Hàng trăm người tham dự đám tang của một gia đình Israel bị quân Hamas giết chết, gồm năm người, gồm vợ chồng và ba con.
Thi thể của năm người trong cùng gia đình này, được phát hiện đang ôm nhau, chết trên giường. Cả gia đình được chôn cất cạnh nhau trong một nghĩa địa cách Jerusalem 50 km về phía tây, một thành viên trong gia đình nói với AP.
Đó là vợ chồng Aviv và Livnat Kotz, cùng con gái, Rotem, hai con trai, Yonatan và Yiftach.
Gia đình Kotz vốn ở Boston, chuyển đến Israel và xây nhà cách đây bốn năm tại Kibbutz nơi Aviv được sanh ra và lớn lên. Chị gái của Livnat là Adi Levy Salma, nói với hãng tin Ynet của Israel: “Chúng tôi nói với Livnat rằng nơi đó rất nguy hiểm, nhưng em tôi không muốn sống ở nước ngoài, nó cứ nói đây mới là nhà của nó.”
Nhiều gia đình thức dậy vào ngày xảy ra vụ tấn công vì tiếng còi báo động không kích và hỏa tiễn bay trên đầu. Adi Levy Salma cho biết gia đình cô đã vội vã đến nơi an toàn tại nhà của họ ở Gedera và cô nhắn tin em gái mình có ổn không.
Nhưng Livnat Kotz không trả lời và không trả lời điện thoại. Levy Salma càng lo lắng hơn khi cháu gái, Rotem, cũng không nhấc điện thoại, như mọi khi.
“Rồi chúng tôi nhận được báo cáo về những kẻ khủng bố xâm nhập vào kibbutz,” Levy Salma nói. “Linh tính cho thấy có gì đó không ổn với gia đình em mình. Bạn bè, hàng xóm của em, ai cũng bắt máy, nhưng gia đình Kotz thì không. Ruột gan chúng tôi cứ như lửa đốt!”
Livnat ra đi chỉ một tuần trước sinh nhật thứ 50 của mình, chị gái cô cho biết. Cô làm việc để phổ biến nghề thủ công truyền thống và đưa chúng vào hệ thống trường học. Chồng cô là phó chủ tịch của Kafrit Industries, một nhà sản xuất nhựa.
Rotem là nữ giảng viên huấn luyện quân sự trong Lực lượng Phòng vệ Israel, còn hai cậu con trai chơi bóng rổ tại học viện Hapoel Tel Aviv Youth Academy.
Đám tang của gia đình năm người này, cùng với nhiều gia đình khác, diễn ra trong bầu không khí tang thương, và nguy hiểm của chiến tranh.
Tại Israel, những người thân và bạn bè đau buồn chia tay Shiraz Tamam, một phụ nữ Israel nằm trong số ít nhất 260 người bị bắn chết tại một lễ hội âm nhạc điện tử.
Những người đưa tang, ai cũng mặc áo đen và một số đeo kính râm, lau nước mắt và ôm nhau nói lời tạm biệt với Tamam trước khi thi thể của cô chỉ được quấn trong chiếc khăn liệm, rồi đem chôn cất tại một nghĩa trang ở Holon, miền trung Israel.
Với hơn 1,400 người thiệt mạng ở Israel và nhiều người vẫn chưa xác định được danh tính, các đám tang sẽ tiếp tục trong nhiều ngày này hoặc lâu hơn nữa, khi đất nước này cố gắng đối phó với các cuộc tấn công.
Trong một tuyên bố hôm 18 Tháng Mười, Cơ quan y tế của Hamas thông báo ít nhất 471 người chết trong vụ tập kích bệnh viện Al-Ahli, theo AFP.
Trước đó giới chức y tế Hamas nói rằng vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở miền trung Dải Gaza đêm 17 Tháng Mười khiến ít nhất 500 người thiệt mạng. Lực lượng này cáo buộc quân đội Israel tấn công bệnh viện.
Trong khi đó, Israel khẳng định nước này không tấn công cơ sở y tế và cho rằng một quả rocket của tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) gặp trục trặc sau khi phóng và rơi xuống sân bệnh viện, gây ra thảm kịch.
Sau vụ tập kích bệnh viện Al-Ahli, người dân Palestine ở Bờ Tây xuống đường biểu tình, cáo buộc Israel gây ra sự việc. Đám đông biểu tình mang theo cờ Palestine, một số cầm theo biểu ngữ ủng hộ Hamas, hô vang các khẩu hiệu chống Israel.
Nhiều người còn chỉ trích Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, lãnh đạo phong trào Fatah đối lập với Hamas, “hợp tác với Israel” và kêu gọi hạ bệ ông. Ông Abbas trước đó mô tả vụ tập kích bệnh viện Al-Ahli là “vụ thảm sát chiến tranh ghê tởm” không thể tha thứ.
Biểu tình cũng nổ ra tại nhiều nước Arab và Hồi giáo. Hàng trăm người ủng hộ Hezbollah xuống đường hô khẩu hiệu chống Mỹ và Israel ở vùng ngoại ô phía nam Beirut.
Tại Jordan, khoảng 5,000 người tụ tập bên ngoài đại sứ quán Israel, yêu cầu trục xuất phái đoàn ngoại giao. Ở Syria, hàng trăm người mang cờ Palestine tập trung tại gần tòa nhà quốc hội.
Sau khi nổ ra xung đột Hamas – Israel hôm 7 Tháng Mười, Bộ Y tế Gaza cho biết đến nay đã có hơn 3,400 người đã thiệt mạng ở phía Palestine. Hầu như ngày nào ở đó cũng có đám tang. Hình ảnh quen thuộc với những người đàn ông chạy ôm thi thể người thân cuốn trong tấm vải trắng, kêu lớn “Allahu akbar,” cụm từ tiếng Ả Rập, nghĩa là “Lạy Đức Chúa vĩ đại.”
Những ngày qua, người dân trong khu vực sống trong cảnh bị phong tỏa, thiếu nhu yếu phẩm. Hôm 18 Tháng Mười, Israel thông báo cho phép hàng viện trợ vào Dải Gaza từ Ai Cập.