Sau hơn một năm truy tìm, nghiên cứu và phân tích, Tổ chức quốc tế các nhà báo điều tra (The International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ) vừa phối hợp với các cơ quan truyền thông lớn tung ra hồ sơ Pandora Papers, được coi là “cơn sóng thần dữ kiện xa bờ” (offshore data tsunami) vạch trần mánh lới che giấu tài sản của những kẻ giàu có ở hơn 200 quốc gia.
Pandora Papers
Kho dữ liệu 2.94 terabyte [1 terabyte (TB) = 1,000 gigabyte (GB)] phơi bày các báo cáo tài chính cá nhân và tài khoản bí mật của hơn 336 chính trị gia và 130 tỷ phú đôla trong danh sách Forbes, cũng như các nhân vật nổi tiếng, thành viên các hoàng gia, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, những tay trùm buôn ma túy và những kẻ lừa đảo khắp thế giới. Kho dữ liệu có 11.9 triệu files, trong đó có gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1.2 triệu email và gần nửa triệu bảng tính (spreadsheet). Trong số các nhân vật bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora có ít nhất 14 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, hơn 20 cựu nguyên thủ quốc gia và hàng trăm nhân vật nổi tiếng toàn cầu khác.
Cách đây năm năm, ICIJ cũng đã tung ra Hồ sơ Panama (Panama Papers) có nội dung và quy mô tương tự; gồm 2.6 terabyte dữ liệu, 11.5 triệu files. Sau vụ Panama Papers, một số chính trị gia đã phải từ chức, luật lệ về quản lý tài chính ở một số “thiên đường thuế ngoài khơi” (offshore tax havens) được chấn chỉnh. Thế nhưng Hồ sơ Pandora Papers lần này cho thấy phương thức lợi dụng các thiên đường thuế để che giấu tài sản và các hành vi tài chính phi pháp của giới thượng lưu vẫn không chấm dứt hoặc giảm bớt mà ngày càng trầm trọng.
Nếu như Hồ sơ Panama bị lộ ra từ kho lưu trữ tài liệu về khách hàng của một công ty luật ở Panama – công ty Mossack Fonseca nay đã ngừng hoạt động – thì Hồ sơ Pandora tập hợp tài liệu từ 14 công ty khác nhau hoạt động ở Thụy Sĩ, Hong Kong, Singapore, đảo Cyrus, Belize và quần đảo British Virgin Islands thuộc Anh. Các công ty này chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho giới thượng lưu ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ – những người muốn che giấu tài sản trị giá nhiều tỷ đô la khỏi sự giám sát của các cơ quan thuế vụ, chủ nợ, cơ quan điều tra tội phạm, thậm chí khỏi sự soi mói của công dân.
Hồ sơ Pandora có chi tiết về hơn 27,000 công ty và 29,000 tài khoản bí mật như vậy, gấp đôi số tài khoản bị phát hiện trong Hồ sơ Panama năm năm về trước. Các tài khoản này được mở và hoạt động trong thời gian 1996-2020, bất chấp những vụ phát hiện liên tục của báo chí về thủ đoạn che giấu tài sản ở các thiên đường thuế. Để phanh phui khối dữ liệu khổng lồ đó, ICIJ đã huy động sự hợp tác của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia.
Các thủ đoạn trốn thuế
Trước khi đi vào các chi tiết chính của Hồ sơ Pandora, cần biết đôi điều về cái gọi là “thiên đường thuế” và các thủ đoạn che giấu tài sản của giới thượng lưu toàn cầu. Để thu hút đầu tư, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có chính sách thuế rất thấp và quy định rất lỏng lẻo về giao dịch tài chính. Sở dĩ gọi đây là các “thiên đường thuế ngoài khơi” vì phần lớn những vùng lãnh thổ này là các đảo ở châu Âu và vùng biển Carribean thuộc sở hữu của Anh, Mỹ hoặc các đảo quốc nhỏ mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ tài chính quốc tế.
Hồ sơ Pandora cũng cho thấy một số địa phương của Hoa Kỳ như tiểu bang South Dakota, Florida, Delaware, Texas và Nevada cũng là nơi có nhiều quỹ tín thác che giấu tài sản của giới thượng lưu nước ngoài.
Những người giàu có, hoặc muốn tránh thuế ở quốc gia họ, hoặc để che giấu những khoản thu nhập bất minh thường tìm đến những vùng lãnh thổ này để mở các công ty bình phong (shell company), các quỹ tín thác (trust company), quỹ từ thiện (foundation). Họ dùng những pháp nhân (entity) này để mua bất động sản, du thuyền, phản lực cơ tư nhân dưới danh nghĩa các quỹ hoặc công ty bình phong đó; họ cũng góp vốn đầu tư và chuyển ngân giữa các tài khoản ngân hàng, trao tặng tài sản thừa kế, và trong một số trường hợp là thực hiện hành vi tội phạm như buôn bán vũ khí, ma túy và rửa tiền.
Cái lợi của phương thức giao dịch tài chính này là tính chất bí mật, chủ nhân thực sự ẩn sau các công ty bình phong và quỹ tín thác, tránh sự xoi mói của các tổ chức điều tra, thuế vụ. Phương thức này cũng giúp các ông chủ tránh được những khoản tiền thuế, có khi lên tới hàng tỷ đô la, một phần nhờ mức thuế thấp hoặc miễn thuế của các thiên đường thuế, một phần nhờ tính chất bí mật của các giao dịch loại này.
Khi thế giới ngày càng có nhiều quan chức tham nhũng, nhiều triệu phú, tỷ phú làm giàu một cách bất minh mà không muốn đóng góp phần thuế của mình cho xã hội thì dịch vụ giấu tài sản ở các thiên đường thuế nở rộ. Và các nhà báo điều tra cũng liên tục phát hiện và phanh phui những thủ đoạn làm ăn gian trá này.
Năm 2013 lần đầu tiên hồ sơ tài chính của giới thượng lưu ở các thiên đường thuế bị lộ ra trong vụ gọi là Offshore Leaks – các nhà báo thu được 260 GB dữ liệu, bao gồm 2.5 triệu tài khoản bí mật; năm 2016 vụ Hồ sơ Panama thu được 2,6 TB dữ liệu của 11.5 triệu tài khoản, năm 2017 vụ Hồ sơ Paradise thu được 1.4 TB dữ liệu của 3.4 triệu tài khoản… Sau những phát hiện rúng động này, nhiều nước đã siết chặt các quy định về quản lý ngoại hối, giao dịch tài chính; một số quan chức mất chức hoặc đi tù nhưng việc né tránh pháp luật để giấu tài sản không những không giảm mà còn tăng mạnh, với những thủ đoạn tinh vi hơn. Và vụ Hồ sơ Pandora được công bố hôm nay chưa chắc đã là vụ cuối cùng.
Thiên đường của các quan tham
Trong Hồ sơ Pandora, thành phần được chú ý nhất là các quan chức chính trị- những kẻ lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao để tham nhũng và đục khoét, rồi chuyển những tài sản bất minh đó sang cất giữ ở các thiên đường thuế. Hồ sơ Pandora thu thập dữ liệu về tài khoản, hoạt động đầu tư, họ tên, địa chỉ và vai trò của các quan chức này trong các phi vụ bất minh đó. Nước Ukraine xếp đầu bảng với 38 chính trị gia có tài khoản bí mật, kể cả tổng thống đương nhiệm Volodymyr Zelensky; nước Nga xếp thứ hai với 19 chính trị gia, phần lớn là những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin; Nigeria, Brazil, Angola mỗi nước cũng có gần mười chính trị gia bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora. Nước nhỏ như Sri Lanka cũng “đóng góp” hai chính trị gia, là cựu bộ trưởng Nirupama Rajapaksa.
Trong hàng ngũ các nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, Hồ sơ Pandora miêu tả chi tiết từng trường hợp của Quốc vương Jordan, các tổng thống nước Gabon, Kenya, Congo, Dominica, Ecuador, Montenegro, Ukraine; các thủ tướng Cộng hòa Czech, Bờ Biển Ngà, Lebanon và Các tiểu vương quốc Arab UAE…
Quốc vương Abdullah cai trị Jordan từ năm 1999. Các công ty “ngoài khơi” liên can tới nhà vua đã bỏ ra $106 triệu mua những dinh thự sang trọng ở Malibu, California, ở thủ đô Washington và London.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis là một tỷ phú, nhà sáng lập tập đoàn nông nghiệp Agrofert. Năm 2009, ông Babis bí mật bỏ ra $22 triệu mua một lâu đài ở gần Cannes, nước Pháp. Tiền mua nhà được chuyển qua các công ty bình phong ở British Virgin Islands, Washington D.C. và một công ty quản lý ở Monaco để che giấu chủ sở hữu thật sự của tòa lâu đài có phòng chiếu phim và hai hồ bơi trong nhà. Ông Andrej Babis sẽ tái tranh cử vào cuối tuần này; vụ công bố Hồ sơ Pandora có thể sẽ là một bất lợi cho ông trước con mắt của cử tri.
Đó là vài ví dụ tiêu biểu. Danh sách những thực thể và cá nhân trong Hồ sơ Pandora được phân chia theo từng quốc gia có tại đây.
Trung Quốc có hai chính trị gia bị nêu tên, trong đó có bà Qiya Feng, đại biểu quốc hội từ tỉnh Hồ Nam. Hai cựu lãnh đạo Đặc khu Hồng Kông, ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-Hwa) và ông Lương Chấn Anh (C.Y. Leung) – hiện đều là phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, số pháp nhân có liên hệ tới Trung Quốc trong Hồ sơ Pandora là khá lớn, 4,654 công ty, liên can tới 38,625 người. Một khả năng là những người này chưa phải là những ông chủ thật sự của các khối tài sản được che giấu; mà có khi họ cũng chỉ là bình phong cho những thế lực nào đó trong bóng tối.
Ở trường hợp Việt Nam cũng tương tự. Việt Nam không có quan chức nổi bật nào có tên trong Hồ sơ Pandora. Nhưng số pháp nhân liên quan tới Việt Nam được ghi nhận là 32 công ty với 234 viên chức (officer) với 205 địa chỉ cụ thể ở trong nước. Danh sách của các công ty và viên chức này có một số khá lớn là người ngoại quốc có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, số người có họ tên Việt Nam chỉ chiếm khoảng một nửa trong danh sách; trong đó cái tên quen thuộc nhất có lẽ là bà Đàm Bích Thủy.
Tên của bà Thủy đã từng xuất hiện trong Hồ sơ Panama năm 2016, bây giờ lại có trong Hồ sơ Pandora và được xác định là bà đã có những giao dịch tài chính ở thiên đường thuế suốt những năm 2010, được phát hiện lần đầu trong Hồ sơ Offshore Leaks năm 2013 ở cương vị giám đốc Công ty ANZ/V-Trac International Leasing Company. Bà Thủy có thời gian dài là quản lý chi nhánh ngân hàng ANZ (Úc-New Zealand) tại Việt Nam và hiện là chủ tịch Đại học Fulbright University Vietnam ở Sài Gòn.
Hồ sơ Pandora không chỉ nêu tên họ địa chỉ của các pháp nhân và thể nhân ở các thiên đường thuế mà còn thu thập được rất nhiều thư từ, tin nhắn giữa các khách hàng này với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, bàn về cách thức che giấu tài sản và hoạt động, né tránh các quy định về minh bạch thông tin, thậm chí bàn cách để tránh bị lộ ra ngoài, nhất là sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama năm 2016.
Hồ sơ Panama năm năm trước đã khiến một số nhà lãnh đạo Iceland và Pakistan đã phải từ chức; lần này những chính trị gia bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora cũng sẽ đối mặt với một viễn cảnh không dễ chịu.
Nội dung những phát hiện của Hồ sơ Pandora sẽ lần lượt được các hãng truyền thông lớn như The Washington Post, the BBC Panorama tiếp tục phân tích và đăng tải trong những ngày tới.
Đọc thêm: