Bản tango chưa trọn vẹn giữa hai bờ Đại Tây Dương

Bản tango giữa hai bờ đại dương chưa thật nhuần nhuyễn như mong đợi
Hai tổng thống Pháp và Mỹ – Emmanuel Macron và Joe Biden – cụng ly chúc mừng trong buổi quốc yến tại Tòa Bạch ốc tối ngày 1 tháng Mười Hai 2022. (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kết thúc chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ với thành quả vượt mong đợi: Ông và đoàn tùy tùng được đón tiếp trọng thị, được mời quốc yến tại Tòa Bạch Ốc – buổi đại yến đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống. Ông sẽ trở về Paris với một tư thế đĩnh đạc hơn vào lúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông đang gặp sóng gió. Nhưng đằng sau vẻ thân thiện có phần trình diễn giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Pháp, vẫn có những khác biệt sâu sắc khiến cho bản tango giữa hai bờ đại dương chưa thật nhuần nhuyễn như mong đợi giữa hai đồng minh lâu đời nhất.

Cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine chiếm hầu hết chương trình đàm phán giữa ông Biden và ông Macron. Từ khi ông Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine, ông Biden đã từ chối nói chuyện với nhà độc tài Nga, trong khi ông Macron vẫn giữ liên lạc thường xuyên với ông Putin và có tham vọng đứng ra làm người trung gian hòa giải giữa Nga với Ukraine và phương Tây. Cũng như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu – gần chiến trường hơn Hoa Kỳ – ông Macron luôn chống lại sự mở rộng quy mô chiến tranh làm hao tổn nhân mạng và làm trì trệ các hoạt động kinh tế.

Chiều lòng ông Macron, Tổng thống Biden tuyên bố ông sẵn sàng nói chuyện với ông Putin nhưng với điều kiện ông Putin phải cho thấy ông ta “đang tìm kiếm một phương thức chấm dứt cuộc chiến”. Thêm nữa, ông Biden sẽ không tự ý làm chuyện đó mà chỉ nói chuyện với Putin sau khi bàn bạc với các đồng minh NATO và không làm bất cứ điều gì có hại cho lợi ích của Ukraine. Đổi lại, ông Macron cam kết nước Pháp sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và “sẽ không bao giờ thúc giục Ukraine đi tới một thỏa hiệp mà họ thấy không thể chấp nhận được”.

Báo The New York Times nhận định cả hai ông mỗi người đều phải đi một nửa đường để gặp người bên kia: Ông Biden tỏ ra cởi mở đối hơn với một giải pháp đàm phán, còn ông Macron đồng ý tăng cường hỗ trợ Ukraine. Cả hai ông đều loan báo họ cam kết buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho “tội ác chiến tranh do cả lực lượng võ trang chính quy lẫn lính đánh thuê của nước này phạm phải” ở Ukraine – một cam kết có ý nghĩa nhất về sự đoàn kết giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Về phía Nga, chính phủ của ông Putin ngay lập tức bác bỏ điều kiện mà ông Biden đưa ra, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến, theo tin từ nhật báo The Wall Street Journal ngày 2 Tháng Mười Hai.

Ở những chủ đề khác, như mối lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nỗi bất mãn của châu Âu đối với luật khí hậu đặc trưng của Biden thì hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Ông E. Macron và ông Biden cam kết buộc Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh ở Ukraine. Ảnh Doug Mills-Pool/Getty Images

Ông Macron đã nói rõ ông và các nhà lãnh đạo châu Âu khác lo ngại về các ưu đãi trong đạo luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act) trị giá $430 tỷ của Mỹ mà ông gọi là chính sách bảo hộ mậu dịch, trong đó chính phủ liên bang Mỹ đưa ra những chính sách trợ cấp và ưu đãi cho các công ty và sản phẩm mới, bao gồm cả xe điện, liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các sản phẩm năng lượng mới như xe điện sẽ được trợ cấp nếu được sản xuất ở Mỹ mà không bao gồm sản phẩm sản xuất ở châu Âu. 

Trong bữa tiệc trưa thứ Tư với các nhà lập pháp Hoa Kỳ và sau đó trong bài phát biểu tại Đại sứ quán Pháp, ông Macron đã chỉ trích mạnh mẽ đạo luật mới; ông gọi các khoản trợ cấp trong đạo luật Giảm Lạm Phát là một trở ngại lớn cho các công ty châu Âu và nhà đầu tư sẽ không còn muốn đầu tư vào châu Âu, hình thành một sân chơi không bình đẳng và chia cắt phương Tây.

Không rõ ông Macron đã nói thế nào với Tổng thống Biden mà trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đồng ý lập ra một lực lượng đặc nhiệm chung Hoa Kỳ-EU nghiên cứu thực thi đạo luật Giảm Lạm Phát theo “những cách đôi bên cùng có lợi” và tăng cường quan hệ đối tác về khí hậu. Nhưng với một đạo luật đã được Quốc hội thông qua, tác động của hành pháp không mang lại nhiều thay đổi.

Trong lĩnh vực kinh tế, chính quyền Macron và chính quyền Biden cũng đã từng có những cú va chạm vào năm ngoái sau khi Biden công bố thỏa thuận bán tàu ngầm hạt nhân cho Úc trong khuôn khổ hợp tác Anh-Mỹ-Úc (AUKUS), dẫn tới việc Úc hủy bỏ hợp đồng trị giá 56 tỷ euro mua tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Pháp. Chính quyền Biden đã thừa nhận họ vụng về trong việc ký kết thỏa thuận tàu ngầm với Úc và đã cố xoa dịu chính quyền Macron, đặc biệt là sau khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraine của Nga. 

Quyết định của chính phủ Úc thay đội tàu ngầm lớp Collins cổ lỗ bằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mua từ Mỹ đã làm rạn nứt mối quan hệ của Pháp với Mỹ và Úc. Nhưng rạn nứt không kéo dài vì cả ba đều cần có nhau trong một thế giới nhiều biến động và thách thức. Ảnh một tàu ngầm lớp Collins sắp về hưu của Hải quân Hoàng gia Úc. Ảnh POIS Andrew Dakin/Australian Defence Force via Getty Images.

Trong chính sách đối với Trung Quốc, Mỹ và Pháp cũng không hoàn toàn có tiếng nói chung. Pháp – cùng với Đức, được coi là những nhà lãnh đạo thực tế (de facto) của Liên minh châu Âu EU – có xu hướng nghiêng về phía Trung Quốc, phản đối những chính sách cứng rắn của chính quyền Biden. Điều đó có phần do Trung Quốc là thị trường lớn của các công ty hàng đầu châu Âu như máy bay Airbus, xe hơi, tàu điện, hàng xa xỉ phẩm, rượu vang v.v… Khi Mỹ cấm cửa các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei thì nhiều nước EU, kể cả Pháp, đều không hưởng ứng quyết định của Mỹ. 

Mới đây nhất, hôm 19 Tháng Mười Một tại Diễn đàn kinh tế APEC ở Bangkok, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi EU can dự mật thiết hơn với Trung Quốc, chống lại những nỗ lực chia thế giới thành các khối cạnh tranh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã đến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng này cũng đưa ra lập trường như vậy.

Phát biểu với các giám đốc doanh nghiệp tại hội nghị CEO trong khuôn khổ APEC, ông Macron nói: “Giờ đây, dần dần, nhiều người muốn thấy có hai trật tự trên thế giới này. Đây là một sai lầm rất lớn, đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta cần một trật tự toàn cầu duy nhất.” Ông cũng cảnh báo Mỹ và Trung Quốc là “hai con voi lớn” đang tạo ra “một vấn đề lớn cho phần còn lại của rừng già”. Ông không nhận ra rằng, chính tham vọng của Tập Cận Bình lập ra một trật tự thế giới mới lấy Bắc Kinh làm trung tâm, tách khỏi và chống lại cái trật tự do Phương Tây dẫn dắt suốt bảy mươi năm qua là nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ của thế giới hiện đại.

Chuyến thăm của ông Macron tới thủ đô Washington cũng diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang để mắt đến Trung Quốc sau khi các cuộc biểu tình nổ ra vào cuối tuần trước ở một số thành phố đại lục và Hồng Kông phản đối chiến lược “không COVID” của Bắc Kinh. Phong trào phản kháng của người dân Trung Quốc đối với chính sách cai trị cực quyền khắc nghiệt của đảng Cộng sản và ông Tập có làm thay đổi quan niệm của nhà lãnh đạo nước Pháp – quốc gia vẫn tự hào với truyền thống “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” – hay không thì chưa biết được.

Nicole Bacharan, nhà nghiên cứu của Quỹ quốc gia Khoa học Chính trị Pháp ở Paris nhận định ông Macron muốn có tiếng nói riêng của ông và không chỉ đi theo bước chân của ông bạn lớn [Joe Biden]. Điệu nhảy tango đòi hỏi hai người phải gắn bó nhịp nhàng để tạo ra vẻ đẹp huyền ảo – cái mà người ta không nhìn thấy đằng sau những lời lẽ ngọt ngào, những màn phô diễn ấn tượng của hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Pháp.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: