Khi Hoàng gia trở thành “thương hiệu quốc gia” của Anh quốc

Vương miện Nữ hoàng Elizabeth II (ảnh: Suzanne Plunkett /WPA Pool/Getty Images)

Có một điều mà bất cứ ai cũng nhận ra: Nữ hoàng Anh Elizabeth II là một biểu tượng có tính toàn cầu (public figure), vượt ra khỏi biên giới nước Anh và Khối Thịnh vượng chung (The Commonwealth of Nations) và bà là một nhân vật lịch sử. Dĩ nhiên vì là biểu tượng toàn cầu và là nhân vật lịch sử nên những tranh cãi xung quanh bà hay chuyện kẻ yêu, người ghét là bình thường.

Nhưng không thể phủ nhận rằng bà đã có một cuộc đời vinh quang và đáng sống, một tính cách mạnh mẽ và bà không hề che giấu điều đó, như một câu nói nổi tiếng khác của bà:

“Thế giới không phải là nơi dễ chịu. Rốt cục thì bố mẹ cũng sẽ bỏ bạn ở lại nơi đó và sẽ không còn ai bảo vệ bạn một cách vô điều kiện. Bạn cần phải học cách đứng dậy vì chính bản thân mình và vì những niềm tin. Thỉnh thoảng bạn cũng phải đá đít một vài người nào đó (xin lỗi vì ngôn từ của tôi) để đi con đường của mình.”

Dưới thời của Nữ hoàng Elizabeth II, sự thức thời của Hoàng gia Anh được thể hiện khá rõ. Nữ hoàng Elizabeth II được xem là vị quân chủ tiên phong trong nhiều lĩnh vực thuộc kỷ nguyên số hóa. Năm 1976, bà là vị quân chủ đầu tiên của Anh gửi thư điện tử (email) trong chuyến thăm tới trụ sở nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Anh. Nữ hoàng Elizabeth II cũng là người “bấm nút” cho ra đời trang web chính thức của Điện Buckingham vào năm 1997, đăng bài đầu tiên trên Twitter vào năm 2014 và chính thức có tài khoản mạng xã hội Instagram vào năm 2019.

Hoàng gia luôn là biểu tượng của nền văn hóa Anh với sức hấp dẫn đặc biệt (ảnh: Ben A. Pruchnie/Getty Images)

Cho dù được coi là người không mấy ưa Công nương Diana và cũng được cho là có câu phát ngôn lạnh lùng khi hay tin về cái chết của Công nương Diana: “Cô ta biến mình trở thành nạn nhân của truyền thông vì suốt ngày phô bày ra trước bọn họ”, nhưng không thể phủ nhận rằng sau cái chết của Công nương Diana, Hoàng gia Anh đã sử dụng truyền thông một cách khôn ngoan và hình ảnh Hoàng gia Anh được cải thiện, trở nên tốt đẹp hơn trong mắt của công chúng sau thập niên 1990 của thế kỷ XX đầy sóng gió với các vụ ly dị của Thái tử Charles, Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew, ba trong số bốn người con của Nữ hoàng Elizabeth II. Lại phải nhắc lại một câu nói nổi tiếng được ghi nhận chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II rất phù hợp với thời đại chúng ta:

“Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã khiến con người bị lu mờ trước những giá trị đạo đức cơ bản. Điện năng không thể tạo ra tình bạn; máy móc không thể sản xuất lòng trắc ẩn; vệ tinh không thể truyền đi sự khoan dung”.

Với sự băng hà của Nữ hoàng Elizabeth II, nền quân chủ lập hiến Anh lại trở thành tâm điểm chú ý của thế giới và có những băn khoăn về việc kết thúc một kỷ nguyên “Elizabeth II” cùng với tương lai của nền quân chủ lập hiến khi mà nhà vua Charles III có những thể hiện khá mờ nhạt trước đây. Tuy nhiên, có lẽ trong một tương lai dài sắp tới, ít nhất thể chế chính trị của nước Anh sẽ không có sự thay đổi. Lý do là: Hoàng gia Anh ngoài việc đóng vai trò biểu tượng, là nhà bảo trợ và cung cấp tài trợ cho rất nhiều tổ chức từ thiện, văn hóa, giáo dục, khoa học, môi trường, còn là một nguồn thu tài chính lớn cho chính nước Anh.

Ngoài tài sản cá nhân của Nữ hoàng Elizabeth II, ước tính khoảng $500 triệu thì chi phí của Hoàng gia Anh đến từ lợi nhuận của một công ty là Crown Estate (công ty đầu tư bất động sản Hoàng gia) có trị giá ước tính khoảng $28 tỷ. Công ty Crown Estate quản lý tất cả các bất động sản của Hoàng gia Anh và lợi nhuận sinh ra từ đó, đến từ việc bán vé tham quan du lịch, sản vật thu hoạch được từ các nông trại của bất động sản…

Tiền Nghị viện cấp cho Hoàng gia Anh hàng năm và tiền trợ cấp sẽ được xác lập ở mức 25% của doanh thu tạo ra từ công ty Crown Estate. Hiện nay, lợi nhuận từ công ty Crown Estate đã vượt quá tiền Nghị viện cấp cho Hoàng gia Anh hàng năm và tiền trợ cấp. Trong năm tài khóa 2019-2020, công ty Crown Estate có doanh thu hơn $700 triệu và lợi nhuận hơn $475 triệu. Hoàng gia Anh nhận được 25% thu nhập của công ty Crown Estate và 75% còn lại được chuyển tới ngân khố nước Anh.

Một tiệc chiêu đãi nguyên thủ quốc gia bên trong Điện Buckingham (ảnh: Dominic Lipinski – WPA Pool /Getty Images)

Hoàng gia Anh không hưởng lợi cá nhân từ công việc kinh doanh của công ty Crown Estate, vì tất cả tiền trợ cấp cho Hoàng gia đều dùng vào việc công: Chi phí bảo vệ an ninh, di chuyển, đi thăm chính thức các quốc gia khác, tu bổ, sửa chữa các bất động sản, trả lương cho nhân viên phục vụ Hoàng gia… dù họ đóng góp tới khoảng $2.7 tỷ mỗi năm cho nền kinh tế Anh trước đại dịch Covid. Tác động của Hoàng gia Anh tới nền kinh tế nước này chủ yếu qua du lịch và mua sắm, nhưng họ còn đóng góp trong một số lĩnh vực khác như giúp nước Anh được quảng bá miễn phí trên truyền thông thế giới, ước tính có giá trị tới $400 triệu năm 2017.

Công ty Crown Estate được gọi vui là “Tập đoàn Hoàng gia” gồm tám người lãnh đạo ở thời điểm trước khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà: Nữ hoàng, vợ chồng Thái tử Charles (nay là Vua Charles III), vợ chồng Hoàng tử William, Công chúa Anne và vợ chồng Hoàng tử Edward. Việc Hoàng tử Andrew, vốn nổi tiếng là đứa con được Nữ hoàng yêu quý nhất, sau vụ bê bối vì dính líu tới tỷ phú ấu dâm Jeffrey Epstein, không còn vai trò gì trong công ty, cũng như bị cắt hết mọi chức vụ danh dự và vai trò bảo trợ, không còn xuất hiện trước công chúng trong những sự kiện chính thức, ngay cả ở Đại lễ Bạch Kim mừng 70 năm trị vì của Nữ hoàng, cũng được xem là một hành động khôn ngoan của Hoàng gia Anh để xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng.

Cung điện Buckingham (ảnh: Rob Stothard/Getty Images)

Mặt khác, việc tồn tại của một hoàng gia với những nghi lễ mang tính truyền thống, cổ xưa, cùng với dòng máu quý tộc, điều trở nên hiếm hoi trong thời đại ngày nay đã trở nên hết sức thu hút công chúng không chỉ riêng ở Anh mà còn là trên toàn thế giới. Hoàng gia Anh ngày nay đã làm rất tốt vai trò biểu tượng của họ và trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Anh. Nhiều người đi du lịch Anh và ước tính trong số đó có đến 70% là đến Anh để tham quan các lâu đài của Hoàng gia và các công trình lịch sử.

Nữ hoàng Elizabeth II trong chương trình khai mạc Olympic 2012 (ảnh: Cameron Spencer/Getty Images)

Năm 2012 khi Thế vận hội Olympic diễn ra ở London, tuy không bằng Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, cũng không bằng Olympic 2004 ở Athens, nhưng lại ghi dấu ấn đặc biệt. Lễ khai mạc Olympic 2008 ở Trung Quốc là sự phô trương thái quá của một đất nước đang tập tành làm… đế quốc thời đại mới. Lễ khai mạc Olympic 2004 Hy Lạp thì lại làm nhiều người xúc động vì thấy được những giá trị vĩnh hằng làm nền tảng cho văn hóa châu Âu. Còn Lễ khai mạc Olympic 2012 rất Anh. Rất văn chương và rất điện ảnh.

Nước Anh đã trình diễn hết những… “vốn tự có” của họ, từ lịch sử, âm nhạc, văn học, điện ảnh… và món đặc sản to bự là Nữ hoàng Anh lồng ghép trong một đặc sản to bự khác là điệp viên 007. Bản thân Nữ hoàng Anh cũng trở thành diễn viên trong Lễ khai mạc này. Cùng với những chiến lược truyền thông khôn ngoan khiến cho người thừa kế tiếp theo nhà vua Charles III là Hoàng tử William với người vợ là công nương Kate trở nên nổi bật và được lòng của đa số dân chúng, và sự thay đổi thu hẹp hoàng gia cho phù hợp với thời đại mới, thì có thể cho rằng nền quân chủ lập hiến của Anh còn tồn tại lâu dài bởi đây là sự tồn tại có lợi cho đất nước Anh.

________

-Khi “Cầu London được hạ xuống”

-Nhìn lại vương triều của Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: