Biểu tình, đốt nhà thị trưởng sau thảm họa lũ quét

Thi thể những người thiệt mạng được đưa về nhà xác của bệnh viện sau trận lũ lụt do bão Daniel tàn phá khu vực Derna, Libya ngày 13 Tháng Chín 2023. (ảnh: Abdullah Mohammed Bonja/Anadolu Agency via Getty Images)

Yêu cầu quan chức liên quan phải chịu trách nhiệm trước hàng ngàn người thiệt mạng sau thảm họa lũ quét, đoàn người đứng ra biểu tình hôm 18 Tháng Chín, ở thành phố Derna, Lybia.

Buổi tối cùng ngày, cuộc biểu tình chưa chấm dứt, thậm chí còn bùng nổ, dẫn đến việc người dân giận dữ đốt nhà của Abdulmenam al-Ghaithi, thị trưởng Derna. Theo Reuters.

Người biểu tình cũng nhắm vào các quan chức cấp cao, trong đó có Chủ tịch Quốc hội của chính quyền ở miền đông Aguila Saleh, tại cuộc biểu tình bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Sahaba. “Chúng tôi không cần Aguila. Tất cả người dân Libya đều là anh em,” người biểu tình hô lớn và kêu gọi đoàn kết dân tộc.

Sau thảm họa, ông Aguila Saleh mô tả trận lụt là “thảm họa thiên nhiên chưa từng có” và nói rằng mọi người không nên tập trung vào những gì có thể hoặc đáng lẽ phải làm. Tuy nhiên, những nhà bình luận hướng sự chú ý đến các cảnh báo được đưa ra từ trước, trong đó có bài luận của nhà thủy văn được công bố năm ngoái nêu rõ tính dễ bị tổn thương của thành phố trước lũ lụt và nhu cầu cấp thiết phải duy trì các con đập bảo vệ thành phố.

Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên kể từ khi mưa lớn do ảnh hưởng của bão khiến hai con đập trên thượng nguồn con sông chảy qua thành phố Derna bị vỡ hôm 11 Tháng Chín, dòng nước lũ ào ạt đổ về đô thị 90,000 dân, tàn phá và cuốn trôi mọi thứ ra biển.

Mansour, một sinh viên tham gia biểu tình, cho biết anh muốn giới chức tiến hành cuộc điều tra khẩn về vụ vỡ đập đã khiến hàng ngàn cư dân nơi đây mất đi người thân yêu. Cư dân Taha Miftah nói, hành động của họ là thông điệp cho thấy “các chính quyền đã thất bại trong ứng phó khủng hoảng” và quốc hội đặc biệt phải chịu trách nhiệm. Miftah cũng kêu gọi cuộc điều tra quốc tế về thảm họa và “tái thiết dưới sự giám sát của quốc tế”.

Bị nhấn chìm bởi nội chiến nhiều năm, Libya giờ đây còn chịu gánh nặng thiên tai (ảnh: Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Đã qua một tuần kể từ ngày thời điểm lũ quét xảy ra, cơn bàng hoàng vẫn chưa nguôi ngoai. Chính quyền miền đông Libya cho biết ông Ghaithi đã bị đình chỉ chức vụ, đồng thời tất cả thành viên hội đồng thành phố Derna cũng bị Thủ tướng Usama Hamad ra lệnh cách chức và yêu cầu triệu tập toàn bộ để điều tra.

Thực hư về số người thiệt mạng vẫn chưa được làm sáng tỏ, các quan chức đưa ra số liệu khác nhau và chưa hề công bố chính thức. Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya cho biết ít nhất 11,300 người thiệt mạng và hơn 10,000 người mất tích, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận có hơn 3,900 người tử vong.

Hình chụp từ trên không, thành phố Derna sau trận lũ lụt vào ngày 13 Tháng Chín 2023 tại Derna, Libya. (ảnh: Mohamed Shalash / Getty Images)

Petteri Taalas, đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc, cho rằng thiệt hại lớn về người có thể tránh được nếu Libya có cơ quan thời tiết hoạt động hiệu quả. Một báo cáo của cơ quan kiểm toán Libya năm 2021 cho biết các con đập bên ngoài Derna, được xây dựng những năm 1970, không được bảo trì dù rất nhiều tiền đã được phân bổ cho mục đích đó vào năm 2012-2013.

Năm 2011, sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn, Libya bị chia rẽ về mặt chính trị với hai chính quyền tồn tại song song gồm chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Tripoli tại miền tây và chính quyền do lãnh chúa Khalifa Haftar hậu thuẫn ở miền đông. Thảm họa xảy ra tại Derna, thành phố nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền ở miền đông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: