần xạ trị.” Vì thế, trước hết, bệnh viện cần nhanh chóng rà soát, để chấn chỉnh, loại bỏ sâu mọt nếu có, trước hết để bảo vệ uy tín của những thầy thuốc chân chính trong Bệnh viện không bị mang tiếng vì “con sâu làm rầu nồi canh.” Vì bệnh viện này có nhiều bác sĩ giỏi và rất tử tế với bệnh nhân, như bác sĩ H. (khoa Nhi giờ sang bệnh viện khác), bác sĩ Quang (giờ đã sang Bệnh viện Hữu Nghị) …
Việc nhân viên Bệnh Viện K thu 200,000 đồng mỗi lần xạ trị, có hay không, tôi nghĩ rằng Bệnh Viện K biết rõ hơn ai hết. Lương tâm sẽ luôn nhìn rõ mồn một! Và việc làm nào cũng đều có “trời biết, đất biết!”
Dưới clip người phụ nữ khóc lóc, có rất nhiều người nêu ý kiến về những gì họ đã trải ở bệnh viện này. Lãnh đạo Bộ Y Tế, các cục/vụ chức năng và giám đốc Bệnh Viện K rất nên đọc, để biết tiếng nói và suy nghĩ người dân, để đặt câu hỏi vì sao nhiều người đồng loạt lên tiếng như thế? Và tại sao lại với Bệnh Viện K mà không phải bệnh viện nào khác? Đừng vội sửng cồ, chụp mũ cho những ý kiến đó mà hãy bình tĩnh tìm nguyên cớ!
Đặc biệt, cơ quan chức năng có thể coi đó là những lời tố cáo để gặp gỡ các bệnh nhân đã từng xạ trị, mà điều tra làm rõ thêm! Biết đâu, củi có thể cháy!
Thiết nghĩ, người lãnh đạo bệnh viện giỏi, có y đức, phải biết quản trị sao cho nhân viên dưới quyền không thể “hành” người bệnh nghèo. Nếu người dân phản ánh, trước hết, cần cầu thị lắng nghe và tìm hiểu kỹ càng, rồi cảm ơn vì ý kiến đã giúp bệnh viện nhìn ra những ung nhọt để điều trị, giúp cơ thể bệnh viện lành mạnh, hoặc ít nhất cũng phải tìm nguồn cơn vì sao nhiều người đồng loạt phản ánh không tốt về bệnh viện, chứ không phải “cả vú lấp miệng em.”
Nhân đây, tôi kể lại chuyện một VIP: Khi có một bài báo nói về bác này, thay vì dùng quyền để trấn áp chỉ bằng một cú điện thoại, bác ý đã cho người mời phóng viên kia đến phòng chơi, giải thích vụ việc và trước khi ra về, còn tặng quà bạn phóng viên kia. Tất cả những người biết chuyện đều ngả mũ kính trọng bác ấy!
Ở ngôi cao quyền lực người ta còn biết cởi mở, lắng nghe người dưới như thế, thì những người cấp dưới rất nhiều tầng, sao lại cho mình quyền lớn hơn?
Cái cốt lõi cần thay đổi ở bệnh viện công hiện nay là quản trị có y đức. Nhà đất, cơ sở vật chất là của nhà nước nên cố định, nhưng cái ghế giám đốc thì không cố định, thậm chí, chông chênh. Đặc biệt, không nên để “cái sảy nảy cái ung” vì cách xử lý khủng hoảng truyền thông kém, trong khi lò vẫn đang cháy!
(Tựa do Saigon Nhỏ đặt)