Bầu cử Pháp: Macron đánh bại Le Pen, tái đắc cử tổng thống

Đám đông ủng hộ ông Emmanuel Macron tụ tập trước tháp Eiffel ở Paris để mừng ông tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử vòng hai ngày Chủ Nhật 24 tháng Tư 2022. cẢnh Aurelien Meunier/Getty Images.

Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron đã đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen trong vòng hai và cũng là vòng cuối cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào hôm nay Chủ Nhật 24 Tháng Tư 2022 với tỷ số áp đảo, bảo đảm cho ông Macron nhiệm kỳ thứ hai và vượt qua cái được coi là một cơn địa chấn chính trị.

Kết quả kiểm phiếu sơ khởi cho thấy Macron giành được khoảng 57-58% số phiếu bầu. Ứớc tính như vậy thường chính xác nhưng có thể được điều chỉnh chút ít khi có kết quả chính thức từ khắp nơi trên đất nước.

Khi kết quả xuất hiện trên màn hình khổng lồ tại công viên Champ de Mars dưới chân tháp Eiffel, những người Pháp ủng hộ Macron reo hò, vẫy cờ Pháp và EU. Ngược lại, một nhóm những người ủng hộ bà Le Pen đã la ó khi họ nghe tin này tại một sảnh tiếp tân rộng lớn ở ngoại ô Paris.

Các tổ chức thăm dò ý kiến ​​của Pháp như Ifop, Elabe, OpinionWay và Ipsos dự đoán Macron giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu ủng hộ khoảng 57.6-58.2%.

Chiến thắng của Macron, có khuynh hướng trung dung (centrism), ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), được các đồng minh của Pháp coi là một cú thoát nạn trong gang tấc của nền chính trị chính thống châu Âu vốn bị chao đảo trong những năm gần đây do việc Anh rút khỏi EU, chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 và sự trỗi dậy của một thế hệ mới các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc như Viktor Orban của Hungary.

Macron trở thành một trong ba tổng thống Pháp tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng so với lần đọ sức đầu tiên với bà Marine Le Pen, đại diện cho khuynh hướng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, vào năm 2017, tỷ lệ phiếu chiến thắng của ông Macron lần này chênh lệch ít hơn, cho thấy nhiều cử tri Pháp vẫn không có ấn tượng tốt về thành tích điều hành của ông. Sự thất vọng của cử tri cũng được phản ánh ở số người đi bỏ phiếu; các tổ chức thăm dò chính của Pháp cho biết tỷ lệ không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng có thể lên tới 28% tổng số cử tri, cao nhất kể từ năm 1969.

Xung đột Nga-Ukraine đã phủ bóng lên cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Sự kiện Nga xâm lược Ukraine và phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế đã làm giá xăng dầu tăng vọt, đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao và gây khó khăn cho cuộc sống của người trung lưu của Pháp. Chiến dịch tranh cử của bà Le Pen khoét sâu vào điểm yếu của Macron, tập trung vào việc chi phí sinh hoạt tăng cao, là một trong những yếu tố khiến chiến thắng của ông Macron không gây ấn tượng mạnh.

Bà Le Pen đã hứa cắt giảm mạnh thuế nhiên liệu, thuế bán hàng 0% cho các mặt hàng thiết yếu từ mì ống đến tã giấy, miễn giảm thuế thu nhập cho lao động trẻ, thực hiện chương trình “nước Pháp trên hết” trong lĩnh vực việc làm và phúc lợi (nghe giống với chương trình American First của Donald Trump!)

Trong khi đó, ông Macron xoáy vào vào sự ngưỡng mộ của bà Le Pen với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng bà Le Pen là người không thể được các đối tác trên trường thế giới tin cậy, đồng thời khẳng định bà này vẫn ấp ủ kế hoạch rút Pháp ra khỏi EU trong cái gọi là Frexit – điều mà bà La Pen phủ nhận.

Trong cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình giữa hai ứng cử viên vào vòng hai, quan điểm của bà Le Pen về chuyện cấm mọi người đội khăn trùm đầu của người Hồi giáo ở nơi công cộng vẫn bị nhiều người Pháp cho là quá cực đoan.

Trong vòng hai của chiến dịch tranh cử ông Macron đã tỏ ra linh hoạt hơn và cố tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri thiên tả. Trước đây ông cam kết kéo dài tuổi lao động của người Pháp và bị nhiều cử tri cao tuổi phản đối; nay thì ông nói ông sẵn sàng thảo luận lại kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi.

Một người chiến thắng đáng chú ý là Jean-Luc Melenchon cánh tả. Trong vòng bầu cử thứ nhất, ông Melenchon được 22% số phiếu ủng hộ, kém ông Macron và bà Le Pen và do đó không được vào vòng bầu cử thứ hai. Nhưng ông Melenchon đã tuyên bố sẽ làm thủ tướng trong chính phủ mới của Macron, thử nghiệm một cuộc “sống chung” được cho là khó hòa thuận giữa cánh tả và cánh trung lập nếu phe tả của ông đạt kết quả tốt trong cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội vào tháng Sáu tới.

(theo Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: