Chính quyền đặc khu Hong Kong, Trung Quốc đã đột kích văn phòng, phong tỏa tài sản và bắt giữ nhân viên cấp cao của cơ quan truyền thông ủng hộ dân chủ Stand News (立場新聞 -Lập Trường Tân Văn), khiến cơ quan ngày phải đóng cửa, ngừng hoạt động và các chính phủ Hoa Kỳ, Đức cùng Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng phản đối.
Cuộc đột kích vào sáng nay Thứ Tư 29 Tháng Mười Hai 2021 của cảnh sát và việc đóng cửa tờ báo Stand News Hong Kong làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền tự do báo chí ở thành phố vốn là thuộc địa cũ của Anh, được giao lại cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997 với cam kết rằng các quyền tự do của người dân, bao gồm quyền tự do báo chí, sẽ được bảo vệ.
Stand News được thành lập vào năm 2014 với tư cách một tổ chức phi lợi nhuận, là ấn phẩm ủng hộ dân chủ nổi bật nhất còn lại ở Hong Kong sau khi tờ báo Apple Daily của ông trùm truyền thông Jimmy Lai bị đóng cửa hồi Tháng Sáu năm nay vì những cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia.
Hãng Reuters dẫn lời Steve Li, người đứng đầu bộ phận an ninh quốc gia của cảnh sát Hong Kong, nói rằng Stand News đã đăng những tin tức và bình luận kích động thù hận chống lại chính quyền. Li tố cáo một số bài báo của Stand News nói trong cuộc bất ổn ủng hộ dân chủ năm 2019 có những người biểu tình đã mất tích hoặc bị quấy rối tình dục, điều mà ông ta gọi là “vô căn cứ thực tế” và “độc hại”. Li cũng nói tờ báo đã thông tin sai sự thật rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở rộng quyền lực thông qua các tòa án Hong Kong – lẽ ra phải được độc lập – và kêu gọi nước ngoài có các biện pháp trừng phạt. Tuy vậy ông Li không chỉ rõ là những bài báo nào.
Li cho biết trong cuộc đột kích cảnh sát đã thu giữ số tài sản trị giá 61 triệu đô la Hồng Kông ($7.82 triệu) cùng nhiều máy tính, điện thoại và tài liệu báo chí. Ông ta nói không loại trừ chuyện cảnh sát sẽ tiếp tục bắt giữ thêm. “Chúng tôi không nhắm vào các nhà báo. Chúng tôi đang nhắm vào các hành vi vi phạm an ninh quốc gia”, Li nói.
“Kích động” không nằm trong số các tội danh được liệt kê trong luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh ban hành vào Tháng Sáu 2020, trong đó các tội bị trừng phạt là khủng bố, cấu kết với lực lượng nước ngoài, lật đổ và ly khai, với mức án tù chung thân. Nhưng các phán quyết của tòa án Hong Kong gần đây đã cho phép nhà chức trách sử dụng luật mới để trừng phạt cả các hành vi mà họ cho là “kích động”.
Cảnh sát cho biết 200 cảnh sát đã khám xét văn phòng Stand News và bắt đi ba người đàn ông, bốn phụ nữ, tuổi từ 34-73, vì tình nghi “âm mưu xuất bản các tài liệu có tính chất kích động”. Cảnh sát không tiết lộ danh tính những người bị bắt nhưng truyền thông cho biết đó là bốn cựu thành viên của hội đồng quản trị Stand News – gồm cựu nhà lập pháp dân chủ Margaret Ng, Chow Tat-chi và Christine Fang, ca sĩ nhạc pop Denise Ho (Hà Vận Thi) cũng như Cựu tổng biên tập Stand News Chung Pui-kuen và quyền Tổng biên tập Patrick Lam. Reuters không thể liên lạc với những người bị bắt hoặc đại diện hợp pháp của họ.
Ronson Chan, Phó tổng biên tập của Stand News và là người đứng đầu Hiệp hội Nhà báo Hong Kong (HKJA), không nằm trong số người bị bắt nhưng cho biết cảnh sát đã tịch thu máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, thẻ báo chí và hồ sơ ngân hàng trong khi khám xét nhà của ông ta.
Trang Facebook của Stand News đã đăng thông báo ngừng hoạt động đồng thời cho biết tất cả nhân viên đã bị sa thải.
***
Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc tại Hong Kong đã khiến Hoa Kỳ, Đức và Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc lên tiếng chỉ trích, cho biết họ đã báo động trước sự “đóng cửa cực kỳ nhanh chóng của các không gian dân sự và các cửa hàng cho xã hội dân sự của Hong Kong tự do phát biểu và thể hiện bản thân”.
Đức là nước sớm lên án vụ bắt giữ. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố cho biết: “Từ quan điểm của chúng tôi, vụ bắt bớ này một lần nữa cho thấy sự xói mòn đều đặn chủ nghĩa đa nguyên, tự do ngôn luận và tự do báo chí của Hong Kong, đặc biệt là từ khi luật an ninh quốc gia được ban hành năm ngoái”.
Văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết họ “bị chấn động vì cuộc đàn áp tiếp tục đối với không gian công dân” của Hong Kong. “Hong Kong … được ràng buộc bởi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị, và có nghĩa vụ pháp lý tôn trọng các quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt và lập hội, cũng như đảm bảo quy trình hợp pháp” , Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết trong một tuyên bố từ Geneva.
Steven Butler, điều phối viên chương trình châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, cho biết vụ bắt giữ là một “cuộc tấn công công khai vào quyền tự do báo chí vốn đã rách nát của Hồng Kông”.
Vào Tháng Sáu, hàng trăm cảnh sát đã đột kích trụ sở của báo Apple Daily, bắt giữ các giám đốc điều hành với cáo buộc “thông đồng với nước ngoài”. Tờ báo đóng cửa ngay sau đó. Hôm qua Thứ Ba, các công tố viên đã đệ trình một cáo buộc bổ sung chống lại ông Jimmy Lai và sáu cựu nhân viên khác của Apple Daily.
Đọc thêm: