EU đối ngoại với Trung Quốc: Không mợ thì chợ cũng đông

Khi Trung Quốc tiếp tục củng cố quan hệ với Nga, châu Âu quay sang Nhật Bản và Ấn Độ. EU dĩ nhiên không thể “thoát Trung” hoàn toàn và lập tức nhưng sự chuyển hướng này sẽ ảnh hưởng lâu dài và tạo ra thế cân bằng mới…
Ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, sau một cuộc họp thượng đỉnh với Trung Quốc tổ chức trực tuyến tại Brussel (Bỉ) ngày 1 Tháng Tư 2022 (ảnh: Dursun Aydemir/Anadolu Agency via Getty Images)

Xoay trục

Tokyo và New Delhi đang trở thành điểm đến châu Á được Liên minh châu Âu (EU) lựa chọn trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn kề vai bá cổ Moscow. Trong khi Trung Quốc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga, châu Âu không còn chọn lựa nào khác là tìm kiếm đồng minh ở những nơi khác tại châu Á-Ấn Độ Dương. Hai nhà ngoại giao giấu tên cho biết, theo dự kiến, tuần tới, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council) Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission) Ursula von der Leyen ​​sẽ đến Tokyo để đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản.

Đây sẽ là lần đầu tiên bộ đôi này đến Đông Á cùng nhau kể từ khi họ nhận nhiệm vụ trước khi bùng phát COVID-19. Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến công du đầu tiên đến châu Á kể từ khi đắc cử, nhưng ông không chọn Trung Quốc như người tiền nhiệm Angela Merkel (người coi trọng việc vun đắp mối quan hệ cá nhân với giới lãnh đạo cộng sản ở Bắc Kinh).

Vài ngày trước, von der Leyen tham dự Hội nghị Đối thoại Raisina (Raisina Dialogue), một sự kiện chính sách đối ngoại quan trọng ở Ấn Độ, nơi bà đưa ra cảnh báo rõ ràng về “quan hệ đối tác không có giới hạn giữa Bắc Kinh và Moscow”. Nhiệm kỳ chủ tịch sắp tới của Hội đồng EU (Council of the EU) sẽ được chuyển cho Cộng hòa Czech, từ đầu Tháng Sáu, và Hội đồng đã có kế hoạch tổ chức loạt sự kiện với các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho dù cuộc chiến của Nga với Ukraine vẫn chiếm phần lớn chủ đề “năng lượng chính trị”. Nói tóm lại, một cuộc xâm lược bất ngờ của Nga trên đất châu Âu đã khiến khối này có cái nhìn khác về Trung Quốc, một đối tác dường như “không thể chia rẽ” của Nga.

Dè chừng Trung Quốc

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã đạt được những lợi ích to lớn sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhiều tập đoàn đa quốc gia châu Âu xem Trung Quốc là thị trường và “thiên đường” tìm lợi nhuận. Bất chấp những hô hào gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc “tập trung hơn nữa vào sáng tạo và tiêu dùng trong nước”, vấn đề ngoại thương, đặc biệt với EU và Mỹ, vẫn đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Nói chung, ông Tập tẩy chay hàng ngoại nhưng vẫn muốn các quốc gia khác xài hàng ngoại từ Trung Quốc!

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đến Tokyo vào tuần tới (ảnh: Dursun Aydemir/Anadolu Agency via Getty Images)

Đa số chính phủ châu Âu ủng hộ các doanh nghiệp trong nước tiến sâu hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất chấp cảnh báo của Mỹ và các nhóm vận động về đe dọa an ninh quốc gia, tấn công mạng và vi phạm nhân quyền. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi góc nhìn. Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và von der Leyen đều cảnh báo Bắc Kinh về “hậu quả và rủi ro danh tiếng” nếu tìm cách giúp Nga lách lệnh trừng phạt hoặc cung cấp vũ khí cho Nga. Tuần trước, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đi xa hơn khi cảnh báo: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc thường được xem là ‘không thể tránh khỏi’; nhưng nay, thực tế cho thấy ‘sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi. Họ sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng nếu không tuân thủ luật chơi”.

Các luận điệu cứng rắn về Trung Quốc nhanh chóng nhận được chú ý trong thế giới kinh doanh. Khi các công ty phương Tây bị cắt đứt quan hệ với Nga, mối lo ngại cũng gia tăng trong cộng đồng doanh nghiệp phương Tây ở Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh cố gắng tạo khoảng cách với kinh doanh tư và ngày càng giống một nhà nước chuyên chế. Ông Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nhận định: “Người Đức đã có cuộc khảo sát về tác động của cuộc chiến Ukraine đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Kết quả chỉ ra rằng các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống”. Wuttke nói: “Nhiều doanh nhân tự hỏi: Nước Nga nay đã khác, liệu Trung Quốc có giống như thế không?”.

Nghiêng về Nhật Bản

Thủ tướng Đức Scholz thừa nhận, việc chọn Nhật Bản là điểm đến châu Á đầu tiên từ ngày nhậm chức “không phải ngẫu nhiên”. Dù tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, Thủ tướng Đức luôn nhấn mạnh đến tính cấp bách của đa dạng hóa trong hoạt động kinh doanh. Ông nhấn mạnh: “Làm sao để chuỗi cung ứng của chúng ta ít phụ thuộc hơn vào một số quốc gia là nhiệm vụ thích đáng hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện nay”. Trung Quốc sẽ không khó khăn gì để tìm ra “một số quốc gia” mà Scholz nói đến.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi chống lại ý tưởng ‘tách rời’. Nhưng có một điều rõ ràng, các công ty của chúng tôi và nước Đức sẽ phải làm những gì cần làm để đảm bảo không phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ một quốc gia tại bất cứ thời điểm nào. Đó là kinh nghiệm chúng tôi vừa học được từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Sẽ mất thời gian, nhưng tránh phụ thuộc phải đóng vai trò quan trọng đối với chúng tôi”. Nhật Bản được ca ngợi là đối tác thân thiết “không do dự” với phương Tây ngay từ khi Nga xâm lược Ukraine. Nhật là một trong số ít quốc gia châu Á (cùng với Hàn Quốc và Singapore) tham gia vào các lệnh trừng phạt do châu Âu và Mỹ đưa ra.

Chuyến bay trở về của Scholz mang theo một số viện trợ của Nhật Bản cho Ukraine. “Khi đối phó với Trung Quốc, kẻ thù chính, Nhật Bản phải dựa phần lớn vào hiệp ước hợp tác an ninh với Mỹ. Nhật đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ để phòng trường hợp xung đột với Trung Quốc về Đài Loan” – tờ Financial Times viết. Tuy nhiên, EU cũng có một vai trò nhất định. “Dù biết châu Âu không thể bù đắp cho liên minh với Mỹ, Nhật Bản vẫn xem châu Âu như một đảm bảo bổ sung hợp tác an ninh – Dietmar Schweisgut, Cựu đại sứ EU tại Nhật Bản và Trung Quốc nhận xét – Điều này khác xa trước đây khi Nhật Bản và châu Âu xem các cuộc xung đột ở châu Âu-Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương không liên quan gì đến mình! Chính ‘tình hữu nghị không có giới hạn Nga-Trung và cam kết hợp tác cùng nhau để thay đổi trật tự quốc tế’ đã dẫn đến nhận thức phải củng cố chặt chẽ hơn quan hệ giữa Nhật Bản, Ấn Độ và châu Âu. Không phải để làm màu mà cực kỳ cần thiết và không thể thiếu”.

Ấn Độ khó ra khỏi trạng thái “đu dây”

Vài tháng tới sẽ rất quan trọng để thử thách khả năng “đa nhiệm” của châu Âu khi phải tập trung vào cả Nga và Trung Quốc. Janka Oertel, Chủ tịch phụ trách Châu Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations) nhận định: “Dù đang phải đối phó với cuộc chiến Ukraine, châu Âu cũng phải tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương với cách tiếp cận khác. Tương lai của trật tự toàn cầu không chỉ được quyết định ở Ukraine”. Ở một số điểm nào đó, Ấn Độ có vẻ gần Trung Quốc hơn Nhật Bản. Bất chấp áp lực của phương Tây, Ấn vẫn bỏ phiếu trắng lên án cuộc chiến của Nga tại Liên Hiệp Quốc.

Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn của Nga trong khi các nhóm nhân quyền liên tục lên tiếng quan ngại về việc đối xử với người thiểu số. Tuy nhiên, Mỹ vẫn xem Ấn Độ là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cùng với Úc và Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ hình thành mạng lưới an ninh “Bộ tứ” AUKUS (bị các chiến lược gia Bắc Kinh xem là “mối đe dọa hàng đầu”). Sau khi bị AUKUS làm bẽ mặt bằng một hợp đồng tàu ngầm béo bở Mỹ-Úc, Pháp bắt đầu tăng cường quan hệ Hải quân với Ấn Độ.

Trong chuyến thăm New Delhi, bà von der Leyen vừa chỉ trích Trung Quốc quan hệ đối tác với Nga, vừa ca ngợi Ấn Độ là “nền dân chủ lớn nhất thế giới” và thề thắt chặt thêm quan hệ thương mại EU-Ấn. Trong nỗ lực thuyết phục Ấn Độ thoát Nga, bà nói: “Kết quả của cuộc chiến Ukraine không chỉ quyết định tương lai châu Âu mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới”. Một vấn đề lớn nữa trong quan hệ EU-Ấn Độ là thiếu hiệp định thương mại tự do.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 2 Tháng Năm 2022 (ảnh: Clemens Bilan – Pool/Getty Images)

Nỗ lực kéo dài bảy năm để đạt được một thỏa thuận bị bế tắc. Dù cả hai bên đang cố gắng mở lại đàm phán nhưng các vấn đề hóc búa như nông nghiệp, tiêu chuẩn và quyền lao động sẽ không dễ vượt qua. Giống như von der Leyen, gần đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đến thăm Ấn Độ và tập trung vào hợp tác quốc phòng với người đồng cấp Narendra Modi. Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Anh Johnson đã phải bảo vệ kế hoạch hợp tác khi được hỏi “liệu Ấn Độ có thể trở thành một kênh để vũ khí phương Tây nhập lậu vào Nga không?”.

Trong một động thái mang tính biểu tượng, Ấn Độ đã quyết định mở đại sứ quán mới ở Litva, quốc gia EU hiện đang bị Bắc Kinh cấm vận thương mại, sau khi đất nước vùng Baltic này bỏ ra một thập niên vận động hành lang. Cả Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đều đến châu Âu trong tuần này. Họ sẽ có những thông điệp về Trung Quốc nhưng lời nói có dẫn đến hành động không thì còn phải chờ.

Nói đến sự “tái nhận thức” của châu Âu, không sự kiện đáng chú ý bằng việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập khối liên minh quân sự NATO. Ngày 12 Tháng Năm, Phần Lan sẽ đưa ra quyết định cuối cùng việc nộp đơn gia nhập NATO. Tại Thụy Điển, Quốc hội đang xem xét chính sách an ninh, bao gồm cả những ưu và nhược điểm của việc gia nhập liên minh, với kết quả sẽ được đưa ra vào ngày 13 Tháng Năm. NATO cho biết có thể mất một năm để phê chuẩn vì Quốc hội của tất cả 30 quốc gia NATO cần phê chuẩn các thành viên mới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hai nước trên có thể tham gia “nhanh chóng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: