Gián điệp cao cấp Bắc Hàn đào thoát và tiết lộ nhiều bí mật

“Buôn lậu ma túy, bán vũ khí và khủng bố”- một người đào tẩu nói về chế độ Bắc Hàn của lãnh đạo Kim Jong Un. “Ngân khố quốc gia không thuộc về người dân mà tất cả tiền bạc ở Bắc Hàn đều thuộc về lãnh đạo. Quyền chi tiêu và ban phát là của ông ta” – người đào tẩu cho biết.

Đào tẩu vì quá khiếp sợ

Phải mất hàng tuần thương lượng để có được một cuộc phỏng vấn với người đào tẩu này, nhưng ông ta vẫn lo lắng có ai đó đang nghe lén mình. Kẻ phản bội cẩn thận đeo kính đen khi được quay phim, và chỉ có hai người trong nhóm phỏng vấn biết tên thật của ông là Kim Kuk-song (mà cũng chưa chắc đúng!). 

Ông Kim đã có 30 năm làm việc để ngoi lên vị trí cao trong các cơ quan gián điệp quyền lực của Triều Tiên. “Chúng là mắt, tai và não của Lãnh tụ Tối cao – ông nói – Tôi đã giữ bí mật của gia đình họ, cử sát thủ giết những ai chỉ trích họ, thậm chí xây dựng một phòng sản xuất ma túy để giúp gây quỹ cách mạng!”. 

Ông Kim cho biết ông được nhiều ưu đãi khi còn ở trong nước. Ví dụ, cô ruột của Kim Jong-un cho ông sử dụng một chiếc Mercedes-Benz và được phép đi du lịch nước ngoài tự do để quyên tiền cho lãnh đạo. “Tôi đã bán kim loại quý hiếm và than lấy hàng triệu đô la mang về nước trong vali – ông nói – Mối quan hệ chính trị mạnh mẽ thông qua hôn nhân của tôi cho phép tôi di chuyển giữa các cơ quan tình báo khác nhau. Nhưng chính mối liên hệ này đã khiến tôi và gia đình rơi vào nguy hiểm”. 

Không lâu sau khi kế vị cha vào năm 2011, Kim Jong-un quyết định thanh trừng những người mà ông coi là mối đe dọa, gồm cả Jang Song-thaek (chồng của cô ruột, được xem là “lãnh đạo thực tế” của Bắc Hàn khi sức khỏe của Kim Jong-il suy yếu dần). Nhưng Jang Song-thaek sớm trở thành “mối ám ảnh” với Kim Jong-un. “Tôi cảm thấy Jang Song-thaek không tồn tại được lâu và sẽ bị trục xuất về vùng nông thôn” – ông Kim nói. 

Sau đó, Tháng Mười Hai, 2013, truyền thông nhà nước loan tin Jang đã bị xử tử. “Đó là một đòn chí mạng và tôi vô cùng kinh hãi. Ngay lập tức, tôi cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng và biết mình không thể ở trong nước nữa. Lúc đó tôi đang ở nước ngoài và biết về vụ hành quyết qua báo chí. Lập tức tôi lên kế hoạch cùng gia đình bỏ trốn sang Hàn Quốc”. 

Có hơn 30,000 người đào tẩu Triều Tiên đang ở Hàn Quốc nhưng chỉ số ít quyết định nói chuyện với truyền thông như ông Kim. Bây giờ, vị cựu đại tá quyết định kể câu chuyện của mình với truyền thông phương Tây, và đây cũng là lần đầu tiên một sĩ quan tình báo cấp cao của Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn một đài truyền hình lớn. 

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền này, ông Kim nhắc lại mình từng là một đầy tớ trung thành của đảng cộng sản. “Nhưng cấp bậc và lòng trung thành không bảo đảm an toàn cho bất kỳ ai ở Bắc Hàn. Tôi không là ngoại lệ!” – ông nhấn mạnh. Năm 2014, ông Kim đào thoát sang Hàn Quốc để cứu mạng mình, sống bí mật ở Seoul và cộng tác với cơ quan tình báo Hàn Quốc. 

Ông mô tả lãnh đạo Bắc Hàn là “kẻ tuyệt vọng kiếm tiền bằng mọi cách, từ buôn bán ma túy đến bán vũ khí cho Trung Đông và châu Phi”. 

Tấn công nhưng luôn luôn bác bỏ trách nhiệm

Ông cũng để cập đến chiến lược phía sau các quyết định được đưa ra ở Bình Nhưỡng, các cuộc tấn công nhắm vào Hàn Quốc, và việc Bắc Hàn tìm cách lan toả mạng lưới gián điệp và các hoạt động bí mật ra khắp thế giới. 

Những năm cuối cùng của ông Kim trong một cơ quan tình báo hàng đầu của Bắc Hàn đã tạo điều kiện cho ông có một số góc nhìn sâu sắc về sự nghiệp ban đầu của Kim Jong-un, lãnh đạo Bắc Hàn hiện nay. Đó là một chàng trai trẻ muốn chứng tỏ mình là một “chiến binh đích thực”!. 

Năm 2009, Bắc Hàn thành lập cơ quan gián điệp mới: Tổng cục Trinh sát, ngay lúc Kim Jong-un chuẩn bị kế vị cha mình đang bị đột quỵ. “Quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố mới là để giết Hwang Jang-yop, một quan chức đào tẩu sang miền Nam. Đối với Kim Jong-un, hành động này như món quà dâng nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-il, cha cậu ta. 

Tôi đích thân chỉ đạo và thi hành lệnh ám sát” – ông Kim nói. Hwang Jang-yop từng là một trong những quan chức quyền lực chóp bu, một kiến ​​trúc sư của chế độ Bắc Hàn. Chính vì thế mà cuộc đào tẩu năm 1997 của ông ta không bao giờ được tha thứ. Ẩn náu tại Seoul, nhưng Hwang vẫn tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ chế độ nên gia đình Kim Jong Un phải trả thù bằng được. 

Nhưng vụ ám sát thất bại, các sát thủ bị bắt. Hai chuyên gia quân đội Bắc Hàn lãnh án 10 năm tù. Bình Nhưỡng luôn phủ nhận có liên quan đến âm mưu ám sát và lên án Hàn Quốc dàn dựng. Nhưng ông Kim lại nói khác: “Ở Bắc Hàn, chủ nghĩa khủng bố là công cụ chính trị để bảo vệ phẩm giá không thể thách thức của Kim Jong-il và Kim Jong-un. Ám sát kẻ đào tẩu là cách thể hiện lòng trung thành của Kim Jong-un đối với cha mình”. 

Món quà này thất bại lại có món quà khác. Năm 2010, tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc bị chìm do trúng ngư lôi, giết chết 46 người. Bình Nhưỡng cũng phủ nhận sự liên quan. Tháng Mười Một năm đó, hàng chục quả đạn pháo của Triều Tiên dội xuống đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc làm hai binh sĩ và hai dân thường thiệt mạng. 

Để hoá giải phần nào cuộc tranh luận ai đã ra lệnh tấn công. Kim khẳng định ông không trực tiếp tham gia vào cả hai vụ ở Cheonan và Yeonpyeong, “Nhưng loại hoạt động này không phải là bí mật đối với các sĩ quan RGB, thậm chí họ xem đây là sự tự hào, là thành tích để khoe khoang! Những hoạt động nhạy cảm như thế đều phải có lệnh từ cấp cao nhất. Ở Bắc Hàn, xây dựng một con đường, cũng phải có sự chấp thuận trực tiếp của Lãnh đạo tối cao. Cấp dưới không thể tự ý đánh chìm tàu ​​Cheonan và pháo kích đảo Yeonpyeong để dâng công với lãnh tụ. Nó được thiết kế và thực hiện theo lệnh đặc biệt của Kim Jong-un”. 

Tuyển điệp viên ngay trong lãnh thổ đối phương

Một trong những trọng trách của ông Kim ở Bắc Hàn là phát triển các chiến lược để đối phó Hàn Quốc và bắt phục tùng chính trị. Muốn thế thì phải có mắt và tai trên lãnh thổ đối phương. “Tôi đã đích thân phái các điệp viên đến Hàn Quốc trong nhiều trường hợp để thực hiện một số nhiệm vụ tôi giao – ông Kim nói và đưa ra một ví dụ – Đầu thập niên 1990, một đặc vụ Triều Tiên được cài vào làm việc tại Nhà Xanh (Blue House-Phủ Tổng thống Hàn Quốc) từ năm đến sáu năm. Sau khi trở về nước an toàn anh ta làm việc tại Văn phòng Liên lạc 314 của Đảng Lao động. Tôi có thể khẳng định hiện nay các đặc vụ miền Bắc vẫn tiếp tục hoạt động tích cực trong các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức quan trọng khác nhau ở Hàn Quốc”. 

Một số điệp viên Bắc Hàn chưa thụ án xong tại Hàn Quốc. Nhà báo Chad O’Carroll, sáng lập hãng tin NK News trong một bài báo gần đây cho biết: “Các nhà tù Hàn Quốc từng giam hàng chục điệp viên Bắc Hàn bị bắt giữ trong nhiều thập kỷ qua”. Một số vụ còn mới. Ít nhất có một vụ liên quan đến một điệp viên được cử trực tiếp từ miền Bắc. 

Nhưng NK News cũng tiết lộ số điệp viên làm việc cho Bắc Hàn bị bắt từ 2017 đã ít hơn rất nhiều. Lý do, Bắc Hàn đã chuyển sang thu thập thông tin tình báo bằng cách sử dụng các công cụ do thám mới, thay vì gián điệp con người kiểu cũ.  Triều Tiên có thể thuộc số những quốc gia nghèo nhất và bị cô lập nhất thế giới, nhưng thông tin từ những người đào tẩu cho biết Bình Nhưỡng có một đội quân 6,000 tin tặc lành nghề. 

Ông Kim nói: “Thập niên 1980, lãnh đạo Kim Jong-il đã ra lệnh đào tạo nhân sự công nghệ thông tin để chuẩn bị cho chiến tranh mạng. Đại học Moranbong chọn những sinh viên sáng giá nhất trên cả nước để đưa vào chương trình sáu năm giáo dục đặc biệt. Kết quả rất khả quan. Tình báo Anh tin rằng, nhóm tin tặc Lazarus Group của Bắc Hàn đứng sau cuộc tấn công mạng làm tê liệt Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) và một số tổ chức khác trên thế giới vào năm 2017. 

Cũng chính nhóm này được cho là hack kho dữ liệu của hãng phim Sony Pictures 2014 làm lộ bí mật của nhiều người. Theo ông Kim, nơi điều hành tấn công mạng được gọi là Văn phòng Liên lạc 414 nhưng nội bộ gọi nó là “Trung tâm Thông tin của Kim Jong-il” vì nó có đường dây điện thoại trực tiếp với lãnh tụ. “Không chỉ hoạt động mật tại Trung Quốc, Nga và các nước Đông Nam Á, mà 414 còn hoạt động tại chính Triều Tiên và giữ nhiệm vụ bảo vệ thông tin liên lạc giữa các điệp viên Triều Tiên” – ông nói. 

Gây quĩ cách mạng bằng ma tuý, vũ khí

Tháng Tư, 2021, Kim Jong-un tuyên bố đất nước ông lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới và kêu gọi người dân chuẩn bị cho một “Cuộc trường chinh gian khổ” (Arduous March) khác. Cụm từ này từng dùng mô tả nạn đói thảm khốc vào thập niên 1990 dưới thời Kim Jong-il. Ước tính số người chết do thiếu lương thực kéo dài từ hàng trăm ngàn đến một triệu người! 

Lúc đó ông Kim đang ở Cục Tác chiến và được lệnh khẩn cấp “Gây quỹ cách mạng cho Lãnh tụ tối cao”. Mệnh lệnh này có nghĩa là buôn lậu ma túy. “Hoạt động sản xuất ma túy ở Bắc Hàn thời Kim Jong-il đạt đến đỉnh điểm trong Tháng Ba gian khổ. Lúc đó, Cục Tác chiến đã cạn nguồn quỹ cách mạng cấp cho Lãnh tụ tối cao. Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi đã đưa ba người nước ngoài vào Triều Tiên, xây dựng cơ sở sản xuất ma túy ICE (meth tinh thể) ngay bên trong Trung tâm huấn luyện thuộc Văn phòng liên lạc 715 của Đảng Lao động Triều Tiên. 

Tiền kiếm được quy ra đô la tặng cho Kim Jong-il. Với số tiền đó, ông ta có thể xây biệt thự, mua xe hơi, thức ăn ngon, quần áo và những thứ xa xỉ khác”. Tiết lộ này của ông Kim có thể tin được. Bắc Hàn có lịch sử lâu đời về sản xuất ma túy, chủ yếu là heroin và thuốc phiện. 

Thae Yong-ho, một cựu quan chức ngoại giao Bắc Hàn đào tẩu sang Anh nói với Diễn đàn Tự do Oslo (Oslo Freedom Forum) năm 2019 rằng đất nước ông tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy và đang cố gắng giải quyết đại dịch nghiện ma túy lan rộng trong nước. “Một nguồn thu nhập khác đến từ việc Cục Tác chiến bán vũ khí bất hợp pháp cho Iran, trong đó có những tàu ngầm hạng trung, tàu bán chìm mà Bắc Hàn rất giỏi chế tạo (các tàu ngầm này có động cơ diesel kêu rất lớn). Các hợp đồng bán vũ khí thành công đến nỗi phó giám đốc Cục tại Iran khoe là đã mời người Iran đến tận bể bơi của ông để ký hợp đồng!” – Ông Kim nói. 

Theo Giáo sư Andrei Lankov, một trong những chuyên viên hàng đầu thế giới về Triều Tiên, Bắc Hàn bán vũ khí cho Iran từ năm 1980, kể cả tên lửa đạn đạo. Bất chấp phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt, Bắc Hàn vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cụ thể là Tháng Chín, 2021 đã thử nghiệm 4 hệ thống vũ khí mới gồm tên lửa hành trình tầm xa, hệ thống phóng tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và tên lửa phòng không. 

Theo ông Kim, Bình Nhưỡng cũng bán vũ khí và công nghệ cho các chính phủ đang chống lại các cuộc nội chiến dai dẳng. Trong những năm gần đây, Liên Hợp Quốc cáo buộc Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho Syria, Myanmar, Libya và Sudan đồng thời cảnh báo “Vũ khí từ Bắc Hàn đang gây nguy hiểm cho thế giới”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: