Cấm vận Trung Quốc vì tội diệt chủng, Bắc Kinh trả đũa 

H.C.

Trong một động tác phối hợp đầu tiên của phương Tây dưới thời chính quyền Joe Biden, Hoa Kỳ, Anh quốc, Liên minh châu Âu và Canada đã đồng loạt cấm vận các quan chức và công ty Trung Quốc vì những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Tân Cương. Phía Trung Quốc ngay lập tức trả đũa các nhà lập pháp châu Âu, các nhà ngoại giao, các viện nghiên cứu, các gia đình và cấm các công ty của họ làm ăn với Trung Quốc. 

Lệnh cấm vận của các nước được ban ra sáng nay thứ Hai 22-03. Các chính phủ phương Tây cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc giam cầm đông đảo người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) theo Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương miền tây bắc Trung Quốc. Với Liên Âu (EU) và Vương quốc Anh, quyết định cấm vận này là sự trừng phạt vi phạm nhân quyền đầu tiên chống lại Trung Quốc kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn (Tiananmen) ở Bắc Kinh năm 1989. 

Hoa Kỳ từ năm ngoái đã ban hành nhiều biện pháp cấm vận tương tự và bây giờ đi xa hơn, cáo buộc Trung Quốc phạm tội ác diệt chủng. “Trong lúc sự lên án của quốc tế ngày càng tăng, Trung Quốc vẫn tiếp tục phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương,” Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố ở Brussels trước khi bước vào hội nghị với các bộ trưởng Liên Âu và NATO.

Trung Quốc bác bỏ tất cả các cáo buộc này. Các chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc nói có ít nhất một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và chính trị gia châu Âu tố cáo Trung Quốc sử dụng tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trái với quyền sống của họ. Phía Trung Quốc nói các trại tập trung của họ chỉ dạy nghề và là cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Sáng nay Liên Âu nổ phát súng đầu tiên khi công bố cấm vận và phong tỏa tài sản bốn quan chức và một công ty Trung Quốc; sau đó Vương quốc Anh và Canada đưa ra quyết định tương tự. Ba quan chức là Chen Minggue (Trần Minh Quốc), giám đốc sở công an Tân Cương, Wang Junzheng (Vương Tuấn Chính) phó giám đốc và Wang Mingshan (Vương Minh Sơn) phó bí thư đảng ủy tỉnh Tân Cương. Hoa Kỳ hiện đã cấm vận ông Chen Quanguo (Trần Quang Quốc), bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc tỉnh Tân Cương, cấp trên của ba quan chức nói trên, nhưng lần này lệnh cấm vận của Liên Âu, Anh quốc và Canada không đề cập tới bí thư Trần để tránh một xung đột ngoại giao lớn. 

Tập đoàn Xinjiang Production and Construction Corps Public Security Bureau – một công ty trực thuộc bộ Công An Trung Quốc – kiểm soát kinh tế vùng Tân Cương, cùng với người lãnh đạo của nó là ông Zhu Hailun (Chu Hải Luân) cũng bị cấm vận, cấm nhập cảnh và bị phong tỏa tài sản.

“Một phản ứng thống nhất từ hai bên bờ Đại Tây Dương đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho những người vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền quốc tế,”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

Hành động phối hợp giữa Hoa Kỳ, Liên Âu, Canada và Vương quốc Anh là kết quả đầu tiên của nỗ lực ngoại giao của Washington trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc bằng sức mạnh chung của khối các quốc gia dân chủ thay vì chỉ một mình Hoa Kỳ đơn thương độc mã. Sự thay đổi này là yếu tố cốt lõi trong chính sách chống Trung Quốc của chính quyền Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump. “Một phản ứng thống nhất từ hai bên bờ Đại Tây Dương đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho những người vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền quốc tế,” ông Blinken tuyên bố.

Tuy không ban hành lệnh cấm vận, nhưng bộ trưởng ngoại giao Úc và New Zealand đã ra tuyên bố hoan nghênh các biện pháp của Liên Âu, Hoa Kỳ, Anh và Canada, đồng thời bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc về các báo cáo ngày càng nhiều và càng đáng tin cậy về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương”.

Về phần Trung Quốc, phản ứng của Bắc Kinh cũng nhanh chóng và mạnh mẽ không kém. Ngay trong sáng nay thứ Hai 22-03, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm vận 10 nhà lập pháp châu Âu trong Ủy ban An ninh và Chính trị EU và tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Liên minh vì Dân chủ, cấm họ nhập cảnh hoặc làm ăn với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng cấm vận ông Adrian Zenz, giáo sư nhân chủng học nổi tiếng người Đức mà công trình nghiên cứu của ông về nạn diệt chủng ở Tân Cương là cơ sở để Bộ Ngoại giao Mỹ tham khảo cho các chính sách cấm vận hồi năm ngoái.

Bắc Kinh tố cáo những người này gây tổn hại trầm trọng cho chủ quyền quốc gia của Trung Quốc ở Tân Cương, “chỉ dựa trên những lời dối trá và thông tin sai lệch”, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và hủy hoại quan hệ Trung Quốc – EU.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: