H.C.
Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận thương mại Brexit vào hôm nay thứ Năm, chỉ bảy ngày trước khi Anh ra khỏi một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận được đồng ý hơn 4 năm sau khi Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi khối EU – một quyết định, gọi là Brexit, làm lung lay kế hoạch 70 năm xây dựng khối thống nhất toàn châu Âu từ đống đổ nát của Thế chiến thứ Hai.
Theo thỏa thuận, Anh sẽ có quyền tiếp cận thị trường EU 450 triệu người, với thuế suất bằng không và hạn ngạch cũng bằng không. Nhiều khía cạnh của mối quan hệ trong tương lai của Anh với EU vẫn còn phải được dàn xếp, có thể mất nhiều năm nữa.
“Đó là một con đường dài và quanh co,” Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên. “Nhưng chúng ta đã có một thỏa thuận tốt. Công bằng mà nói, đó là một thỏa thuận cân đối, một việc làm đúng đắn và có trách nhiệm cho cả hai bên”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tweet một bức ảnh của ông bên trong trụ sở chính phủ Anh; ông đưa cả hai cánh tay lên trong một cử chỉ mừng chiến thắng. Ông nói với các phóng viên: “Chúng ta đã kiểm soát lại vận mệnh của mình. … Chúng ta sẽ là một quốc gia ven biển độc lập. Chúng tôi sẽ có thể quyết định sẽ kích thích việc làm mới ở đâu, bằng cách nào.”
Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU vào ngày 31-01-2020, nhưng vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy tắc về thương mại, đi lại và kinh doanh vẫn không thay đổi cho đến hết năm nay.
Ông Johnson mô tả thỏa thuận Anh-EU vào phút cuối là một thỏa thuận thương mại tự do “đặc biệt thành công”, mô phỏng theo hiệp định đã thực hiện giữa EU và Canada. Ông cũng đồng thời kêu gọi người dân Anh thoát ra khỏi những sự chia rẽ do cuộc trưng cầu Brexit năm 2016 gây ra.
Thỏa thuận cũng sẽ hỗ trợ hòa bình ở Bắc Ireland – một ưu tiên của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden, người đã cảnh báo ông Johnson rằng ông phải duy trì Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành năm 1998.
Hiệp ước thương mại sẽ không bao gồm các dịch vụ, vốn chiếm 80% nền kinh tế Anh, bao gồm cả ngành ngân hàng – thế mạnh đã giúp London trở thành thủ đô tài chính duy nhất cạnh tranh với New York.
Khi Anh bỏ phiếu quyết định rời EU năm 2016, nhiều người châu Âu vẫn hy vọng hai bên vẫn có thể tiếp tục liên kết chặt chẽ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Von der Leyen, trích lời Shakespeare, nói rằng “chia tay là một nỗi buồn ngọt ngào” để mô tả cuộc chia tay Anh-EU từng gây chấn động thế giới.
(Reuters)