Liệu học thuyết hạt nhân mới của Nga là trò bịp bợm hay là sự thay đổi chiến lược?
Sau những lời đe dọa Lằn ranh đỏ về việc Kremlin sẽ cung cấp vũ khí cho các nước đối đầu Phương Tây để đáp trả việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine, Putin tiếp tục đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân mới. Mục đích của Putin là nhằm đe dọa các nước ủng hộ Ukraine nhưng thực chất là chỉ là một màn chiến tranh tâm lý nhiều hơn là sự thay đổi chính sách thực tế.
Thông điệp đe dọa hạt nhân từ Putin
Vào ngày 25 Tháng Chín, Tổng Thống Vladimir Putin công bố một sửa đổi được cho là mang tính bước ngoặt đối với học thuyết quân sự của Nga. Theo đó, học thuyết mới sẽ coi hành động gây hấn chống lại Nga – ngay cả khi xuất phát từ một quốc gia phi hạt nhân nhưng “có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân” – là một “cuộc tấn công chung” vào Nga. Putin gửi thông điệp cứng rắn tới phương Tây: “Nếu các bạn hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chúng tôi cũng có thể nhắm vào các bạn.”
Tổng thống Nga giải thích thêm rằng học thuyết mới này sẽ “thiết lập rõ ràng các điều kiện để Nga chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Ông Putin buông lời cảnh bảo bằng cách vẽ ra một viễn cảnh u ám về một cuộc trả đũa hạt nhân và khẳng định những thay đổi này áp dụng cho cả Nga và Belarus.”Chúng tôi sẽ xem xét khả năng đó (phản ứng hạt nhân) khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một cuộc tấn công ồ ạt bằng các phương tiện tấn công không quân khi chúng xâm phạm biên giới quốc gia của chúng tôi. Theo ông, các phương tiện tấn công không quân bao gồm “máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, (và) phương tiện bay siêu thanh cũng như các phương tiện bay khác.
Thực tế, những lời đe dọa này chẳng mới mẻ khi học thuyết quân sự hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công thông thường từ năm 2010, nếu sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa. Điều khoản này đã được tái khẳng định trong “Nền tảng Chính sách Nhà nước của Liên bang Nga trong Lĩnh vực Răn đe Hạt nhân” năm 2020. Xét đến các cuộc tấn công liên tục của Ukraine vào lãnh thổ Nga, Moscow hoàn toàn có thể đã viện dẫn học thuyết này từ lâu để biện minh cho một hành động trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Không chỉ vậy, kể từ năm 2014, Putin và các cộng sự đã nhiều lần phát tín hiệu sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả sự kháng cự của Ukraine – được phương Tây hậu thuẫn – chống lại việc Nga mở rộng lãnh thổ.
Cụm từ “sự tồn tại của nhà nước Nga” có thể được hiểu là bao gồm sự bất khả xâm phạm của biên giới và an ninh không phận của nó – bao gồm cả các vùng lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập mà Moscow hiện coi là một phần của Nga. Vì thế, các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào cả lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận và các vùng bị chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 2022 cũng có thể bị Điện Kremlin coi là biện minh cho việc trả đũa bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Dù liên tục vung gậy hạt nhân, nhưng cho đến nay, Nga vẫn chưa dám sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Phải chăng những lời đe dọa ầm ĩ – dù được “trang trọng hóa” bằng văn bản pháp lý – chỉ là màn “võ mồm” của Putin? Có vẻ như những lời lẽ hùng hồn của “Đại đế Sa hoàng” và bộ sậu chỉ là một phần của vở kịch chiến tranh tâm lý rẻ tiền, nhằm hù dọa Ukraine và làm lung lay ý chí chiến đấu của họ.
Việc sửa đổi học thuyết quân sự gần đây, với những tuyên bố đầy vẻ “cứng rắn” về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng không nằm ngoài kịch bản quen thuộc này. Nó giống như một màn biểu diễn phô trương lực lượng, một nỗ lực tuyệt vọng nhằm “cứu vãn” hình ảnh một cường quốc đang sa lầy trên chiến trường.
Tuy nhiên, màn kịch này tiềm ẩn đầy rủi ro. Việc lạm dụng lời đe dọa hạt nhân có thể phản tác dụng, khiến Nga bị cộng đồng quốc tế cô lập và mất uy tín hơn nữa. “Chú hề” trên vũ đài chính trị quốc tế, với những lời lẽ đao to búa lớn nhưng thiếu hành động thực tế, rốt cuộc chỉ khiến người ta thêm phần khinh miệt.
Hổ giấy Siberia gào thét
Dù được “nâng tầm” bằng cách đưa vào một tài liệu chính thức sắp tới, lời đe dọa hạt nhân mới nhất của Putin thực chất không khác gì những lần “khua gậy” trước đây. Việc sửa đổi học thuyết quân sự, về cơ bản, chỉ là một chiêu trò tâm lý quen thuộc của Điện Kremlin, nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chứ không có ý định thực sự làm như vậy. Tuyên bố gần đây vào ngày 08 Tháng Mười 2024 về việc duy trì “đường dây nóng” với Mỹ và NATO nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột hạt nhân có thể được xem là một bằng chứng cho thấy Putin chỉ mạnh mồm “dọa dẫm” chứ không dám “động thủ”.
“Đường dây nóng” Mỹ-Nga, kênh liên lạc trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước, được lập ra từ năm 1963, để giảm bớt những nhận định sai lầm về đối phương, từng gây ra ‘‘khủng hoảng tên lửa Cuba’’ năm 1962. Đường dây nóng được sử dụng nhiều lần trong các cuộc khủng hoảng lớn, như Chiến tranh Sáu ngày ở Cận Đông năm 1967, cuộc tấn công Afghanistan của Liên Xô năm 1979, các cuộc tấn công của Al-Qaeda nhắm vào Mỹ ngày 11 Tháng Chín 2001 và cuộc tấn công Iraq của Hoa Kỳ năm 2003.
Cũng như những lần trước, mục tiêu của Moscow khi đưa ra lời đe dọa hạt nhân là nhằm hù dọa các nước ủng hộ Ukraine, buộc họ phải ngừng hoặc hạn chế viện trợ. Đề xuất thay đổi học thuyết quân sự chỉ là một chiêu trò mới trong nỗ lực ngăn chặn dòng chảy hỗ trợ từ phương Tây đổ về Ukraine.
Tuy nhiên, đừng quên rằng những tuyên bố của Putin cần được nhìn nhận trong bối cảnh nước Nga hiện nay. Ở một đất nước mà luật pháp chỉ là “bình phong” che đậy cho sự độc tài của lãnh đạo, thì các văn bản chính thức – dù là luật, học thuyết hay hiệp ước – đều chẳng có mấy giá trị. Giống như cách Điện Kremlin điều hành đất nước, các quyết định của họ thường dựa trên ý muốn chủ quan của kẻ độc tài, còn luật lệ chỉ là công cụ để “hợp thức hóa” những toan tính chính trị.
Những lời đe dọa mới nhất của Putin có liên quan đến các cuộc tranh luận chiến lược đang diễn ra ở phương Tây, xuất hiện trong bối cảnh phương Tây đang tranh luận sôi nổi về việc có nên cung cấp thêm vũ khí tiên tiến cho Ukraine hay không. Một trong những chủ đề nóng hổi là tên lửa hành trình Taurus của Đức – loại vũ khí cực kỳ hiệu quả, nhưng cũng khiến Nga “đứng ngồi không yên.”
Điểm khiến Điện Kremlin đặc biệt lo ngại là khả năng Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nỗi lo này không phải là không có cơ sở. Suốt hơn hai năm qua, Ukraine đã chứng tỏ khả năng tấn công các mục tiêu quân sự của Nga, ngay cả ở những vùng lãnh thổ mà Moscow ngang nhiên tuyên bố chủ quyền sau các cuộc sáp nhập phi pháp bao gồm Crimea, Lugansk, Zaporizhzhia, Kherson.
Gần đây, Ukraine còn mở rộng phạm vi tấn công sang các địa điểm quân sự và công nghiệp nằm sâu trong lãnh thổ Nga, bao gồm cả một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái táo bạo nhắm vào Điện Kremlin. Một số cuộc tấn công, đặc biệt là những đòn đánh vào các kho đạn dược lớn, đã gây ra thiệt hại đáng kể cho quân đội Nga.
Tuy nhiên, quyết định có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không của Điện Kremlin sẽ không phụ thuộc vào những điều khoản được ghi trong học thuyết quân sự, mà chủ yếu dựa trên các toan tính chính trị. Nếu tin rằng vũ khí hạt nhân có thể giúp xoay chuyển tình thế, Nga hoàn toàn có thể bất chấp luật lệ quốc tế và các cam kết trước đây. Nói cách khác, lợi ích chính trị, chứ không phải nghĩa vụ pháp lý, mới là yếu tố quyết định.
Chính vì vậy, khả năng Nga leo thang xung đột với NATO là rất thấp, chừng nào Moscow còn e ngại sức mạnh quân sự và sự đoàn kết của liên minh này. Phương Tây và các quốc gia khác cũng cần thể hiện rõ ràng với Điện Kremlin rằng bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào ở Ukraine đều sẽ phải trả giá đắt.
Để ngăn chặn thảm họa hạt nhân, thế giới cần gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Moscow: Nga sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt nếu tiếp tục leo thang cuộc chiến phi nghĩa và tàn bạo ở Ukraine. Những lời đe dọa sáo rỗng của Putin cần phải bị lên án và bác bỏ một cách dứt khoát.