H.C.
Hai tập đoàn kinh tế trực thuộc quân đội Miến Điện là Myanmar Economic Holdings Public Company Ltd. (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd. (MEC) đã bị các chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đưa vào sổ đen cấm vận để trừng phạt quân đội Miến Điện vì vụ đảo chính ngày 01-02-2021 và cuộc đàn áp tàn bạo những người biểu tình đòi tái lập chế độ dân chủ.
Hai tập đoàn này do quân đội kiểm soát và có hàng trăm công ty con, công ty liên doanh với nước ngoài, có vị thế thống trị trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Miến Điện, từ khai thác khoáng sản, xuất nhập cảng hàng hóa đến sản xuất bia và trung tâm bán lẻ. Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Anh quốc nhằm phong tỏa tài sản của hai tập đoàn này ở phương Tây và cấm công dân Anh, Mỹ làm ăn với hai tập đoàn cùng các công ty con của chúng.
“Đáp lại việc quân đội Miến Điện từ chối từ bỏ đảo chính và tiếp tục bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa, hôm nay Hoa Kỳ thực hiện hành động có ý nghĩa nhất của mình từ trước đến nay là buộc chế độ quân phiệt phải trả giá”, Ngoại trưởng Antony Blinken ra tuyên bố về lệnh cấm vận vào sáng nay thứ Năm 25-03-2021.
“Các lệnh cấm vận hôm nay nhắm vào các quyền lợi tài chính của quân đội Miến Điện sẽ giúp làm cạn kiệt các nguồn lực tài chính mà họ dùng để tài trợ cho các chiến dịch đàn áp thường dân,” Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab nói.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, “Dữ kiện về cổ đông của tập đoàn MEHL chứng tỏ lợi nhuận được phân chia một cách có hệ thống cho quân đội Miến Điện, cho những kẻ chịu trách nhiệm đàn áp nhân quyền trên diện rộng”. Bộ Tài chính Mỹ cũng xác định, tập đoàn MEC nằm dưới sự lãnh đạo của tướng Min Aung Hlaing – người cầm đầu tập đoàn quân phiệt Miến Điện.
Bởi vì tất cả mọi giao dịch thương mại tính bằng đồng đô la Mỹ đều phải thanh toán qua các định chế tài chính Hoa Kỳ nên biện pháp cấm vận này thực tế đã đẩy các công ty Miến Điện trong sổ đen ra khỏi các hệ thống tài chính quốc tế.
Thêm nữa, biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và Anh quốc cũng tác động mạnh tới các công ty và nhà đầu tư nước ngoài có liên kết làm ăn với quân đội Miến Điện, buộc họ hoặc phải rút ra hoặc chịu sự trừng phạt về tài chính của Mỹ. Tháng trước, công ty Kirin Holdings, nhà sản xuất bia rượu lớn nhất Nhật Bản có nhà máy liên doanh sản xuất bia với tập đoàn MEHL phải tìm cách “kết thúc nhanh” vụ liên doanh này ngay sau khi quân đội Miến Điện thực hiện đảo chính.
*
Lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ và Anh quốc chỉ nhắm tới cơ sở kinh tế của quân đội Miến Điện. “Những hành động này đặc biệt nhắm mục tiêu vào những kẻ cầm đầu đảo chính, vào nguồn lợi kinh tế của quân đội và các dòng tiền tài trợ cho cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Miến Điện chứ không nhắm vào người dân thường và các hoạt động kinh tế dân sự,” Ngoại trưởng Blinken nói.
“Hoa Kỳ và Anh quốc đã chứng tỏ rằng chúng tôi thực thi lời cam kết thúc đẩy trách nhiệm giải trình về vụ đảo chính và bạo lực đáng kinh tởm cũng như mọi hành động tàn ác mà chúng ta chứng kiến trong vài tuần gần đây,” ông Blinken nói thêm.
Tuy hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ và Anh, một số tổ chức nhân quyền và nhiều vị dân cử của Hoa Kỳ cho rằng, hành động cấm vận là chưa đủ mà Washington cùng các đồng minh phải hành động mạnh hơn nữa thì mới có hiệu quả.
Thượng nghị sĩ Ed Markey (Dân Chủ, Massachusetts), Chủ tịch Phân ban châu Á trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận xét: “Cần phải làm nhiều hơn nữa để tước bỏ mạch máu kinh tế của quân đội Miến Điện, tước bỏ vũ khí gây chiến của họ. Hoa Kỳ nên đóng vai trò dẫn dắt thúc giục các đối tác và đồng minh, nhất là các quốc gia ASEAN, thực hiện các bước cắt giảm tài trợ cho quân đội Miến Điện”.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) cho rằng lệnh cấm vận sẽ gây khó khăn đáng kể cho việc làm ăn với bên ngoài của các tập đoàn kinh tế của quân đội Miến Điện nhưng Washington cũng nên nhắm tới nguồn lợi tức của Miến Điện từ việc liên kết khai thác dầu mỏ và khí đốt của nước này với các tập đoàn quốc tế.
Tổ chức Global Witness thúc giục các nước Liên Âu hành động theo gương Hoa Kỳ và Anh quốc, phong tỏa tài sản và cấm vận mọi giao dịch với tập đoàn MEC của quân đội Miến Điện, đang xuất cảng hàng hóa do Miến Điện sản xuất vào thị trường châu Âu với thuế suất ưu đãi dành cho các nền kinh tế chậm phát triển.