Đúng như dự đoán của các nhà phân tích chính trị, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Campuchia ngày Chủ nhật 23 tháng Bảy 2023 sau khi các tổ chức chính trị đối lập hoặc đã bị giải tán, hoặc bị đe dọa trong một cuộc bỏ phiếu bị coi là “trò hề dân chủ”.
Vào trưa thứ Hai 24 tháng Bảy giờ địa phương, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia thông báo có 84.6% số cử tri đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu. Trên kênh Telegram, Thủ tướng Hun Sen vào tối Chủ nhật đã đăng kết quả chưa chính thức cho thấy đảng CPP của ông giành được 120 ghế, đảng FUNCINPEC bảo hoàng giành được 5 ghế trong tổng số 125 ghế đại biểu Quốc hội.
Theo hãng tin AP, Liên Âu, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã từ chối cử quan sát viên tới các địa điểm bỏ phiếu vì cho rằng cuộc bầu cử không hội đủ điều kiện để được coi là tự do và công bằng. Quan sát viên quốc tế đến Campuchia theo dõi bầu cử chỉ có đại diện các nước Nga, Trung Quốc và Guinea – Bissau.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nói hôm Chủ nhật ở Washington rằng cuộc bầu cử ở Campuchia “không tự do và cũng chẳng công bằng”. Ông Miller cho biết Hoa Kỳ sẽ “có những bước hạn chế thị thực (visa) của những cá nhân phá hoại nền dân chủ” và “ngừng một số chương trình hỗ trợ ngoại giao” với Campuchia.
Nhà độc tài trong thể chế dân chủ giả hiệu
Hun Sen là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Á; ông ta đã liên tục củng cố quyền lực bằng các chiến thuật đàn áp đối lập trong suốt 38 năm qua. Xuất thân là một sĩ quan cấp trung trong hàng ngũ Khmer Đỏ – tổ chức cộng sản đã giành quyền kiểm soát Campuchia năm 1975 và thực hiện cuộc diệt chủng tàn bạo trong bốn năm cầm quyền làm một phần tư dân số Campuchia bị giết chết – Hun Sen đã nhanh chân đào thoát sang Việt Nam và được Hà Nội đưa về giữ vai trò lãnh đạo trong chính quyền do Việt Nam dựng lên sau khi đưa quân sang lật đổ Khmer Đỏ đầu năm 1979. Ông ta lên nắm chức thủ tướng từ năm 1985, lúc đầu là đồng thủ tướng với hoàng tử Norodom Ranariddh, con của Quốc vương Norodom Sihanouk.
Là một chính trị gia quỷ quyệt và tàn nhẫn, Hun Sen đã duy trì quyền lực như một nhà độc tài trong một thể chế dân chủ trên danh nghĩa. Ông ta đã xóa bỏ hầu như mọi tổ chức chính trị đối lập, tổ chức dân sự xã hội thông qua các thủ đoạn đàn áp bằng bạo lực, tù ngục, cưỡng bức lưu đày và lũng đoạn hệ thống tư pháp.
Vai trò độc tôn của Hun Sen bị lung lay trong cuộc bầu cử năm 2013, trong đó đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia (CNRP) đối lập giành được 44% số phiếu phổ thông so với 48% của CPP. Hun Sen đã phản ứng bằng cách truy lùng các nhà lãnh đạo của phe đối lập và cuối cùng đã giải tán đảng này sau cuộc bầu cử địa phương vào năm 2017. Trước cuộc bầu cử hôm Chủ nhật 23 tháng Bảy, đảng Ánh Nến (Candlelight Party), tổ chức kế thừa không chính thức của CNRP và là ứng cử viên duy nhất có khả năng thách thức đảng CPP, đã bị Ủy ban Bầu cử Quốc gia cấm tham gia ứng cử.
Hành động của Hun Sen đàn áp đối lập đã bị các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế lên án mạnh mẽ, và để đáp lại, Hun Sen càng ngày càng dựa dẫm vào Trung Quốc và thực sự đã biến Campuchia thành một chư hầu của Bắc Kinh.
Một triều đại phong kiến mới
Bây giờ ở tuổi 70, Hun Sen tỏ ý muốn trao lại chức vụ thủ tướng trong nhiệm kỳ năm năm sắp tới cho con trai cả là Hun Manet, có lẽ sớm nhất là vào tháng đầu tiên sau cuộc bầu cử, khi Quốc hội mới bầu lên họp phiên đầu tiên để thành lập chính phủ. Campuchia là một vương quốc, nhưng sắp tới bên cạnh ngai vàng của vua Campuchia mang tính chất nghi lễ, sẽ có một “phủ chúa” nắm thực quyền cai trị, do gia tộc Hun Sen truyền đời giống như gia tộc họ Kim ở Bắc Hàn.
Tuy truyền ngôi cho con nhưng Hun Sen nói ông ta vẫn tiếp tục nắm quyền như một “thái thượng hoàng” buông rèm nhiếp chính. “Ngay cả khi tôi không còn là thủ tướng, tôi vẫn sẽ kiểm soát chính trị với tư cách người lãnh đạo đảng cầm quyền,” ông ta nói với báo chí hồi tháng Sáu 2023, báo The New York Times dẫn lại.
Ý đồ lập một triều đại phong kiến của gia tộc Hun Sen trong lòng một chính thể đại nghị cũng được Hun Sen bộc lộ không giấu diếm: “Tôi sẽ trở thành cha của thủ tướng sau [cuộc bầu cử] 2023 và thành ông nội của thủ tướng cuối thập niên 2030”, vẫn theo The New York Times.
Hun Manet, 45 tuổi, hiện là tư lệnh bộ binh Campuchia. Anh ta tốt nghiệp Trường Võ bị West Point của Hoa Kỳ, lấy bằng thạc sĩ tại Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Bristol ở Anh. Tuy tham gia quân đội chưa lâu, Hun Manet đã đeo lon đại tướng, nắm quyền tư lệnh bộ binh, phó tổng tư lệnh quân đội hoàng gia Campuchia.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù Hun Manet được giáo dục ở phương Tây, không nên mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Campuchia khi anh ta lên nối nghiệp cha làm thủ tướng nước Chùa Tháp. Đường lối đối ngoại chính của Hun Sen là đưa Campuchia vào quỹ đạo của Trung Quốc, xa rời Mỹ và phương Tây, sắm vai một quân cờ của Bắc Kinh trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các định chế quốc tế.
Astrid Norén-Nilsson, một chuyên gia về Campuchia tại Đại học Lund của Thụy Điển, nhận định: “Tôi không nghĩ Hun Sen sẽ biến mất sau khi Hun Manet làm thủ tướng. Họ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau và tôi không nghĩ có sự khác biệt lớn trong quan điểm chính trị của họ, bao gồm cả chính sách đối ngoại.”
Việc Hun Sen nhường ngôi cho con trai Hun Manet là một phần trong chiến lược “trẻ hóa” của đảng CPP cầm quyền; đảng này có kế hoạch bổ nhiệm các nhà lãnh đạo trẻ hơn vào hầu hết các chức vụ bộ trưởng, có thể bắt đầu từ cuộc bầu cử Quốc hội lần này.
Đọc thêm: