Sáng thứ Năm 12 Tháng Giêng 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố tài liệu nghiên cứu “Những giới hạn trên biển” số 150, tập trung vào “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông”, phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
Tài liệu nghiên cứu – do Văn phòng Các vấn đề Đại dương và Địa cực của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hiện – xem xét các yêu sách hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) trên Biển Đông và khẳng định các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982″.
Đặc biệt, bên cạnh toàn văn bằng tiếng Anh dài 47 trang, tài liệu còn có bản tóm tắt nội dung chính (executive summary) bằng tiếng Việt và tiếng Hoa.
Do tính chất quan trọng của vấn đề Biển Đông đối với sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam, SGN xin giới thiệu bản tóm tắt tiếng Việt của tài liệu để bạn đọc tham khảo. Những người muốn tiếp cận văn bản gốc và đầy đủ bằng tiếng Anh xin vào trang web: https://www.state.gov/wp-content/uploads/2022/01/LIS150-SCS.pdf
***
Bản tóm tắt các điểm chính
Nghiên cứu này xem xét các yêu sách hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) trên Biển Đông. Các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (“Công ước”).
Trung Quốc khẳng định bốn loại yêu sách hàng hải* ở Biển Đông:
- Yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển. Trung Quốc yêu sách “chủ quyền” đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông, vốn chìm dưới mặt biển và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ Quốc gia nào. Những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể chìm không phải là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển như lãnh hải.
- Đường cơ sở thẳng. Trung Quốc đã vẽ hoặc khẳng định quyền được vẽ “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo, vùng nước và các thực thể chìm trong các vùng không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông. Không có nhóm nào trong số bốn “nhóm đảo” mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông (“Quần đảo Đông Sa,” “Quần đảo Tây Sa,” “Quần đảo Trung Sa,” và “Quần đảo Nam Sa”) đáp ứng các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo Công ước. Ngoài ra, không có một quy chế tập quán quốc tế đặc biệt nào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng nước này có thể xác định các đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm đảo.
- Các vùng biển. Trung Quốc khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên việc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này yêu sách chủ quyền là “một thực thể đơn nhất”. Điều này không được luật pháp quốc tế cho phép. Phạm vi của các vùng biển phải được đo từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước thủy triều thấp dọc theo bờ biển. Trong các vùng biển có yêu sách chủ quyền của mình, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Các quyền lịch sử. Trung Quốc khẳng định có “các quyền lịch sử” ở Biển Đông. Yêu sách này không có cơ sở pháp lý và được Trung Quốc khẳng định mà không có bất kỳ diễn giải cụ thể nào về bản chất của “các quyền lịch sử” đã yêu sách.
Ảnh hưởng tổng thể của các yêu sách hàng hải này là việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền hoặc một số loại đặc quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông một cách bất hợp pháp. Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều điều khoản của luật quốc tế được công nhận rộng rãi như được phản ánh trong Công ước về Luật Biển. Vì lý do này, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những yêu sách này của Trung Quốc để ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trên toàn thế giới.
* Các đảo trên Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền cũng là yêu sách chủ quyền của các Quốc gia khác. Nghiên cứu này chỉ xem xét các yêu sách hàng hải của Trung Quốc và không xem xét giá trị của các yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc hay của các Quốc gia khác. Hoa Kỳ không có quan điểm về việc nước nào có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, vốn không phải là một vấn đề được quy định bởi luật biển.
Đọc thêm: