Kết quả bầu cử Đài Loan: Lại Thanh Đức chiến thắng

Ông Lại Thanh Đức thuộc đảng Dân Tiến (DPP) chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 13 Tháng Giêng 2024 (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Phó tổng thống Lai Ching-te (Lại Thanh Đức), người luôn đối mặt với sự thù địch kéo dài từ Trung Quốc, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào Thứ Bảy 13 Tháng Giêng 2024, một kết quả có thể khiến Bắc Kinh tăng cường áp lực lên Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng với Washington. Ông Lại Thanh Đức sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20 Tháng Năm 2024.

Với hàng triệu công dân Đài Loan xếp hàng tại các phòng bỏ phiếu, cuộc bỏ phiếu tập trung vào câu hỏi ai sẽ lãnh đạo Đài Loan trong tình thế bế tắc ngày càng căng thẳng với nước láng giềng khổng lồ luôn gầm gừ đe dọa và lăm lăm tay súng chực bắn vào màng tang Đài Loan. Bất chấp điều đó, cử tri đã chọn ông Lại Thanh Đức, thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền; thay vì Hou Yu-ih (Hầu Hữu Nghi) thuộc Quốc dân đảng với chủ trương mở rộng quan hệ với Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Lại Thanh Đức kêu gọi người dân đoàn kết và cam kết duy trì các giá trị Đài Loan. Ông Lại nói: “Chúng tôi đang nói với cộng đồng quốc tế rằng giữa dân chủ và độc tài, chúng tôi đứng về phía dân chủ”.

Theo Ủy ban bầu cử trung ương Đài Loan, với 99% địa điểm bỏ phiếu báo cáo kết quả, ông Lại Thanh Đức có 40% phiếu bầu so với 33% của ông Hầu. Ko Wen-je (Kha Văn Triết) của Đảng Nhân dân Đài Loan thu được 26% phiếu. Ông Hầu và ông Kha đều thừa nhận thất bại. Cuộc bầu cử thu hút tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu gần 70%.

Chiều ngày 13 Tháng Giêng 2024 (giờ địa phương), các đảng chính tổ chức tụ tập để những người ủng hộ theo dõi quá trình kiểm phiếu sau khi cuộc bỏ phiếu đóng cửa lúc 4 giờ. Bên ngoài trụ sở chính của DPP ở Đài Bắc, hàng nghìn người ủng hộ đã reo hò khi ông Lại Thanh Đức dẫn đầu trong quá trình kiểm phiếu, được hiển thị trên màn hình lớn ở sân khấu ngoài trời.

Nhiều người nói rằng rằng nhiệm kỳ tổng thống của Lại Thanh Đức sẽ bảo đảm vấn đề chủ quyền và bảo vệ bản sắc Đài Loan. Huang I-hsuan, 45 tuổi, nhà phân tích tài chính, cho biết: “Tôi ủng hộ Lại Thanh Đức vì tin rằng ông ấy sẽ đề cao các giá trị dân chủ của Đài Loan”. Ở một số điểm bỏ phiếu, hàng đoàn người bắt đầu xếp hàng trước khi phòng phiếu được mở cửa vào buổi sáng, với nhiều gia đình nhiều thế hệ xuất hiện cùng bên nhau. Cử tri Đài Loan tham gia cuộc bỏ phiếu tại gần 18,000 địa điểm – tổ chức ở các đền chùa, nhà thờ, trung tâm cộng đồng, trường học…

Bắc Kinh khẳng định hòn đảo 23 triệu dân cách bờ biển Trung Quốc khoảng 100 dặm là lãnh thổ của họ. Họ liên tục gây sức ép Đài Loan chấp nhận “thống nhất”, trao chủ quyền quốc gia cho Bắc Kinh. Cho đến nay, Mỹ là nước ủng hộ an ninh quan trọng nhất của Đài Loan và Washington ngày càng tích cực hơn trong việc hỗ trợ hòn đảo trước áp lực Trung Quốc. Lại Thanh Đức giờ đây sẽ có tiếng nói quan trọng về an ninh Đài Loan cũng như mối quan hệ với Bắc Kinh trong bốn năm tới, giai đoạn mà một số chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc có khả năng mở chiến dịch quân sự xâm lược Đài Loan.

Chiến thắng của Lại Thanh Đức giúp đảng DPP của ông nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, điều mà trước đây chưa đảng nào đạt được kể từ khi Đài Loan áp dụng bầu cử tổng thống vào năm 1996. Lại Thanh Đức hứa duy trì đường lối đối ngoại khôn khéo của người tiền nhiệm – Tổng thống Thái Anh Văn: Tránh xung đột trực tiếp với Bắc Kinh đồng thời tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây.

Sinh ngày 6 Tháng Mười 1959 ở Vạn Lý Khu-Đài Bắc trong một khu phố nghèo, Lại Thanh Đức học y tế công tại các trường đại học ở Đài Bắc, sau đó lấy bằng Thạc sĩ Đại học Harvard năm 2003. Ông là con út trong gia đình năm người con. Cha ông qua đời trong một vụ tai nạn khai thác mỏ khi Lại mới ba tháng tuổi.

Sau khi theo học tại Đại học Quốc gia Đài Loan danh tiếng và chuyển đến Đài Nam để hành nghề bác sĩ, Lại Thanh Đức bị cuốn vào cơn sốt trí thức dấn thân những năm 1990, giai đoạn mà người Đài Loan bắt đầu chán ngán Quốc dân đảng vốn cai trị Đài Loan trong suốt bốn thập niên kể từ 1949. Khi thiết quân luật chấm dứt vào năm 1987, phong trào dân chủ bùng nổ và Lại Thanh Đức quyết định không thể “Ngồi bên lề”. Lu Wei-yin, ủy viên hội đồng thành phố Đài Nam từng làm việc với Lại vào những năm 2000, kể: “Giới trí thức thời đó rất mong muốn lật đổ hệ thống độc tài của Quốc dân đảng”.

Sự chọn lựa ứng cử viên đảng Dân Tiến thuộc phe bà Thái Anh Văn là cái tát vào mặt Bắc Kinh (ảnh: Annice Lyn/Getty Images)

Sau khi giữ chức chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ Bác sĩ Quốc gia, Lại Thanh Đức tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1996, đại diện cho thành phố Đài Nam. Sau khi tái đắc cử vào Lập pháp viện bốn lần liên tiếp, Lại tranh cử Thị trưởng Đài Nam vào năm 2010, dễ dàng giành chiến thắng và giữ chức Thị trưởng trong bảy năm, tái đắc cử vào năm 2014.

Tháng Chín 2017, Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố Lại Thanh Đức thay thế Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lin Chuan (Lâm Toàn). Giữ chức Phó tổng thống từ năm 2020, Lại Thanh Đức trở thành nhân vật nổi bật trong phe “thủy triều mới” của đảng DPP với việc thúc đẩy đưa điều khoản về độc lập của Đài Loan vào điều lệ đảng.

Lá phiếu ngày 13 Tháng Giêng 2024 là cái tát của người Đài Loan vào mặt Bắc Kinh. Đài Loan từ lâu là mục tiêu trung tâm của các hoạt động gây nhiễu của Trung Quốc. Luôn thèm khát buộc hòn đảo này thống nhất với đại lục, Bắc Kinh đã dành nhiều thập niên cố gắng lôi kéo cử tri Đài Loan.

Chỉ ba ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã bóng gió rằng hòn đảo này có nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm nếu bầu Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian), người luôn thúc đẩy Đài Loan tuyên bố độc lập. Năm 2008, khi Mã Anh Cửu với chủ trương thân Bắc Kinh giành chiến thắng, Trung Quốc lập tức chuyển từ đe dọa công khai sang khuyến khích bang giao kinh tế, thậm chí đàm phán trực tiếp với nông dân trồng hoa quả Đài Loan và áp dụng chính sách giảm thuế.

Năm 2015, khi bà Thái Anh Văn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, Trung Quốc đã mở chiến dịch tấn công trang web DPP. Kể từ khi bà Thái nắm quyền, Trung Quốc đã chi ít nhất hàng chục triệu đôla cho các chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm hỗ trợ những ứng cử viên không thuộc DPP.

Bất chấp những điều đó, nỗ lực của cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra có hiệu quả thật sự. Ứng cử viên Quốc Dân Đảng đã giành chiến thắng tại các cuộc bầu cử địa phương vào năm 2018 và 2022, nhưng những phân tích sau đó cho thấy, những mối lo ngại thiết thực chẳng hạn thay đổi trong chính sách lương hưu và sự không hài lòng trước những cải cách kinh tế của DPP là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến lựa chọn cử tri chứ không phải sự can thiệp của Trung Quốc.

Khi chính sách đối ngoại ở giai đoạn ổn định, như trong lần tái tranh cử năm 2020 của bà Thái, nỗ lực của Trung Quốc chẳng đi đến đâu. Tất cả cho thấy đa số người Đài Loan vẫn tỉnh táo nhận ra mối nguy hiểm của việc mất độc lập, mất dân chủ và mất những quyền tự do căn bản – như những gì họ đang thấy ở Hong Kong.

______________

Lá phiếu tổng thống Đài Loan – Sóng to gió lớn như thế nào?

___________________

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Tập Cận Bình đã gắn vị thế cường quốc của đất nước mình với một lời hứa sắt đá: “Thống nhất” (thu tóm) Đài Loan, nơi mà cộng sản Trung Quốc luôn coi là lãnh thổ thiêng liêng bị đánh mất. Cách đây vài tuần, Tập còn nói rằng điều này là “một tất yếu lịch sử”. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh siết chặt Đài Loan – bằng sự quấy rối về kinh tế lẫn quân sự (trên biển và trên không) chỉ củng cố mong muốn của người dân hòn đảo này trong việc bảo vệ nền độc lập và vượt xa khỏi tầm kiểm soát của cái bóng khổng lồ Trung Quốc.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã biến Đài Loan thành một thử thách để cạnh tranh nhau về tầm nhìn chiến lược. Với Bắc Kinh, Đài Loan là tàn tích cuộc nội chiến của họ mà Mỹ không có quyền can thiệp. Với Washington, đây là tuyến phòng thủ đầu tiên cho sự ổn định toàn cầu, hỗ trợ một nền dân chủ với 23 triệu dân.

Trước cuộc bầu cử, trong các bài xã luận và bình luận, báo chí và giới chức Trung Quốc miêu tả Lại Thanh Đức như một nhân vật phản diện, gọi ông là kẻ bướng bỉnh, “hủy diệt hòa bình hai bờ eo biển” và có khả năng “tạo ra một cuộc chiến nguy hiểm”. Phần mình, trong cuộc họp báo sau chiến thắng, Lại Thanh Đức nói rằng ông sẽ tìm kiếm cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ hai bờ eo biển, trong đó có cả “hợp tác với Trung Quốc”.

Zhu Songling, giáo sư nghiên cứu Đài Loan tại Bắc Kinh Liên hợp Đại học (北京联合大学, Hoa lục) đã làm nhẹ ý nghĩa của chiến thắng Lại Thanh Đức khi nói: “Lại Thanh Đức là một nhân vật bốc đồng và có khuynh hướng nghiêng ngả về mặt chính trị, vì vậy chúng tôi không thể loại trừ khả năng xảy ra những diễn biến khó lường trong nhiệm kỳ của ông ấy. Tôi e rằng sẽ có nhiều chuyện rất nguy hiểm”. Một lần nữa, Zhu Songling cũng dọa rằng việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực luôn là khả năng có thể xảy ra.

Evan S. Medeiros, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown, nhận xét: “Bốn năm tới sẽ không có gì ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung và hai bờ eo biển”. Như các nhà phân tích khác, Evan S. Medeiros cho rằng sẽ có loạt chiến thuật gây áp lực quen thuộc. Ít nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục thao túng chính trị Đài Loan bằng những thông tin sai lệch, cùng lúc đưa ra củ cà rốt kinh tế, trong khi tiếp tục mở rộng các cuộc tập trận quân sự.

Mới đây, ngày 12 Tháng Giêng 2024, Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), người đứng đầu ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gặp Ngoại trưởng Antony J. Blinken, nhắc lại “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”. Lưu Kiến Siêu cảnh báo Mỹ không can thiệp “vào khu vực Đài Loan”, đặc biệt sau khi có tin một phái đoàn gồm các cựu quan chức Hoa Kỳ sẽ tới Đài Bắc sau cuộc bầu cử.

Chưa bao giờ bằng lúc này, Washington công khai thắt chặt quan hệ với Đài Loan. Năm 2023, chính quyền Biden công bố viện trợ quân sự trị giá $345 triệu cho Đài Loan. Các dự luật tại Quốc hội cũng thắt chặt quan hệ kinh tế, nới lỏng chính sách thuế và đặt nền tảng cho các biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc nếu Bắc Kinh tấn công hòn đảo.

Washington còn có thể tăng cường hợp tác an ninh mạng, đặt thiết bị hậu cần quân sự trên đảo (một chiến lược mà Ngũ Giác Đài áp dụng trên toàn khu vực) và thậm chí có thể chia sẻ thông tin tình báo. The New York Times ngày 13 Tháng Giêng 2024 tiết lộ: Cố vấn quân sự Mỹ (hầu hết là sĩ quan nghỉ hưu) hiện có mặt ngày càng nhiều ở Đài Loan. Quan chức Đài Loan nói đó là “giáo viên tiếng Anh”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: