100 ngày kinh hoàng của người Việt ở Ukraine trong cuộc chiến của Putin

Ông Vũ Hội Khánh (đứng) và những người Việt ở Ukraine tị nạn. (ảnh: FB Vũ Hội Khánh)

“Ga tầu ở thành phố du lịch Lviv đìu hiu không một bóng người. Không có vé về hướng Kyiv, miền Đông, còn hướng Tây đi Ba Lan, Hungary, Tiệp cũng vắng lặng,” ông Vũ Hội Khánh, một thương gia Việt, định cư ở Ukraine hơn 40 năm, kể với chúng tôi về 100 ngày kinh hoàng trong cuộc chiến của Putin.

Ông Khánh hiện sống tại thành phố Lviv, một nơi được xem là ít “bom rơi đạn lạc” nhất, thuộc miền Tây Ukriane, nhưng lần nào trò chuyện với chúng tôi, ông đều nói: “Ngày nào mà chẳng có báo động!” Nhưng mới nhất vào ngày 2 Tháng Sáu vừa qua, ông kể, có tới bốn hỏa tiễn bắn về hướng Tây Ukraine, nơi cách ngôi nhà ông đang sống chỉ khoảng 30 km. “Rất gần, và nghe rất lớn,” ông nói. “Nhưng hôm ấy là ngày tôi đang đi câu cá ở ngoại ô. Những tưởng có được vài giây phút tĩnh lặng, không phải nghe tiếng còi hụ, tiếng rít lên kinh hoàng của đạn pháo, nào ngờ vẫn nghe còi báo động và đọc được bản tin Lviv bị bắn hỏa tiễn.”

“Ngôi nhà triệu đô” của ông Phillips, bạn ông Khánh ở Kyiv trước và sau (phải) khi bị thiêu rụi. (ảnh: FB Vũ Hội Khánh)

Hôm ấy, đội bóng Ukraine thắng 3-1, mà lòng ông Khánh không vui chút nào, vì quân Nga bắn hỏa tiễn từ 10 giờ đêm mà đến chiều ngày hôm sau mới hết khói. Trận pháo kích bằng hỏa tiễn giết chết năm người nhắm vào khu vực đường sắt đi vào núi. Quân chính phủ chở hàng quân sự từ Rumani, Tiệp Khắc về.

Mới những ngày đầu Tháng Năm vừa qua, ngoài Lviv, ở biên giới Ba Lan như Rovenska, tỉnh Odessa – biên giới Moldova và Dnestrie, Zakarpattia – biên giới Slovakia và Hungary, Zaporoze, Kivorograd, Vinitsha, Dnepropetrovsk, sáu ga xe lửa, cơ sở hạ tầng, trạm điện,… đều bị đánh. Chiến tranh leo thang. Ông xót xa kể về “ngôi nhà triệu đô” của người bạn Việt tên Phillips ở Kyiv, bị máy bay rơi trúng làm sập và thiêu rụi.

Vào ngày thứ 100 của cuộc chiến Nga tấn công Ukraine, ông Khánh cho biết đời sống ở Lviv gần như bình thường. Nhưng sau 100 ngày, Tổng thống Ukraine tuyên bố 20 % lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng với diện tích tương đương 150,000 km2; gần 10 triệu người mất nhà cửa; 12 triệu người phải đi sơ tán, di tản… Mỗi ngày có hàng trăm binh sĩ Ukraine hy sinh, và trên 500 người bị thương… Hàng chục nghìn căn nhà, trường học, xí nghiệp sản xuất, nhà máy, cây cầu, nhiều km đường bị phá hủy. Rất nhiều công ty, nhà máy đóng cửa, các trường đại học, phổ thông, bệnh viện ngừng hoạt động.

Nhà ga tàu hỏa ở thành phố du lịch Lviv vắng lặng. (ảnh: FB Vũ Hội Khánh)

“100 ngày qua, chúng tôi sống trong nơm nớp lo sợ, bất an, không biết ngày mai thế nào,” ông Khánh nói. “Cuộc sống Lviv đã trở lại bình thường, nhưng tiếng báo động vẫn vang lên, người dân sống trong phập phồng, và nghe tiếng rít như xé sắt. Nhiều người ở trên cao những tòa nhà 11, 12 tầng đều quay được cảnh hỏa tiễn bay trên trời vòng vòng.”

Theo ông Khánh, xăng dầu khan hiếm, thực phẩm thiết yếu vẫn đầy đủ, nhưng thấy rõ sự thiếu thốn về chủng loại mặt hàng, nhà sản xuất. Nhất là hàng nhập khẩu, các mặt hàng, thực phẩm được nhà sản xuất ở miền chiến sự đã đóng cửa hẳn hay tạm thời. Không còn được thưởng thức McDonald, hoặc sản phẩm của hãng nước ngọt như Coca Cola, Sprite vì những hãng này đã đóng cửa. Riêng xăng dầu thì từ khi chiến sự nổ ra đã thiếu và giá cả hiện nay là tăng tới 60% so với trước chiến tranh.

Cư dân di tản, khiến những cách đồng trồng lúa mì thiếu bóng nông dân. Ông Khánh kể, đúng mùa thu hoạch thì không có xăng, dầu. “Không ai ngờ có lúc châu Âu lại khan hiếm lúa mì như bây giờ, trong khi Ukraine và Nga là hai nơi xuất khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới. Mà nếu có trồng được đi chăng nữa, cũng không xuất được, vì chở bằng tầu hỏa, mà tàu hỏa từ Ukraine sang châu Âu bị tắc rồi. Đó là vấn đề nan giải,” ông Khánh nói. Ông cũng nhắc đến loại trái cây được rất nhiều người ưa thích là trái anh đào (cherry), thì năm nay ai cũng phải… nhịn, do vườn cherry chủ yếu ở Melitopol, nhưng khu vực này đã tan hoang từ cả tháng nay. Đất trồng trọt ở đây khá lớn, nhưng ngay cả thu hoạch được, thì cũng… bó tay, vì các trận giao chiến vẫn chưa kết thúc, giao thông tắc nghẽn.

Ông Khánh có nhà máy gỗ, nhưng chiến tranh nổ ra, gỗ ông dẹp sang một bên, cũng chẳng màng chuyện di tản, mà quyết ở lại, để đi làm công việc thiện nguyện.

Những ngày đầu cuộc chiến, ông tự nguyện lo chuyện đưa người đi di tản từ Ukraine sang biên giới Ba Lan. Cứ xong một chuyến di tản, ông lại ghi vài dòng nhật ký trên “tường nhà”, bảo đấy là kỷ niệm, để nhớ về một thời không ai nghĩ đến có thể xảy ra ở thế kỷ 21 này.

Người Ukraine chờ làm thủ tục giấy tờ bị thất lạc trong lúc chạy loạn. (ảnh chụp tại Đại Sứ Quán Ukraine ở Warsaw: Vũ Hội Khánh)

Đêm thứ 17: Đón người Việt từ “chảo lửa” Chernigov, cựu công nhân nhà máy sợi dệt, sang Ukraine ở diện xuất khẩu lao động năm 1986. Vợ là người gốc Chernigov, mất vì COVID-19. Anh có bốn đứa con. Trước chiến tranh, anh bán hàng nước lưu động ở chợ Troíhina Kiyv… Ba đêm không ngủ. Các anh Thắng, Ngọc và Tráng từ thành phố Chernigov đã đi tản sang EU an toàn.

Ngày thứ 18: Ga Lviv ít người chờ đi ra biên giới hơn, do chính quyền Lviv tổ chức lại chuyên nghiệp và bài bản, không để dân ăn trực nằm chờ vật vã ở ga tàu và bến xe liên vận quốc tế tại ga…

Hôm nay ra ga tàu muộn, từ sớm 7 giờ sáng đã có các chuyến dời bến. Người di tản, đã ra biên giới hết. Hàng chờ xe Bus miễn phí ra biên giới vắng khách, hàng không còn dài như mọi khi. Người dân đỡ khổ chờ đợi, ông Trời lại thương cho nên thời tiết nắng ấm. Bến xe Bus liên vận quốc tế tăng số xe, chuyến đi đến các thủ đô, thành phố lớn khắp Châu Âu. Trước chiến tranh các xe bus này có điếm đầu xuất phát tứ thủ đô Kiyv, các thành phố miền đông, nam, trung nước Ukraine như Kharcop, Kherson, Odessa … giờ nơi đấy là lò lửa chiến tranh, rất nhiều xe đã ở lại đóng đô tại Lviv mà không về được bến chính của mình như xưa. Giá tăng cũng dễ hiểu, vì khách chỉ đi một chiều chứ không có người trở về Ukraine.

Nhưng sự yên ổn chỉ thoáng qua rất nhanh, để rồi…

Đêm thứ 21: Lại vẫn chưa đựợc ngủ, vì chỉ còn mình tôi có giấy phép đi lại trong nhóm hỗ trợ đi vào giờ giới nghiêm. Nhóm hai gồm bốn người lớn và cháu bé 10 tuổi, người Việt Nam, tị nạn từ lò lửa Mariupol về tới Lviv. Những giọng nói yếu ớt khó nghe rõ pha lẫn âm điệu nặng của quê ngoại xứ nghệ, những khuôn mặt bơ phờ, những ánh mắt thẫn thờ … khó mà tả nổi. Chiến tranh trong ánh mắt, ảnh tự chụp của những kiều bào Việt Nam, chạy thoát về Lviv từ Mariupol, nơi không điện, không sưởi .. 26 ngày đêm sống dưới tầng hầm ẩm ướt và lạnh lẽo, nấu ăn dưới làn đạn. Đêm nay ngoài trời âm 3 độ.

Lúc 7 giờ 30, nhờ con gái cả Maya chở giúp bốn người, tất cả hai xe ra nhóm chín người kịp vượt chốt an ninh vào thành phố, có mặt ở ga xe lửa hợp tốp bốn người đã đến ga xe lửa lúc 3 giờ sáng. Kịp để đưa mọi người ra xe Bus xuyên Châu Âu đi Warsaw, hỗ trợ bằng việc tặng mua vé cho ai không đủ tiền.

Cứ thế, ngày thứ 22, 23, 24…

Hàng cứu trợ gửi tới Lviv để được chuyển đi những nơi đang thiếu. (ảnh: FB Vũ Hội Khánh)

Ngày thứ 37 và 38:

Đến thăm Quỹ Palasuk, do em Thành sáng lập, một tổ chức tự thiện đã nhiều năm kinh nghiệm, giờ lại tích cực giúp đỡ nhân đạo cho dân Ukraine gần 18 xe tải T.I.R chủ yếu là thực phẩm. Quỹ có nhã ý qua mình hỗ trợ đồng bào Lviv qua sự giới thiệu của em Trọng, nhân tố xung kích hội đồng hướng Kracow. Gặp em Tuyền, nhà hảo tâm tích cực nổi tiếng tại cộng đồng tại Ba Lan, người hiện đang chăm lo cho hoạt động của chùa Thiên Phúc ở Warsava, cũng là người tài trợ rất nhiều cho đồng bào cả Việt và Ukraine.

Đi Kracow, mình ngưỡng mộ sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Ba Lan dành cho người tị nạn từ Ukraine. Từ ga Kracow có các tình nguyện viên túc trực hỗ trợ, nơi nghỉ, nơi phát quần áo, ăn miến phí, thẻ SIM điện thoại miễn phí. Thật cảm động. Cảm ơn em Hoàng Anh và các tình nguyện viên tại Kracow đã tiếp đón ân cần như người thân. Em ngỏ ý đón gia đình mình sang sơ tán. Gia đình em rất đáng yêu, mến khách, nhà em thật đẹp và xinh, nhưng thực lòng mình cầu mong không phải đi sơ tán…

25 Tháng Năm, ngày thứ 90 của cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, ông viết: “Lviv vẫn bất chấp chiến tranh với cuộc sống của thành phố du lịch. Quân xâm lược bắn hỏa tiễn vào Krivoi Rog, quê hương Tổng Thống Zekenski, vào ban đêm. Đạn trúng xí nghiệp công nghiệp. Sở chỉ huy tiền phương mặt trận phía nam của quân CP Ukraine bị tấn công bằng hỏa tiễn Smerch. Mặt trận phía đông quân Ukraine chiến đấu kiên cường, khu vực quanh Severdoneshk, Kharcip chặn đứng các mũi tấn công của địch.

Sáng nay Zaporoze bị tấn công thảm khốc của chiến tranh thời Internet. Dưới đống đổ nát ở Mariupol, người ta tìm thấy 200 thi thể.

Không còn nhiệm vụ đưa đoàn đi di tản, ông Khánh tiếp nhận hàng cứu trợ các nơi, rồi chuyển đến tay những người đang thiếu thốn. Tuần trước, ông Khánh kỷ niệm sinh nhật của mình bằng cách dành nguyên ngày để… chuyển hàng cứu trợ. “Có một đoàn Việt kiều Pháp mang hàng hỗ trợ cho Ukraine, qua tỉnh Lviv, Kyiv, Irpel, Bucha…,” ông Khánh kể. “Tôi móc nối các nơi cho các anh chị này. Trong đoàn không ai còn trẻ, có một anh đã 90 tuổi, người trẻ nhất cũng đã 50. Đường về, đòan gặp tại nạn trên cao tốc, may mà không ai bị nặng. Làm từ thiện thật vất vả và nguy hiểm.”

Ông Khánh (trái, ảnh nhỏ) và doanh nhân Phan Châu Thành (phải) – người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Việt ở Warsaw, đặc biệt trong trận chiến Nga tấn công Ukraine. (ảnh: FB Vũ Hội Khánh)

Hôm ấy, ông Khánh mang giầy, quà tặng của doanh nhân Nguyễn Đức Thành ở Warsaw đến cho các cháu trẻ mồ côi trường Hy Vọng tại thành phố Lviv. “Cám ơn con gái út vui vẻ chở hàng về từ Ba Lan sang Lviv. Sinh nhật lần thứ 61 của tôi không hề giống những lần trước chiến tranh.”

Sau 100 ngày, đã có 4.8 triệu người Ukraine quay trở về nhà. Đa số những người phải di tản là phụ nữ và trẻ em, vì đàn ông còn phải ở lại chiến đấu. Giờ sống lây lất xứ người không quen, nhớ chồng, các bà các cô lại dẫn con cái trở về.

Nhưng cuộc trở về cũng rất cam go và đen tối khi chiến tranh chưa tới hồi kết thúc. “Sắp tới, cuộc chiến này có khả năng mạnh hơn, lên mức cao trào trước khi chấm dứt vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm nay,” ông Khánh nhận định. “Do Mỹ và Châu Âu viện trợ quân sự cho Ukraine, cuộc chiến sẽ có thể bùng nổ từ biên giới qua mặt trận phía Tây.”

-Ukraine: Nhìn lại 100 ngày lửa khói

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: