Hải quân Mỹ tuần tra eo biển Đài Loan bất chấp đe dọa

Hai chiến hạm của Hải quân Mỹ đang đi tuần tra eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau chuyến thăm gây sóng gió của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ
Hai tuần dương hạm của Hải quân Đài Loan trong cuộc tập trận nâng cao sự sẵn sàng chiến đấu trên eo biển Đài Loan hồi đầu năm nay trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gây hấn. Ảnh Ceng Shou Yi/NurPhoto via Getty Images.

Bất chấp cảnh báo ngày càng gay gắt và hoạt động tập trận dồn dập đầy đe dọa của Trung Quốc gần Đài Loan hôm Thứ Bảy 27 Tháng Tám, hai chiến hạm của Hải quân Mỹ đã đi tuần tra eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau chuyến thăm gây sóng gió của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi hồi đầu tháng.

Một bản tin độc quyền của hãng tin Reuters dẫn lời ba quan chức Mỹ ẩn danh nói rằng hai chiến hạm của Mỹ, tuần dương hạm lớp Ticonderoga trang bị hỏa tiễn dẫn đường USS Chancellorsville (CG-62) và USS Antietam (CG-54) đang đi qua vùng biển quốc tế trong eo biển Đài Loan. 

Trong những năm gần đây, chiến hạm của Mỹ và đôi khi của các quốc gia đồng minh như Anh và Canada, thường xuyên đi qua eo biển, khiến Bắc Kinh tức giận.

Eo biển Đài Loan, rộng 110 dặm (180 km hay 97 hải lý), chỗ hẹp nhất 81 dặm (130km, 70 hải lý) là một hải lộ huyết mạch của thương mại quốc tế, tàu bè chở đủ loại hàng hóa từ các hải cảng quan trọng của Trung Quốc, Nhật, và Nam Hàn ra Biển Đông rồi tới các thị trường tiêu thụ ở Mỹ và Âu châu. Theo dữ liệu của Bloomberg News, một nửa số tàu chở thùng hàng (container) và 88% số tàu có trọng tải lớn nhất của thế giới đi qua eo biển này mỗi năm. Một sự việc gây tắc nghẽn ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ làm gián đoạn trầm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa và thương mại toàn cầu mà tất cả các bên đều thiệt hại.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia đã ký kết và phê chuẩn, tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc và Đài Loan mỗi bên sở hữu một lãnh hải rộng 12 hải lý, phần còn lại là vùng biển quốc tế (high sea). Điều 95 của UNCLOS quy định: “Chiến hạm đi trên vùng biển quốc tế không phải tuân theo quy định của bất cứ nước nào trừ quốc gia mà nó treo cờ”. Dựa vào quy định này, mỗi khi Trung Quốc lên tiếng phản đối, Hải quân Hoa Kỳ thường tuyên bố họ vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra đường hàng không và đường biển qua eo biển Đài Loan và tất cả những nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ bất chấp sự phản đối của chính phủ được bầu cử dân chủ ở Đài Bắc. Trong suốt Tháng Tám 2022, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo sau khi bà Pelosi đến thăm, và các cuộc tập trận đó vẫn tiếp tục. Trung Quốc coi chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ Viện Mỹ là nỗ lực của Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Chiến hạm các nước Mỹ, Nhật, Hàn, Úc và Canada tập luyện phối hợp chiến đấu trong cuộc tập trận Rồng Thái Bình Dương giữa Tháng Tám vừa qua. Ảnh US Navy Photo

Hôm 16 Tháng Tám, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ là Tần Cương (Qin Gang) đã tổ chức họp báo ở Washington DC, muốn qua báo chí chuyển tới chính phủ và quân đội Mỹ thông điệp là hãy tránh xa eo biển Đài Loan và đừng bao giờ đến thăm đảo quốc này nữa. “Phía Hoa Kỳ đã làm quá nhiều và đi quá xa trong khu vực này. Tôi kêu gọi các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi kiềm chế, thực sự kiềm chế, không làm bất cứ điều gì leo thang căng thẳng. Nếu có bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ đáp trả. Trung Quốc sẽ đáp trả,” ông Tần nói.

Nhưng mười hai ngày sau chuyến đi của bà Pelosi, Quốc Hội Hoa Kỳ đã cử đoàn thứ hai đến Đài Loan do Thượng nghị sĩ Edward Markey (Dân Chủ – Massachusetts) dẫn đầu, cùng với ba dân biểu Hạ Viện và một đại diện của vùng lãnh thổ Samoa trong Hạ Viện. Ông Markey là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương và Chính Sách An Ninh Mạng Quốc Tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện.

Rồi trong tuần này, một phái đoàn thứ ba của Quốc Hội Mỹ đã đến Đài Loan hôm thứ Năm 25 Tháng Tám. Phái đoàn do Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, thành viên các ủy ban Thương mại và Dịch vụ Vũ trang của Thượng Viện dẫn đầu.

Xem ra những lời cảnh báo, đe dọa và áp lực của Bắc Kinh đối với các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã không có kết quả.

Để bảo vệ chuyến đi của bà Chủ tịch Pelosi, Hải quân Hoa Kỳ đã điều động nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan vào vùng biển phía Nam Đài Loan và hai tàu đổ bộ tấn công USS America và USS Tripoli chở theo nhiều phi đội F-35 tân tiến nhất túc trực trên vùng biển phía bắc hòn đảo. 

Nhưng các chiến hạm Mỹ chỉ theo dõi cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc và thu thập thông tin chiến lược mà không can thiệp. Sau khi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi kết thúc mà không có sự cố đáng tiếc nào như đe dọa của Trung Quốc, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và tàu đổ bộ USS America đã quay về căn cứ ở Nhật Bản; tàu USS Tripoli vẫn hoạt động ở vùng biển phía Đông Đài Loan, không xa hòn đảo. 

Bây giờ thì các tuần dương hạm Mỹ tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan. Các quan chức ẩn danh cho biết, một hoạt động như vậy thường kéo dài từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ, và Trung Quốc thường cử tàu chiến và phi cơ bám theo chiến hạm Mỹ. Vì chuyến tuần tra đang diễn ra nên chưa rõ quân đội Trung Quốc có phản ứng nào khác như lời đe dọa của họ hay không.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: