Buổi học đầu năm, học trò thảo luận về “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Các em nói, đại ý, cái chết của Vũ Nương là do tội ác của chế độ phong kiến. Tôi hỏi:
“Thời này con người còn ghen tuông không ?”.
“Có ạ”.
“Bên Mỹ họ có ghen không?”.
“Có ạ”.
“Và họ có chọn cách chết như Vũ Nương không?”.
“Không ạ”…
“Thế thì cái việc sống chết này là do ai?”.
“Do mình ạ”.
“Tại sao người cung nữ đau khổ ?”.
“Vì bị thất sủng ạ”.
“Cái sướng khổ của người Việt do đâu mà có nhỉ ?”.
“Do người khác mang lại ạ”.
“Các em có nhận xét gì về ý thức cá nhân của người Việt ?”
“Chưa phát triển ạ”…
“Các em hãy thử so sánh nhân vật Penelope trong Odyssey của Hi Lạp và Vũ Nương của Việt Nam trong hoàn cảnh tương tự !”…
1/ Chúng ta có gì?
Việt Nam là đất nước không có tư tưởng. Người Việt chưa bao giờ lập thuyết. Nhìn lại lịch sử dân tộc chỉ thấy một một nỗi xót xa của kẻ vong bản ngay trên quê hương mình. Khoảng một ngàn năm phong kiến “độc lập” chúng ta sống bằng tư tưởng của người Hán với Nho giáo, với Lão–Trang… Khi người Pháp vào, chúng ta sống bằng tư tưởng Pháp (và phương Tây nói chung). Đó là một sự biến thiên ghê gớm – vô tiền khoáng hậu. Lần đầu tiên người Việt bắt đầu nhìn, nghĩ và nói không phải bằng “giọng” Hán thuần nhất nữa. Một cơ hội vĩ đại cắm một cái mốc có tính Big Bang cho sự thoát Trung của dân tộc.
Nhưng rồi lịch sử, như một định mệnh, đã đưa người Việt đến với tư tưởng, cũng lại là ngoại lai, chủ nghĩa cộng sản của người Đức – được thực hành bởi người Nga. Và đến thời điểm này, chúng ta đang dừng lại ở đây. 4000 năm (nếu con số này là thật) đã trưng ra một diễn trình tư tưởng mà ở đó chúng ta hoặc bị cưỡng bức, hoặc đi xin; nhưng dù là thế nào thì chúng ta cũng chưa bao giờ có triết học của mình. Một dân tộc luôn tự hào với văn hiến lâu đời, thật không thể hiểu nổi, khi nó lại không có “suy nghĩ” riêng, nó đã sống bằng cái đầu của người khác ít nhất là hơn 1000 năm qua, từ khi nó tuyên bố độc lập.
Triết học là suy tư ở cõi thế và cho cõi thế, tôn giáo ra đời bởi những câu hỏi có liên quan tới đời sống sau khi chết / một đời sống có tính bản thể / siêu hình. Xét ở góc độ nào đó thì tôn giáo chứng tỏ một truy vấn sâu hơn triết học. Và chúng ta cũng không có tôn giáo! Chúng ta biến những tư tưởng / học thuyết xã hội của Nho, Lão thành tín ngưỡng, và biến những tư tưởng triết học của Phật giáo thành chuyện cầu cúng.
Cả hai phương diện làm thành nền móng cho linh hồn một dân tộc là triết học và tôn giáo chúng ta đều không có. Người Việt đã sống tạm bợ suốt cả ngàn năm qua trên chính mảnh đất của mình. Điều ấy chỉ chứng tỏ rằng người Việt không có thói quen suy tư, là một dân tộc “lười suy nghĩ”. Nó lười tới mức không buồn sáng tạo ra chữ viết cho riêng mình! Cái biểu hiện và dấu vết đầu tiên cho sự trưởng thành của một dân tộc là chữ viết, nhưng chúng ta ban đầu là dùng chữ của người Hán (chữ Nôm cũng chỉ là một loại “biến thể” Hán), đến khi người Tây vào thì dùng chữ Latin của người Tây.
Chữ viết là phương tiện để ghi lại tiếng nói của một tộc người, nhằm truyền đạt và lưu giữ những giá trị tinh thần. Cái nhu cầu về chữ viết chỉ xuất hiện khi sự sáng tạo văn hóa đạt đến một trình độ nhất định ở chiều sâu và sự phức tạp của tinh thần mà tiếng nói truyền miệng không đảm bảo cho sự bảo lưu ấy được vẹn nguyên nữa; và đồng thời đó cũng là sản phẩm của ý thức đã trở thành tự giác nơi cộng đồng ấy với tư tưởng muốn khẳng định và tôn vinh nền văn hóa của mình… Nói tóm lại, chữ viết là sản phẩm đánh dấu một dân tộc đã bước vào ngưỡng của văn minh. Và chúng ta đã không có điều ấy.
Người Việt không có văn học. Trước khi người Pháp vào, chúng ta làm thơ Hán, văn học chữ Nôm chưa bao giờ trở thành chính thống với cả về số lượng và chất lượng (trừ vài trường hợp đặc biệt); khi người phương Tây vào, chúng ta sáng tác văn học theo kiểu phương Tây; những năm “cách mạng”, chúng ta viết kiểu văn học Xô Viết. Viên đá tảng của mọi nền văn học là sử thi thì chúng ta cũng không có. Việt Nam không có sử thi (trong khi các dân tộc “mọi rợ” lại sáng tác nên những pho sử thi hoành tráng – Đam Săn của người Ê Đê chẳng hạn). Việt Nam cũng không có truyền thống tiểu thuyết. Vài tác phẩm có giá trị cũng chỉ có dung lượng khoảng vài trăm trang (nếu viết dài hơn thì trở nên dở).
Và chúng ta hiểu, tại sao các nhà nghiên cứu văn hóa lại khó khăn đến thế khi đi tìm bản sắc văn hóa Việt Nam (tất nhiên là để ca ngợi).
2/ Người Việt sống bằng gì?
Nhưng tại sao chúng ta có thể sống sót qua cả “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”? Người Việt trọng Lợi. Nhưng là cái lợi trước mắt, lợi cho mình, cái mà Phan Chu Trinh gọi là không có luân lý xã hội, “ai chết mặc ai, phải ai tai nấy”. Cái gì có lợi thì làm và sẵn sàng đổ máu để bảo vệ. Đối với người Việt thì “tấc đất tấc vàng”. Họ sẵn sàng đánh nhau chảy máu đầu vì hàng ranh (vè) của thửa ruộng nhà mình khi bị cấy lấn sang nửa gang tay… Người Việt không biết xếp hàng mà quyết chen lên bất chấp đúng sai. Người Việt sẽ cố nhích lên từng centimet khi kẹt đường trong dòng người như nêm để làm cho nó thà không nhúc nhích được nữa chứ quyết không cho ai lên trước mình.
Kiều vì “lễ nhiều” mà xúi Từ Hải ra hàng, Từ Hải nghĩ “lộc trọng quyền cao” mà từ bỏ giấc mơ “riêng một biên thùy” – giấc mơ chủ ông. Ngô Tử Văn thu xếp về chết để xuống âm phủ nhậm chức phán sự chứ không thèm sống thêm nữa!… Người Việt chỉ cần yên ổn mà sống cho nên quyết “tìm nơi vắng vẻ” như một triết lý sống nửa vời. Nguyễn Trãi về Côn Sơn mà lòng vẫn thảng thốt giấc mơ cung đình. Nguyễn Du cứ “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào”. Các nho sĩ ta về ở ẩn nhưng cứ ngong ngóng “tin nhạn” sứ triều tới gõ cửa vời ra; bất mãn (mà thực ra là bất lực và sợ hãi) nhưng khi được thánh thượng đoái thương thì lòng hăm hở như được phục sinh. Cũng chịu ảnh hưởng của Trung Hoa nhưng người Việt không có kiểu hành xử khinh bỉ danh lợi đáo để như Sào Phủ, Hứa Do.
Người Việt đã đi trong thế giới không tư tưởng suốt dằng dặc lịch sử nhưng vô cùng vững chãi trên đôi giày chữ Lợi. Chữ Lợi trở thành “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, trở thành thành trì tâm thức, là “báu vật của đời”, là bọc trứng trong vòng tay nhện cái, là vật tổ trong thăm thẳm vô thức… khiến nó dẫn dắt dân tộc này đi qua các cuộc chiến tranh, vượt qua những ải đô hộ. Nó trở nên một thứ bảo bối dĩ bất biến ứng vạn biến. Có thể từ bỏ tự do, có thể từ bỏ văn hóa, từ bỏ những giấc mơ nhưng phải giữ được đất và yên thân.
Chữ “ăn” vì thế đã trở nên một từ nhiều nghĩa nhất và ám ảnh nhất trong ngôn ngữ người Việt. Người Việt vì thế chỉ có các cuộc chiến giữ đất và mở đất chứ không có các cuộc “thánh chiến” hiểu như là những xung đột văn hóa. Cuộc cải cách ruộng đất giữa những năm 1950 cũng không ra ngoài sự thống ngự này.
Ngay cả cuộc đổi mới 1986 cũng chỉ là một sự trở mình của thân thể chế độ được tiến hành bởi một căn tính Việt. Những người cộng sản Việt Nam linh động đến kỳ lạ khi giữ một thiết chế chính trị cộng sản trong khi bẻ ghi về phía kinh tế tư bản. Trong khi những người cộng sản anh em trên khắp thế giới đã thất bại bởi sự “kiên định” của mình thì ở Việt Nam, chế độ vẫn đứng vững và thậm chí còn xác lập được một vị trí nhất định trong một cuộc chơi chung của các nước tư bản. Việt Nam không bị biến thành kẻ thù của nhiều nước phương Tây như Triều Tiên, cũng không bị coi là nguy hiểm như Trung Quốc… bởi, thực tế Việt Nam không nguy hiểm vì với họ. Việt Nam chỉ giữ lợi, và sẵn sàng thay đổi để giữ lợi.
Cơ thể căn tính Việt đã đạt đến sự linh thông như nước, khi ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Chữ Lợi, như thế, trở thành một mã gen di truyền bất biến giữ cho hình hài Việt ngàn năm không đổi. Nhiều ngàn năm đi qua trong sương mù, trong gió bão, trong những cơn lốc lịch sử nhưng người Việt vẫn là mình, từ cuộc chiến dành chiếc yếm đào của cô Tấm trong cổ tích đến cái triết lý “con buồi” của lão Kiền.
Việt Nam vì thế chưa bao giờ có các “thánh tử đạo”. Nếu có cuộc chiến nào thì đó chủ yếu là cuộc chiến của cơm áo, khổ thì cũng khổ vì cơm áo, “cơm áo ghì sát đất”. Hộ khổ vì giấc mơ đáng trọng của mình nhưng Hộ đã không thể ngồi viết như Dos trong đói khổ, trong khinh miệt, và thậm chí trong “những cơn động kinh tinh thần”. Không có cuộc cách mạng tư tưởng, không có dấn thân truy tầm thể tánh, không có những truy vấn về ý nghĩa của sinh mệnh siêu hình…
Vì chữ Lợi, kẻ sĩ xưa lui về ở ẩn
Vì chữ Lợi, trí thức nay im lặng
Vì chữ Lợi, quan chức tham nhũng
Vì chữ Lợi, thầy giáo đi buôn
Vì chữ Lợi, triết học bị biến thành tín ngưỡng
Vì chữ Lợi, tôn giáo bị biến thành mê tín
Tại sao Tết của người Việt ngày càng ít vui? Niềm vui lớn nhất của người Việt là ăn (và vật chất nói chung). Nay việc ấy cơ bản đã được giải quyết, niềm vui bị tước mất trong khi không có những đam mê tinh thần và khát vọng sáng tạo văn hóa nên người Việt bị đày ải trong sự buồn chán, nhạt nhẽo, vô vị. Tết có hai việc chính là uống rượu và đánh bài, bằng không họ sẽ không có gì để khỏa lấp những ngày nghỉ tưởng như dài vô tận. Người Việt ngày càng cô đơn và buồn, đến cả trong đám tang mẹ mình, họ vẫn thức thâu đêm để đánh bài nếu không lướt Facebook. Từ khía cạnh này mà nhìn thì dường như người nghèo của Việt Nam ít khổ hơn người giàu vì ít ra họ còn có những đam mê do sự dồn đuổi của cuộc sống.
Người Việt thích được nghỉ hơn là làm việc. Với họ, là “phải” đi làm và “được” nghỉ. Người Việt không coi lao động là một phần thưởng và một cơ hội để kiến tạo cuộc đời và phát triển xã hội. Họ sẽ đi trễ về sớm, lãn công, làm việc đối phó. Học sinh Việt không hiếu học mà hiếu danh, đi học là bắt buộc, được nghỉ là món quà. Nhưng khốn khổ thay người Việt lại không biết làm gì với sự rảnh rỗi của mình ngoài tán gẫu, ôm điện thoại, nhậu nhẹt, đánh bài, hoặc ngủ. Không một người Việt nào ngồi suy tư tới phát điên như Nietszche, cũng không một người Việt nào đi tìm ý nghĩa đời sống đến dí súng vào đầu mình như Hemingway hay trở thành kẻ vô gia cư như bá tước Lev Tolstoy.
Người Việt khá giả và giàu, về cơ bản, không biết hưởng thụ. Họ không biết làm gì với thời gian và tiền bạc của mình ngoài đồ ăn, mua sắm hàng hiệu và đi du lịch. Việc đi du lịch của người Việt thường khổ hơn là vui vì họ đi không phải để thưởng thức vẻ đẹp, và cũng không thể thưởng thức, ngoài cái khoảnh khắc ngạc nhiên ngắn ngủi khi ánh mắt vừa chạm vào miền đất lạ. Đến nơi du lịch, người Việt sẽ dành phần lớn thời gian để ngủ ở khách sạn và ngồi ở các cửa hàng ăn uống.
Không có một hành trình khám phá văn hóa và thiên nhiên, vì người Việt dường như khó có thể an trú trong thinh lặng khoảng vài phút nơi bông hoa đang bung nở dưới ánh ban mai. Vì thế, người Việt không thể du lịch một mình và cũng không thể sống một mình, họ sẽ phải livestream trên từng bước đi, cuộc sống của họ phải được sự chứng kiến của người khác nếu không nó lập tức trở nên vô nghĩa. Cuộc đời của họ nằm trong ánh mắt kẻ khác.
Vì thế mà Vũ Nương tự tử.
Tôi tin rằng, với bản tính ấy của người Việt, chúng ta sẽ không bao giờ phải chứng kiến những tội ác rùng rợn như đã từng diễn ra ở người Đức, người Trung Quốc… Bởi chúng ta giống như những con hổ chỉ trở nên hung hăng và khát máu trong cơn đói và khi cái bụng đã được làm đầy, con hổ sẽ nằm lim dim nhìn những con nai thơ ngộ đi qua trước mũi mình bằng ánh mắt hiền từ.
Đi tìm căn tánh Việt như là bắt mạch quốc bệnh, phải được xem là công việc hệ trọng bậc nhất để trị liệu tinh thần cho giống nòi. Không tìm ra bệnh thì không thể chữa lành. Chế độ cảnh sát tư tưởng phải bị xóa sổ, một môi trường đối thoại với tư duy phản biện phải được xây dựng và nuôi dưỡng như một đòi hỏi thiêng liêng để người Việt từng bước trưởng thành bằng con đường của phát triển ý thức cá nhân. Sự kéo dài tình trạng nô dịch tinh thần, kiểm soát ngôn luận chỉ nuôi dưỡng cho một dân tộc mãi mãi không thể ra khỏi tình trạng ấu thơ. Chúng ta đã sống cuộc đời của một bệnh phu quá lâu rồi.
Đất nước này có thừa điều kiện để trở nên hùng cường nhưng vì “lười suy nghĩ” mà trở nên thiếu tất cả. Hãy thôi hát những lời hoan ca; hãy ngừng ru ngủ thế hệ trẻ bằng niềm tự hào giả tạo; hãy vén lên bức màn nhung đang che đi những ung nhọt trong cơ thể căn tánh Việt để ánh nắng mặt trời của sự thật dần nuôi lớn cây dân tộc đang èo uột trong bóng tối vô minh.
Gian nan lắm thay. Nhưng trưởng thành là một mệnh lệnh thiêng liêng của tạo hóa mà con người là sinh linh duy nhất được phó thác; và vì “Thượng đế đã chết”, chúng ta buộc phải tự cứu rỗi lấy cuộc đời mình, để xứng đáng với hai chữ Con Người.