H.C.
Hải quân Hoa Kỳ vừa cử hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm (HKMH) tới Biển Đông Việt Nam thực hiện một cuộc tập trận nhằm gửi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc rằng Hoa Kỳ không chấp nhận việc Bắc Kinh gia tăng hoạt động quân sự tại khu vực điểm nóng nhất châu Á này.
Bản tin độc quyền của báo The Wall Street Journal (WSJ) chiều nay 03-07 cho biết hai HKMH USS Ronald Reagan và USS Nimitz đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong nhiều năm nay tại vùng Biển Đông, từ thứ Bảy – Ngày Độc lập của Hoa Kỳ – cùng lúc với cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc tại khu vực này.
Các quan chức hải quân Hoa Kỳ nói rằng, họ muốn thách thức cái mà họ gọi là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông qua cái gọi là đường lưỡi bò chín đoạn, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Indonesia. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài quốc tế theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) ra phán quyết bác bỏ hồi tháng Bảy năm 2016.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, Thiếu tướng George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến do HKMH Ronald Reagan dẫn đầu, nói: “Mục đích [của cuộc tập trận] là thể hiện một tín hiệu rõ ràng cho các nước đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết bảo vệ an ninh và sự ổn định của khu vực”.
Cuộc tập trận có hai nhóm tác chiến, gồm hai HKMH và bốn chiến hạm mặt nước, hoạt động suốt 24 giờ mỗi ngày, thực hiện việc cất hạ cánh cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết để kiểm tra và nâng cao năng lực hoạt động của các phi cơ chiến đấu trên HKMH.
Những năm gần đây, Biển Đông trở thành trung tâm trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thể hiện sức mạnh quân sự xa bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tại các hòn đảo, đá mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1974 và 1988, Trung Quốc đã bố trí các giàn hỏa tiễn, xây cảng quân sự và phi đạo, lắp các hệ thống gây nhiễu điện tử để gây khó khăn cho hoạt động của hải quân Mỹ và các đồng minh.
Hải quân Trung Quốc cũng thông báo tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam Cộng hòa năm 1974, từ ngày 01-07-2020.
Hải quân Hoa Kỳ và hải quân Trung Quốc hiếm khi tổ chức tập trận tại cùng một nơi, cùng một thời điểm.
Tướng Wikoff từ chối tiết lộ địa điểm chính xác của cuộc tập trận của hải quân Mỹ trong vùng Biển Đông, ông chỉ nói rằng cuộc tập trận của Mỹ không phải là một phản ứng với cuộc tập trận của Trung Quốc, nhưng sự hung hăng ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc cho thấy sự hiện diện của hải quân Mỹ là đúng đắn và cần thiết.
Phía Mỹ cũng đang nỗ lực phô diễn sức mạnh hải quân sau khi có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh nghĩ rằng Trung Quốc đang có lợi thế nhờ sớm kiểm soát được đại dịch Vũ Hán mà Hoa Kỳ đang vất vả chống đỡ, từ đó họ đẩy mạnh các hoạt động đe dọa, quấy nhiễu và xâm lấn các nước láng giềng. Gần đây Trung Quốc thường phái phi cơ chiến đấu xâm phạm vùng trời Đài Loan, áp đặt luật an ninh hà khắc lên Hong Kong, đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam và quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.
Hồi tháng Năm, hải quân Hoa Kỳ đã gửi ba tàu chiến, trong đó có tàu đổ bộ tấn công USS America, tới Biển Đông hỗ trợ Malaysia và vào tháng Sáu đã cử ba nhóm tác chiến HKMH (có thêm nhóm USS Theodore Roosevelt) tới vùng biển Tây Thái Bình Dương để thực hiện các hoạt động huấn luyện. Tổng số chiến đấu cơ trên ba HKMH này nhiều hơn không lực của bất cứ quốc gia nào trong khu vực và độ tân tiến thì không nước nào sánh được.
Hải quân một số nước đã tham gia cùng Hoa Kỳ trong các cuộc tập trận trên Biển Đông, gần đây có cuộc tập trận bắn đạn thật chung với hải quân Úc hồi tháng Tư và với hải quân Nhật Bản hồi tháng Sáu. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, hải quân Hoa Kỳ thực hiện tập trận với hai nhóm tác chiến HKMH cùng tham gia.
Trung Quốc được biết đã phản ứng đầy giận dữ với kế hoạch tập trận của Hoa Kỳ. Lí Hoa Dân (Li Huamin), phát ngôn viên quân đội Trung Quốc, nói: “Hành động gây hấn của Hoa Kỳ vi phạm trầm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, làm gia tăng một cách giả tạo nguy cơ an ninh của khu vực và có xu hướng gây ra những sự cố bất ngờ”.
Bà Oriana Skylar Mastro, nhà nghiên cứu về tranh chấp lãnh thổ trên biển của Trung Quốc thuộc Viện American Enterprise ở Washington nói bà ủng hộ việc quân đội Mỹ và đồng minh đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Biển Đông để chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Nhưng bà cho rằng, lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có những hành động quân sự hung hăng hơn và rủi ro đụng độ sẽ gia tăng, “nhất là nếu tình hình chính trị ở Hong Kong xấu đi, triển vọng thu phục hòa bình lãnh thổ Đài Loan bị bế tắc hoặc sự phê phán ông Tập ở trong nước với việc ứng phó nạn dịch gia tăng”.
(theo WSJ)