Điều tra của tờ Spiegel International cho biết, một số cựu phi công quân sự Đức đã đầu quân cho Không quân Trung Quốc và giúp đào tạo lái chiến đấu cơ…
Chiến lược “râu xám”
Alexander H., từng sống tại Rostock, Đức, cách không xa nơi làm việc cũ của mình – căn cứ Không quân thuộc Phi đội Không quân Chiến thuật 73 “Steinhoff”. Alexander H. – còn gọi là “Limey” – từng huấn luyện phi công máy bay chiến đấu Eurofighter. Ngày nọ, Alexander H. rời đi. Hàng xóm nghĩ rằng đương sự sang Hoa Kỳ cùng cô bạn gái người Mỹ. Nhưng không, Alexander H. đến Tề Tề Cáp Nhĩ (Qiqihar), thành phố lớn nhất ở tỉnh Hắc Long Giang, có chung đường biên giới với Siberia. Mỗi ngày có một chuyến bay từ Bắc Kinh hạ cánh xuống đây. Tất cả cửa sổ máy bay hành khách luôn được đóng. Không ai được phép nhìn thấy các máy bay chiến đấu Jian-11 do Trung Quốc sản xuất đậu trên đường băng và trong nhà chứa máy bay ở phi trường này.
Tề Tề Cáp Nhĩ là nơi có một căn cứ không quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Theo điều tra của DER SPIEGEL và Đài truyền hình ZDF, một số cựu phi công chiến đấu Đức đang được thuê mướn để đào tạo phi công quân sự Trung Quốc. Giới chức an ninh Đức tin rằng rất có thể phi công Đức đã hướng dẫn cho Trung Quốc nhiều kỹ thuật lẫn kiến thức chuyên môn cũng như chiến thuật tác chiến, thậm chí còn giúp thực hành các kịch bản tấn công, chẳng hạn tấn công Đài Loan.
Trong một số phiên họp gần đây, Ban Giám sát Nghị viện tại Bundestag (Quốc hội Đức) đã đề cập đến “hoạt động nghề nghiệp của công chức sau khi họ kết thúc nhiệm sở.” Các thành viên Ủy ban, có nhiệm vụ giám sát các cơ quan tình báo Đức, lo ngại rằng kiến thức chuyên môn có thể rơi vào tay “bọn xấu”. Và một trong những trọng tâm của họ là các cựu phi công quân đội Đức đang làm việc ở Trung Quốc. Chủ tịch Ban Giám sát, chính trị gia Konstantin von Notz thuộc Đảng Xanh, nói rằng nếu những nghi ngờ được xác nhận, sự việc sẽ là một “tình huống gây phẫn nộ, tai tiếng, cho thấy có ‘một rủi ro an ninh lớn.”
Việc thuê mướn phi công Đức phù hợp với cách tiếp cận của Bắc Kinh, mà giới chuyên gia an ninh gọi là “chiến lược râu xám” (“gray beard strategy”). Nhiều năm nay, các cơ quan Trung Quốc đã tìm cách tuyển dụng chuyên gia và thậm chí cựu chính trị gia phương Tây để giúp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.
Các phi công chiến đấu của Bundeswehr (Quân đội Đức) thường nghỉ hưu ở tuổi 41, độ tuổi mà phản xạ bắt đầu kém và thị lực giảm. Những người nào bắt đầu bay cho Lực lượng Không quân Đức ở tuổi 20 sẽ nhận được một nửa số tiền lương hàng tháng cuối cùng dưới dạng lương hưu khi họ 41 tuổi. Hầu hết cựu phi công đều cảm thấy không đủ sống và phải tìm việc phụ.
Với Trung Quốc, việc đào tạo phi công bắt đầu cách đây hơn 10 năm, khi họ thuê một cựu phi công Bundeswehr làm việc tại Học viện bay thử nghiệm Nam Phi (Test Flying Academy of South Africa), nơi chuyên đào tạo phi công Trung Quốc. Với sự phát triển lực lượng Không quân, Trung Quốc ngày càng mở rộng việc tuyển dụng.
Mùa Thu năm ngoái, Úc đã bắt phi công người Mỹ tên Daniel Duggan, với cáo buộc đào tạo và cung cấp nhiều bí mật quân sự cho phi công Trung Quốc. Daniel Duggan hiện bị giam và có thể bị dẫn độ về Mỹ. Các cơ quan của Anh cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo vào mùa Thu 2022. Theo Bộ Quốc phòng Anh, có tới 30 cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia dính líu việc huấn luyện phi công quân sự Trung Quốc trong vài năm qua. Họ được trả lương đến 280,000 euro cho mỗi đợt công tác huấn luyện.
Bài học Su Bin
Các nhà điều tra Mỹ tin rằng Daniel Duggan đã được tuyển dụng bởi công ty Trung Quốc Lode Tech, được thành lập bởi doanh nhân Su Bin, con trai của một sĩ quan PLA. Su sống nhiều năm ở Canada, nơi đương sự điều hành một công ty hàng không với 80 nhân viên. Sau này mới rõ, Su Bin là một tên gián điệp Trung Quốc.
Su đặc biệt quan tâm các bản thiết kế C-17, loại vận tải cơ do Boeing phát triển cho quân đội Hoa Kỳ. Vào mùa Hè năm 2014, Su bị bắt, thú nhận rằng hắn đã dành sáu năm bí mật thu thập thông tin cho Trung Quốc. Dựa vào mạng quan hệ rộng lớn trong ngành hàng không, Su mò đến những kỹ sư giỏi để tìm kiếm thông tin và cung cấp nguồn để tin tặc Trung Quốc đánh cắp được 630,000 dữ liệu liên quan C-17!
Hè 2016, Tòa án Hoa Kỳ tuyên án Su Bin 46 tháng tù giam, nhưng hắn bị trục xuất về Trung Quốc chỉ hơn một năm sau đó. Lý do trả tự do sớm cho Su là một con bài mặc cả của Trung Quốc: Chỉ vài tuần sau khi Su bị bắt, Trung Quốc bắt một cặp vợ chồng Canada với cáo buộc làm gián điệp. Hoa Kỳ đã đưa công ty Lode Tech của Su Bin vào danh sách trừng phạt vào ngày 1 Tháng Tám 2014. Chính vào thời điểm này, ba cựu phi công chiến đấu người Đức bắt đầu làm ăn với Su và công ty của ông ta.
Có thể tìm thấy bằng chứng vụ này trong Hồ sơ Panama. Alexander “Limey” H., cựu phi công của Lực lượng Không quân Đức ở gần Rostock, có tên trong Hồ sơ Panama. Theo các tài liệu, vào Tháng Tám 2013, ban đầu Alexander “Limey” H. là cổ đông duy nhất của công ty vỏ bọc Phamivity Consult Ltd., có trụ sở tại Seychelles. Ngày 8 Tháng Ba 2016, một nhân viên của Su Bin ở Bắc Kinh xác nhận bằng văn bản rằng Alexander H. đã được công ty tuyển dụng với tư cách là “nhà thầu tư vấn hàng không”…
Vấn đề đang được quan tâm là những cựu phi công quân sự phương Tây nói chung như Alexander H. cung cấp bí mật gì cho PLA? Hiện thời, Bộ Quốc phòng Đức đang cố tìm hiểu điều này. “Trong khuôn khổ cuộc điều tra, Cơ quan Phản gián Quân sự (MAD) đang hợp tác chặt chẽ với Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp, với Bundesnachrichtendienst (Cơ quan Tình báo Liên bang) và với các đối tác hợp tác quốc tế,” Bộ Quốc phòng Đức cho biết.
MAD đã phát động một chiến dịch cung cấp thông tin nhằm ngăn chặn các phi công khác nhận việc ở Trung Quốc. Những phi công sắp nghỉ hưu được nhắc nhở rằng việc tiết lộ bí mật quốc gia là một tội ác gây hậu quả nghiêm trọng. Giới chức liên quan cũng nói rằng họ đang “tích cực” tìm cách “ngăn chặn việc tuyển dụng thêm phi công.”
Hậu quả khốc liệt
Phải nói là mức độ nguy hiểm của sự việc là rất nghiêm trọng. Foreign Policy viết rằng, các phi công Đức có thể đã dạy Trung Quốc việc lập kế hoạch cho các hoạt động trên không. Ví dụ, họ có thể chia sẻ thông tin về học thuyết quân sự của NATO về các hoạt động trên không tổng hợp, về cách NATO phân nhóm các loại máy bay lại với nhau cho các hoạt động cụ thể. Những thông tin này là vô cùng có giá trị đối với một đội quân khổng lồ nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm như Trung Quốc.
Bất kỳ chiến dịch nào của Trung Quốc đối phó các hệ thống phòng không của Đài Loan sẽ yêu cầu sự kết hợp của nhiều loại máy bay khác nhau phối hợp với nhau – tất cả được tích hợp vào một chiến dịch tấn công rộng lớn, bao gồm tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất, cũng như các loại máy bay không người lái. Lập kế hoạch, chưa nói đến việc thực hiện, là một thách thức và đầy phức tạp hoàn toàn ngoài khả năng của quân đội Trung Quốc hiện tại.
Nhiều năm qua, châu Âu luôn ngây thơ về Trung Quốc. Nhiều chính phủ châu Âu nói chung thiếu nghiêm túc khi nhìn nhận và đánh giá các mối đe dọa quân sự. Ngành công nghiệp châu Âu đã trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ quá trình xây dựng quân đội Nga trong những năm qua bằng cách cung cấp thiết bị quân sự, công nghệ lưỡng dụng, bao gồm các công nghệ sản xuất chính xác được sử dụng để chế tạo vũ khí tinh vi, cũng như vô số hỗ trợ khác cho Nga, cho đến ít nhất là năm 2020.
Cuộc chiến ở Ukraine cuối cùng đã buộc Tây Âu nghiêm túc hơn về Nga, nhưng họ vẫn ngây thơ trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, đã yêu cầu Bắc Kinh ngừng thuê các cựu phi công Đức. Trong trường hợp này, một lời “cầu xin lịch sự” là không đủ. Các chính phủ châu Âu nên thông qua luật cấm công dân và công ty của họ hỗ trợ PLA dưới bất kỳ hình thức nào.
Như bình luận của Franz-Stefan Gady (thuộc International Institute for Strategic Studies) trên Foreign Policy, châu Âu cần chôn vùi sự ngây thơ của họ đối với nguy cơ từ sức mạnh quân sự Trung Quốc, ngay cả khi không có tên lửa nào của Trung Quốc có thể dội xuống Paris, London hoặc Berlin.
Vì một khi hỏa tiễn Trung Quốc dội xuống châu Á, hậu quả sẽ là kinh khủng. Với quy mô và mức độ tàn phá có thể xảy ra của một cuộc xung đột châu Á giữa các siêu cường, ngay cả một nước Mỹ chiến thắng cũng sẽ cần nhiều năm để xây dựng lại quân đội, và điều này sẽ để lại một khoảng trống rất lớn cho an ninh châu Âu. Nói cách khác, hậu quả trực tiếp và gián tiếp của hành động xâm lược quân sự Trung Quốc ở châu Á sẽ là thảm họa đối với an ninh châu Âu.