Bay lượn trên bầu trời Ukraine là hàng trăm chiếc máy bay điều khiển từ xa cỡ nhỏ, gọi là drone, làm công việc tìm người sống sót trong các thành phố đổ nát vì bom pháo hoặc phát hiện nơi trú ẩn của binh lính Nga giữa các cánh rừng. Điểm đặc biệt là phần lớn những chiếc drone này là sản phẩm của các công ty khởi nghiệp (start-ups) Mỹ đang chật vật cạnh tranh với DJI Technology Co. – một công ty Trung Quốc thống lĩnh thị trường drone thế giới.
Báo Wall Street Journal cho biết có khá nhiều nhà sản xuất drone của Mỹ tham gia cuộc chiến Ukraine nhằm lấp khoảng trống sau khi chính phủ Kyiv quyết định loại bỏ sản phẩm drone của DJI vì chúng gây rủi ro về an ninh cho quân đội và thường dân Ukraine. Trong số các công ty Mỹ có BRINC Drones Inc., Skydio Inc., Teal Drones Inc., Fortem Technologies, Dedrone và một số công ty khác.
Nhiều năm nay các công ty Mỹ này bị đối thủ Trung Quốc DJI bỏ xa trên thị trường drone dân dụng, một phần do DJI đạt được những tiến bộ công nghệ đáng nể, một phần do drone DJI có giá rất rẻ nhờ công ty được chính phủ Bắc Kinh tài trợ.
Khi chiến tranh với Nga bùng ra, các quan chức Ukraine đã yêu cầu hạn chế sử dụng drone của DJI. Họ nói sản phẩm của DJI có những khuyết điểm được cố tình tạo ra để phá hoại hệ thống phòng thủ của Ukraine và hỗ trợ cho Nga.
Ukraine đã mua và bố trí nhiều hệ thống có tên AeroScopes của hãng DJI – là những hệ thống phát hiện và ngăn chặn drone của đối phương – nhằm bảo vệ các công trình hạ tầng thiết yếu. Thế nhưng khi chiến tranh nổ ra, một số hệ thống đó đã không khởi động được. Phía Ukraine tố cáo DJI gây trục trặc hệ thống để tạo thuận lợi cho drone của Nga – cũng là sản phẩm của DJI – hoạt động mà không bị phát hiện. Phía DJI cho rằng công ty đã biết hệ thống AeroScopes của Ukraine bị trục trặc từ trước chiến tranh, đang cố gắng sửa chữa và chứ không cố tình gây hỏng hóc cho sản phẩm.
Trong khi đó, theo các quan chức Ukraine, quân Nga đã sử dụng rất thành công hệ thống AeroScopes của DJI để ngăn chặn drone của Ukraine. “Công ty [DJI] đã giúp người Nga tấn công chúng tôi,” một báo cáo của cơ quan bảo vệ thông tin và truyền thông đặc biệt thuộc chính phủ Ukraine cho biết. Từ đó, binh sĩ Ukraine được yêu cầu không kết nối drone do DJI sản xuất vào mạng Wi-Fi hoặc mạng di động của đất nước. Chính phủ Ukraine phát thông báo cho quân đội và dân chúng rằng sản phẩm drone của DJI không an toàn và yêu cầu ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm của DJI, thay bằng sản phẩm của các nước khác.
Những cáo buộc của chính phủ Ukraine với công ty DJI không mới. Tại Hoa Kỳ từ lâu các drone của DJI đã gây ra mối lo ngại về an ninh quốc gia. Nhiều nhà lập pháp và cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo việc Trung Quốc cố tình kiểm soát công nghệ máy bay không người lái dân dụng vì có thể sử dụng chúng vào hoạt động quân sự. Những người chống DJI tại Washington đã vận động cho một đạo luật mà các nghị sĩ đảng Cộng Hòa soạn thảo ở Quốc Hội, theo đó DJI phải được đưa vào danh sách các công ty bị cấm của Cục Truyền thông Liên bang (FCC), tạo căn cứ pháp lý để cấm sản phẩm của DJI kết nối vào mạng hạ tầng viễn thông Hoa Kỳ.
Năm 2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định cấm quân đội Mỹ sử dụng các sản phẩm drone của DJI. Tuy vậy, công ty Trung Quốc này vẫn cung cấp tới 90% số lượng drone sử dụng trong các cơ quan an toàn công cộng, theo dữ liệu phân tích của Đại học Bard College ở New York.
Sự kiện chính phủ Ukraine cấm drone DJI của Trung Quốc mở ra một cơ hội tốt để các công ty khởi nghiệp của Mỹ trong lĩnh vực này lấp vào chỗ trống, thể hiện những ưu điểm vượt trội của sản phẩm drone của họ, giành thị phần, thu hút khách hàng và thu hút nguồn vốn đầu tư, kể cả tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ.
Thị trường của các công ty này không chỉ ở Ukraine mà chủ yếu ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác không muốn phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc. Ông Brendan Carr, một quan chức cao cấp của FCC, thành viên đảng Cộng Hòa, nói rằng những sự kiện ở Ukraine đòi hỏi Hoa Kỳ phải có hành động cứng rắn hơn chống lại DJI. “Các bản tường trình về drone của DJI được quân đội Nga sử dụng ở chiến trường Ukraine làm nổi bật nhu cầu Hoa Kỳ phải có phản ứng rõ ràng và bền bỉ chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia trầm trọng và tiềm tàng mà nhà sản xuất drone Trung Quốc đặt ra”, ông Carr nói với Wall Street Journal.
Tháng trước BRINC Drones có trụ sở ở Seattle đã tặng cho Ukraine 10 drone và bán hơn 50 chiếc khác. Ông Blake Resnick, CEO của BRINC nói các phi công trực thăng và lực lượng cứu hộ Ukraine đang sử dụng những chiếc máy drone này trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, thu thập thông tin tình báo. Công ty Skydio ở Silicon Valley đã tặng hàng chục drone để Bộ Quốc phòng Ukraine trang bị cho các đơn vị, cùng hàng trăm chiếc khác được bán cho các tổ chức dân sự và các chính phủ phương Tây viện trợ cho Ukraine. Resnick của BRINC và Adam Bry, CEO của Skydio cho biết công ty của họ đang hoạt động toàn thời gian để cung cấp drone cho Ukraine. Ngoài ra, hàng chục công ty khởi nghiệp Mỹ cho biết họ đã tặng và bán drone, cùng hệ thống phòng thủ chống drone cho Ukraine, hỗ trợ ngành quốc phòng của nước này trong công tác trinh sát, thu thập thông tin tình báo và quay phim, chụp ảnh những hành vi tội phạm chiến tranh.
Các công ty khởi nghiệp trong ngành drone Mỹ – mà khách hàng phần lớn là các cơ quan quân sự và an toàn công cộng – nói rằng sản phẩm drone của họ có tính năng an ninh vượt trội so với sản phẩm của Trung Quốc. Vị trí của drone Skydio và dữ liệu của chúng được bảo vệ bằng phần mềm mã hóa tiêu chuẩn quân sự, drone của Teal Drones ở Salt Lake City cũng vậy.
Drone của BRINC tìm đường bay bằng công nghệ Lidar – căn cứ vào xung động ánh sáng để “nhìn” môi trường chung quanh thay vì sử dụng hệ thống định vị GPS và tính năng này làm cho các hệ thống phát hiện drone của Nga không thể nào theo dõi chúng, theo ông Resnick của BRINC. Drone của BRINC còn hữu dụng trong chiến tranh đô thị vì chúng có thể bay lượn trong nhà, đập vỡ kính và tự khởi động lại nếu bị rơi. Ông Resnick còn tiết lộ ông cùng người phó của mình là Andrew Cote, cựu quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cùng hai giảng viên khác đã mở các khóa học kéo dài 15 tiếng đồng hồ mỗi khóa tại một địa điểm ở miền Bắc Ba Lan để huấn luyện các phi công và nhân viên cứu hộ Ukraine.
Còn theo ông Timothy Bean, CEO của Fortem Technologies ở Utah, các drone quốc phòng của họ được thiết kế để tiêu diệt drone của đối phương trên bầu trời. Chúng rất khó bị phát hiện khi đang bay vì chúng sử dụng radar để dò đường và hoạt động hoàn toàn tự động. Bộ Quốc phòng Ukraine đã đặt hàng của Fortem và ông Bean cho biết các hệ thống phòng thủ chống drone đa tầng sẽ được bàn giao trong tháng này. Công ty Dedrone ở San Francisco cũng đang vận chuyển các hệ thống chống drone sang cung cấp cho Ukraine mặc dù Aaditya Devarakonda, CEO của công ty từ chối bình luận về chuyện đó.
Bộ Quốc phòng Ukraine không trả lời các câu hỏi về việc nước này sử dụng drone và hệ thống chống drone của Mỹ.
So với drone DJI của Trung Quốc, drone của các công ty Mỹ có giá đắt hơn nhiều, thời gian chờ nhận hàng cũng lâu hơn vì năng lực chế tạo, sản xuất công nghiệp của các công ty Mỹ còn hạn chế, chuỗi cung ứng linh kiện chưa hoàn chỉnh, nhất là khi nguồn cung vi mạch bán dẫn (chip điện tử) bị khan hiếm trong thời gian đại dịch. Nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, họ thấy tình hình Ukraine đang mở ra cơ hội để chính phủ Mỹ gia tăng đầu tư và tài trợ vốn liếng cho các nhà sản xuất drone nội địa, tháo gỡ những quy định ràng buộc quá đáng để thúc đẩy ngành công nghệ này.
Đọc thêm: