Bỉ bắt một nhà lập pháp Châu Âu bị nghi ngờ nhận hối lộ của Qatar

Trụ sở Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp được coi là nơi nhiều nước nhắm tới đưa hối lộ để tác động đến chính sách của cả châu lục. Ảnh minh họa Philipp von Ditfurth/picture alliance via Getty Images.

Trong lúc cả thế giới hướng về Qatar theo dõi các trận đấu đầy kịch tính của World Cup 2022 thì nước này lại được nêu tên trong một vụ điều tra hối lộ lớn ở châu Âu.

Theo tin từ Wall Street Journal, hôm thứ Sáu 9 tháng Mười Hai, cảnh sát Vương quốc Bỉ đã bắt để thẩm vấn một nhà lập pháp cấp cao của Nghị viện Châu Âu và bốn người khác liên quan đến một chiến dịch hối lộ để gây ảnh hưởng với cơ quan lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU) mà các công tố viên nghi ngờ là do một quốc gia vùng Vịnh thực hiện. Hai người quen thuộc với vụ việc cho biết quốc gia này là Qatar.

Một quan chức Qatar nói chính phủ của ông không biết bất kỳ chi tiết nào về cuộc điều tra và hoạt động của họ hoàn toàn phù hợp với luật pháp và quy định quốc tế. “Bất kỳ tuyên bố nào về hành vi sai trái của nhà nước Qatar đều là thông tin sai lệch nghiêm trọng”, quan chức này khẳng định.

Trong khi đó, Văn phòng Công tố liên bang Bỉ nói các nhà điều tra nghi ngờ một quốc gia vùng Vịnh đang cố gây ảnh hưởng đến các quyết định của Nghị viện Châu Âu bằng cách trả tiền hoặc tặng quà có giá trị lớn cho những người có liên hệ với Nghị viện. 

Cảnh sát Bỉ đã thực hiện 16 cuộc lục soát ở Brussels, nhắm vào các phụ tá nghị sĩ làm việc tại Nghị viện châu Âu, như một phần của cuộc điều tra lớn về cáo buộc tổ chức tội phạm, tham nhũng và rửa tiền, bắt giữ bốn người. Trong chiến dịch lục soát, cảnh sát đã thu giữ khoảng 600.000 euro tiền mặt, tương đương khoảng $632.000, đồng thời thu giữ nhiều thiết bị máy tính và điện thoại di động.

Vào tối thứ Sáu, văn phòng công tố nói người thứ năm đã bị bắt và đó là một nhà lập pháp đương nhiệm. Một người quen thuộc với vụ việc cho biết nhà lập pháp đó là bà Eva Kaili, người Hy Lạp và là phó chủ tịch của nhóm chính trị trung tả có tên nhóm Xã hội & Dân chủ. Không có bình luận ngay lập tức từ các văn phòng của bà Kaili, ở Brussels hoặc Strasbourg.

Tại Bỉ, cảnh sát liên bang có 48 giờ để quyết định chính thức buộc tội ai đó hay hủy bỏ vụ án.

Các nhà lập pháp của Nghị viện Châu Âu thường có quyền miễn truy tố nhưng quyền miễn trừ không áp dụng nếu họ bị bắt quả tang phạm tội.

Pasok, đảng chính trị Hy Lạp mà bà Kaili là đảng viên, cho biết họ đang làm thủ tục khai trừ bà, còn nhóm Xã hội & Dân chủ tại Nghị viện Châu Âu đã đình chỉ chức vụ của bà. Người phát ngôn của Nghị viện Châu Âu cho biết cơ quan lập pháp EU không bình luận về thủ tục tố tụng tư pháp và sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng quốc gia xử lý vụ việc. Cả nhóm Đảng Nhân dân Châu Âu, đại diện cho các đảng chính trị trung hữu của EU và nhóm Xã hội & Dân chủ, đại diện cho các đảng trung tả hôm thứ Sáu đều nói rằng họ bị sốc trước tin tức về cuộc điều tra và cam kết hợp tác đầy đủ với nhà chức trách Bỉ. 

Bà Kaili được mô tả là người có quyền lực đang lên trong cơ quan lập pháp EU. Bà là thành viên của phái đoàn Nghị viện về quan hệ với các quốc hội Arab cùng các nhiệm vụ khác. Trong một bài phát biểu gần đây tại Nghị viện EU, bà đã ca ngợi thành tích của Qatar với tư cách là chủ nhà của World Cup 2022, nói rằng Qatar đã khắc phục các cáo buộc về nhân quyền. “World Cup thực sự là bằng chứng về cách ngoại giao thể thao có thể tạo ra được sự chuyển đổi lịch sử của một quốc gia, tạo ra những cải cách truyền cảm hứng cho thế giới Arab. Tôi có thể nói Qatar là quốc gia đi đầu về quyền của người lao động,” bà Kaili nói.

Nhiều cuộc điều tra cho thấy hối lộ những người có quyền quyết định là cách thức để Qatar giành được quyền đăng cai giải World Cup 2022 và vượt qua được những cáo buộc về phi phạm nhân quyền trầm trọng. Ảnh minh họa: Catherine Ivill/Getty Images

Qatar bị khủng hoảng ngoại giao vào năm 2017, khi Saudi Arabia, UAE và các quốc gia khác cắt đứt quan hệ với Qatar, cấm máy bay và tàu đăng ký ở Qatar đi qua lãnh thổ của họ. Lúc ấy, các nhà ngoại giao Qatar đã tìm cách nâng cao vị thế của họ tại Brussels, tổ chức các cuộc họp với giới truyền thông và các sự kiện tại Nghị viện Châu Âu và với các tổ chức khác của Liên minh Châu Âu.

Đây không phải là lần đầu tiên Nghị viện Châu Âu vướng vào bê bối tham nhũng. Nhưng vụ điều tra hôm nay có thể là một trong những vụ bê bối lớn nhất tại Nghị viện, trung tâm của một số vụ tham nhũng và gian lận trong hai thập niên qua. Một số nhà lập pháp của Nghị viện từng bị bỏ tù vì nhận hối lộ trong các vụ án được gọi là “đổi tiền lấy luật”, và đã có nhiều vụ bê bối xung quanh việc các nhà lập pháp lạm dụng tiền bạc của Nghị viện Châu Âu.

Các hoạt động của Qatar ở thủ đô Washington của Mỹ cũng đang bị giám sát chặt chẽ. Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang điều tra xem những nỗ lực của Qatar thuê những người trong cuộc ở Washington để vận động cho họ có vi phạm luật của Hoa Kỳ về vận động hành lang hay không.

Hồi tháng Sáu, ông John Allen, một tướng Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, đã từ chức người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Brookings Institute sau khi các tài liệu tòa án cáo buộc ông đang giúp Qatar xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao năm 2017 mà không khai báo về công việc đó.

Luật pháp Hoa Kỳ bắt buộc những người nhận tiền để vận động hành lang thay mặt các chính phủ nước ngoài phải đăng ký công khai công việc đó. Tướng Allen phủ nhận việc ông vận động hành lang cho chính phủ Qatar.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: