Nhìn lại vương triều của Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị

Share:
Nữ hoàng Elizabeth II (1926-2022) trong một chuyến đi kinh lý ở phía Bắc nước Anh nhân kỷ niệm 60 năm trị vì, năm 2012. Ảnh Arthur Edwards – WPA Pool /Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Nhìn lại vương triều của Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị
/

Nữ hoàng Elizabeth II, nữ hoàng trị vì lâu nhất và là tảng đá vững chắc nâng đỡ nước Anh suốt một thế kỷ đầy biến động, đã băng hà hôm thứ Năm 8 Tháng Chín 2022 sau 70 năm trên ngai vàng, hưởng thọ 96 tuổi.

Nữ hoàng Elizabeth II: 1926-2022

Hoàng gia Anh thông báo Nữ hoàng qua đời tại lâu đài Balmoral, nơi ở mùa hè của bà ở Scotland; các thành viên của hoàng tộc đã tề tựu đông đủ bên bà sau khi sức khỏe của bà trở nên tồi tệ trong vài ngày gần đây, theo tin của hãng AP.

Con trai bà, Thái tử Charles, 73 tuổi, nghiễm nhiên trở thành vua nước Anh, lễ đăng quang có thể chỉ diễn ra sau vài tháng nữa nhưng quyết định nối ngôi của Thái tử Charles sẽ được công bố vào Thứ Sáu 9 Tháng Chín 2022. Vẫn chưa biết liệu ông sẽ lấy hiệu Vua Charles III hay một cái tên khác.

Đài BBC đã phát bài quốc ca “Chúa phù hộ Nữ hoàng” và lá cờ trên Cung điện Buckingham được hạ xuống giữa cột khi thời đại Elizabeth Đệ Nhị kết thúc.

Tin tức Nữ hoàng Elizabeth II từ trần tại London ngày 8 Tháng Tám 2022 (ảnh: Tristan Fewings/Getty Images)
Vòng hoa chia buồn trước sự ra đi của Nữ hoàng bên ngoài Điện Buckingham (ảnh: Victoria Jones/PA Images via Getty Images)

Thế giới chia buồn

Tác động của sự mất mát do sự ra đi của bà sẽ rất lớn và không thể đoán trước, đối với cả quốc gia và chế độ quân chủ, một thể chế mà bà đã giúp ổn định và hiện đại hóa trong nhiều thập niên biến động xã hội và các vụ bê bối gia đình.

Trong một tuyên bố, Thái tử Charles gọi cái chết của mẹ mình là “khoảnh khắc đau buồn nhất của tôi và tất cả các thành viên trong gia đình tôi. Tôi biết sự mất mát này sẽ được cảm nhận sâu sắc trên khắp Vương quốc và Khối Thịnh vượng Chung, và ở vô số người trên khắp thế giới.”

Các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn và bày tỏ lòng kính trọng tới Nữ hoàng.

Tại Canada, nơi Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Justin Trudeau đã chào “trí tuệ, lòng trắc ẩn và sự ấm áp” của bà. Tại Ấn Độ, từng được coi là “viên ngọc quý trên vương miện” của đế chế Anh, Thủ tướng Narendra Modi đã viết tweet: “Nữ hoàng đã đem lại khả năng lãnh đạo đầy cảm hứng cho quốc gia và người dân của mình. Bà ấy là hiện thân của phẩm giá và sự chỉn chu trong cuộc sống công cộng. Tôi đau đớn trước sự ra đi của bà ấy. “

Thủ tướng Anh Liz Truss, được Nữ hoàng bổ nhiệm chỉ mới 48 giờ trước, gọi Nữ hoàng Elizabeth là “tảng đá mà nước Anh hiện đại được xây dựng trên đó.”

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden đã hủy buổi nói chuyện đã lên kế hoạch; Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho treo cờ rủ trên đồi Capitol để bày tỏ lòng tôn kính Nữ hoàng.

Getty Images

Đường đến ngai vàng

Cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu bằng những dấu ấn của chiến tranh.  Nữ hoàng có tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary Windsor, sinh ngày 21 Tháng Tư năm 1926 tại London, là con đầu lòng của Công tước và Nữ công tước xứ York. Bà không được sinh ra để trở thành nữ hoàng – bác của bà, Thái tử Edward – mới là người được trao vương miện, và ngai vàng sẽ được truyền cho những người con của ông bác.

Nhưng vào năm 1936, khi bà lên 10 tuổi, Vua Edward VIII thoái vị để kết hôn với Wallis Simpson, một phụ nữ Mỹ đã hai lần ly hôn. Từ đó cha của bà Elizabeth trở thành Vua George VI.

Năm 1939, Thế Chiến thứ Hai nổ ra, nước Anh tham chiến chống Đức Quốc xã. Trong khi nhà vua và hoàng hậu ở lại Cung điện Buckingham thì bà Elizabeth và em gái Margaret đã dành phần lớn thời gian sống tại lâu đài Windsor, phía tây thủ đô, và đã phải trải qua nhiều đêm trong một hầm trú ẩn dưới lòng đất.

Khi là Công chúa Elizabeth, năm 14 tuổi lần đầu tiên bà lên sóng phát thanh quốc gia, đọc một bài diễn văn xúc động gửi một thông điệp thời chiến tới người dân Anh và những trẻ em đang đi tản cư.

Năm 1945, sau thời gian dài vận động, bà được đức vua cho phép tham gia cuộc chiến; bà hăng hái học lái xe và trở thành tài xế lái xe tải hạng nặng cho quân đội. Vào đêm chiến tranh kết thúc ở châu Âu, ngày 8 Tháng Năm 1945, bà và em gái Margaret giả trang để nhập vào đám đông ăn mừng chiến thắng ở London, để được “cuốn vào làn sóng hạnh phúc”, như bà nói với đài BBC nhiều thập niên sau đó, và cho rằng đó là “một trong những đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi.”

Lễ cưới của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip năm 1947 tại Tu viện Westminster. Ảnh Hulton-Deutsch Collection/CORBIS/Corbis via Getty Images)

Tại Tu viện Westminster vào Tháng Mười Một năm 1947, bà kết hôn với sĩ quan Hải quân Hoàng gia Philip Mountbatten, một hoàng tử của Hy Lạp và Đan Mạch, mà bà gặp lần đầu tiên vào năm 1939 khi bà 13 tuổi và ông 18 tuổi. Nước Anh thời hậu chiến đang trải qua thời kỳ thắt lưng buộc bụng để tái thiết, vì vậy trang trí đường phố bị hạn chế và không có ngày lễ nào được tổ chức. 

Hai vợ chồng bà sống một thời gian ở Malta, nơi ông Philip đóng quân, và Công chúa Elizabeth có một cuộc sống gần như thường dân với tư cách là vợ của một người lính thủy. Hai ông bà sinh được bốn người con; con cả là Thái tử Charles, sinh ngày 14 Tháng Mười Một năm 1948; tiếp theo là Công chúa Anne sinh ngày 15 Tháng Tám năm 1950, Thái tử Andrew sinh ngày 19 Tháng Hai năm 1960 và Thái tử Edward sinh ngày 10 Tháng Ba năm 1964.

Tháng Hai năm 1952 Vua George VI qua đời trong giấc ngủ ở tuổi 56 sau nhiều năm ốm yếu. Công chúa Elizabeth, khi ấy đang trong một chuyến thăm đến Kenya ở Châu Phi, được thông báo rằng bà bây giờ đã là nữ hoàng. Thư ký riêng của bà, cô Martin Charteris, nhớ lại cô đã thấy vị nữ hoàng mới ngồi tại bàn làm việc, “ngồi thẳng, không có nước mắt, bình thản chấp nhận số phận của mình.”

“Theo một cách nào đó, tôi không được học việc,” Nữ hoàng Elizabeth nói trong một bộ phim tài liệu của BBC năm 1992. “Cha tôi qua đời khi còn quá trẻ, và vì vậy [tôi phải lên ngôi] rất đột ngột, và cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất có thể.” 

Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị diễn ra hơn một năm sau đó là một cảnh tượng hoành tráng tại Tu viện Westminster được hàng triệu người theo dõi qua máy truyền hình lúc đó vẫn còn rất mới mẻ.

Không phải ai cũng hoan nghênh cuộc nối ngôi của cô công chúa 27 tuổi. Phản ứng đầu tiên của Thủ tướng Anh Winston Churchill là phàn nàn rằng tân nữ hoàng “chỉ là một đứa trẻ”, nhưng chỉ sau vài tuần ông đã bị thu phục và cuối cùng trở thành một người hâm mộ nhiệt thành của Nữ hoàng.

(ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Lời hứa bảy mươi năm

Kể từ ngày 6 Tháng Hai năm 1952, Nữ hoàng Elizabeth trị vì một Vương quốc Anh đổ nát đang được tái thiết sau chiến tranh thế giới, bị mất đi nhiều thuộc địa trong một đế chế có thời “mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”; gia nhập Liên minh Châu Âu và sau đó rời bỏ nó; và chuyển đổi từ một cường quốc công nghiệp sang một xã hội thế kỷ 21 đầy bất ổn. 

Trong 70 năm tại vị, Nữ hoàng đã trải qua 15 đời thủ tướng, từ Winston Churchill đến Liz Truss, đã trở thành một biểu tượng của quốc gia ngay cả với những người phớt lờ hoặc ghét chế độ quân chủ. Khi bà Elizabeth 21 tuổi, gần năm năm trước khi trở thành nữ hoàng, bà đã hứa với người dân Anh và Khối Thịnh vượng Chung rằng “cả cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ cống hiến hết mình cho sự phục vụ quý vị”. Đó là một lời hứa mà bà đã giữ trong hơn bảy thập kỷ.

Trong chế độ quân chủ lập hiến của Anh, nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia nhưng có rất ít quyền lực trực tiếp. Nữ hoàng có một quyền tối cao là bổ nhiệm thủ tướng chính phủ – hai ngày trước khi qua đời Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã kịp bổ nhiệm bà Liz Truss, chính trị gia 47 tuổi của đảng Bảo Thủ làm tân Thủ tướng Anh quốc và chấp nhận đơn xin từ chức của cựu Thủ tướng Boris Johnson. Nhưng quyền bổ nhiệm đó chỉ mang tính tượng trưng theo thủ tục; thủ tướng phải là người đã được đảng cầm quyền (chiếm đa số trong Quốc hội) suy cử. Ngoài những công việc có tính chất nghi lễ, các hành động chính thức của Nữ hoàng đều do chính phủ quyết định và sắp xếp. Tuy nhiên, không phải là Nữ hoàng không có ảnh hưởng. 

Nữ hoàng có nghĩa vụ gặp gỡ hàng tuần với thủ tướng để trao đổi các vấn đề quốc gia đại sự. Các nhà lãnh đạo chính phủ Anh nhận xét rằng Nữ hoàng Elizabeth II là người luôn muốn biết đầy đủ thông tin, ham học hỏi và cập nhật tình hình. Một ngoại lệ có thể có là nữ Thủ tướng Margaret Thatcher, mà mối quan hệ với Nữ hoàng được cho là lạnh nhạt, nếu không nói là băng giá, dù cả hai người đều không nói ra chuyện đó.

Nữ hoàng Elizabeth II (giữa) chụp ảnh lưu niệm với các vị hoàng đế, nữ hoàng và thái tử đại diện các hoàng gia đang trị vì trên thế giới đến dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày đăng quang của bà, Tháng Năm 2012. Ảnh John Stillwell – WPA Pool/Getty Images

Bất chấp mối quan hệ phức tạp và thường xuyên căng thẳng giữa Anh quốc với các thuộc địa cũ của mình, Nữ hoàng Elizabeth vẫn được kính trọng rộng rãi và về danh nghĩa vẫn là nguyên thủ của hơn một chục quốc gia, từ Canada đến đảo quốc Tuvalu. Bà đứng đầu Khối Thịnh vượng Chung (Commonwealth) gồm 54 quốc gia, hình thành từ các thuộc địa của đế chế Anh, trong đó Vương quốc Anh là trung tâm.

Vào những năm cuối đời, vì tuổi cao sức yếu Nữ hoàng ít xuất hiện trước công chúng. Nhưng bà vẫn kiểm soát chế độ quân chủ và là trung tâm của đời sống quốc gia. Tháng Sáu năm 2022, cả nước Anh và khối Thịnh vượng Chung đã tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày đăng quang của nữ hoàng với lễ hội, tiệc tùng kéo dài nhiều ngày ở khắp cả nước.

Với 70 năm cầm quyền liên tục, bà là nữ hoàng trị vì lâu thứ hai trong lịch sử, chỉ kém Vua Louis XIV của Pháp thế kỷ 17, người đã lên ngôi năm mới bốn tuổi. Trải qua vô số biến cố, có lẽ Nữ hoàng là người đã gặp được nhiều nguyên thủ quốc gia hơn bất kỳ ai trong lịch sử. Hình ảnh của bà, in trên tem thư, tiền xu và tiền giấy, là một trong những hình ảnh được phổ biến rộng rãi nhất thế giới.

Nỗi buồn hoàng gia

Ngoài việc quốc gia, Nữ hoàng còn là người đứng đầu hoàng tộc và hoàng gia Anh. Những vụ lùm xùm liên tiếp của các thành viên hoàng gia đã bao lần khiến bà phải lao tâm khổ tứ. Cuộc sống nội tâm và quan điểm của bà vẫn còn là một bí ẩn vì công chúng ít khi được nhìn thấy. 

Hoàng tế Philip qua đời vào năm 2021 ở tuổi 99 sau 73 năm chung sống, đã để lại cho bà một khoảng trống rất lớn, và sức khỏe của bà sụt giảm nhanh chóng sau ngày để tang chồng. Hình ảnh bà ngồi một mình trong đám tang trong nhà nguyện ở Lâu đài Windsor mà không được đến gần cỗ quan tài vì những hạn chế y tế để phòng dịch COVID đã khiến cả nước Anh xúc động. Hiện bà còn bốn người con, tám người cháu và 12 người chắt.

Gia đình quyền lực nhất của Vương quốc Anh năm 1972. Từ trái sang phải: Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew, Hoàng thân Philip, Nữ hoàng Elizabeth, Hoàng tử Edward và Hoàng tử Charles. Ảnh Fox Photos/Hulton Archive/Getty Images

Ở trên đã nói tới sự kiện bác ruột của bà, Vua Edward VIII từ bỏ ngai vàng để kết hôn với Wallis Simpson, một phụ nữ Mỹ đã hai lần ly hôn, gây một chấn động lớn trong hoàng tộc. Trong những năm đầu tiên của vương triều Elizabeth Đệ Nhị, em gái của bà là Công chúa Margaret đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn do việc cô có chuyện tình cảm với một người đàn ông đã ly hôn.

Năm 1992 là thời kỳ mà Nữ hoàng gọi là “annus horribilis” (năm khủng khiếp). Con gái của bà, Công chúa Anne, ly hôn; Thái tử Charles và Công nương Diana ly thân, còn Hoàng tử Andrew và vợ, Sarah cũng vậy. Đó cũng là năm lâu đài Windsor, nơi ở mà bà thích hơn Cung điện Buckingham, bị hỏa hoạn làm hư hại nghiêm trọng.

Trong thời đại công nghệ thông tin, những vụ lùm xùm về tình ái của các thành viên hoàng gia đã nhanh chóng bị phơi bày lên báo chí toàn thế giới, được thêm mắm thêm muối thành phim truyện như các bộ phim truyền hình “The Crown” (Vương miện) hay vở kịch “The Audience” (Khán giả) gây cho Nữ hoàng không ít nỗi khổ tâm. 

Cuộc chia tay ồn ào, công khai của Thái tử Charles và Công nương Diana, tiếp theo là cái chết bi thảm của Diana trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris năm 1997 gây chấn động dữ dội. Giữa sự thương tiếc công khai chưa từng có, sự kiện Nữ hoàng Elizabeth II không thể hiện nỗi đau buồn trước công chúng khiến nhiều người không cảm thấy hài lòng. Sau nhiều ngày, bà mới có một bài phát biểu trên truyền hình với quốc gia về cái chết của vị công nương được cả thế giới mến mộ.

Và những rắc rối trong hoàng gia tiếp tục xảy ra, tiếp tục bị báo chí chĩa ống kính máy quay phim vào. Con trai của bà, Hoàng tử Andrew vướng vào câu chuyện tồi tệ của mạng lưới buôn bán tình dục trẻ vị thành niên do Jeffrey Epstein, một doanh nhân người Mỹ từng là bạn của Andrew cầm đầu. Ông Andrew phủ nhận cáo buộc rằng ông ta đã quan hệ tình dục với một trong những phụ nữ nói rằng cô đã bị Epstein lừa bán. Epstein đã chết trong tù nên lời của Andrew không có ai chứng thực được.

Hoàng tử Harry, cháu trai của nữ hoàng đã từ bỏ nước Anh và các nghĩa vụ hoàng gia sau khi kết hôn với nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle năm 2018. Trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông Harry nói rằng một số người trong hoàng gia – không phải nữ hoàng – đã lạnh nhạt với vợ ông, một thường dân không môn đăng hộ đối.

Mặc dù là một trong những người giàu nhất thế giới, Elizabeth nổi tiếng về sự cần kiệm và ý thức chung. Bà được biết đến như một vị vua luôn tắt đèn trong các phòng trống để tiết kiệm điện.

(Ảnh: Rob Griffith-Pool/Getty Images)

Quyền lực mềm của nước Anh

Trong Lễ kỷ niệm Vàng, kỷ niệm 50 trị vì của bà vào năm 2002, Nữ hoàng Elizabeth II nói rằng đất nước có thể “nhìn lại với niềm tự hào về lịch sử 50 năm qua”. “Đó là 50 năm ấn tượng theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Đã có những thăng trầm, nhưng ai cũng còn nhớ mọi thứ đã như thế nào sau sáu năm dài chiến tranh đó đều đánh giá cao những thay đổi to lớn đã đạt được kể từ ngày ấy,” bà nói.

Ở tuổi 90 Nữ hoàng vẫn là một biểu tượng của nước Anh trên thế giới – một dạng quyền lực mềm, luôn được tôn trọng, bất kể các nhà lãnh đạo chính trị đi theo khuynh hướng nào. Gần đây do sức khỏe, bà vẫn tiếp tục làm việc nhưng đã chuyển cho Thái tử Charles và con trai lớn của ông, Hoàng tử William, đảm nhận các chuyến thăm, dự những buổi lễ có tính chất nghi thức, vốn là một phần các nhiệm vụ của hoàng gia.

Nữ hoàng Elizabeth II tiếp Tổng thống Joe Biden tại Lâu đài Windsor hôm 13 Tháng Sáu 2021 khi ông Biden sang Anh dự hội nghị thượng đỉnh G7 do Anh tổ chức. Ảnh Steve Parsons – WPA Pool/Getty Images

Bà vẫn tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tuyến với các nhà ngoại giao và chính trị gia từ lâu đài Windsor, nhưng gần đây những lần xuất hiện trước công chúng của Nữ hoàng ngày càng hiếm. Trong khi đó, bà đã có những bước chuẩn bị cho quá trình chuyển giao thế hệ sắp tới. Hồi Tháng Hai, Nữ hoàng tuyên bố rằng bà muốn phu nhân của Thái tử Charles là bà Camilla được phong làm “Hoàng hậu” khi con trai bà trở thành vua “trong thời kỳ sung mãn”. Ý muốn của Nữ hoàng đã xua tan nỗi hoài nghi về vai trò của một người phụ nữ bị dư luận đổ lỗi làm tan vỡ cuộc hôn nhân của Charles với Công nương Diana vào những năm 1990.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và Thủ tướng Anh Boris Johnson phải vào bệnh viện điều trị, một lần nữa Nữ hoàng lại đứng ra kêu gọi toàn dân đoàn kết, giống như bài diễn văn mà bà đọc trên sóng phát thanh khi bà còn là cô công chúa 14 tuổi, kêu gọi đoàn kết để chống phát-xít Đức trong một cuộc đại chiến khi ấy vừa bùng nổ.

Trong điện văn chia buồn với hoàng gia, chính phủ và người dân Anh, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị “đã định hình một thời đại”: “Trong một thế giới thường xuyên biến động, bà luôn hiện diện, là một nguồn tự hào và an ủi cho nhiều thế hệ người Anh. Bảy thập niên trị vì làm nên lịch sử của bà là bằng chứng cho một kỷ nguyên tiến bộ, cho cuộc hành quân về phía trước của phẩm giá con người.” Không có lời đánh giá nào trang trọng hơn về một cuộc đời gần một thế kỷ trị vì một trong những nền văn hóa quan trọng nhất thế giới.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: